0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (127 trang)

Đặc điểm quan hệ không gian trong thơ

Một phần của tài liệu MẠCH LẠC TRONG THƠ PHẠM TIẾN DUẬT (Trang 78 -81 )

5. Bố cục của luận văn

3.1.3 Đặc điểm quan hệ không gian trong thơ

Không chỉ mạch lạc theo quan hệ thời gian mà mạch lạc theo quan hệ không gian trong thơ cũng có những đặc trưng riêng. Thơ có những đặc thù về ngôn ngữ, về cách thức triển khai đề tài, … vì vậy, mạch lạc trong thơ nói chung và mạch lạc theo quan hệ không gian nói riêng cũng mang nét đặc thù của thể loại.

Về trình hình thức triển khai quan hệ không gian, thơ cũng có cách triển khai như những loại hình văn bản khác. Để tạo cho người đọc dễ tiếp nhận và hình dung được không gian trong văn bản, nhà thơ thường trình bày, miêu tả không gian theo các tiêu chí đối lập như: trong – ngoài, xa – gần, cao – thấp, chung – riêng, …Tuy vậy, so với biểu hiện không gian trong truyện, biểu hiện không gian trong thơ súc tích và được miêu tả tập trung hơn. Nếu không gian trong truyện được miêu tả tỉ mỉ, chi tiết thì không gian trong thơ chỉ được thể hiện qua vài nét chấm phá, khái quát nhưng có sức gợi cao.

Để thấy rõ hơn sự khác biệt giữa không gian trong thơ và không gian trong truyện, chúng ta xét hai ví dụ cùng miêu tả về mùa xuân dưới đây:

“Mùa xuân thứ hai đã đến. Màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở, man rợ khác của đất hoang... Một mảnh vải trắng làm rèm che cửa, một giàn liễu leo có những chấm hoa đỏ thắm như nhung ở mé hiên phía trước, bóng lá loáng mướt của dặng chuối, màu vàng ửng của khóm đu đủ,

mấy con ngỗng bì bạch ở mé nhà, tiếng guốc đi lẹp kẹp, bóng dáng nặng nề của những chị có mang ở khu gia đình, những ngọn đèn le lói, mảng thuốc bay qua ánh đèn trông rõ từng sợi xanh”.

(Mùa lạc – Nguyễn Khải)

Trong ví dụ trên, dựa vào cách miêu tả của tác giả ta có thể nhận ra không gian mùa xuân ở nông trường Điện Biên được miêu tả lần lượt từ xa đến gần. Không gian xa là không gian xanh của cây cối nông trường. Không gian gần là không gian sống của con người ở nông trường. Các chi tiết về không gian đó được miêu tả khá cụ thể và chi tiết.

Cũng tả về mùa xuân nhưng cách miêu tả không gian trong thơ có điểm khác:

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du).

Những câu thơ trên, không gian được miêu tả từ cao đến thấp, từ xa đến gần. Nguyễn Du không tả nhiều chi tiết mà chỉ tập trung phác họa một số nét tạo thành điểm nhấn nhưng vẫn đủ tái hiện bức tranh thiên nhiên giàu sức sống của mùa xuân.

Mặt khác, không gian trong thơ cũng có điểm khác so với không gian trong văn bản báo chí. Văn bản báo chí là thể loại mang chức năng chính là chức năng thông tin. Do đó, không gian trong văn bản báo chí thường là các địa điểm ngắn gọn và gắn trực tiếp với các sự kiện. Trong khi đó, văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, ngoài chức năng thông tin, mỗi văn bản còn có chức năng thẩm mỹ. Vì vậy, không gian trong thơ có ngôn ngữ giàu tính tạo hình. Nó không chỉ đơn thuần là yếu tố chỉ nơi chốn, địa điểm của các sự kiện mà còn là bức tranh không gian bằng ngôn từ gắn với cảm

xúc cá nhân của người nghệ sỹ. Nếu trong văn bản báo chí, không gian chỉ gắn với thao tác kể thì trong thơ ngoài thao tác kể, nó còn được gắn với cả thao tác tả.

Để thấy sự khác nhau giữa không gian trong thơ và không gian trong báo chí ta xét hai ví dụ sau:

“Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy đến nay, trên toàn thế giới đã có khoảng 25 triệu người đã bị nhiễm AIDS. Tình trạng lây nhiễm HIV gần đây đang có xu hướng tăng cao tại khu vực Châu Á mà Đông Nam Á là một “điểm nóng” của đại dịch này. Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 1990 đến nay đã phát hiện được hơn 55.000 trường hợp nhiễm bệnh khác…”[29, tr78]

Trong ví dụ trên, mỗi không gian gắn với mỗi sự kiện riêng và chỉ được nói đến thuần túy như một địa điểm. Cách trình bày mỗi không gian rất ngắn gọn: toàn thế giới, Châu Á , Đông Nam Á, Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, không gian trên không thiên về tả mà chỉ là cơ sở để xuất hiện một sự kiện theo hướng kể.

Ngược lại, những câu thơ dưới đây không gian được trình bày theo bút pháp tả và được tạo thành bởi những ngôn từ có tính tạo hình cao. Không gian ở đây có tính họa, điều mà ở ví dụ trên không có:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”.

Tóm lại, quan hệ không gian trong thơ là kiểu quan hệ được khai thác theo các yếu tố đối lập: trong – ngoài, cao – thấp, xa – gần, ... Nó thường được trình bày một cách súc tích, cô đọng. Cách thức trình bày không gian trong thơ bao hàm cả bút pháp kể và bút pháp tả.

Một phần của tài liệu MẠCH LẠC TRONG THƠ PHẠM TIẾN DUẬT (Trang 78 -81 )

×