b. Thực trạng áp dụng Basel tại Việt Nam
2.2.2.2. Thực trạng cơ chế điều hành đối với Thanh tra, giám sát chi nhánh
Sau khi có Pháp lệnh Thanh tra, Phòng Thanh tra là bộ phận trong cơ cấu tổ chức của chi nhánh NHNN tỉnh Quảng Trị, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc và của Thanh tra NHNN Việt Nam về tổ chức và nghiệp vụ thanh tra. Theo cơ chế này, hoạt động thanh tra của chi nhánh có thuận lợi là: chương trình kế hoạch và đề cương thanh tra hằng năm đều do Thanh tra NHNN xây dựng, Thanh tra chi nhánh căn cứ chương trình, đề cương để tổ chức thực hiện. Tính thống nhất và đồng bộ trong toàn hệ thống Thanh tra NHNN rất cao, quá trình hoạt động lại được sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc chi nhánh nên mọi vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh tra đối với các TCTD trên địa bàn được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, theo cơ chế này thì Thanh tra chi nhánh cũng gặp phải những khó khăn, do phạm vi và tầm quản lý của Thanh tra NHNN trên toàn quốc, bao quát nhiều lĩnh vực nên đề cương, chương trình công tác áp dụng cho Thanh tra chi nhánh nhiều lúc quá rộng về nội dung và về đối tượng thanh tra. Vì vậy, khi tổ chức thực hiện, Thanh tra chi nhánh không đủ thời gian và lực lượng để tiến hành. Hơn nữa, đề cương thanh tra áp dụng trong phạm vi toàn quốc sẽ không tránh được sự bất cập do điều kiện của từng địa phương là khác nhau. Vì vậy, tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” đã xảy ra trong hoạt động thanh tra đối với các TCTD trên địa bàn đã làm giảm đi hiệu lực thanh tra, giám sát ngân hàng.
Từ khi có Luật NHNN, đến nay TTGS chi nhánh là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN chi nhánh, vừa chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc vừa chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ của Cơ quan TTGSNH. Chế độ song trùng lãnh đạo này là phù hợp với mô hình NHNN Việt Nam hiện nay vì đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức bộ máy NHNN, bởi lẽ các NHNN tỉnh, thành phố là “cánh tay kéo dài” của NHNN Việt Nam. Mặt khác, do phải có sự thống nhất về mục đích thanh tra, đó là đảm bảo an toàn cho hệ thống các TCTD nên cho dù thanh tra được tổ
chức ở các địa bàn khác nhau nhưng cũng đều không ngoài mục đích này. Mặt khác, xuất phát từ sự thống nhất về cơ sở pháp lý chung trong hoạt động thanh tra đó là tuân thủ Luật Thanh tra, chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng nên cũng cần có sự thống nhất về tổ chức, triển khai và thực hiện các phương thức trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng. Điều quan trọng là, phải phân rõ quyền hạn và trách nhiệm của cả hệ thống và mỗi cấp thanh tra để đảm bảo có cơ chế tập trung, thông thoáng trong toàn hệ thống, là điều kiện để phát huy hiệu lực trong hoạt động TTGSNH.
Ngoài ra, theo các quy định hiện hành, Chánh TTGS chi nhánh không trực tiếp quản lý tổ chức, nhân sự của TTGS chi nhánh mà chỉ được đề nghị Giám đốc NHNN chi nhánh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh Phó Chánh TTGS; chưa được quyền phối hợp tham gia tuyển chọn ngay từ đầu cán bộ thanh tra của chi nhánh. Vì vậy, không có được quan điểm thống nhất về tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được nhu cầu như mong đợi của TTGS chi nhánh như tỷ lệ nam giới, yêu cầu về năng lực, phẩm chất đạo đức,...
Mặc dù hiện nay đã có Nghị định 26/2014/NĐ-CP nhưng vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngân hàng, do dó Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chịu trách nhiệm thanh tra các TCTD nhà nước, còn TTGS chi nhánh chỉ chịu trách nhiệm thanh tra các chi nhánh của TCTD. Như vậy, trách nhiệm về hoạt động TTGS chi nhánh vừa do Giám đốc NHNN và Chánh TTGS chi nhánh chịu vừa bị chi phối bởi chương trình của TTGSNH, trong lúc đó chương trình thanh tra của TTGSNH đôi khi vẫn còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa Cơ quan TTGSNH với thanh tra chi nhánh chưa hoàn toàn được thực hiện theo cơ chế chiều dọc. Chưa có sự phân định trách nhiệm một cách rõ ràng về phạm vi hoạt động, chương trình làm việc, các kênh thông tin báo cáo, chia sẻ thông tin,...(Lê Ngọc Lân và Bùi Thị Thanh Tình, 2011), cơ chế “đồng trách nhiệm” như vậy cũng đã làm cho năng lực Thanh tra, giám sát chi nhánh bị hạn chế và dễ phát sinh lỗ hổng trong hoạt động thanh tra, giám sát.