Khái niệm trần thuật

Một phần của tài liệu vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết việt nam từ sau 1986 (Trang 100 - 101)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.Khái niệm trần thuật

Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên thì: “Trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của người trần thuật. Trần thuật không chỉ là lời kể mà còn bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời ghi chú của tác giả... Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, bộc lộ

cách lý giải cuộc sống từ cách nhìn riêng và cá tính sáng tạo của tác giả” [22, tr.173].

Còn theo Phương Lựu cho rằng “trần thuật là sự trình bày liên tục bằng lời văn các chi tiết, sự kiện, tình tiết, quan hệ, biến đổi về xung đột và nhân vật một cách cụ thể, hấp dẫn theo một cách nhìn, cách cảm nhất định” [56, tr.307].

Với Thái Phan Vàng Anh thì “trong tác phẩm tự sự, trần thuật là thành phần lời của tác giả, của người kể chuyện (toàn bộ văn bản tác phẩm, ngoại trừ các lời nói trực tiếp của nhân vật), bao gồm việc kể và miêu tả các hành động và các biến cố trong thời gian; mô tả chân dung, hoàn cảnh hành động, tả ngoại cảnh, tả nội thất…; bàn luận, lời nói bán trực tiếp của nhân vật. Nghĩa là những phát ngôn của người kể chuyện chủ yếu tồn tại dưới dạng lời kể, lời tả, lời bình luận hay lời gián tiếp tự do (còn gọi là lời nửa trực tiếp hay lời nói bán trực tiếp)” [4, tr.97].

Tóm lại, trần thuật là một phương thức nghệ thuật đặc trưng của tác phẩm tự sự. Trong tiểu thuyết, trần thuật tập trung vào số phận một hoặc nhiều cá nhân trong quá trình hình thành và phát triển của nó, sự trần thuật ở đây được triển khai trong không gian và thời gian nghệ thuật.Với đặc điểm đó, trần thuật trong tiểu thuyết là một phương diện thi pháp đặc trưng của thể loại.

Một phần của tài liệu vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết việt nam từ sau 1986 (Trang 100 - 101)