Các hình thức đào tạo nghề

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Trang 25 - 28)

Với đối tượng ĐTN đa dạng, có những điểm đặc thù, nên hình thức ĐTN cho lao động nông thôn cũng đa dạng. Từ thực tiễn ĐTN cho lao động nông thôn hiện nay, về cơ bản thường áp dụng một số hình thức chính sau đây:

- ĐTN chính quy:

Theo quy định của Luật dạy nghề, ĐTN chính quy được thực hiện với các chương trình sơ cấp nghề, TCN và CĐN tại các CSDN theo các khóa học tập trung và liên tục. Có thể hiểu ĐTN chính quy là loại hình đào tạo tập trung tại các TTDN, các trường nghề với quy mô đào tạo tương đối lớn, chủ yếu là đào tạo các công nhân kỹ thuật có trình độ lành nghề cao.

Việc đào tạo công nhân kỹ thuật thường chia làm hai giai đoạn: giai đoạn học tập cơ bản và giai đoạn học tập chuyên môn. Giai đoạn học tập cơ bản là giai đoạn ĐTN theo diện rộng, thường chiếm từ 70% đến 80% nội dung giảng dạy và tương đối ổn định. Còn trong giai đoạn học tập chuyên môn, người học được trang bị những kiến thức chuyên sâu và rèn luyện những kỹ năng, kỹ xảo để nắm vững nghề đã chọn. Ưu điểm cơ bản của hình thức đào tạo này là: Học

sinh được học một cách có hệ thống từ đơn giản đến phức tạp, từ lý thuyết đến thực hành, tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu kiến thức nhanh chóng và dễ dàng; đào tạo tương đối toàn diện.

Với hình thức đào tạo chính quy, sau khi đào tạo, học viên có thể chủ động, độc lập giải quyết công việc, có khả năng đảm nhận các công việc tương đối phức tạp, đòi hỏi trình độ lành nghề cao. Cùng với sự phát triển của sản xuất và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, hình thức đào tạo này ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật. Tuy nhiên, đào tạo chính quy cũng có nhược điểm là: thời gian đào tạo tương đối dài đòi hỏi phải đầu tư lớn để đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các CBQL.

- ĐTN tại nơi làm việc (đào tạo trong công việc):

ĐTN tại nơi làm việc là hình thức đào tạo trực tiếp, trong đó người học sẽ được dạy những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc thông qua thực tế thực hiện công việc và thường là dưới sự hướng dẫn của những người lao động có trình độ cao hơn. Hình thức đào tạo này thiên về thực hành ngay trong qúa trình sản xuất và thường là do các doanh nghiệp (hoặc các cá nhân sản xuất) tự tổ chức.

Chương trình đào tạo áp dụng cho hình thức đào tạo tại nơi làm việc thường chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, người hướng dẫn vừa sản xuất vừa hướng dẫn cho học viên. Giai đoạn hai, giao việc làm thử cho học viên sau khi họ đã nắm được các nguyên tắc và phương pháp làm việc. Giai đoạn ba, giao việc hoàn toàn cho học viên khi họ đã có thể tiến hành làm việc một cách độc lập.

Hình thức đào tạo tại nơi làm việc có nhiều ưu điểm như: có khả năng đào tạo nhiều người cùng một lúc ở tất cả các phân xưởng; thời gian đào tạo ngắn; không đòi hỏi điều kiện về trường lớp, giáo viên chuyên trách, bộ máy quản lý, thiết bị học tập riêng nên tiết kiệm chi phí đào tạo; trong quá trình học tập, người học còn được trực tiếp tham gia vào quá trình lao động, điều này giúp họ có thể

nắm chắc kỹ năng lao động. Nhược điểm cơ bản của đào tạo tại nơi làm việc là: Việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức không có tính hệ thống; người dạy không có nghiệp vụ sư phạm nên hạn chế trong quá trình hướng dẫn, việc tổ chức dạy lý thuyết gặp nhiều khó khăn nên kết quả học tập còn hạn chế; học viên không chỉ học những phương pháp tiên tiến mà còn có thể bắt chước cả những thói quen không tốt của người hướng dẫn. Vì vậy, hình thức đào tạo này chỉ phù hợp với những công việc đòi hỏi trình độ không cao.

- Tổ chức các lớp cạnh doanh nghiệp:

Đây là hình thức đào tạo theo chương trình gồm hai phần lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết được giảng tập trung do các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật phụ trách. Còn phần thực hành thì được tiến hành ở các xưởng thực tập do các kỹ sư hoặc công nhân lành nghề hướng dẫn. Hình thức đào tạo này chủ yếu áp dụng để đào tạo cho những nghề phức tạp, đòi hỏi có sự hiểu biết rộng về lý thuyết và độ thành thục cao.

Ưu điểm nổi bật của các lớp cạnh doanh nghiệp là: Dạy lý thuyết tương đối có hệ thống, đồng thời học viên lại được trực tiếp tham gia lao động ở các phân xưởng, tạo điều kiện cho họ nắm vững nghề; bộ máy đào tạo gọn, chi phí đào tạo không lớn. Tuy nhiên, hình thức đào tạo này chỉ áp dụng được ở những doanh nghiệp tương đối lớn và chỉ đào tạo cho các doanh nghiệp cùng ngành có tính chất giống nhau.

- ĐTN kết hợp tại trường và doanh nghiệp:

Hình thức ĐTN kết hợp tại trường và doanh nghiệp được áp dụng khá rộng rãi trên thế giới nhưng mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây và còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Có thể hiểu “ĐTN kết hợp tại trường và doanh nghiệp là hình thức đào tạo dựa trên hệ thống dạy và học có hai chỗ học, sự tích hợp chức năng của hai chỗ học tạo thành chức năng chung của hệ thống”.

ĐTN kết hợp tại trường và doanh nghiệp có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo điều kiện, quan điểm ở từng vùng, lãnh thổ và khu vực.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Trang 25 - 28)