Đặc điểm chung của cạnh tranh ngân hàng trong lĩnh vực dịch vụ:
- Do sản phẩm dịch vụ có tính vô hình nên khó có thể cố định sức mạnh cạnh tranh vào hình thái vật chất của sản phẩm. Người mua sản phẩm dịch vụ thường không nhận biết được đặc tính của sản phẩm bằng cách đo lường các giá trị sử dụng của nó.
Ngược lại, quá trình sản xuất dịch vụ cũng chính là quá trình sử dụng dịch vụ nên người cung ứng dịch vụ không thể chờ sản xuất xong mới đem sản phẩm đi quảng bá, mà phải quảng cáo trước khi sản xuất, trong quá trình sản xuất và sau khi khách hàng đã sử dụng dịch vụ. Với sản phẩm vô hình, người sản xuất phải đem cả quá trình sản xuất ra cạnh tranh, hơn nữa quá trình sản xuất đó có sự tham gia của khách hàng nên khách hàng cảm nhận được sự hợp lý hay không hợp lý của quá trình sản xuất. Ngoài ra nhân viên bán hàng chính là nhân viên sản xuất dịch vụ nên thái độ của những người này với khách hàng cũng ảnh hưởng đến cạnh tranh. Phương thức sản xuất, môi trường sản xuất, phương tiện, công cụ sản xuất cũng tham gia trực tiếp vào cạnh tranh.
- Sản phẩm dịch vụ có đặc tính vừa sản xuất, vừa sử dụng, người tiêu dùng không có thời gian đo, đếm chất lượng, không có điều kiện sử dụng dịch vụ một cách độc lập, hoàn toàn theo phong cách riêng của họ, mà phụ thuộc sâu sắc vào môi trường, cảnh quan, không khí do người sản xuất tạo ra. Chính vì vậy các yếu tố mang tính tâm lý, cảm nhận của khách hàng như thuận tiện, thân thiện, tin cậy, thoải mái,…làm nên sức mạnh cạnh tranh của nhà cung ứng dịch vụ.
Nói tóm lại, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, các ngân hàng thương mại phải mang quy trình công nghệ, quy trình sản xuất cũng như các yếu tố sản xuất tham gia cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cạnh tranh ngân hàng có đặc điểm riêng:
- Ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện (đáp ứng một sốđiều kiện cao với số lượng cấp phép hạn chế) do tác động to lớn của nó đến nền kinh tế, đặc biệt là tính hệ thống cao và tương tác có tính dây chuyền. Các NHTM hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặc biệt, đó là kinh doanh tiền tệ. Đây là một lĩnh vực hoạt động đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý (NHTW, Chính phủ…) thông qua Luật, quy định và các điều kiện ràng buộc khác nhau. Bởi lẽ NHTM huy động tiền nhàn rỗi chủ yếu từ dân cư, thông qua hoạt động và chức năng của mình (chủ yếu là chức năng tạo tiền) NHTM sẽ thực hiện cho vay, thanh toán… đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nếu không quản lý và kiểm tra giám sát chặt chẽ các hoạt động của NHTM sẽ dẫn đến tình trạng “phá rào” dẫn đến đổ vỡ hoặc phá sản ngân hàng. Điều này không chỉ hệ lụy với riêng từng ngân hàng mà còn cả hệ thống thậm chí kéo theo hệ lụy đến cả nền kinh tế. Mặc dù các NHTM luôn cạnh tranh gay gắt với nhau để mở rộng thị phần, tranh thủ
khách hàng, nhưng trong tác nghiệp chúng phải hợp tác với nhau để thực thi các chức năng có tính hệ thống như thanh toán bù trừ, cung cấp thông tin khách hàng cho nhau để giảm thiểu rủi ro khách hàng gian lận, ngăn chặn tác động dây chuyền làm sụp đổ hệ thống,…Nói cách khác, ngân hàng thương mại cạnh tranh với nhau trong mối quan hệ biện chứng của các bộ phận hợp thành hệ thống. NHTM nào cũng phải bảo vệ tính ổn định, minh bạch và giảm thiểu rủi ro của cả hệ thống, nếu không, sự sụp đổ của ngân hàng này sẽ kéo theo ngân hàng khác sụp đổ. Để hỗ trợ cho nhau, đôi khi các ngân hàng thương mại phải cứu nguy cho nhau chứ không phải tiêu diệt lẫn nhau.
- Sản phẩm có rất ít sự khác biệt: Hàng hóa mà ngân hàng thương mại cung cấp cho khách hàng là quyền sử dụng tiền theo thời gian. Phạm vi của sự khác biệt không nằm ở tiền mà ở quy trình, tiêu chuẩn, thái độ và phương thức cung cấp, huy động tiền, ở khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, không về chất lượng, mà thuần túy về số lượng và độ dài thời gian sử dụng tiền. Nói cách khác, cạnh tranh ngân hàng vừa dựa vào chất lượng sản phẩm dịch vụ tiện ích, an toàn,…cung cấp cho khách hàng, dựa vào phương thức, số lượng cung cấp nhiều hơn và thái độ phục vụ gần gũi, thân thiện, tin tưởng, phong cách giao dịch chuyên nghiệp và thân thiện.
- Cạnh tranh giá cả trong hoạt động ngân hàng cũng khá hạn chế. Bởi vì, lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng dễ bị san phẳng, thậm chí còn chịu sự điều tiết của chính phủ. Chính vì vậy, các ngân hàng thường cạnh tranh về quy mô cung ứng và chi phí cung ứng hơn là giá bán hàng hóa, cạnh tranh dựa vào uy tín, thương hiệu hơn là sự khác biệt sản phẩm.
- Cạnh tranh của ngân hàng thương mại chịu sự ảnh hưởng nhạy cảm của thị trường tài chính quốc tế. Cùng với quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế dòng vốn luân chuyển giữa các quốc gia ngày càng mạnh mẽ, các ngân hàng thương mại của bất kỳ quốc gia nào cũng phải liên kết với các ngân hàng thương mại ngoài nước để thực hiện trọn vẹn các dịch vụ của mình. Khi liên kết ngân hàng thương mại quốc gia phải tuân thủ các qui định và tiêu chuẩn quốc tế, chịu sự tác động của biến động thị trường tài chính quốc tế. Mỗi sự biến động về tỷ giá, lãi suất, điều kiện kinh tế cũng như chính sách tiền tệ của các trung tâm kinh tế quốc tếđều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong nước. Việc tuân thủ những chuẩn mực quốc tế buộc các ngân hàng thương mại phải điều chỉnh hành vi cạnh tranh.
Ngoài ra cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, để phục vụ cho yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, theo nguyên tắc hội nhập, các nước buộc phải tự do hóa trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng khiến cạnh tranh quốc gia trở thành cạnh tranh quốc tế ngay trên sân nhà. Một trong những biểu hiện tự do hóa tài chính đó là xóa bỏ rào cản phi kinh tế trong việc di chuyển vốn từ quốc gia này sang quốc gia khác. Sự tự do di chuyển vốn như vậy làm cho các ngân hàng thương mại ngày càng lệ thuộc hơn vào thị trường tài chính quốc tế.
- Cạnh tranh ngân hàng dựa rất lớn vào yếu tố tâm lý như sự tín nhiệm, kỳ vọng của người gửi tiền: Kinh doanh ngành ngân hàng có tính rủi ro rất cao. Những yếu tố ngoài ngân hàng như khó khăn của khách hàng, thiên tai, bất ổn trên thị trường, các yếu tố của bản thân ngân hàng như lòng tham lam, quá mạo hiểm của nhân viên kinh doanh,…đều khiến ngân hàng đi đến chỗ phá sản, làm mất tiền của người gửi. Do tình trạng thông tin bất đối xứng giữa ngân hàng và khách hàng khiến khách hàng không thể kiểm soát được tình hình kinh doanh của ngân hàng. Chính vì vậy, bất cứ tin đồn nào khiến người gửi tiền mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng nói chung, ngân hàng thương mại cụ thể nói riêng, họ liền ồạt rút tiền khỏi ngân hàng khiến ngân hàng gặp khó khăn. Lợi dụng đặc tính này, giới lãnh đạo ngân hàng vô đạo đức có thể cạnh tranh không lành mạnh bằng cách phao tin đồn,…
- Chủ thể cạnh tranh đa dạng: Trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập ngày nay có nhiều chủ thể phi ngân hàng tham gia cạnh tranh trong kinh doanh hoạt động ngân hàng. Các chủ thể phi ngân hàng bao gồm: công ty tài chính, các quỹ tín dụng, các hình thái tiết kiệm như tiết kiệm bưu điện, điện lực, dầu khí, hóa chất, xi măng,…các doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp sản xuất (cung cấp tín dụng thương mại,…). Các định chế tài chính phi ngân hàng, mặc dù không phải là ngân hàng, không được phép kinh doanh toàn bộ hoạt động như một ngân hàng, nhưng được phép kinh doanh một hoặc một số hoạt động mang tính ngân hàng. Các định chế này được thành lập trên cơ sở khai thác lợi thế tiềm năng của họ thông qua quá trình hoạt động. Những hoạt động ngân hàng có tính phụ thêm trên cơ sở bắt nguồn từ hoạt động chính, hoặc được thành lập từ ban đầu do không đủ điều kiện để thành lập ngân hàng mà chỉ được phép hoạt động một vài sản phẩm ngân hàng, chủ thể này có thể sẽ là các ngân hàng tiềm năng trong tương lai khi đủ điều kiện.
Các chủ thể cạnh tranh với các ngân hàng thương mại trong điều kiện hội nhập không chỉ là các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính phi ngân hàng trong nước mà còn cả các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính phi ngân hàng đến từ một hay nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đối với các nước đang phát triển, những đối thủ đến từ các quốc gia trên thế giới là những ngân hàng, tập đoàn tài chính có tiềm lực tài chính mạnh, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động ngân hàng trong một nền kinh tế thị trường, đe dọa xâm chiếm thị phần của các ngân hàng thương mại trong nước. Mặt khác quá trình hội nhập cũng hình thành nên các tổ chức tài chính khu vực quốc tế. Các tổ chức này cũng có thể là những đối tác tham gia cạnh tranh với các ngân hàng thương mại trong nước.
Do đối tượng kinh doanh chủ yếu là các dịch vụ tài chính, liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng mang tính hệ thống, hơn nữa các hoạt động ngân hàng có tính liên kết chặt chẽ cao dẫn đến sự cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng có một số đặc điểm khác biệt so với cạnh tranh trong các lĩnh vực khác đó là:
- Cạnh tranh trong điều kiện chịu sự chi phối mạnh mẽ của các chính sách tài chính tiền tệ của Nhà nước, chịu sự tác động không nhỏ của các biến động kinh tế vĩ mô nhất là lạm phát, lãi suất, tăng trưởng kinh tế.
- Sự phá sản của một ngân hàng dẫn đến phản ứng lan truyền và tai họa cho nền kinh tế thậm chí cả một khu vực (khủng hoảng tiền tệ ở các nước Đông Nam Á năm 1997 và Mêhicô, Brazin; khủng hoảng và đổ vỡ của các định chế tài chính tại Mỹ mang tên Lehman Brothers và Merrill Lynch, đã cho thấy điều đó). Do vậy, cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng không phải là cuộc chiến một mất một còn giữa các ngân hàng.
- Đặc điểm của sản phẩm ngân hàng, mà biểu hiện rõ nhất trong thanh toán chẳng hạn, quá trình cung cấp sản phẩm không chỉ có do một ngân hàng thực hiện mà phải thông qua ngân hàng khác, do vậy mặc dù cạnh tranh nhưng các ngân hàng vẫn phải có sự liên kết, hợp tác với nhau để hoạt động trong quá trình cung ứng sản phẩm.
- Sự lớn mạnh của đối thủ cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng nhưng không đồng nghĩa với nhất thiết triệt hạ đối thủ mà thậm chí sự lớn mạnh của đối thủ lại là tạo điều kiện để cho ngân hàng phát triển. Ví dụ như sự phát triển của các tổ chức bảo hiểm sẽ tạo nguồn tiền gửi quan trọng cho các ngân hàng.
- Sự khác biệt nữa là về “nguyên liệu” của hoạt động kinh doanh của ngân hàng đó là tiền. Đó là loại nguyên liệu có tính xã hội hóa và có tính nhạy cảm rất cao, chỉ một biến động nhỏ của nó cũng có những ảnh hưởng vô cùng to lớn đến hoạt động của toàn xã hội nói chung và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng nói riêng. Ở các ngành kinh tế khác nếu cùng kinh doanh một loạt sản phẩm như nhau, giá cả của sản phẩm thuộc doanh nghiệp đang được xã hội thừa nhận ở một mức nào đó và đang được tiêu thụ nhanh. Nếu doanh nghiệp khác muốn cạnh tranh bằng cách hạ thấp gía bán với doanh nghiệp đó, thì việc hạ thấp này đương nhiên có ảnh hưởng đến mức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nhưng không phải ngay lập tức mà phải có một thời gian nhất định để xã hội kiểm chứng, trước hết về mặt chất lượng sau đó mới là quá trình xâm nhập dần đến thay thế sản phẩm của doanh nghiệp đã được xã hội thừa nhận trước đó. Nhưng trong hoạt động ngân hàng thương mại chỉ cần có sự thay đổi một chút về lãi suất là khách hàng có thể lập tức thay đổi quan hệ giữa ngân hàng này chuyển qua ngân hàng khác.
- Nếu các ngành kinh tế khác nói chung tạo ra được một sản phẩm mà xã hội thừa nhận, đương nhiên có một khoảng thời gian tương đối dài để khai thác nó, tạo ra một khoản lợi nhuận cho mình. Tuy nhiên, nếu có một ngân hàng thương mại nào đó tạo ra được một dịch vụ được xã hội ưa chuộng, thì gần như ngay lập tức trong một khoảng thời gian rất ngắn các ngân hàng khác có thể thực hiện dịch vụ đó, làm phân tán mức độưa chuộng của xã hội với dịch vụđó, đồng thời với quá trình đó là việc phân tán lợi nhuận của ngân hàng. Sự cạnh tranh này khá phổ biến và xảy ra thường xuyên giữa các ngân hàng thương mại do đặc điểm dịch vụ của ngân hàng rất dễ bị bắt chước tạo nên.
- Ngân hàng kinh doanh trong môi trường kinh tế “đóng”. Nó bị hạn chế nhiều so với các ngành kinh doanh khác. Nhiều ngân hàng phải nản lòng trước các quy định chặt chẽ của khuôn khổ pháp luật. Nếu các ngành kinh doanh khác được kinh doanh khá thoải mái bởi hành lang hoạt động tương đối rộng, trong khi đó các hoạt động của ngân hàng bị giới hạn đến mức nếu ngân hàng không khéo xoay sở thì sẽ khó thực hiện công việc kinh doanh của mình. Trong không gian “hẹp” đó các ngân hàng cũng phải hoạt động, vươn lên để tồn tại và phát triển thì sự cạnh tranh càng mang tính sống còn.