Giai đoạn từ năm 1993 đến nay

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG HỌC PHẦN CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP (Trang 68)

Trong giai đoạn này, rất nhiều bộ luật mới được ban hành như Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Đất đai, Luật Tín dụng, Luật Hợp tác xã... Đường lối đổi mới đã được triển khai và phát huy tác dụng tích cực, lạm phát được kiềm chế và bị đẩy lùi, Nhà nước ban hành hàng loạt các Chỉ thị, Nghị quyết để từng bước xác lập và đổi mới cơ chế quản lý mới.

Chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp thực sự là động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Trong nông nghiệp, Luật Đất đai được ban hành năm 1993, sửa đổi năm 1998, năm 2001 và năm 2003 đã xác nhận và hoàn thiện các quyền trong sử dụng đất đai. Để khuyến khích nông dân bỏ vốn đầu tư lâu dài vào nông nghiệp, Luật cho phép người sử dụng đất có thể sử dụng đất trong thời hạn dài (20 năm đối đất canh tác, 30 năm cho đất trồng cây lâu năm và 50 năm đối với đất rừng). Nhờ vậy sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực liên tục phát triển, vấn đề an ninh lương thực đã được giải quyết, sản lượng lương thực không ngừng tăng cao. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm tăng 1,2 triệu tấn lương thực. Thị trường xuất khẩu nông sản được mở ra và ngày càng phát triển, nhiều loại nông sản xuất khẩu đã có chỗ đứng trên thị trường ngoài nước. Từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII. IX, X tập trung mọi điều kiện cần thiết để phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, chú ý thỏa đáng đến quyền lợi của nông dân. Các chương trình 134, 135, xây dựng các điểm sáng trong phát triển kinh tế - văn hoá miền núi, chương trình trồng 5 triệu hecta rừng, phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa... đã được triển khai. Các chính sách khuyến nông, tín dụng trong nông nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại... đã thực sự đi vào cuộc sống, hệ thống chính sách nông nghiệp trở nên phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản suất và đời sống.

Trong giai đoạn này, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, chăm sóc bảo vệ, trồng rừng... Các chính sách nông nghiệp đã khơi dậy sự năng động sáng tạo của nông dân. Nhiều mô hình sản xuất giỏi, các hình thức hợp tác kiểu mới trong nông thôn xuất hiện đã được rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp cho Việt Nam hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Kết quả đạt được trong những năm đổi mới vừa qua đã đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra tiền đề để bước vào giai đoạn phát triển mới – giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG HỌC PHẦN CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(88 trang)
w