Giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1954

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG HỌC PHẦN CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP (Trang 65)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chính quyền cách mạng vừa được thiết lập, còn đang non trẻ đã phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng trong giai đoạn này là tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Chính sách nông nghiệp của Chính phủ ở giai đoạn này chủ yếu là động viên tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, huy động lương thực cho tiền tuyến, thực hiện giảm tô, giảm tức cho nông dân ở các vùng giải phóng. Nhờ các chính sách này mà sản xuất nông nghiệp được khôi phục và phát triển. Sản lượng lương thực quy thóc năm 1954 ở vùng giải phóng đạt 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Nền kinh tế ở giai đoạn này phát triển nhanh hơn giai đoạn trước, khắc phục được nạn đói, do đó củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng. 5.1.2. Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1960

Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954 chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Nước Việt Nam lúc này tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Ở miền Bắc, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước. Giai đoạn này bắt đầu bằng kế hoạch ba năm khôi phục và phát triển kinh tế (1955 - 1957) và tiếp theo là thời kỳ cải tạo nền kinh tế theo CNXH (1958 - 1960).

Nền kinh tế miền Bắc vốn chủ yếu là nông nghiệp lại đứng trước hậu quả hết sức nặng nề do chiến tranh để lại. Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tháng 8/1954 đã đề ra kế hoạch 3 năm (1955 - 1957) khôi phục, phát triển kinh tế. Chính sách trong nông nghiệp lúc này là "cải cách ruộng đất là trung tâm". Tháng 2/1954 cải cách ruộng đất được thực hiện trên phạm vi 3.653 xã thuộc 22 tỉnh miền Bắc. Cuối năm 1957 cải cách ruộng đất đã cơ bản được hoàn thành. Mặc dù cải cách ruộng đất có một số sai lầm tả khuynh, sau đó phải sửa sai, nhưng nó vẫn là một thắng lợi lớn. Cải cách ruộng đất đã chia 81 vạn hecta ruộng, 74 nghìn con trâu bò cho trên 2,1 triệu hộ nông dân.

Khẩu hiệu "người cày có ruộng" đề ra từ những năm 30 đã được thực hiện. Chính sách thuế nông nghiệp lúc này dựa trên cơ sở phân hạng đất đai và xác định tỷ suất thuế theo hạng đất. Ở khu vực quốc doanh nông nghiệp có hình thành các nông trường quốc doanh, nông trường

Từ 1958 - 1960 miền Bắc tiến hành cải tạo XHCN. Tháng 4/1958 Quốc hội thông qua kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế (1958 - 1960). Nội dung chủ yếu của công cuộc cải tạo là “Biến nền kinh tế nhiều thành phần thành nền kinh tế XHCN với 2 hình thức sở hữu chính là quốc doanh và tập thể”. Trên tinh thần đó khâu đột phá của công cuộc cải tạo là đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể.

Quá trình tập thể hoá trong nông thôn được tiến hành từng bước dần từ thấp đến cao (tổ đổi công - hợp tác xã bậc thấp - hợp tác xã bậc cao). Kết quả là đến năm 1960 đã có 85,8% hộ nông dân với 68,1% diện tích đất canh tác được tập thể hoá, 2760 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 276 tổ đổi công, 285 hợp tác xã nghề muối. Ngoài ra, các ngành thương nghiệp, tín dụng, giao thông vận tải... cũng thành lập các hợp tác xã. Ngành nông trường quốc doanh được tổ chức lại, các loại nông trường quốc doanh (nông trường quốc doanh, nông trường quân đội và liên đoàn sản xuất miền Nam) được sát nhập lại, gọi chung là nông trường quốc doanh, cả nước có 56 nông trường quốc doanh.

5.1.3. Giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1975

Đây là giai đoạn thực hiện song song 2 nhiệm vụ chiến lược "Xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam". Tháng 9/1960 Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Tháng 7/1961 Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng đã họp đề ra những quyết sách cho nông nghiệp: "củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp và nông trường quốc doanh, phát triển nông nghiệp một cách vững chắc, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp, thuỷ lợi hoá, dần dần cơ giới hoá một bước"...

Trong thời kỳ này miền Bắc tiến hành xây dựng các cơ sở vật chất bước đầu, nổi bật trong nông nghiệp là thủy lợi; tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã và đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho hợp tác xã. Cải tiến quản lý hợp tác xã được thực hiện trên 3 mặt (tài chính, lao động và phân phối). Năm 1972 cuộc vận động "Tổ chức lại sản xuất" được tiến hành trên toàn miền Bắc, các đội sản xuất tổng hợp và các đội chuyên trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được thành lập. Chính sách phát triển kinh tế của giai đoạn này nhằm tăng cường sản xuất, đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến.

Do hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ(chủ yếu là 1966 - 1967 và 1971 - 1973) nên chủ trương phát triển kinh tế phải vừa phát triển kinh tế Trung ương, vừa phát triển kinh tế địa phương.

5.1.4. Giai đoạn từ 1976 đến năm 1980

Đây là giai đoạn cải tạo XHCN kinh tế miền Nam và phát triển kinh tế trong cả nước. Kế hoạch 5 năm (1976 - 1980) được đặt ra, trọng tâm là cải tạo nền kinh tế và tập trung giải quyết vấn đề lương thực.

Ở miền Nam, công cuộc cải tạo XHCN được tiến hành trong nông nghiệp. Nhiều HTX và tập đoàn sản xuất nông nghiệp ra đời. Phong trào hợp tác hoá phát triển mạnh ở cả hai miền với mô hình tập thể hoá, chuyên môn hoá cao. Tuy nhiên, phong trào phát triển nhanh mà không vững chắc, mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng lương thực, thực phẩm. Sản lượng lúa giảm (năm 1976 đạt 11,827 triệu tấn thì đến năm 1978 chỉ đạt 9,790 triệu tấn), cả

nước nhập khẩu 1,708 triệu tấn lương thực. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước bị thua lỗ nghiêm trọng. Lạm phát luôn tăng ở mức hai con số. Do vậy, nền kinh tế lúc này đã bắt đầu có dấu hiệu rơi vào tình trạng khủng hoảng.

5.1.5. Giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1987

Ngày 13/1/1981 Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Chỉ thị 100 CT/BBT về cơ chế “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động”. Theo tinh thần của cơ chế khoán mới, hợp tác xã điều hành 5 khâu, xã viên đảm nhận 3 khâu. Từ đây, các hộ xã viên đã được chủ động hơn trên mảnh đất và họ đã được hưởng một phần sản lượng vượt khoán. Đây là việc làm có ý nghĩa trong việc thực hiện quyền tự chủ trong sản xuất, đã ngăn chặn được sự sa sút trong nông nghiệp, tạo ra động lực cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Trong những năm đầu thực hiện chế độ khoán mới, sản lượng lương thực tăng lên liên tiếp (mỗi năm tăng gần một triệu tấn, năm 1985 đạt 15,875 triệu tấn). Ngày 14/11/1987 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 217/HĐBT về việc giao quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện lấy thu bù chi cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế Nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế khoán mới vẫn chưa triệt để và do ảnh hưởng của chính sách Giá – Lương – Tiền (1985) và sự hoành hành của “dịch hụi”, nền kinh tế của đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

5.1.6. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1992

Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) đề ra, để thực hiện một ba chương trình kinh tế lớn là lương thực, thực phẩm, ngày 5/4/1988 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết X BCT về “Đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp”. Nghị quyết đã xác định vai trò tự chủ của kinh tế hộ nông dân với sự hỗ trợ dịch vụ của hợp tác xã. Từ đây, sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển đáng kể. Sản lượng lương thực từ chỗ chỉ đạt trên dưới 18 triệu tấn thời kỳ 1984 – 1987, nay đã tăng lên, đạt 21,5 triệu tấn vào năm 1989. Bình quân giai đoạn 1986 – 1990 sản lượng lương thực tăng 13,5%/năm. Từ một nước thiếu lương thực, đến nay Việt Nam không những cung cấp đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước mà đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực (năm 1989 xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, năm 1990 xuất khẩu 1,6 triệu tấn gạo), đứng hàng thứ 3, rồi thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới.

Đối với khu vực kinh tế quốc doanh, Nhà nước đã giảm bớt các chỉ tiêu pháp lệnh, đến năm 1989 hầu hết các doanh nghiệp chỉ còn phải thực hịên một chỉ tiêu pháp lệnh duy nhất là nộp ngân sách. Trong giai đoạn này chế độ hai giá bị xoá bỏ, chấm dứt tình trạng phân phối theo giá bao cấp đối với phần lớn hàng hoá tư liệu sản xuất (trừ một vài loại sản phẩm vật tư chiến lược như điện, thép, xi măng, xăng dầu...). Đến tháng 3/1989 trừ ba mặt hàng còn bao cấp là xăng dầu, điện và cước vận tải, còn lại giá cả của tất cả mọi hàng hoá đều được thả nổi. Thành công trong giai đoạn này không chỉ đơn thuần là phục hồi được sản xuất tăng trưởng kinh tế, đẩy lùi lạm phát mà quan trọng hơn là đã chuyển đổi về căn bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, tức là xoá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Do vậy, sức sản xuất đã được giải phóng.

5.1.7. Giai đoạn từ năm 1993 đến nay

Trong giai đoạn này, rất nhiều bộ luật mới được ban hành như Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Đất đai, Luật Tín dụng, Luật Hợp tác xã... Đường lối đổi mới đã được triển khai và phát huy tác dụng tích cực, lạm phát được kiềm chế và bị đẩy lùi, Nhà nước ban hành hàng loạt các Chỉ thị, Nghị quyết để từng bước xác lập và đổi mới cơ chế quản lý mới.

Chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp thực sự là động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Trong nông nghiệp, Luật Đất đai được ban hành năm 1993, sửa đổi năm 1998, năm 2001 và năm 2003 đã xác nhận và hoàn thiện các quyền trong sử dụng đất đai. Để khuyến khích nông dân bỏ vốn đầu tư lâu dài vào nông nghiệp, Luật cho phép người sử dụng đất có thể sử dụng đất trong thời hạn dài (20 năm đối đất canh tác, 30 năm cho đất trồng cây lâu năm và 50 năm đối với đất rừng). Nhờ vậy sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực liên tục phát triển, vấn đề an ninh lương thực đã được giải quyết, sản lượng lương thực không ngừng tăng cao. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm tăng 1,2 triệu tấn lương thực. Thị trường xuất khẩu nông sản được mở ra và ngày càng phát triển, nhiều loại nông sản xuất khẩu đã có chỗ đứng trên thị trường ngoài nước. Từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII. IX, X tập trung mọi điều kiện cần thiết để phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, chú ý thỏa đáng đến quyền lợi của nông dân. Các chương trình 134, 135, xây dựng các điểm sáng trong phát triển kinh tế - văn hoá miền núi, chương trình trồng 5 triệu hecta rừng, phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa... đã được triển khai. Các chính sách khuyến nông, tín dụng trong nông nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại... đã thực sự đi vào cuộc sống, hệ thống chính sách nông nghiệp trở nên phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản suất và đời sống.

Trong giai đoạn này, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, chăm sóc bảo vệ, trồng rừng... Các chính sách nông nghiệp đã khơi dậy sự năng động sáng tạo của nông dân. Nhiều mô hình sản xuất giỏi, các hình thức hợp tác kiểu mới trong nông thôn xuất hiện đã được rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp cho Việt Nam hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Kết quả đạt được trong những năm đổi mới vừa qua đã đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra tiền đề để bước vào giai đoạn phát triển mới – giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

5.2. ĐẶC ĐIỂM HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Hoạch định chính sách kinh tế nói chung và chính sách nông nghiệp nói riêng ở Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của các đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước

Do đất nước Việt Nam có vị trí trải dài, điều kiện tự nhiên rất phong phú, lại diễn biến phúc tạp nên để có được chính sách nông nghiệp phù hợp với tất cả các vùng kinh tế là điều

rất khó khăn. Do vậy, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể mà mỗi ngành, mỗi địa phương phải cụ thể hoá chính sách để việc triển khai thực hiện chính sách nông nghiệp ở địa phương mình vừa không trái với đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ vừa lại được sự đồng tình ủng hộ của đại đa số quần chúng nông dân.

Điểm xuất phát về kinh tế - xã hội thấp kém, trình độ sản xuất lạc hậu, lại trải qua thời kỳ chiến tranh kéo dài cho nên việc hoạch định và thực hiện chính sách nông nghiệp phải làm dần từng bước từ thấp đến cao phù hợp với trình độ tiếp thu của nông dân.

Ruộng đất (tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp) qua nhiều lần thay đổi cách quản lý vẫn chưa tạo lập được tâm lý ổn định trong sử dụng đất người nông dân. Sau cải cách ruộng đất, nông dân được quyền sở hữu ruộng đất nên phấn khởi sản xuất; tiếp đó trong thời ký hợp tác hóa, ruộng đất trở thành sở hữu tập thể và từ năm 1980, Hiến pháp Việt Nam quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân... Đối với nông dân chỉ từ sau Nghị định 64CP (1993) họ mới yên tâm đầu tư trên mảnh ruộng được giao quyền sử dụng lâu dài. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trình độ dân trí, trình độ tiếp thu chính sách của Chính phủ ở các tầng lớp nhân dân rất khác nhau, thu nhập và sản xuất có sự chênh lệch giữa các vùng và các nhóm người trong xã hội đã ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách nông nghiệp và chỉ đạo thực hiện chính sách ở từng vùng.

Chính sách nông nghiệp Việt Nam được hoạch định dựa trên cơ sở chủ trương, đường lối phát triển nông nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong hệ thống chính trị của Việt Nam, Đảng vừa là một thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam tuân theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu cầu của quy luật kinh tế khách quan để đưa ra những quyết sách phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Từ nhận thức đúng quy luật vận động khách quan, Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hoá đường lối phát triển kinh tế của Đảng bằng các chính sách. Trong nông nghiệp, các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng đối với sản xuất nông nghiệp được thể hiện bằng các

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG HỌC PHẦN CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP (Trang 65)