Các quy định chung của pháp luật nhằm đảm bảo quyền con người trong hoạt động tố tụng

Một phần của tài liệu Đảm bảo quyền con người trong hoạt động xét xử hình sự của Toà án nhân dân (Trang 38 - 42)

Thực trạng pháp luật quy định về đảm bảo QCN trong TTHS;

Thực trạng pháp luật quy định về đảm bảo QCN trong tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính;

Thực trạng đảm bảo QCN trong hoạt động bổ trợ tư pháp.

Trong nội dung đề tài, tác giả tập trung nghiên cứu ở hai nội dung chủ yếu sau:

2.1.1. Các quy định chung của pháp luật nhằm đảm bảo quyền con người trong hoạt động tố tụng trong hoạt động tố tụng

Trong HĐTP, nhóm quyền này đề cập đến các quyền của tất cả những người có quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý cần được giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng tại Toà án, như các đương sự, bị can, bị cáo, bị hại… Vì vậy, nó trở thành nguyên tắc chung của hoạt động tố tụng, bao gồm:

- Quyền được sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong tố tụng

Trong tố tụng, tiếng nói, chữ viết là Tiếng Việt, nhưng đối với người tham gia tố tụng thuộc các dân tộc họ có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Nên khi có người tham gia tố tụng khi sử dụng tiếng Việt thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải cử người phiên dịch. Đây là các quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến Pháp (Quyền này được quy định tại Điều 24 Bộ luật tố tụng hình sự).

Quá trình tham gia tố tụng là quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của đương sự, bị hại, bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bị đơn dân sự, nguyên đơn dân sự (người tham gia tố tụng). Để thực hiện được đầy đủ, cụ thể và đúng đắn các quyền và nghĩa vụ của mình, những người tham gia tố tụng có quyền được giải thích về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ trong tố tụng. Đồng thời đây là trách nhiệm của cả cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Việc giải thích về quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo trong quá trình tiến hành tố tụng được quy định tại (Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự).

Tuỳ theo từng lĩnh vực tố tụng, tuỳ theo từng giai đoạn tham gia tố tụng, quyền được giải thích các vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của người tham gia tố tụng được những người tiến hành tố tụng thực hiện trong quá trình tiến hành tố tụng.

Trên cơ sở các quy định trên, những người tham gia tố tụng đã được giải thích về quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình để họ thực hiện đầy đủ, hiệu quả hơn các quyền và nghĩa vụ pháp lý khi tham gia vào các quan hệ tố tụng. Tuy vậy, các quyền này nhiều khi vẫn chưa được những người tiến hành tố tụng tôn trọng nên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền liên quan của những người tham gia tố tụng, nhất là việc giải thích các quyền có liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ phải thực hiện của người tiến hành tố tụng.

- Quyền được xem và yêu cầu sửa đổi bổ sung vào biên bản phiên toà.

Biên bản phiên toà là văn bản ghi lại toàn bộ quá trình diễn biến của phiên toà theo đúng trình tự, thủ tục do luật định, bao gồm, thủ tục bắt đầu phiên toà, nội dung buổi thẩm vấn, tranh luận tại phiên toà và nội dung bản án đã tuyên. Đó là cơ sở để xác định nội dung phán quyết của Toà án về quyền và nghĩa vụ pháp lý của những người có quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan trong vụ án.

Để xác định lại quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền được xem biên bản phiên toà, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản làm cơ sở cho việc kháng cáo và giải quyết nội dung kháng cáo nếu có. Quyền này được quy định tại khoản 4 Điều 200 của Bộ luật tố tụng hình sự).

Tuy vậy, thực tế cho thấy hầu hết các Toà án đều chỉ đọc quyền này cho những người tham gia tố tụng nghe nhưng rất ít Toà án giải thích quyền này cho người tham gia tố tụng hiểu nên hầu hết các vụ án những người tham gia tố tụng không thực hiện quyền này, kể cả trường hợp họ không đồng tình với diễn biến tại phiên toà cũng như bản án đã tuyên. Đặc biệt là các vụ án hình sự mà bị cáo bị tạm giam.

- Quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch.

Người tiến hành tố tụng là người tiến hành các hoạt động điều tra truy tố, xét xử để phán quyết các vấn đề về quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến vụ án. Trong tố tụng, hoạt động của họ mang tính quyền lực nhà nước. Còn người giám định, người phiên dịch là người sử dụng nghề nghiệp chuyên môn của mình để thực hiện các sự việc liên quan đến vụ án theo yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng. Tất cả các kết luận của những người trên trong hoạt động tố tụng đều ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng. Vì vậy, khi xác định có người tiến hành tố tụng, người giám định hay người phiên dịch nào thiếu khách quan, trung thực ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình, bị can, bị cáo, người bị hại, các bên đương sự đều có quyền yêu cầu thay đổi họ trong hoạt động tố tụng kể từ gia đoạn điều tra đến khi xét xử tại Toà án. Quyền này được quy định tại Điều 49, Điều 50, Điều 51, điều 52, Điều 53, Điều 54 Bộ luật tố tụng hình sự.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện quyền này của người tham gia tố tụng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là bị can, bị cáo đang bị tạm giam vì hầu hết những người giám định đều không được triệu tập ra toà, còn để chứng minh được những hành vi không khách quan, vô tư…đó là một việc rất khó đối với những người tham gia tố tụng. Hơn nữa, khi đang có quyền và nghĩa vụ chưa được giải quyết hầu hết những người tham gia tố tụng ngại va chạm đến người tiến hành tố tụng.

- Quyền tham gia phiên toà và tranh luận tại phiên toà

Xét xử là việc Toà án thông qua phiên toà để trực tiếp thẩm tra một cách công khai trực tiếp, khách quan toàn diện, đầy đủ các chứng cứ đã được thu thập nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án là cơ sở phán quyết đúng đắn các yêu cầu đặt ra trong vụ án.

Vì vậy, trong quá trình tiến hành tố tụng, xét xử là hoạt động quan trọng nhất, là nơi thể hiện tập trung nhất, cao nhất của quyền lực nhà nước.

Quyền tham gia phiên toà và tranh luận tại phiên toà là quyền đặc biệt quan trọng của các bên đương sự bị cáo. Tại đây họ sẽ trình bày được đầy đủ nhất những vấn đề liên quan đến vụ án, bày tỏ được ý chí, nguyện vọng chính đáng của mình trong việc bảo vệ quyền và đang bị tranh chấp. Đồng thời qua phiên toà họ nhận thức được đầy đủ nhất quyền và nghĩa vụ của mình, để từ đó nâng cao thêm ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật. Do vậy, sự tham gia phiên toà của các bên đương sự, bị cáo là yêu cầu bắt buộc và phiên toà sẽ bị hoãn nếu vắng mặt các bên đương sự, trừ các trường hợp khác do luật định.

Trong hoạt động tố tụng, quyền tham dự phiên toà và tranh luận tại phiên toà được quy định tại Điều 50, 51, 52, 53, 54 Bộ luật tố tụng hình sự.

Thực tế cho thấy, quyền được tham gia phiên toà gắn liền với quyền và nghĩa vụ pháp lý mà họ phải thực hiện khi tham gia tố tụng. Cho nên, đối với các trường hợp việc tham gia phiên toà vì có quyền lợi liên quan đến vụ án thì người tham gia tố tụng thường có ý thức tham gia đầy đủ, còn trong trường hợp việc tham gia phiên toà để thực hiện nghĩa vụ thì người tham gia tố tụng thường tìm cách trì hoãn, trốn tránh, chỉ đến khi việc trì hoãn trốn tránh không thể thực hiện được nữa thì họ mới thực hiện nghĩa vụ của mình.

- Quyền được cấp trích lục án, kháng cáo bản án, quyết định của Toà án.

Trích lục án là bản trích lược về nội dung bản án đã được xét xử, đó là căn cứ để người tham gia tố tụng biết được nội dung vụ án, các căn cứ pháp lý được Toà án áp dụng, quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan v.v….Còn quyền kháng cáo bản án là quyền của bị cáo, đương sự yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại phần nội dung bản án sơ thẩm mà họ thấy chưa thoả đáng. Đối với các vụ án hình sự mà bị cáo là người phạm tội theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự (người chưa thành niên và người bị nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần), thì ngoài quyền tự kháng cáo, họ còn được người bào chữa và người đại diện hợp pháp thực hiện quyền kháng cáo.

Bên cạnh các quyền trên, bị cáo, các bên đương sự còn có quyền được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị, được thay đổi nội dung kháng cáo, rút kháng cáo v.v..theo

quy định của pháp luật. Các quyền này được quy định tại Điều 50, 51,299, 236, 238 Bộ luật tố tụng hình sự.

Một phần của tài liệu Đảm bảo quyền con người trong hoạt động xét xử hình sự của Toà án nhân dân (Trang 38 - 42)