7. Cấu trúc luận văn
2.4. thức cá nhân về việc nhìn lại cuộc chiến tranh đã qua
Tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986 đi vào khám phá soi chiếu con người ở nhiều bình diện như tư tưởng tình cảm và khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, khám phá đến những miền bí ẩn sâu kín của con người, nhà văn cũng không quên phản ánh những vấn đề có liên quan đến con người, trong đó có việc nhận thức lại cuộc chiến tranh đã qua.
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã có biết bao tác phẩm viết về mặt hào hùng oanh liệt ngợi ca lòng yêu nước chủ nghĩa anh hùng cách mạng và vẻ đẹp của người Việt Nam được tôi qua lò lửa của cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng như nhiều nhà văn từng gặt hái vinh quang trong thời chiến tranh nhận định, đấy chưa phải là tất cả hiện thực chiến tranh ấy (Nguyên Ngọc, Chu Lai, Nguyễn Văn Bổng…). Hiện thực chiến tranh không chỉ có những năm tháng hào hùng, oanh liệt mà còn có những mảng màu xám. Đó là đau thương, chết chóc, mất mát, yếu đuối... Vì vậy, giờ đây, họ không trình bày chiến tranh ở mặt hào
hùng lạc quan vốn đã được nói đến quá nhiều trong văn học ở giai đoạn trước đó.
Tuy văn học trước đổi mới cũng nói đến sự mất mát nhưng ở phương diện của sự hy sinh, nỗi đau chuyển hóa thành lòng căm thù. Đó là cái mất mát trong cái mất mát lớn lao của đất nước. Còn trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1986, các nhà văn cũng đề cập đến sự mất mát nhưng là sự mất mát của hiện thực chiến tranh như nó vốn có: mất mát thể xác, tinh thần; tuổi xuân của người phụ nữ, nỗi đau mất người thân. Những vấn đề trên đều là những vấn đề hết sức tế nhị, nó là mặt trái, mặt đau thương của cuộc chiến và rất dễ ảnh hưởng đến tinh thần của người cầm súng. Vì thế, có một thời văn học chúng ta né tránh khi phản ánh hiện thực chiến tranh. Viết về chiến tranh, các nhà văn muốn bổ sung thêm những mặt thiếu hụt của đề tài chiến tranh từ trước đến nay bằng những từng trải, suy ngẫm chân thật và sâu sắc của mình. Những người lính trong sáng tác của Dương Hướng, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều không say sưa với chiến công, không khoác cho chiến tranh bộ mặt của hội hè mà họ luôn đau đáu với nhân cách làm người, cứ day dứt mãi vì lẽ công bằng, những quy luật nghiệt ngã của chiến tranh.
Bảo Ninh đào sâu vào chính cái phương diện mà các nhà văn khác né tránh chủ yếu vì lợi ích của cuộc chiến đấu, một khi chiến thắng cuối cùng chưa đạt được: bộ mặt thật của chiến tranh với sự hủy diệt tàn khốc của nó đối với con người. Chiến tranh hiện lên trong hồi ức của những người như Kiên trong
Nỗi buồn chiến tranh không chỉ là những năm tháng chiến đấu anh dũng, hào
hùng, những con người trung kiên, can đảm “thà chết không hàng” mà còn có những cảnh tang thương chết chóc “máu tung xối, chảy tóc, ồng ộc, nhoe nhoét, trên cái trảng hình thoi ở giữa truông, cái trảng mà nghe nói đến ngày nay cỏ cây vẫn chưa lại hồn để mọc lên nổi, thân thể dập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì
hơi nóng”, còn có những thất bại trên chiến trường, những kẻ đào ngũ và cả những cái chết bi thương. Trong dòng hồi ức của Kiên, chiến tranh là hiện thực đầy rẫy những hình ảnh ám ảnh của những bóng ma và của những cái chết. Đó là bóng ma cô đơn, lạc lõng ở truông “Gọi hồn”, bóng ma “lang thang khắp các xó xỉnh bụi bờ ven rừng, dọc suối chưa chịu chầu trời”, bóng ma với tiếng cười “rũ rượi, sằng sặc” ma quái, ghê rợn; đó là cái chết của những đồng đội ngày đêm kề vai sát cánh: của những Từ, những Oanh, những Thịnh “nhớn”, những Tâm, là cái chết của những cô gái giao liên trẻ tuổi và cái chết của vô vàn tử sĩ trong trong những trận đánh xáp lá cà tắm máu nơi ngọn đồi “Xáo Thịt”. Với
Nỗi buồn chiến tranh, chưa bao giờ người đọc thấy có nhiều, thật nhiều cái chết
đến vậy. Có những người chết mà không được một nấm mồ, chết mà không còn nguyên vẹn thân xác để hồn mãi lang thang: “hồn bơi ra khỏi xác biến thành con ma cà rồng đi hút máu người”. Có những người chết trở thành “đống giẻ nát nhừ vắt mình trên bờ công sự”. Bao nhiêu cái chết dồn dập về trong tâm trí anh. Trận Plây-Cần năm 1972 “thây người la liệt”, “máu tới bụng chân, lội lõm bõm”. Cứ thế, những cái chết chồng chéo lên nhau hoảng loạn, kinh hoàng. Cho đến khi Kiên viết lại cuốn tiểu thuyết chiến tranh của đời mình thì không khí của truyện là “bầu không khí của những khu rừng tăm tối, ngùn ngụt tử khí và lam chướng, mờ mịt bóng yêu tà. Những di vật và những bộ xương mũn nát được vớt lên từ đáy những rừng cây ấy”. Với Kiên, nếu như không có Hòa, có những người đồng đội thân yêu ruột thịt, vô số và vô danh những người lính thường, những liệt sĩ của lòng nhân ái đã làm sáng danh đất nước này và đã làm nên vẻ đẹp tinh thần cho cuộc kháng chiến thì hẳn “chiến tranh với bộ mặt gớm guốc của nó, với những móng vuốt của nó, với những sự thật trần trụi bất nhân của nó sẽ chỉ đơn thuần có nghĩa là một thời buổi và một quãng đời mà bất kỳ ai đã phải trải qua đều mãi mãi không thể tha thứ cho mình” [62, tr.208].
Không những phải chiến đấu gian khổ trong hoàn cảnh sinh tử ác liệt, người lính còn phải chịu đựng biết bao thiếu thốn, khó khăn: “Bệnh tật khủng khiếp và đói khổ triên miên đã tận diệt cuộc sống nơi đây”, “khẩu phần lương thực đang sụt xuống nhanh như thể nước trong cái bình đập vỡ đáy, khổ sở vì đói, vì sốt rét triền miên, thối hết cả máu, vì áo quần bục nát tả tơi và vì lở loét cùng người như phong hủi, cả trung đội chẳng còn ai trông ra hồn thằng trinh sát nữa”. Sống và chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn đó, những chấn động tâm lý lưu lại trong tâm trí của người lính là điều không thể tránh khỏi. Can nói với Kiên rằng: “Tôi không sợ chết nhưng cứ bắn giết mãi thế này thì chết hoại tình người. Dạo này đêm nào tôi cũng mộng thấy mình chết và tôi bơi ra khỏi xác và xác biến thành con ma cà rồng đi hút máu người” [62, tr.183].
Rõ ràng, chiến tranh luôn gắn với hy sinh, chết chóc và có lẽ chỉ những người tham gia vào cuộc chiến mới thực sự thấm thía cái cảnh chết chóc đáng sợ ấy: “Theo dần năm tháng những luồng sinh khí chết ấy đã đậm lại trong lòng anh. Trở thành tiềm thức, trở thành bóng tối của tâm hồn anh. Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi đau buồn của chiến tranh” [62, tr.192].
Có thể nói rằng, đến Bảo Ninh tất cả những nỗi buồn của chiến tranh, những nỗi buồn lo lắng về cuộc chiến, những phút yếu đuối và cả nạn đào ngũ của người lính được tái hiện một cách chân thực. Nhà văn đã khái quát lên: “Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”.
Bảo Ninh không chỉ viết nhiều về những đau thương mất mát, những tàn khốc và những chấn động tâm lý như hậu quả tất yếu của mọi cuộc chiến tranh
mà tác giả còn đứng từ một xuất phát điểm là đất nước trong thời hậu chiến với những khủng hoảng trầm trọng để nhìn nhận lại cái giá của chiến thắng, để đau nỗi đau trước thói bội bạc, vô ơn, trước những tiêu cực đầy rẫy của một giai đoạn đầy phức tạp, nên âm hưởng chung của tác phẩm là âm hưởng buồn.
Ăn mày dĩ vãng là một tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh nhưng phạm
vi của tác phẩm không chỉ xoay quanh những vấn đề về cuộc chiến đấu giữa hai phe ta-địch mà còn đề cập đến những mặt trái trong thời chiến và thời bình, cuộc sống của các chiến sĩ khi bước ra từ cuộc chiến. Bên cạnh việc đề cập đến sự dũng cảm, đức hy sinh, tình yêu của những người lính, tác phẩm còn lôi ra những góc khuất trong thời chiến và thời hậu chiến. Điều này khiến nó khác hẳn với những sáng tác cùng đề tài trước đây, chỉ tái hiện một chiều: ngợi ca, cổ vũ sức mạnh tinh thần cho dân tộc. Hiện thực chiến tranh hiện ra rõ nét, góc cạnh qua hồi ức của nhân vật “tôi” – Hai Hùng, cũng là một người lính lúc bấy giờ. Qua những dòng ký ức, chúng ta không chỉ bắt gặp những anh lính kiên cường, những cô thanh niên xung phong gan dạ mà còn biết được những phút yếu lòng của họ. Họ cũng là con người với những ham muốn bản năng về vật chất và thể xác. Nhân vật Tám Tính oanh liệt trên trận chiến là thế nhưng cũng có những khát khao đời thường mãnh liệt của riêng mình và không thể chống lại nó. Hai Hùng được miêu tả theo xu hướng lý tưởng như vậy, là tấm gương mà bao cô gái ước được “vùi mặt vào cái tảng ngực của anh mà ngủ và không tỉnh dậy nữa” cũng được nhưng đã có lần lén đi uống trộm sữa... Một Hai Hợi có bề ngoài mạnh mẽ như vậy nhưng cuối cùng cũng chiêu hồi vì nỗi thất vọng quá lớn của tình yêu.
Trong chiến tranh, cũng khó tránh khỏi những sơ suất đáng tiếc kết liễu một cách vô lý sinh mệnh con người. Đó là quả lựu đạn đã tháo chốt trong túi áo Khiển mà anh vô tình đặt nó lên bàn, trong tích tắc nó đã tạo ra một vụ nổ khủng
khiếp, làm tan hoang cả một vùng đất và cướp đi vĩnh viễn sự sống của một người lính vừa mới đây thôi còn cười cười nói nói về chiến thắng. Đó là quả đạn pháo Tuấn vô tình làm bật khỏi nòng và đâm thủng bụng cậu bé Bảo. Để rồi Hai Hùng đành phải quyết định chôn Bảo trong khi Bảo còn sống mà ruột, phân, những con lãi và máu hòa trộn vào nhau lênh láng khắp sàn nhà. Những cái chết đó mãi ám ảnh những người lính dẫu cho họ là người gan dạ đến mức nào, đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tượng khủng khiếp. Không chỉ vậy, còn có những kẻ lợi dụng quá khứ để đoạt lợi cho bản thân như Địch, tên sĩ quan ngụy đã từng theo phe địch và giết hại quân dân ta, sau này, núp dưới bóng Ba Sương để làm giàu một cách phi pháp. Chiến tranh kết thúc không đồng nghĩa với việc cái xấu cái ác đã bị đẩy lùi. Chúng vẫn còn tồn tại và len lỏi từ quá khứ đến hiện tại, đòi hỏi chúng ta phải hết sức cảnh giác.
Chiến trường binh lửa khốc liệt, chết chóc, đau thương là thế còn ở hậu phương thì sao? Các nhà văn trước đổi mới cũng hướng ngòi bút của mình về hậu phương, nơi những người mẹ, người vợ ngày đêm chờ con, chờ chồng trở về. Nhưng đó là sự chờ đợi trong hân hoan, hy vọng và xen lẫn tự hào. Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh sau 1986, đặc biệt là trong Bến không chồng
của Dương Hướng, góc khuất hậu phương hiện lên một cách đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất. Không tiếng bom đạn, không máu lửa, chết chóc nhưng biết bao người mẹ, người vợ đã phải cô đơn, mòn mỏi đợi chờ những người lính ra trận không trở về, phải chôn dấu những khát khao hạnh phúc cá nhân để rồi nhan sắc, tuổi xuân tàn phai theo năm tháng thời gian. Những cái “bến không chồng” chính là minh chứng cho sự hiện diện của nỗi đau do chiến tranh gây ra cho cả dân tộc trong một thời kỳ dài khi lớp lớp đàn ông đều ra trận.
Bước ra từ chiến trường máu lửa, cuộc đời Nghĩa đi qua biết bao ngã rẽ mà anh không thể lường trước được: Cuộc chia tay đau đớn với Hạnh-người vợ
anh rất mực yêu thương; cuộc kỳ ngộ với Thủy và một cuộc hôn nhân chóng vánh như trốn chạy quá khứ cũng không làm cho quãng đời còn lại của anh sáng sủa hơn. Nhưng đau đớn hơn cả là chiến tranh đã cướp đi của anh khả năng làm cha, khiến cả hai người đàn bà gắn bó với anh đều dang dở. Khác với vẻ “lành lặn” bên ngoài của Nghĩa, Thành lại mang bộ mặt ghê sợ tới mức quái dị do bị bỏng bom na-pan “mặt sần sùi rộp lên đỏ lừ”. Gương mặt ấy đã hủy hoại cuộc đời Thành vì không một cô gái nào dám nhìn vào khuôn mặt biến dạng ấy dù biết rằng sau khuôn mặt đó là một tâm hồn vô cùng đẹp đẽ. Cúc, cô gái mà anh thương mến: “thấy anh ấy hoàn toàn xa lạ, xa lạ đến mức đáng sợ. Gương mặt anh ấy ám ảnh em cả trong giấc mơ”. Cúc đã thành thật từ chối bởi cô tôn trọng anh, cô không muốn anh phải sống trong mơ mộng “em nhìn vào gương mặt anh ấy và bỗng thấy mọi sự đều tan biến, đỗ vỡ hết. Em nhận rõ mình không yêu anh ấy. Em không thể yêu anh ấy”. Mọi người trong làng không hiểu, không thông cảm cho cô. Và từ đó cô sống trong đau khổ. Có những sự thật nghiệt ngã vẫn xảy ra trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ này và con người buộc phải chấp nhận.
Chiến tranh đã gây ra đau khổ không chỉ ở người chiến sĩ mà còn những người thân, người vợ của họ nơi hậu phương. Đó là sự mòn mỏi đợi chờ chồng theo năm tháng của Hạnh, của Thắm, của Dâu… Đó còn là nỗi đau mất người thân của những người như bà Nhân. Bà đã cống hiến cho đất nước tất cả những gì bà có: chồng và hai người con trai. Khi đất nước rạo rực trước tin chiến thắng Điện Biên thì ở nhà, bà Nhân đang vật lộn với nỗi đau. Chồng bà hy sinh, bỏ lại ba đứa con nhỏ dại. Nỗi đau mất chồng vừa nguôi ngoai, bà lại lần lượt tiễn hai người con trai ra trận. Thế rồi thằng Hà con trai trưởng của bà cũng đi theo cha nó. Rồi bà lại tiếp tục nhận tin thằng Hiệp hy sinh. “Cả làng Đông này chỉ có mỗi bà Nhân là đau đớn nhất”, “bà gào khóc vật vã, bà có cảm giác con người
mình như hững đi, rơi tỏm xuống một cái hố sâu thăm thẳm. Bà tự thấy mình là người có lỗi trong cái chết của chồng và các con”. Nỗi đau cứ ám ảnh bà. Bà cứ tưởng rằng, Hạnh sẽ là niềm tin còn lại duy nhất của bà, sẽ là chỗ dựa cho bà khi bóng xế chiều tà. Thế nhưng cuộc hôn nhân của Hạnh đỗ vỡ, tất cả cũng bởi chiến tranh.
Với các tiểu thuyết về chiến tranh sau khi hòa bình lập lại, đặc biệt là trong giai đoạn sau 10 năm đổi mới, hiện thực chiến tranh đã được phản ánh một cách đa chiều, toàn diện. Qua Bến không chồng, Nỗi buồn chiến tranh, Ăn
mày dĩ vãng, chiến tranh không chỉ hiện lên với bộ mặt hào hùng, với những
chiến công và vinh quang mà còn là sự mất mát, hủy diệt đến khốc liệt, ở đó còn có cả những mặt yếu đuối, thầm kín của con người. Chiến tranh cướp đi sinh mạng của những người lính không may mắn đã đành, nó còn cướp đi nhiệt huyết sống của những người đi qua bom đạn, trả họ về cuộc sống hòa bình với hình hài đầy thương tích, có khi chẳng còn nguyên vẹn cùng những ký ức đau thương, dữ dội về chiến tranh. Chiến tranh còn lấy đi cả thời con gái xuân sắc của biết bao người con gái, cướp đi hạnh phúc được làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng của biết bao con người, để lại trong họ những nỗi đau khắc khoải, những nuối tiếc, xót xa, những cảnh đời bơ vơ, dang dở…