Như trên đã phân tích, cạnh tranh ngân hàng mang tính toàn diện do hoạt động ngân hàng mang tính dịch vụđa năng. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại thường sử dụng một hệ thống các phương thức đa dạng để xác lập sức mạnh cạnh tranh. Có thể khái quát các phương thức hành động đó theo một số nhóm sau đây:
- Cạnh tranh bằng cách tạo ra tính đa dạng của danh mục dịch vụ: Mỗi khách hàng đều có nhiều nhu cầu mà ngân hàng thương mại có thể thỏa mãn như gửi và quản lý tiền, tài sản, tư vấn tài chính, vay tiền, mua bán ngoại tệ, thanh toán,…Hơn nữa, nhu cầu của khách hàng đối với ngân hàng thương mại còn có xu hướng ngày càng tăng lên, ngày càng đòi hỏi phải được thoả mãn nhiều sản phẩm dịch vụ theo yêu cầu của họ một cách thuận tiện tại cùng một thời điểm. Do đó, muốn giữ và mở rộng được khách hàng, các ngân hàng thương mại phải liên tục phát triển thêm nhiều dịch vụ mới, hiện đại đồng thời với củng cố, đổi mới, hiện đại hóa các dịch vụ truyền thống. Trong mỗi danh mục dịch vụ các ngân hàng thương mại cũng tạo ra nhiều chủng loại khác nhau để cho khách hàng có phạm vi lựa chọn rộng rãi. Một số danh mục sản phẩm hiện đại mà ngân hàng thương mại cung cấp như: Phát hành chứng khoán nợ, cho vay tiêu dùng,cho vay thuê tài chính, đầu tư, tư vấn, quản lý ngân quỹ, bảo hiểm, môi giới và kinh doanh chứng khóan, dịch vụ tương hỗ và trợ cấp. Ngay trong việc cấp tín dụng các ngân hàng thương mại cũng đã tạo ra các chủng loại sản phẩm phong phú như cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất, cho vay trả góp, cho vay theo lãi suất linh hoạt, ứng trước, chiết khấu, cho thuê, bảo lãnh. Trong sản phẩm cho vay ứng trứơc các ngân hàng thương mại thường áp dụng phương thức khác nhau như: Cho vay từng lần, cho vay hạn mức hoặc cho vay trả góp,…Đa dạng hóa danh mục dịch vụ là phương thức cạnh tranh hữu hiệu. Các cuộc điều tra cho thấy đã cung cấp bằng chứng thuyết phục khi đưa ra con số khá cao khách hàng muốn giao dịch với ngân hàng có nhiều dịch vụ thỏa mãn họ tại một địa điểm.
- Cạnh tranh bằng cách cải thiện quy trình cung cấp dịch vụ: Để tăng mức hài lòng khách hàng, các NHTM thường chạy đua với nhau trong cải cách quy trình cung cấp dịch vụ. Trong điều kiện khoa học công nghệ trở thành mấu chốt của cải cách quy trình sản xuất, tốc độ và quy mô ứng dụng kỹ thuật mới chính là vũ khí cạnh tranh hiệu quả. Hơn nữa, một khi trên thị trường có quá nhiều NHTM và tổ chức tài chính
chèo kéo khách hàng, sự nhanh chóng, tiện lợi, đa năng của quy trình cung cấp dịch vụ càng có vai trò quan trọng trong thỏa mãn nhu cầu khách hàng khiến họở lại.
Khi đánh giá một quy trình cung cấp dịch vụ ngân hàng có chất lượng cao, khách hàng thường dựa vào các tiêu chí: Mức độ tham gia thuận tiện của khách hàng vào quá trình cung ứng sản phẩm dịch vụ ấy (vì thế nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng dịch vụ ngân hàng tại nhà để đem đến sự thuận tiện lớn nhất cho khách hàng, hoặc tích hợp các dịch vụ trên điện thoại di động…); Tốc độ xử lý nhanh thông qua quy trình xử lý đơn giản với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và máy tính điện tử; Mức độ chính xác cao và thông tin phản hồi đầy đủ cho khách hàng; Lợi ích từ sử dụng dịch vụ của khách hàng lớn (như cho vay kịp thời, hỗ trợ khách hàng khi khó khăn...); Thái độ phục vụ tốt, thân thiện; Trình độ công nghệ hiện đại; Nơi giao tiếp khang trang, tiện nghi,…Ngày nay khách hàng có điều kiện để so sánh, đánh giá và quyết định lựa chọn ngân hàng thỏa mãn tốt nhất yêu cầu của họ. Khi không vừa lòng, khách hàng dễ dàng di chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Để cạnh tranh bằng chất lượng quy trình cung ứng dịch vụ NHTM phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đào tạo nhân viên bài bản, bố trí nơi giao dịch tiện nghi, cải tiến thủ tục giao dịch đơn giản, thiết lập hệ thống liên hệ với khách hàng thường xuyên,…
- Cạnh tranh bằng chi phí, lãi suất, phí dịch vụ: Giá cả dịch vụảnh hưởng lớn đến quyết định mua của khách hàng. Đối với dịch vụ ngân hàng, giá cả dịch vụ chính là lãi suất và mức phí áp dụng cho các dịch vụ cung ứng. Lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay thấp, phí dịch vụ thấp là phương thức cạnh tranh đầy uy lực. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể không mâu thuẫn với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của NHTM nếu như họ có mức chi phí tạo dịch vụ thấp. Muốn vậy, quy trình sản xuất dịch vụ phải tối ưu, nhân viên phải thành thạo, các chi phí và tổn thất do rủi ro phải nhỏ,…Nói cách khác, NHTM phải được quản lý theo phương thức hiệu quả.
Trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển, thị trường trong nước thống nhất và mở cửa với thị trường nước ngoài thì cạnh tranh qua giá và phí có giới hạn nhỏ do cạnh tranh tự do khiến lãi suất huy động thị trường đạt mức tối đa, lãi suất cho vay thị trường đạt mức tối thiểu. Chính vì thế với việc xác định mức lãi suất cho vay và phí dịch vụ thấp, các NHTM sẽ giảm thu nhập, thậm chí có thể khiến ngân hàng bị lỗ.
- Cạnh tranh bằng mở rộng mạng lưới phòng giao dịch: Do dịch vụ ngân hàng thực hiện sản xuất, phân phối và tiêu dùng ngay tại nơi giao dịch nên muốn đưa dịch vụđến khách hàng, cần mở rộng mạng lưới các phòng giao dịch. Mạng lưới các phòng giao dịch được bố trí tối ưu cho phép bao phủ hết các diện khách hàng, thuận lợi cho họ khi giao dịch, đồng thời không chồng chéo là một phương thức cạnh tranh phi giá cả chủ chốt của ngân hàng thương mại. Ngoài chức năng cung cấp dịch vụ phòng giao dịch còn là nơi thu thập thông tin về khách hàng, quảng bá hình ảnh ngân hàng và tạo mối quan hệ thân thiết với khách hàng.
Có nhiều phương thức mở rộng mạng lưới. Ngày nay các ngân hàng thương mại thường mở rộng cả kênh phân phối truyền thống bao gồm các chi nhánh, ngân hàng đại lý lẫn kênh phân phối hiện đại như chi nhánh điện tử (tựđộng hóa hoàn toàn), ngân hàng điện tử (E Banking), máy thanh toán tại điểm bán hàng POS (Point of Sale); Máy rút tiền tự động ATM (Automated Teller Machine); Ngân hàng qua điện thọai (Tel Banking), ngân hàng qua mạng (ONLINE),…Họ cũng chú trọng mở phòng giao dịch ở cả trong nước lẫn nước ngoài [36].
- Cạnh tranh bằng hoạt động marketing: Để có thể đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến khách hàng một cách tốt nhất, ngân hàng thương mại phải xây dựng tốt chiến lược marketing bao gồm: Quảng bá thương hiệu, tiếp thị và xúc tiến thương mại, phát triển công nghệ và nghiệp vụ tiên tiến, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh và phát triển sản phẩm dịch vụ gắn với phát triển thị trường [45].