Hướng về những khát vọng cá nhân

Một phần của tài liệu vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết việt nam từ sau 1986 (Trang 70 - 76)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.1. Hướng về những khát vọng cá nhân

Khi vấn đề ý thức cá nhân trở lại trong tiểu thuyết việt Nam thì đó cũng là lúc các nhà văn quan tâm sâu sắc đến những khát vọng của con người, đặc biệt là khát vọng tự do và khát vọng hạnh phúc. Có thể nói khát vọng tự do và hạnh phúc là những khát vọng muôn thuở của loài người, là nguồn mạch nhân văn chưa bao giờ vơi cạn trong văn chương nghệ thuật.

Những con người cô đơn trong các tác phẩm tiểu thuyết nhiều khi xuất phát từ niềm khao khát tự do, hạnh phúc, khao khát một cuộc sống đích thực. Con người càng hiện đại càng ở trình độ phát triển cao, càng nhiều khát vọng hoàn thiện thì nỗi cô đơn càng sâu sắc khi đi vào thế giới sâu thẳm của cái tôi con người. Chúng ta khó có thể tìm thấy dạng nhân vật này trong văn học cách mạng 1945-1975 bởi con người trong văn học thời kỳ này là con người của tập

thể, của cộng đồng. Ngược lại, nhân vật trong văn xuôi thời kỳ đổi mới mang tất cả nỗi buồn, cô đơn của con người hiện đại.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, nhân vật cha Kiên, một người họa sĩ già lập dị, ông không phải là người lính nên nỗi buồn và sự cô đơn của ông (từ bỏ căn phòng ấm cúng của hai cha con để lên sống ở tầng áp mái chật hẹp, bưng bít, bị xã hội phê phán, bị tập thể ruồng bỏ, chìm sâu vào thế giới của ảo giác, thế giới của siêu thực) không do sự tàn ác và nhẫn tâm của chiến tranh mang lại mà nỗi buồn và sự cô đơn đó bắt nguồn từ chính tài năng thiên bẩm của ông. Ông là một họa sĩ có tài, có tâm, ông không đi theo những lối mòn nghệ thuật như những họa sĩ đương thời mà ngược lại ông đi một lối riêng. Ông dấn thân vào địa hạt của tranh trừu tượng, siêu thực. Cái tôi cá thể của ông với những khao khát tự do đã bứt ra khỏi cái tôi tập thể, và vì thế nó hoàn toàn rơi vào sự cô đơn, cô lập. Những ý thức của tập thể đã không thể hiểu được cái tôi cá thể của ông. Có lẽ mong ước lớn nhất của ông là được mọi người thừa nhận những tác phẩm cũng như tài năng của mình. Vậy mà những bức tranh yêu ma siêu thực của ông chỉ đem lại cho mọi người một cảm giác rùng rợn và ghê sợ, họ khai tử các tác phẩm của ông ngay từ khi chúng chưa ra đời. Cái tôi nghệ sĩ của ông bị đâm một nhát dao chí mạng và cùng những uất ức dồn nén khiến ông trở nên tuyệt vọng và quyết định đi đến cái chết. Có thể thấy, sự cô đơn của người họa sĩ ấy là biểu hiện của khát vọng tự do, muốn được là chính mình.

Với nhân vật Từ Lộ (Giàn thiêu của Võ Thị Hảo), ẩn chứa trong sự thù hận, thói đam mê quyền lực dường như vẫn có một khao khát được là chính mình bởi dù mang hình tướng Từ Lộ, Từ Đạo Hạnh hay Lý Thần Tông, chưa bao giờ con người ấy được sống đúng là mình. Lúc nào ông cũng thấy thiếu vắng. Những khi ở cùng Nhuệ Anh, Động Trầm hay Ngạn La thì Từ Lộ-Thần

Tông mới tìm lại được mình, tìm lại niềm khao khát cái đẹp hồn nhiên, thuần hậu.

Bên cạnh Từ Lộ-Thần Tông, Võ Thị Hảo còn xây dựng nhiều nhân vật biểu tượng cho tự do. Sư bà Nhuệ Anh đã kiên quyết dứt bỏ mọi sợi dây ràng buộc (dù những cám dỗ thông thường hay vinh hoa tột đỉnh) để làm một ngọn gió lang thang, mang theo cơn mưa cứu sinh tưới nhuần cây cỏ. Nàng thuộc về tự do và tình yêu thuần khiết, thánh thiện. Trái lại, cô cung nữ Ngạn La lại gợi đến cái tự do hoang dã. Tính cách “mèo hoang”, vẻ đẹp thiên phú, không phấn son, không tự ý thức, vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát của mưu đồ và quyền lực.

Cả Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Mộng Giác đều dùng tự do làm “nốt nhấn” trong cấu trúc nhân cách các vĩ nhân. Với những con người khổng lồ, là thủ lĩnh, là hào kiệt như Hồ Quý Ly, như Quang Trung, khát vọng tự do đã thành bão tố rung chuyển cả thời đại. Hồ Quý Ly không ngại bị lưu danh như một kẻ bất trung, thoán nghịch, dám chấp nhận trả giá, vượt lên căn bệnh “ngu trung” của cả thời đại để thực hiện giấc mộng canh tân Đại Việt. Quang Trung không tự trói mình trong mớ thi thư lễ nghĩa của đám hủ nho, đành lòng chấp nhận sự rạn vỡ trong quan hệ ruột rà để làm những điều mà ông cho là cần thiết cho quốc gia dân tộc. Dẫu kết thúc sự nghiệp khác nhau nhưng cả hai đều là những nhân cách lớn lao, lớn trước hết ở khả năng dám là mình.

Nếu như trong những năm 1945-1975, hạnh phúc của con người được hòa vào hạnh phúc chung của dân tộc, hạnh phúc là được cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước, thì giờ đây trong tác phẩm của mình, Lê Lựu lại chú ý đến hạnh phúc riêng tư, hạnh phúc cá nhân. Lê Lựu quan niệm, hạnh phúc của con người trước hết là được ấm no, thứ đến là được yêu thương và cao hơn hết, hạnh phúc là khi tư tưởng cá nhân được khẳng định, là khi con người xác định được vị trí của mình trong mối quan hệ với cộng đồng xã hội. Ở những nhân vật như

Sài, Hương, chúng ta cảm nhận được những khát vọng về tình yêu, về hạnh phúc và cả những nỗi đau khi phải từ bỏ nó.

Không chỉ có Lê Lựu, từ sau năm 1986, một số tác giả đã dành nhiều tâm huyết của mình thể hiện khát vọng tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc trong những năm đầu xây dựng chế độ mới, những năm chiến tranh tàn khốc. Lê Lựu thể hiện mối tình đầu cay đắng sóng gió của Sài, Hương. Bảo Ninh, Dương Hướng, Hoàng Lại Giang, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập… cảm thông với những lứa đôi hạnh phúc, không trọn vẹn do chiến tranh. Hạnh phúc tan vỡ của Hạnh và Nghĩa (Bến không chồng-Dương Hướng), tình yêu đầy đau khổ của Loan và Phúc Tâm (Tình yêu và tội lỗi-Hoàng Lại Giang) và bao nhiêu người con gái con trai trong Bến không chồng, trên khắp mọi miền quê của Việt Nam đã giành dật từng giây từng phút dưới đạn bom để được sống với tình yêu và hạnh phúc, và phải gánh chịu sự mất mát của tình yêu và hạnh phúc. Đó cũng chính là mơ ước khát khao hướng về cuộc sống về tình yêu và hạnh phúc của một thế hệ được thể hiện qua những trang viết thấm đượm tinh thần nhân văn

Với nhân vật Phương trong Nỗi buồn chiến tranh, đôi khi chúng ta thấy dường như ẩn chứa trong sự cô đơn của nàng là khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Sự cô đơn của Phương xuất phát từ sắc đẹp và tâm hồn táo bạo, không răm rắp tuân theo như những tâm hồn bình thường khác và hơn hết là nó xuất phát từ những khao khát tình yêu hạnh phúc của cô. Từ tuổi mười ba, Phương đã tìm hạnh phúc trong tự do tuyệt đối, tự giải phóng mình khỏi mọi thành kiến, mọi lo âu, mọi ràng buộc, mọi quy luật của xã hội loài người. Trong những giây phút khắt khe nhất của định mệnh, Phương sẵn sàng liều lĩnh đem sinh mệnh mình để đổi trao lấy một vài khắc giây cuồng điên hạnh phúc với người yêu. Nhưng tình yêu ở Phương khác với những tình yêu bình thường đương thời, nó táo bạo và mãnh liệt. Cô yêu hết mình và dâng hiến, mười ba tuổi đã ôm hôn Kiên, ý muốn

dâng hiến cho Kiên luôn thường trực trong đầu cô nhưng tình yêu của Kiên là tình yêu của tập thể, tuân theo những quy luật, lễ giáo. Chính vì vậy anh đã không thỏa mãn được Phương và đẩy Phương trượt dài vào cái cô đơn khôn cùng.

Nhân vật Đào trong tác phẩm Mảnh đất lắm người nhiềuma cũng là một người con gái với khát vọng tình yêu mãnh liệt. Đào là một cô gái trẻ đẹp, một thanh niên của thế hệ mới tràn đầy sức sống, một cô gái hai mươi tuổi, được tiếng là xinh đẹp nhất nhì xóm Giếng Chùa, cháu bí thư Đảng ủy. Tuy tình yêu của Đào bị ràng buộc và ngăn cản bởi những thù hằn, toan tính của hai gia đình song khát vọng về hạnh phúc tình yêu của nhân vật này vẫn không bao giờ lịm tắt.

Khát vọng tình yêu của con người ở thời đại nào cũng thiết tha, mãnh liệt. Chủ đề tình yêu luôn có sức hút rất đặc biệt, nó cho thấy từ sâu thẳm tính người, nhân loại khi đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống đều gặp nhau ở “điểm hẹn” tình yêu. Khám phá nó là cách hữu hiệu để nắm bắt con người ở phần tự nhiên nhất mà cũng đẹp đẽ nhất. Ngay ở những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, yếu tố lịch sử hầu như chỉ là cái cớ để các nhà văn đề cập đến những khát vọng tình yêu của con người.

Là cây bút nữ, Võ Thị Hảo cảm nhận lịch sử phần nhiều qua gương mặt tình yêu. Ám ảnh suốt hơn 500 trang Giàn thiêu là tình yêu định mệnh giữa Nhuệ Anh-Từ Lộ, tình yêu bao dung, hỷ xả chàng Cá Bơn dành cho Nhuệ Anh, tình yêu điên rồ của Lý Câu. Với Nhuệ Anh, tình yêu là lẽ sống cũng là nguồn cơn mọi nỗi truân chuyên oan khổ. Từ bỏ cuộc đời nhung lụa, tiểu thư Nhuệ Anh đi tìm Từ Lộ, trao cho chàng trái tim thổn thức tình yêu và thương xót. Từ Lộ qua hai kiếp sống đầy thù hận lầm lạc nhưng cứ phút nào nghĩ về Nhuệ Anh, tâm hồn ấy lại dịu đi, trong trẻo lại và niềm hoài vọng về một hạnh phúc bình

yên lại được đánh thức. Có thể nói những trang viết về tình yêu là những trang đẹp nhất, thăng hoa nhất của ngòi bút Võ Thị Hảo.

Sâu xa tận đáy lòng Hồ Quý Ly, một khối ý chí khổng lồ, một bản lĩnh dời non lấp biển, đầy toan tính, là ngọn lửa tình yêu âm ỉ cháy. “Bị lịch sử chọn” để mang vác một sứ mệnh quá nặng nề, ông biết mình phải đương đầu với nhiều kẻ thù và chỉ có thể chiến thắng nếu mưu lược hơn tất thảy. Chỉ duy nhất một người đàn bà cho ông được sống những giây phút thật lòng, Đó là công chúa Huy Ninh, người ông đã yêu từ thời thơ dại và yêu cả lúc bà không sống nữa. Chính tình yêu đầy bao dung của bà đã nâng đỡ ông. Hình ảnh người vợ dịu hiền, thánh thiện ấy là một phần con người ông, là những gì tâm hồn ông thiếu vắng: “Bà là điều ông thiếu, là cái khát khao mà ông không có. Bà là cái màu trắng mát mẻ luôn tràn vào tâm hồn ông để hoà dịu cái màu đỏ luôn đêm ngày rừng rực trong ông” [45, tr.86]. Bà Huy Ninh như một ảo ảnh tuyệt đẹp gợi nỗi tiếc nuối da diết về một cuộc đời lẽ ra Hồ Quý Ly đã có: cuộc đời bình yên, hạnh phúc.

Như vậy, thông qua chủ đề tình yêu, các nhà tiểu thuyết đã chuyển mối quan tâm sự từ lý giải lịch sử sang khám phá bản chất người muôn thuở. Và chính tình yêu là chỗ để tác giả phát hiện ra phần tự nhiên, thành thật, thầm kín nhất trong mỗi con người: đó là sự khao khát được yêu và được hạnh phúc. Bên cạnh những khát vọng vể tự do, về tình yêu và hạnh phúc thì con người cũng luôn mong muốn được vươn lên. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, những người dân, đặc biệt là những người phụ nữ, tuy bị dồn ép, vùi dập đến không ngốc đầu nổi nhưng trong họ vẫn tìm ẩn một khát vọng dân chủ. Chúng ta có thể thấy sau lũy tre làng người nông dân, đặc biệt hơn là những người phụ nữ với bao nỗi gian truân nhưng họ vẫn cam chịu nhưng ẩn sâu trong họ là khát vọng vươn lên. Còn với hình tượng nhân vật Tựvà phần nào là nhân

vật Thuật trong Đám cưới không có giấy giá thú, là biểu tượng của khát vọng vươn tới cái đẹp của con người.

Con người sống bất luận trong hoàn cảnh nào thời đại nào cũng đều mưu cầu hạnh phúc tình yêu. Trong chiến tranh, khát vọng riêng tư của con người bị để sang một bên nhường chỗ cho việc đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi chiến tranh đi qua thì những khát vọng riêng tư lại có dịp bộc lộ mà trong đó, khát vọng tự do và khát vọng hạnh phúc là những khát vọng lớn nhất của đời người.

Một phần của tài liệu vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết việt nam từ sau 1986 (Trang 70 - 76)