Đặc điểm chung
Các nước phát triển đã trải qua thời kỳ công nghiệp hoá với hệ thống thị trường được hình thành từ lâu, tương đối ổn định và rộng khắp. Các nước phát triển đều tiến hành phát triển kinh tế trên cơ sở vật chất kỹ thuật đồ sộ với những trang thiết bị to lớn và tối tân, công nghệ hiện đại... Nhờ vậy lượng sản phẩm sản xuất ra rất nhiều, chất lượng sản phẩm cao, chi phí sản xuất thấp..., tức là các sản phẩm đều thuộc loại cạnh tranh “có hạng” trên thế giới. Sản phẩm tiêu dùng ở những nước phát triển thuộc loại sản phẩm cao cấp và phần lớn nông sản được chế biến trước khi bán cho người tiêu dùng. Với tiềm lực kinh tế lớn và do làm chủ được thị trường, nền kinh tế các nước này phát triển tương đối ổn định. Các nước này thường cạnh tranh gay gắt với nhau và giữ thế mạnh trong cạnh tranh với các nước đang phát triển. Sự thâm nhập tư bản giữa các nước là đặc điểm khá nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế ở những nước này.
Đặc điểm trong nông nghiệp
Bản thân nông nghiệp là một ngành mang lại hiệu quả kinh tế thấp và chịu nhiều rủi ro nên trong thời kỳ đầu công nghiệp hoá, nông nghiệp bị xem nhẹ vì các nguồn lực kinh tế của đất nước cần phải tập trung cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy nông nghiệp trở nên lạc hậu nhiều so với công nghiệp. Đặc điểm này có thể thấy ở hầu khắp các nước phát triển.
Sự trả giá đó là gay gắt và gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người làm nông nghiệp, tác động xấu đến nông thôn không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả mặt xã hội. Tuy nhiên sau khi xây dựng được một nền công nghiệp lớn mạnh, việc cải tạo nông nghiệp trở nên đơn giản hơn, trước hết là sự tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, điện và hệ thống thông tin liên lạc). Trong quá trình đó lao động nông thôn được thu hút sang lĩnh vực phi nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn được chuyển dịch mạnh mẽ, thu nhập từ phi nông nghiệp của nông dân tăng dần và tỷ trọng thu nhập từ nông nghiệp ngày càng nhỏ. Nông nghiệp còn được hỗ trợ to lớn của Nhà nước về trợ giá và các hỗ trợ khác.
Tuy nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế nhưng đó lại là một nền nông nghiệp thâm canh ở trình độ cao (thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá, điện khí hoá, hoá học hoá, sinh học hoá...), sức sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế cao và sức cạnh tranh lớn. Nông nghiệp được phát triển dựa trên cơ sở hạ tầng vững mạnh, trình độ kỹ thuật tiên tiến, các quy trình kỹ thuật được tôn trọng nghiêm ngặt bởi tính công nghiệp hoá cao của nó.
Phát triển nông nghiệp theo kiểu công nghiệp, liên kết chặt chẽ với nhau ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ là đặc trưng của nông nghiệp ở các nước phát triển. Nông nghiệp ở các nước phát triển mang tính hàng hoá cao, sản phẩm chủ yếu được dùng làm
nguyên liệu cho công nghiệp. Từ đó vấn đề tiêu thụ sản phẩm (hay các kênh tiêu thụ sản phẩm) được đặt ra ngay từ khi bắt đầu sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Sự hỗ trợ của công nghiệp chế biến công nghệ cao và tính hợp lý trong bố trí tiêu thụ sản phẩm sẽ rất hiệu nghiệm đối với nông nghiệp.
Với mức sống cao, sức mua trong nước lớn và khối lượng sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước rất lớn, trong khi đó sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của các nước phát triển là những sản phẩm tinh, có sức cạnh tranh cao.