Vai trò của chính sách vốn, tín dụng phát triển nông nghiệp
đầu tư xây dựng cơ sở cơ sở hạ tầng, trang bị thêm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho việc sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp.
Chính sách vốn, tín dụng cho nông nghiệp góp phần giúp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác tốt hơn các nguồn lực như đất đai, lao động... và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Chính sách vốn, tín dụng cho nông nghiệp còn tạo điều kiện huy động được nhiều vốn để sản xuất chuyên môn hoá, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp. Chính sách vốn, tín dụng cho nông nghiệp, sẽ góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội tạo thêm việc làm, xoá đói giảm nghèo, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan...
Chính sách vốn, tín dụng trong nông nghiệp ở nước ta nhằm đáp ứng đủ nhu cầu và thời hạn về vốn, giúp cho việc mở rộng phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cao tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp.
Mục tiêu của chính sách vốn, tín dụng
Mục tiêu chung của chính sách vốn, tín dụng là huy động được các nguồn vốn trong nước (vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn trong dân...) và nguồn vốn nước ngoài (vốn liên doanh, liên kết, vốn vay, viện trợ...) để đáp ứng nhu cầu về vốn sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp và nông thôn.
Nội dung chủ yếu của chính sách vốn, tín dụng
Nội dung của chính sách vốn, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn được thể hiện rõ trong các văn bản sau: Nghị định 14CP ngày 23/3/1993 về việc cho hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất; Chỉ thị 2024 ngày 28/6/1991 về cung cấp vốn tín dụng trực tiếp cho nông dân; Quyết định 67QĐ/TTg ngày 30/3/1999 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn; Quyết định 423/QĐ/NH, ngày 22/9/2000 của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về chính sách tín dụng cho kinh tế trang trại; Nghị định 390/CP về việc thành lập Quỹ tín dụng nhân dân; Nghị định 327/CP về việc vay vốn để thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, và một số văn bản khác.
Đối tượng cho vay
Đối tượng cho vay vốn là các hộ nông dân (cá thể, tư nhân); công ty cổ phần; hợp tác xã; doanh nghiệp... hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông – lâm – ngư – diêm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Các hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện thì được Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho vay để bổ sung nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
Nguồn vốn cho vay
Nguồn vốn huy động bao gồm:
Nguồn vốn được huy động trong nhân dân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước bằng các hình thức thích hợp
Nguồn vốn cho vay hàng năm của Chính phủ đối với các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn
Vốn uỷ thác của các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước, vốn tài trợ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn theo chương trình
Nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng khác, từ tích luỹ của ngân hàng... Điều kiện, hình thức và phương thức cho vay
Điều kiện trước hết đối với các hộ nông dân được vay vốn là phải có đơn ghi rõ mục đích vay vốn và được chính quyền địa phương xác nhận hoặc hộ phải có tài sản thế chấp. Đối với những hộ không có tài sản thế chấp thì có thể được vay vốn thông qua hình thức tín chấp, được các tổ chức, đoàn thể ở địa phương đứng ra bảo lãnh và giới thiệu. Vốn cho vay có thể bằng tiền mặt đồng tiền nội tệ hay ngoại tệ, hoặc có thể vay bằng ứng trước vật tư, cây giống, con giống sử dụng trong quá trình sản xuất – kinh doanh. Phương thức vay vốn thông qua tổ liên doanh, liên đới, tổ tự nguyện của nông dân, thông qua nhóm phụ nữ do chương trình của Liên hiệp Phụ nữ triển khai; thông qua Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và các tổ chức khác... Ngoài ra, việc vay vốn còn thông qua tổ chức kinh tế trung gian như các hợp tác xã, các chương trình, dự án...
Thời hạn vay
Thời hạn vay vốn tùy theo nguồn hình thành, mục tiêu cần đạt được, nhưng nhìn chung có thể chia ra thời hạn vay vốn thành các loại vay dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
Lãi suất cho vay
Lãi suất vay phải bảo đảm lợi ích cho cả bên vay và bên cho vay. Tuỳ theo nguồn vốn và các tổ chức tín dụng mà lãi suất vay được xác định khác nhau. Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất cao hay thấp tuỳ thuộc vào thời gian vay vốn khác nhau và thời điểm vay vốn khác nhau. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng công bố mức lãi suất cho từng đối tượng, từng vùng kinh tế trong từng thời gian phù hợp trên cơ sở của quan hệ cung cầu về vốn.
Tác động của chính sách vốn, tín dụng đối với phát triển nông nghiệp Chính sách vốn,
tín dụng trong nông nghiệp thời gian qua đã có tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Chúng ta đã huy động được nguồn vốn khá lớn cho các nông hộ, trang trại, các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nông nghiệp. Chính sách vốn tín dụng ở nước ta đã thu hút được sự đầu tư khá lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chính sách vốn, tín dụng còn góp phần tạo ra nhiều việc làm trong nông thôn, giải quyết tình trạng thiếu việc làm trong lao động nông nghiệp. Chính sách tín dụng còn góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng, từng bước nâng cao đời sống cho nông dân.
Một số vấn đề đặt ra đối với chính sách vốn, tín dụng nông nghiệp
Nông nghiệp là lĩnh vực hoạt động rộng lớn nên cần nhiều vốn. Vì vậy, các chủ thể có vốn cần phải căn cứ vào đặc điểm của lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đối tượng vay mà xác định đối tượng nào được vay, số lượng vốn vay, thời gian vay và hình thức vay cho phù hợp. Về thủ tục vay, các tổ chức ngân hàng, kho bạc và tổ chức tín dụng cần giảm bớt các thủ tục gây phiền hà cho nông dân. Về lãi suất, nếu lãi suất tín dụng quá thấp sẽ khó có thể bảo đảm việc kinh doanh tiền có lãi và dễ tạo ra những tác động tiêu cực với cả người vay và người gửi.
Vấn đề hiệu quả sử dụng vốn vay cần phải đặc biệt được coi trọng. Vốn vay sẽ đem lại hiệu quả tốt và phát huy tác dụng nếu vốn được sử dụng đúng mục đích, được cung cấp đẩy
đủ, kịp thời với mức vay phù hợp. Ngược lại, nếu vốn vay không đúng mục đích, không được cung cấp kịp thời phù hợp sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng đồng vốn.
Đầu tư vào nông nghiệp với tính rủi ro cao là điều khó tránh khỏi. Vấn đề bảo toàn được vốn là vấn đề được đặt lên hàng đầu cho kho bạc, ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc thế chấp tài sản khi vay vốn là việc làm cần thiết song trong thực tế nhiều người dân ở nông thôn khó có những tài sản tương đương giá trị tiền vay. Do vậy, ngoài việc sử dụng tài sản để thế chấp (kể cả đất đai) thì cũng cần mở rộng hình thức vay vốn bằng tín chấp, thông qua các tổ chức kinh tế, xã hội trong nông thôn.
Vốn đầu tư cho nông nghiệp cần tập trung lượng vốn lớn vào các vùng trọng điểm, khuyến khích phát triển các cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ, hải sản nhằm vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo điều kiện để áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng nền nông nghiệp đa canh, bền vững.