ĐẶC ĐIỂM HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG HỌC PHẦN CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP (Trang 68 - 70)

Hoạch định chính sách kinh tế nói chung và chính sách nông nghiệp nói riêng ở Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của các đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước

Do đất nước Việt Nam có vị trí trải dài, điều kiện tự nhiên rất phong phú, lại diễn biến phúc tạp nên để có được chính sách nông nghiệp phù hợp với tất cả các vùng kinh tế là điều

rất khó khăn. Do vậy, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể mà mỗi ngành, mỗi địa phương phải cụ thể hoá chính sách để việc triển khai thực hiện chính sách nông nghiệp ở địa phương mình vừa không trái với đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ vừa lại được sự đồng tình ủng hộ của đại đa số quần chúng nông dân.

Điểm xuất phát về kinh tế - xã hội thấp kém, trình độ sản xuất lạc hậu, lại trải qua thời kỳ chiến tranh kéo dài cho nên việc hoạch định và thực hiện chính sách nông nghiệp phải làm dần từng bước từ thấp đến cao phù hợp với trình độ tiếp thu của nông dân.

Ruộng đất (tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp) qua nhiều lần thay đổi cách quản lý vẫn chưa tạo lập được tâm lý ổn định trong sử dụng đất người nông dân. Sau cải cách ruộng đất, nông dân được quyền sở hữu ruộng đất nên phấn khởi sản xuất; tiếp đó trong thời ký hợp tác hóa, ruộng đất trở thành sở hữu tập thể và từ năm 1980, Hiến pháp Việt Nam quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân... Đối với nông dân chỉ từ sau Nghị định 64CP (1993) họ mới yên tâm đầu tư trên mảnh ruộng được giao quyền sử dụng lâu dài.

Trình độ dân trí, trình độ tiếp thu chính sách của Chính phủ ở các tầng lớp nhân dân rất khác nhau, thu nhập và sản xuất có sự chênh lệch giữa các vùng và các nhóm người trong xã hội đã ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách nông nghiệp và chỉ đạo thực hiện chính sách ở từng vùng.

Chính sách nông nghiệp Việt Nam được hoạch định dựa trên cơ sở chủ trương, đường lối phát triển nông nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong hệ thống chính trị của Việt Nam, Đảng vừa là một thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam tuân theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu cầu của quy luật kinh tế khách quan để đưa ra những quyết sách phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Từ nhận thức đúng quy luật vận động khách quan, Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hoá đường lối phát triển kinh tế của Đảng bằng các chính sách. Trong nông nghiệp, các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng đối với sản xuất nông nghiệp được thể hiện bằng các chính sách nông nghiệp. Trên cơ sở nhận thức đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Chính phủ cụ thể hoá bằng chính sách nông nghiệp phù hợp. Tuỳ theo nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ phát triển kinh tế của đất nước, Đảng đề ra mục tiêu, phương hướng phát triển nền nông nghiệp. Mỗi chính sách sẽ chỉ phát huy tác dụng tốt ở những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội nhất định, khi những điều kiện này thay đổi thì chính sách cũng phải thay đổi theo.

Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Từ một nền kinh tế phát triển theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, hệ thống luật định đang được hình thành, chính sách đang dần được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập với kinh tế trong khu vực và thế giới. Chúng ta cũng phải tranh thủ những cơ hội thuận lợi, không ngừng nâng cao trình độ hoạch định chính sách để chính sách nông nghiệp vừa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước vừa bắt kịp với trình độ hoạch định chính sách của các nước tiên tiến trên thế giới.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG HỌC PHẦN CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP (Trang 68 - 70)