Sự tha hóa nhân cách con người

Một phần của tài liệu vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết việt nam từ sau 1986 (Trang 59 - 66)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Sự tha hóa nhân cách con người

Văn học cách mạng thường ít đề cập đến con người tha hóa dù trong thực tế có không ít loại người này. Nói tới con người tha hóa là nói tới quá trình biến

chất, quá trình thay đổi theo chiều hướng xấu của phẩm chất đạo đức, tính cách. Quá trình tha hóa ấy xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Chiến tranh chính là ngọn lửa để “thử vàng”, thử tính cách con người. Chiến tranh tàn bạo gây ra bao mất mát, đau thương cho con người nhưng xót xa hơn, nó còn làm tha hóa cả nhân tính và nhân tình của con người. Con người tha hóa cũng là một loại sản phẩm của chiến tranh. Nó là sự bổ sung đầy đủ hơn về bức tranh, gương mặt của con người thời đại. Viết về con người tha hóa trong chiến tranh, các nhà văn không chỉ đề cập đến những hành động hèn nhát, phản bội, tàn nhẫn trong chiến tranh mà còn miêu tả, nhìn nhận sự tha hóa ấy trong cuộc sống hiện tại. Dường như cuộc sống ngày càng phức tạp thì quá trình tha hóa càng nhiều vẻ, nhiều con đường, nhiều biểu hiện. Xây dựng loại nhân vật này, các tác giả muốn đặt ra những vấn đề đạo đức nhân sinh, mang ý nghĩa xã hội. Có thể thấy rằng, khác với giai đoạn văn học trước, việc viết về những con người tha hóa đã trở thành cảm hứng sáng tác của nhà văn-cảm hứng phê phán bên cạnh cảm hứng khẳng định, ngợi ca.

Trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, để trốn tránh khổ đau, hoảng loạn, Kiên và những đồng đội của mình tìm quên nỗi buồn bằng khói thuốc hồng ma và những trò sát phạt đen đỏ. Năm 1974, từ các cửa xanh, trung đoàn Kiên thu quân về hậu cứ để chỉnh huấn, chuẩn bị trở lại vùng hậu chiến. Kiên và đồng đội sa đà vào trò cờ bạc. Cả đời Kiên chưa khi nào máu mê cờ bạc như hồi đó. Bài bạc lu bù. Thường cứ chập tối cơm xong là bắt đầu ngả chiếu bạc. Người đánh, kẻ chầu rìa, vui vẻ om sòm nhiều hôm thâu đêm. Họ chơi để xua đi những ám ảnh về tương lai phía trước “đằng nào rồi cũng phăng teo, mạnh tay, mạnh tay ta quật, vui chơi xả láng, cóc cần”. Cờ bạc rồi hút sách, lính trung đoàn anh còn tìm ảo giác trong những ngọn khói hồng ma. Bắt đầu từ đám trinh sát của Kiên. Họ bày trò phơi sấy, thái nhỏ hoa, lá và rễ hồng ma trộn với sợi thuốc rê.

Chỉ sau vài hơi rất mạnh là đã lặng lẽ, siêu lịm đi như tà khói mong manh trước gió. Nhờ khói hồng ma, người ta có thể tự chế ra các ảo giác tùy sở thích. Có thể nhờ khói hồng ma mà quên mọi nông nổi đời lính, quên đói khổ, chết chóc, quên béng ngày mai. Khi có lệnh của cấp trên nghiêm cấm sử dụng hồng ma thì khắp truông Gọi hồn đã tiệt giống loại cây này do bị lính săn lùng đào xới.

Hiện thực kinh hoàng của cuộc chiến còn khiến nhiều người không giữ được phẩm chất của người lính. Chiến trận khốc liệt không bến bờ đã làm “nạn đào ngũ lan rộng khắp trung đoàn, chẳng khác nào những cơn ói mửa làm ruỗng nhiều trung đội”. Không chịu nổi cuộc sống trận mạc triền miên những mất mát, thiếu thốn, khổ đau, không chịu nổi cuộc sống luôn phập phồng nỗi lo sự sống-cái chết, Can-A trưởng A2 đào ngũ để rồi chết trên đường trốn chạy, chết chìm trong mưa lũ, trong sự khinh miệt và lãng quên của đồng đội: “tên tuổi của một con người đã từng vào sinh ra tử không kém cạnh ai và vốn không phải là đồ tồi đã đột ngột chìm nghỉm đi”.

Nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh, tái hiện chiến tranh bằng cái nhìn đa chiều: sự mất mát, đau thương, tàn khốc đồng thời Bảo Ninh cũng dựng lại hình ảnh đau lòng về những con người tha hóa. Bạo lực chiến tranh với những “cảnh máu, cảnh lửa, cảnh chém giết cuồng dại” đã làm “méo xệch tâm hồn và nhân dạng” con người. Thay cho một tâm hồn tươi trẻ, phơi phới sức sống đáng có của tuổi thanh xuân là “thói hiếu sát, máu hung tàn, tâm lý thú rừng, ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá”, là “niềm hưng phấn man rợ trong một trận cận chiến bằng báng súng và lưỡi lê”. Đã có lúc, Kiên như trở thành một con người khác: “một con người máu me, ù đặc, lì lợm vô tri giác, một con người chết chóc đang hung hãn, hồng hộc thở trong Kiên chứ không còn là chính anh nữa”.

Càng đi sâu vào chiến tranh, Kiên càng mất niềm tin với sự sống, thờ ơ, lãnh đạm với mọi thứ xung quanh, âm thầm vĩnh biệt chính mình. Cái còn lại

trong anh sau những ngày tháng chiến tranh kinh hoàng dường như chỉ là sự khinh thị sự sống, sự chán chường, uể oải. Anh trở thành một cỗ máy biết chém giết, thành tay sai của tử thần: “Khẩu đại liên hóa điên, điên rồ ngốn vào bụng những băng đạn đồng sáng loáng, khạc lửa tơi bời vào khối người mất trí đang xô tới như ngàn bìa thịt rú lên rũ rượi […] Kiên muốn ngừng bắn nhưng bàn tay thần chết giữ rịt lấy anh” [62, tr. 94].

Tổn thất mà chiến tranh gây ra cho con người đâu chỉ dừng lại ở đó. Trong chiến tranh, con người, chính-con-người, có thể vô cảm đến mức đáng sợ trước cái chết của những-con-người-đồng- loại. Họ có thể ăn uống, cười nó, ngủ nghê thoải mái bên cạnh một “cái xác đàn bà trắng hếu, ngực ưỡn dựng lên, chân dạng ra như hai lưỡi kéo, mái tóc đổ xõa che lấp nửa khuôn mặt, nằm gần như chắn ngang trước cửa phòng Hải quan. Còn trẻ, mắt nhắm hờ”. Đau đớn hơn, trong số những con người may mắn còn sống sót lại sau chiến tranh đó, còn có những tên “Chí phèo” man rợ của thời hiện đại thản nhiên “túm lấy một chân người chết xềnh xệch kéo lết đi”, thản nhiên “lôi xác cô gái xuống bậc tam cấp. Tóc tai xõa tung, gáy và sọ xác chết nảy bình bịch như trái banh” hay “choãi chân vặn lưng lấy đà, quăng mạnh, liệng bổng” cái xác lên trên không mà không hề cảm thấy “ghê tay”. Hoàn cảnh chiến tranh quá khốc liệt cùng với việc phải chứng kiến quá nhiều cái chết nên tâm hồn họ đã trở nên sắt đá, chai sạn. Nhân tính đối với họ dường như chỉ là một trò lạ. Không dừng lại ở đó, sau chiến tranh, một số kẻ được may mắn hưởng thụ nền hòa bình lại đang thô bạo chà đạp lên quá khứ đã từng bỏ ra không ít máu và nước mắt.

Bên cạnh những con người tha hóa do chiến tranh gây nên, thì một nguy cơ khá phổ biến của đời sống hôm nay thu hút sự quan tâm của người cầm bút là những biểu hiện của sự ham hố khiến con người đánh rơi cả nhân cách chỉ vì

những nguồn lợi nhỏ nhoi, vì những toan tính đời thường, và vì những dục vọng thấp hèn của cá nhân.

Trong tác phẩm Chuyện làng Cuội của Lê Lựu, nhân vật Lưu Minh Hiếu vốn là đứa con ngoan thảo bên cạnh người mẹ nhiều lận đận. Sống trong thời cuộc đầy những biến chuyển thăng trầm, Hiếu nhanh chóng trở thành một con người khôn ngoan. Là con hoang của một địa chủ, Hiếu và mẹ Hiếu đã từng mong đợi ngày cha hắn nhìn nhận đến. Rồi vận may đến với Hiếu khi cách mạng về, có tiếng đồn hắn là con của Việt Minh. Khi Đội cải cách nắm quyền sinh quyền sát ở thôn quê, hắn cắn răng nín chịu cảnh cán bộ Đội ăn nằm với vợ mình, càng tỏ ra tận tâm để được tin cẩn. Để giữ gìn thành phần trong sạch, hắn nhẫn tâm phản bội mẹ và cha dượng… Khi có đủ quyền hành trong tay, hắn bắt đầu quay lại tính sổ với những kẻ mắc nợ hắn. Hắn đã hoàn toàn biến thành kẻ tha hóa, chỉ biết tôn thờ quyền lực. Quyền lực là mục đích cuối cùng của hắn. Hắn đạo đức giả ngay cả với vợ và con hắn. Hắn vô ơn và nhẫn tâm với người mẹ đã một đời hy sinh vì hắn. Rõ ràng, vì những tham vọng quyền lực mà hắn đã không còn là một Lưu Minh Hiếu của ngày xưa, để rồi hắn cứ trượt dài trên con đường tội lỗi.

Sự thù hằn, thói vụ lợi, chủ nghĩa thực dụng cũng là nguyên nhân làm què quặt, tha hóa con người. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, chỉ vì thù hằn, người ta đào cả mả bố nhau lên, vì cái ghế lãnh đạo, người ta biến người ruột thịt thành quân bài để thí. Tác giả Nguyễn Khắc Trường đã mất rất nhiều công sức khi miêu tả vể Thủ, một nhân mẫu mới về nông thôn, với quyền chức trong tay, bề ngoài trông anh có vẻ mềm mỏng nhã nhặn luôn sống vì dân vì nước, thực chất lại thâm độc xảo quyệt, tàn bạo nhưng các sự kiện xung đột đã khiến cho hai mặt của người người này khó chui chung một khuôn. Mâu thuẫn giữa danh dự và quyền lợi đã sản sinh ra một con người

như Thủ, một con người bị quyền lợi, danh vọng làm tha hóa. Kể từ đọan Thủ và Cao “bài binh bố trận” để lật ngược tình thế buộc ông Phúc phải bãi nại không kiện ông Hàm nữa thì bộ mặt của Thủ mới thật xuất hiện. Và cho hết quyển sách, từng phát ngôn của Thủ đều để lại trong tâm trí người đọc một suy nghĩ: Liệu Thủ còn mưu toan gì nữa đây? Là người được coi là “đẹp trai lồng lộng” lại đa tài vậy mà Thủ lấy Luyến có “bộ mặt rỗ hoa” và “nước da bánh mật”. Thủ lấy Luyến để giam hãm đi dư luận. Với Thủ, anh luôn toan tính với những gì mình làm và có khả năng giải quyết tình huống dù nó đang rơi vào tình thế hiểm nghèo nhất. Thủ biết trấn an, biết làm người ta tin mình nhất là những người như bà Son, như Cao… Ở con người này, người ta không biết khi nào Thủ giận, khi nào vui và đang thù hằn ai. Dường như ở con người có học thức và biết thức thời như Thủ đã làm cho ông Phúc, Tùng, Sửu và ngay cả ông Chỉnh, người có vốn sống, tri thức rộng đều phải nể nang và cảnh giác. Thủ luôn đề phòng, ngăn chặn những tác nhân gây xấu đến với mình nhất là về quyền lực. Nhưng đằng sau con người này luôn tồn tại những thế lực khác. Thủ biết hạ mình trước những người lớn quyền hơn mình, và biết yêu thương, vuốt ve những người như Cao, chị Bé. Dường như suốt toàn tác phẩm chúng ta thấy tác giả miêu tả Thủ trong trạng thái tư lự, đăm chiêu và luôn miệt mài suy nghĩ. Thủ ít cười, họa chăng chỉ là những nụ cười ẩn ý. Đây là một con người sống bằng lý tính và có tinh thần cảnh giác rất cao. Phải chăng chính quyền lực đã xô đẩy con người biết thương yêu như Thủ vào vực thẳm tội lỗi. Thủ đâm ra sống lãnh đạm, vô cảm xúc, thậm chí ở con người anh những cung bậc cảm xúc đã “rệu rã” và dần thay thế cho tư lợi và danh dự.

Đọc tiểu thuyết, ngoài việc khắc họa những khuôn mặt bị tha hóa về nhân cách trong những cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình, ta thấy dường như đằng sau mỗi đám tang của người chết là những sự tính

toán, lợi dụng. Xét cho cùng thì những người chết đến khi nằm trong nấm mồ thì vẫn còn là nạn nhân của những cuộc đấu đá, tranh chấp, mâu thuẫn giữa những người nắm quyền trong xóm Giếng Chùa.

Tác phẩm Chim én bay của Nguyễn Trí Huân cũng vạch ra rất chân thật quá trình tha hóa nhân cách của những kẻ phản bội lý tưởng. Nguyên nhân là do sự khủng hoảng niềm tin trước thử thách nghiệt ngã của đời sống, rồi đến những mặc cảm, những ảo tưởng những cám dỗ thường tình, sai lầm này đẩy tiếp đến sai lầm khác, đến một lúc nào đó đành buông xuôi .

Trong Ranh giới đời thường, Hoàng Lại Giang đã khám phá con người thực của Vũ Thuật, một dạng người tha hóa trong vỏ bọc là cán bộ. Thuật lợi dụng chức quyền để chui sâu vào hàng ngũ lãnh đạo, tìm cách thỏa mãn những tham vọng riêng hèn hạ thấp kém của bản thân. Con người của Vũ Thuật vừa có mặt sĩ diện hão lại vừa có mặt thủ đoạn thâm độc của kẻ muốn ngoi lên bậc thang của danh vọng.

Với nhân vật Lý trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, tuy không đến mức bị tha hóa song cô cũng mắc không ít những sai lầm. Lý vốn là một người có ý thức cá nhân rất mạnh mẽ. Nhưng ý thức ấy lại rơi vào trạng thái vị kỷ bởi nhiều nguyên nhân. Những nhu cầu về cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của Lý là không có gì quá đáng cả. Nhưng do không biết tiết chế cho phù hợp với hoàn cảnh nên đã dẫn đến sai lầm. Nếu Lý biết nghĩ đến những cái chung hơn khi đòi hỏi cái riêng cho mình thì chắc không dẫn đến sự tan vỡ của các mối quan hệ xã hội mà Lý từng có. Và xét ở một góc cạnh nào đó, nếu mọi người có cái nhìn nhận thoải mái về những gì hiện hữu ở Lý chắc cũng sẽ giúp Lý không sa ngã trước những cám dỗ của thời mới.

Nhìn chung, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như hậu quả của chiến tranh, sự đẩy đưa của thời cuộc, của số phận đã làm tha hóa nhân cách của

con người thì nó còn bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan do chính nhận thức và bản lĩnh lập trường của mỗi con người.

Một phần của tài liệu vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết việt nam từ sau 1986 (Trang 59 - 66)