Bão, áp thấp nhiệt đới

Một phần của tài liệu Vai trò của xã hội dân sự trong thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại thành phố quy nhơn, tỉnh bình định (Trang 65 - 67)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.1. Bão, áp thấp nhiệt đới

Thành phố Quy Nhơn có bờ biển dài, là địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão. Bão là loại hiểm họa thiên tai xảy ra hàng năm, gây thiệt hại nhiều về con người và tài sản (công trình, nhà ở, tàu thuyền, .). Trung bình Quy Nhơn có từ 1,13 cơn bão, thuộc vùng thường xuyên hứng chịu các cơn bão trong toàn quốc, chủ yếu tập trung trong thời gian từ tháng 9-11, đặc biệt tập trung nhiều trong tháng 10. Cấp bão trung bình thường là cấp 9,10. Theo dự báo, tần suất và cường độ các cơn bão này sẽ gia tăng trong tương lai, đặc biệt có thể sẽ xuất hiện nhiều siêu bão và bão có thể đến sớm hơn hoặc kết thúc muộn hơn so với thời gian trước đây (cơn bão số 2 năm 2004 xảy ra vào ngày 11/6). Do đặc thù gió to và mưa lớn, kết hợp với các đặc thù về ngành nghề như ngư nghiệp, diêm nghiệp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém và chưa đồng bộ nên bão và những tác động thứ cấp của nó đã, đang và sẽ là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn nhất về người và tài sản do thiên tai hiện nay ở Quy Nhơn.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng thiệt hại khi bão đổ bộ Quy Nhơn: phần lớn là do thiếu phương tiện thông tin, dự báo (nhất là đối với ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ); thiếu hệ thống cảnh báo sớm; thiếu phương tiện, kiến thức, kỹ năng ứng

52

cứu; thiếu nơi neo đậu tàu thuyền (người dân không chia sẻ cho nhau do sợ lộ các bí mật về các vùng đánh bắt hải sản). Thiệt hại nhiều nhất do bão vẫn là ngư dân với tàu cá có công suất nhỏ, vận tốc chậm, di chuyển tàu thuyền đến nơi trú ẩn không kịp thời.

Kế hoạch phòng chống lụt bão được xây dựng, được thực thi tuy nhiên chưa hiệu quả (người dân phản ánh chưa thấy các hành động này của chính quyền). Thiếu kinh phí, chưa huấn luyện, diễn tập trong công tác phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả từ lãnh đạo chỉ đạo, nhất là từ phía chính quyền cơ sở và người dân. Các công trình phòng chống lụt bão (đê, kè chắn) không đủ,chậm đầu tư, chất lượng yếu kém, không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng nên bị hỏng hóc, sạt lở, không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ.

Phát triển các công trình ven bển và các khu vực thường xuyên chịu tác động sự tàn phá của bão. Cho rằng các công trình bảo vệ như đê kè hoặc thực hiện cos nền của thành phố theo quy hoạch là 4m có thể bảo vệ các công trình này nên gia tăng thêm đối tượng phơi nhiễm với tác động trực tiếp từ bão.

Người dân thiếu kiến thức, kỹ thuật xây dựng các công trình, nhà ở theo nguyên tắc PCLB, công trình nhà ở, cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa kiên cố, không chịu đựng được khi có gió, bão lớn, sự chủ quan của người dân cũng dẫn đến thiệt hại nhiều do bão. (Đôi khi biết có bão vẫn ra khơi vì thời điểm bão có thể đánh bắt được nhiều cá).

Rừng phòng hộ và rừng ngập mặn góp phần làm giảm cường độ bão. Tuy nhiên, rừng ngập mặn và rừng phòng hộ vẫn còn thiếu, chưa phủ kín ven bờ, và bị tàn phá trong những năm gần đây dẫn đến thiệt hại về người và tài sản càng lớn khi có bão.

Tác động chính

Bão đổ bộ vào Quy Nhơn thường gây sóng to, triều cường, mưa gió lớn làm tăng sự xói lở, xâm thực bờ biển, bờ đầm và ảnh hưởng đến vùng ven bờ, như ở các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và các phường Hải Cảng, Ghềnh Ráng, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ. Bão gây ra mưa lớn, ngập lụt, và gió mạnh (tác động đến 11 phường, xã), và các nguy cơ tàn phá cảnh quan, gây ngã, gãy cây trồng và hệ thống thông tin liệ lạc công cộng, về vệ sinh do sự phân tán chất thải khắp nơi qua trận lụt.

Các tác động chính của bão bao gồm:

- Tác động đến tính mạng con người: Bão có thể gây chết người hoặc bị thương, đặc biệt là đối với ngư dân đánh bắt thủy sản, người nghèo sống tại các làng chài, ven biển, trên lồng bè

53

- Thiệt hại cơ sở vật chất: Sập nhà, hư hại tài sản, chìm tàu thuyền; Hư hại công trình, cơ sở hạ tầng: giao thông, thủy lợi (đập, đê, hồ chứa nước), trụ điện đổ gãy, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền các công trình du lịch văn hóa ven biển, ven đầm...; Công trình phúc lợi xã hội: trường học, bệnh viện, trạm xá ...; xói lở bờ biển, bờ đầm.

- Ảnh hưởng sinh kế: Gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thiệt hại trong nông lâm ngư nghiệp (thiệt hại rừng, cây trồng, lúa, hoa màu, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, lồng bè, làm muối, chăn nuôi gia súc gia cầm ...); Một số năm bão xảy ra sớm làm thất thu những đầm nuôi tôm cá do những đầm này chưa kịp thu. Bão muộn làm thiệt hại những ruộng lúa vụ Đông –Xuân mới gieo làm nông dân phải gieo xạ lại, mất nhiều giống. Để thích nghi với tình trạng thiên tai này, một số khu vực người dân địa phương đã chủ động bỏ vụ lúa Thu Đông (từ giữa tháng 8 đên tháng 11) từ năm 2007 (vụ sản xuất này thường không được thu hoạch hoặc có thu hoạch nhưng năng suất rất thấp).

- Ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh: Ô nhiễm nguồn nước, Ô nhiễm môi trường sinh thái, phát sinh dịch bệnh.

- Các nhóm dễ tổn thương chịu tác động bao gồm người nghèo và ngư dân sống ven biển, ven đầm, người già, trẻ em, phụ nữ và người tàn tật, người lao động tự do, người nhập cư không hợp pháp, và người dân sống gần các hồ chứa nước.

Phạm vi tác động

Bão tác động đến toàn bộ thành phố Quy Nhơn. Những phường, xã bị tác động nặng nhất do bão: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và các phường Hải Cảng, Ghềnh Ráng, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Nhơn Bình, Nhơn Phú , Nhơn Hội(vị trí thấp hơn so với các phường, xã còn lại trên địa bàn thành phố Quy Nhơn) và các phường/xã ven biển thuộc vùng mở rộng của thành phố Quy Nhơn trong tương lai như Phước Thuận (huyện Tuy Phước hiện nay). Nơi người dân trú bão kém an toàn, nguy hiểm nhất và cần di dời đến nơi khác khi có bão sắp xảy ra: vùng trũng, vùng ngập lụt (Nhơn Bình, Nhơn Phú), ven biển (Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải Nhơn Hội, Trần Phú, Ghềnh Ráng. Nguyễn Văn Cừ, Hải Cảng, Đống Đa).

Một phần của tài liệu Vai trò của xã hội dân sự trong thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại thành phố quy nhơn, tỉnh bình định (Trang 65 - 67)