Khái quát về giọng điệu trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986

Một phần của tài liệu vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết việt nam từ sau 1986 (Trang 118 - 120)

7. Cấu trúc luận văn

3.4.1.Khái quát về giọng điệu trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [22, tr.54]. Còn theo Trần Đình Sử, giọng điệu văn học là một hiện tượng “siêu ngôn ngữ, phụ thuộc vào cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật của tác giả và thời đại. Giọng điệu văn chương là yếu tố nghệ thuật mang tính cá nhân cao độ của nhà văn” [57, tr.18]. Có thể thấy, giọng điệu là một hiện tượng nghệ thuật mang tính cá nhân cao độ, là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Giọng điệu phản ánh quan điểm, thị hiếu thẩm mỹ của người sáng tạo, giọng điệu có vai trò quan trọng trong việc thể hiện cá tính sáng tạo của tác giả (gián tiếp qua hình tượng người kể chuyện). Giọng điệu có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nghệ thuật riêng biệt của mỗi nhà văn. Vì thế nó giúp chúng ta nhận ra tác giả. Người đọc có thể nhận thấy tất cả các chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua giọng điệu. Trong khi trần thuật, tác giả sử dụng nhiều giọng điệu, nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo, chứ không đơn điệu. Giọng điệu được thiết lập từ mối quan hệ giữa người kể với người nghe từ thế giới sự kiện được miêu tả và tạo thành giọng điệu trần thuật. Nguyễn Đăng Điệp phân chia giọng điệu thành hai dạng: giọng

điệu cá nhân và giọng điệu thời đại. Theo tác giả: “Ở đây, diễn ra sự tương tác hai chiều: một mặt, giọng điệu cá nhân chịu sự quy định, ảnh hưởng của giọng điệu thời đại, mặt khác, giọng điệu cá nhân, nhất là những cá nhân tài năng, góp phần làm phong phú, thậm chí thay đổi cấu trúc giọng điệu thời đại” [70, tr.14].

Nếu như tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 tương đối nhất quán về giọng điệu: giọng khẳng định ngợi ca với thái độ tin tưởng, lạc quan bao trùm khắp các tác phẩm thì tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986 lại rất phong phú và đa dạng về giọng điệu. Tiểu thuyết thời kỳ sau này chủ yêu diễn đạt con người đời tư, quan tâm đến cá nhân, cá thể, cá tính. Nhà văn rất có ý thức về cá tính của mình. Mặc dù không phải bao giờ sự ý thức về cá tính cũng làm nên một cá tính nhưng một khi đã có ý thức thì sẽ có sự tìm tòi, sự đa dạng. Khi cá nhân được chấp nhận như một nhân vị, giá trị cá nhân được coi trọng, thì những giọng điệu khác nhau biểu hiện những cách cảm, cách nhìn, cách đánh giá đời sống khác nhau cũng được chấp nhận như một sự phong phú tất yếu và thú vị của đời sống, của văn chương. Có thể thấy giọng điệu văn xuôi từ sau 1986 hết sức đa dạng. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại có một số giọng điệu như: giọng điệu suy ngẫm, triết lý với cảm quan nhìn nhận lại hiện thực của Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến

tranh, của Dương Hướng trong Bến không chồng, của Nguyễn Khải trong Gặp

gỡ cuối năm, Thời gian của người, của Ma Văn Kháng trong Ngược dòng

nước lũ; giọng điệu hài hước, giọng điệu giễu nhại trong văn chương của Phạm

Thị Hoài, lại có giọng điệu dung tục đời thường trong tiểu thuyết của Chu Lai trong Ăn mày dĩ vãng, giọng xót xa, thương cảm của Hồ Anh Thái trong Người

và xe chạy dưới ánh trăng… Nói chung tiểu thuyết là đa thanh, nhiều bè, nhiều

giọng điệu. Tạo được giọng điệu đa dạng, phong phú là đánh dấu một bước trưởng thành trong tư duy nghệ thuật. Khảo sát giọng điệu trần thuật chính là

cách để xác định khuôn mặt nhà văn. Bởi vì giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng để khu biệt phong cách tác giả, là “một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm”.

Một phần của tài liệu vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết việt nam từ sau 1986 (Trang 118 - 120)