1. Lý do chọn đề tài
3.2.2. Giải pháp về đầu tư
Trong hệ thống các giải pháp tác động đến sự phát triển nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghịêp thì giải pháp đầu tư là một giải pháp có vai trò quan trọng đặc biệt. Quan điểm kinh tế học hiện nay, coi đầu tư là chìa khóa trong chiến lược và kế hoạch phát triển đã được cụ thể hóa trong mối tương quan giữa tăng trưởng vốn đầu tư và GDP. Muốn giữ được tăng trưởng GDP của tỉnh là 12%, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp là > 5% thì đầu tư mức tối thiểu phải đạt 15% GDP, trong một số trường hợp phải đạt 25% GDP. Không có đầu tư thỏa đáng thì sẽ không có tăng trưởng, ở đây có sự tác động theo chu kỳ: Tăng đầu tư tăng việc làm tăng thu nhập tăng sức mua tăng đầu ra cho sản phẩm. Giải pháp đầu tư được hình thành trên cơ sở mối quan hệ giữa đầu tư và phát triển cũng như yêu cầu cụ thể của từng tỉnh, từng tiểu vùng [5].
Hưng Yên là một tỉnh nông nghiệp thuần nông, trong những năm qua nông nghiệp ở Hưng Yên chuyển dịch chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do đầu tư thấp, chưa hợp lý. Để thúc đẩy nhanh quá trình CDCCKT theo hướng sản xuất hàng hóa cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cần kết
hợp giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Theo tài liệu “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Hưng Yên đến 2010 và định hướng phát triển đến 2020” cho rằng nguồn vốn đầu tư khoảng gần 3,3 tỷ USD. Trong đó, nông nghiệp giai đoạn 2001- 2010 là 248 ngàn USD, riêng giai đoạn 2001- 2010 phải đầu tư cho thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp - nông thôn số kinh phí là 2.300 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 240 tỷ đồng, trong đó có 725 tỷ đồng dành cho phát triển sản xuất những nông sản hàng hóa chủ yếu, 31,4 tỷ đồng đầu tư tăng cường năng lực dịch vụ kỹ thuật, 1.559,2 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn [35]. Trong thời gian tới nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng phát triển, mở rộng cánh đồng cho thu nhập cao và hộ nông dân có thu nhập cao được đặt ra như sau:
Biểu: Tổng hợp nhu cầu vốn Đơn vị tính: Triệu đồng Hạng mục 2004- 2005 2004 2005 2006- 2010
1. Vật tư, trang thiết bị kỹ thuật 31.900 7.370 24.530 94.000
2. Đào tạo, tập huấn kỹ thuật, thuê chuyên gia 420 220 200 720
3. Đăng ký thương hiệu, phát triển thị trường 100 60 40 280
4. Xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật 22.090 6.240 15.850 29.540
5. Quản lý phí và chi khác 3.290 850 2.440 7.660
Tổng số 57.800 14.740 43.060 132.200
Việc huy động vốn cho sự CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nói chung và CD CCKT nông nghiệp nói riêng dựa vào nguồn nội lực là chủ yếu với sự tham gia đóng góp của nhân dân.
Thứ nhất, Phát huy cao độ nội lực đã đổi mới, tranh thủ nguồn đầu tư có trọng điểm và đồng bộ [45, tr.44].
- Đẩy mạnh cuộc vận động thực hành tiết kiệm, tích lũy nội bộ trong sản xuất và tiêu dùng ở các doang nghiệp và các thành phần kinh tế khác, khuyến khích mọi người thực hiện mua kỳ phiếu trái phiếu và mở tài khoản cá nhân. Dành nguồn vốn, tích lũy đầu tư cho sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn khoảng 967,4 tỷ đồng chiếm 41,3% tổng nhu cầu vốn đầu tư (Chương trình hành động số 31- CTr/TƯ ngày 27/6/2002)
- Chú trọng dành vốn đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.
- Tập trung các nguồn thu: thu đúng, thu đủ và kịp thời có cơ chế khuyến khích thống nhất thu, nhất là thu ngoài quốc doanh, thu từ xây dựng cơ bản và thu phát sinh từ nhà đất. Thực hiện chế độ khoán thu, khoán chi trên cơ sở động viên các đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch thu.
- Hàng năm, tỉnh cân đối dành 25% nguồn vốn xây dựng cơ bản cho chương trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tranh thủ vốn đầu tư của Trung ương thông qua các chương trình, dự án 135 để hỗ trợ vốn cho các dự án nông nghiệp, chương trình khuyến nông giúp đẩy nhanh tốc độ CDCCKT nông nghiệp, nông thôn.
- Có chính sách ưu đãi đầu tư, vay vốn, hỗ trợ lãi xuất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư từ các quỹ hỗ trợ phát triển để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi - thủy sản, chế biến nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ tạo thêm việc làm cho nông dân.
- Các ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn phát huy khả năng để hỗ trợ các hộ nông dân. VD: năm 2003 bình quân một hộ nông dân được vay 5 triệu đồng từ các nguồn: Vốn tín dụng, vốn vay giải quyết việc làm từ ngân hàng người nghèo, ngân hàng nông nghiệp, thương mại, quỹ hỗ trợ nông dân nghèo... giảm các thủ tục hành chính để các hộ nông dân được vay vốn đầu tư phát triển nông nghiệp [25, tr.5].
- Thực hiện tốt một số chính sách ưu đãi, trợ giá cho công tác chuyển dịch cơ cấu, hỗ trợ đưa các giống mới, “dồn thửa đổi ruộng”, chương trình “Nạc hóa” đàn lợn và “sind hóa” đàn bò [36].
Thứ hai, huy động mọi thành phần kinh tế tham gia. Một mặt, đa dạng hóa các hình thức sở hữu tiến tới đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để thu hút vốn, huy động mọi nguồn nhàn dỗi của các thành phần kinh tế. Mặt khác, tăng cường đầu tư hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân cả bề rộng lẫn chiều sâu ở tất cả các xã, huyện trong tỉnh. Hướng dẫn kinh tế hộ, trang trại chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm tạo ra hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, để nâng cao năng lực tích lũy vốn [42, tr.44].
Thứ ba, tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, tăng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các khu, cụm
công nghiệp, làng nghề... Nguồn vốn huy động này vào khoảng 1.024 tỷ đồng (chiếm 43,7% tổng nhu cầu vốn đầu tư). Thực hiện vay vốn trung và dài hạn khoảng 351 tỷ đồng chiếm 15% tổng số vốn để góp phần thực hiện tốt chương trình CDCC KT nông nghiệp [42, tr.45].
Muốn vậy, phải khẩn trương xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các khu vực trọng điểm đặc biệt là Thị xã Hưng Yên, Phố Nối, Như Quỳnh... Mở rộng hoạt động tư vấn đầu tư, sớm thể chế hóa luật đầu tư nước ngoài tạo môi trường hấp dẫn hơn nữa cho các nhà đầu tư góp vốn vào các dự án trọng điểm. Khuyến khích kiều bào ở nước ngoài góp vốn xây dựng tỉnh.
Thực hiện cơ chế “một cửa”, tập trung đầu mối vào Sở kế hoạch và đầu tư để giải quyết nhanh, chính xác các thủ tục hành chính để tranh thủ các dự án đầu tư từ bên ngoài. Tăng cường quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn vốn nước ngoài, đảm bảo nguyên tắc “tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm” [35, tr.80].
Tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đã xây dựng sớm đi vào sản xuất đồng thời thúc đẩy nhanh các dự án được cấp phép đầu tư vào xây dựng. Tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp Như Quỳnh, Thị xã Hưng Yên.