Quan điểm và định hướng phát triển

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020 (Trang 63 - 67)

1. Quan điểm phát triển

Quan điểm chung

 CNTT phải trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin trong xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của tỉnh.

 Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực CNTT để đáp ứng các yêu cầu của Tỉnh đặc biệt là yêu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp CNTT.

 Phát triển CNTT theo cơ cấu, quy mô hợp lý, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đồng thời theo kịp khả năng và trình độ phát triển CNTT trong nước và khu vực.

 Coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng CNNT theo hướng hiện đại đáp ứng các yêu cầu phát triển ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh.

 Ứng dụng CNTT-TT là yếu tố có ý nghĩa chiến lược, làm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả quản lý, tạo giá trị gia tăng trong phát triển. Ứng dụng CNTT-TT phải gắn với quá trình đổi mới phương thức quản lý: cải cách hành chính và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong hệ thống quản lý.

 Phát triển Công nghiệp CNTT theo thứ tự ưu tiên: công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung.

 Phát triển và ứng dụng CNTT phải gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

CNTT-TT phải trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội

Tham khảo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy tác động của CNTT đối với tăng trưởng kinh tế:

 Tăng 10 điện thoại di động trên 100 người dân sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 0,6%

 Tăng trưởng 1% số người sử dụng Internet sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng 4,3%.

Bình Dương là tỉnh công nghiệp với 27 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp đang và sẽ hoạt động. CNTT-TT phải là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương, bởi vì:

 CNTT-TT đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực, đặc biệt trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ, thâm nhập vào mọi địa bàn kể cả nông nghiệp, nông thôn. Nếu tỉnh không chú trọng phát triển CNTT-TT thì không thể hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế xã hội của tỉnh, không thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá tỉnh Bình Dương.

 Trong bối cảnh quốc gia đang xây dựng Chính phủ điện tử, tỉnh Bình Dương phải thực hiện chính quyền điện tử với nền hành chính điện tử để hoà nhập chung với cả nước.

Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT

Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông là hạ tầng kinh tế xã hội được ưu tiên phát triển, bảo đảm công nghệ hiện đại, quản lý và khai thác hiệu quả, nhằm đáp ứng các nhu cầu của ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh. Nếu không có cơ sở hạ tầng phù hợp thì mọi ứng dụng đều sẽ bị hạn chế. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phải được phân kỳ hợp lý, xác định mối quan hệ trước sau (ưu tiên), mối quan hệ chi phối và phụ thuộc giữa các CSDL và phương thức, chuẩn mực trao đổi dữ liệu.

Phát triển nguồn nhân lực CNTT

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố có ý nghĩa quyết định trong việc ứng dụng và phát triển CNTT; ứng dụng CNTT phải nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thể hiện cụ thể trong hoạt động của các ngành, các cấp và toàn xã hội. Đào tạo nguồn nhân lực phải đi trước một bước, nếu không có con người đủ trình độ thì chất lượng các ứng dụng sẽ đạt kết quả thấp, thậm chí không hiệu quả.

Công nghiệp CNTT (bao gồm công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung và dịch vụ CNTT) là ngành kinh tế được ưu tiên, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực cùng phát triển. Khai thác triệt để các lợi thế, đặc biệt là thế mạnh về tiềm năng về một nguồn nhân lực dồi dào, thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp CNTT một cách có hiệu quả.

Ứng dụng CNTT

CNTT-TT là công cụ quan trọng hàng đầu góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ứng dụng CNTT-TT là yếu tố có ý nghĩa chiến lược, làm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả quản lý, tạo giá trị gia tăng trong phát triển. Ứng dụng CNTT-TT phải gắn với quá trình đổi mới và bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, được lồng ghép trong các hoạt động chính trị, quản lý, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học công nghệ và an ninh quốc phòng. Người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các hoạt động trong địa phương, đơn vị. Do vậy, sự chuyển biến cả trong nhận thức và hành động thực tế phải bắt đầu từ người đứng đầu.

Ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính và áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong hệ thống quản lý

Một trong những ứng dụng CNTT chủ yếu là xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành tác nghiệp của chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện xã, để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Chính quyền điện tử phải gắn với nền hành chính điện tử tức là ứng dụng CNTT phải gắn với cải cách hành chính, trước hết là đơn giản hoá các thủ tục hành chính.

Chính phủ đã đề ra Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch này là xây dựng và tổ chức thực hiện “Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước”. Qua nghiên cứu kinh nghiệm cải cách hành chính thế giới cho thấy, đơn giản hoá thủ tục hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hiện đại hoá hành chính của chính phủ các nước phát triển. Đưa ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính đòi hỏi phải ban hành qui chế chia sẻ thông tin số giữa các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi tối đa trong trao đổi, khai thác thông tin.

Ngày 13/10/2006, UBND tỉnh đã có quyết định số 4635/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương”. Vì vậy, việc đưa ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan nhà nước phải gắn với cải cách hành chính và áp dụng tiêu chuẩn ISO trong quản lý.

Phát triển và ứng dụng CNTT gắn với định hướng phát triển Bình Dương trở thành thành phố loại 1

Là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trọng trách của Bình Dương. Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 05/06/2007, phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020" và định hướng đến năm 2020, Bình Dương trở thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương, là một vinh dự to lớn cho tỉnh, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao cho mọi hoạt động của tỉnh, trong đó có quy hoạch phát triển và ứng dụng CNTT.

 Yêu cầu phát triển và ứng dụng CNTT của đô thị loại 1 cao hơn rất nhiều so với tỉnh thành bình thường, phải ngang hàng với các thành phố lớn như Hà Nội, tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng và so sánh được với các thành phố khác trong khu vực như Băng cốc, Gia-các-ta, Ma-ni-la, Ku-a-la-lăm-pơ...

 Việc cải cách hành chính và triển khai chính quyền điện tử tại tỉnh Bình Dương phải thực hiện với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao hơn, mới có thể đạt mục tiêu xây dựng Bình Dương thành một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và toàn diện.

 Các mặt hạ tầng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt là Công nghiệp CNTT và ứng dụng thương mại điện tử đều phải phát triển đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá của một thành phố công nghiệp lớn.

Phát triển và ứng dụng CNTT gắn với việc từng bước hình thành xã hội thông tin

Xã hội thông tin đòi hỏi phát triển đồng bộ: chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử, thương mại điện tử, trường học điện tử, bệnh viện điện tử, công dân điện tử. Như vậy đòi hỏi từ cán bộ đến người dân phải có thói quen, nhu cầu và có năng lực ứng dụng CNTT. Vì vậy để tiến tới hình thành và xây dựng xã hội thông tin ở Bình Dương phải xây dựng quy hoạch phát triển CNTT của Bình Dương trên quan điểm gắn với việc từng bước hình thành xã hội thông tin.

2. Định hướng phát triển

 Ứng dụng CNTT-TT trong mọi lĩnh vực, khai thác có hiệu quả thông tin và tri thức trong tất cả các ngành. Xây dựng và phát triển Bình Dương điện tử với công dân điện tử, chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử để Bình Dương đạt trình độ khá của Việt Nam. Hình thành xã hội thông tin.

 Công nghiệp CNTT-TT có tốc độ tăng trưởng trên 20%/ năm, đạt tổng doanh thu khoảng 1 tỷ USD năm 2010.

 Cơ sở hạ tầng CNTT-TT phát triển mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin trong tỉnh và với Trung ương. Mật độ điện thoại năm 2010 đạt trên 105 máy/ 100 dân.

 Đào tạo về CNTT-TT ở các trường đại học và các cơ sở đào tạo trong tỉnh đạt chất lượng cao trong cả nước. Đảm bảo 80% sinh viên, học viên CNTT-TT tốt nghiệp ở các trường đại học và cơ sở đào tạo trong tỉnh đủ khả năng chuyên môn để làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh. 40% sinh viên có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia các trung tâm phần mềm và thị trưòng lao động trong nước và quốc tế.

Tầm nhìn 2020: Với CNTT-TT làm nòng cốt, Bình Dương chuyển đổi nhanh chóng cơ cấu kinh tế - xã hội trở thành một thành phố có trình độ tiên tiến về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của tỉnh.

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020 (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(141 trang)
w