Sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây

Một phần của tài liệu vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết việt nam từ sau 1986 (Trang 40 - 46)

7. Cấu trúc luận văn

1.4.2. Sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây

Sau năm 1975, đất nước thống nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho văn học giao lưu tiếp xúc với các nền văn minh trên thế giới. Sau 1975, với xu thế mở cửa giao lưu tiếp xúc với thế giới đã khiến văn học Việt Nam có điều kiện thể hiện tiềm lực của mình một cách rõ nét nhất. Đến thời kỳ Đổi mới càng tạo điều kiện thuận lợi cho văn học tiếp tục theo hướng hiện đại hoá văn học đã được hình thành từ đầu thế kỷ XX. Văn học Việt Nam thời kỳ này đã gặt hái được những thành tựu đáng kể trên rất nhiều lĩnh vực: sáng tác, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật... Có thể khẳng định, trong giai đoạn này, sự giao lưu tiếp xúc với các nền văn minh phương Tây hiện đại đã đem lại tác động tích cực cho văn học, giúp văn học Việt Nam hoà nhập cùng văn học thế giới. Đặc biệt, sự giao lưu tiếp xúc này là một trong những động lực quan trọng tạo nên sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức cá nhân trong sáng tác của các nhà văn. Trong bối cảnh đó, sự ảnh hưởng của văn học hiện sinh ở phương Tây đối với văn học Việt Nam, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết là không thể phủ nhận.

Chủ nghĩa hiện sinh là một lý thuyết triết học và mỹ học đã hình thành nên một trào lưu sôi nổi ở Tây Âu. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện sinh được thịnh hành và ưa chuộng không chỉ ở những nước này mà còn lan sang các nền văn hóa khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện sinh du nhập trước hết vào miền Nam từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, và trên thực tế nó đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định đối với đời sống tinh thần của các tầng lớp dân cư trong xã hội, đồng thời thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của giới học thuật.

Tuy nó được đưa vào từ bên ngoài nhưng không hoàn toàn là sản phẩm ngoại lai. Nó được cấu trúc lại bằng những yếu tố bản địa để đem lại một bộ mặt không còn là sự sao chụp y nguyên như khi nó xuất hiện ở phương Tây. Sự hiện

diện của chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam nước ta không chỉ là sự xâm nhậ, sự cấy vào của một ý thức hệ hoàn toàn xa lạ.

Chủ nghĩa hiện sinh đã hiện diện trong nhiều lĩnh vực như sân khấu, điện ảnh… và đặc biệt là trong văn học (chủ yếu là tiểu thuyết) vì nó phù hợp với thiên hướng miêu tả trạng huống hiện hữu của con người mà chủ nghĩa hiện sinh chủ trương: Khi con người đòi hỏi quyền sống, dám xem sống là điều kiện đầu tiên để làm người thì song hành với nó, người ta đòi hỏi phải được quyền lựa chọn, quyền tự quyết về cuộc sống của mình. Nhìn chung, chủ nghĩa hiện sinh tuy chưa trở thành một trào lưu trong văn học Việt Nam như ở các nước phương Tây song nó cũng đã có mặt trong những sáng tác của một số nhà văn Việt Nam. Người ta đã khai thác những yếu tố hiện sinh trong văn học cổ như Cung

oán ngâm khúc, Truyện Kiều… Từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, người ta đã

có hàng chục bài báo để khẳng định những ý tưởng hiện sinh của Nguyễn Du. Đó là thân phận bi đát đầy lo âu của Kiều. Đấy không phải là việc hiện sinh hóa một cách thô thiển bởi “ở đâu có vấn đề nói về thân phận con người thì ở đó không thể không có những mảng của chủ nghĩa hiện sinh với tư cách là triết học về nhân vị của con người dưới sắc thái của một thảm kịch”.

Đời sống bao giờ cũng được chủ nghĩa hiện sinh miêu tả như một thảm kịch, một hư vô, như những hố thẳm và con người bị treo chơi vơi, hoàn toàn bất lực. Thanh Tâm Tuyền nhìn đời thấy đời như một bãi cát lầy, ở đó chỉ có những kiếp sống nhầy nhụa lầm lỗi trong tuyệt vọng và “tôi không tìm thấy tôi”. Nguyễn Thị Hoàng thì ví cuộc sống như là một thành lũy hư vô. Không chỉ hư vô hóa đời sống, chủ nghĩa hiện sinh ở Sài Gòn còn hư vô hóa cả lịch sử, vì với họ lịch sử là cái được tạo ra ở bên ngoài thân xác do vậy chúng là duy lý. Theo họ, thân xác mới là cái tạo nên dự phóng, tạo nên con người.

Trong bối cảnh xã hội đầy khói sung của chiến tranh như Sài Gòn thì chủ nghĩa hiện sinh lúc bấy giờ thường hướng nhiều đến sự chết chóc, sự nổi loạn bằng tự do và dục vọng như là một cách để giải thoát, để chống lại hiện thực. Các nhà hiện sinh như J.P.Sartre, M.Heidegger, Simone de Beauvoir, F.Sagan đã hiện diện đậm nét trên các diễn đàn tư tưởng của Sài Gòn lúc bấy giờ.

Ở Sài Gòn, người ta cũng nói đến cuộc cách mạng tính dục, sự nổi loạn của bản năng, sự phục hồi nhân tính. Ở đó nhiều nhất chỉ hạn chế được sự tha hóa của con người do một luân lý, một tư tưởng nào đó để thỏa mãn dục tính mà thôi, thân phận con người vẫn tiếp tục khóa mình trong ý thức đau khổ, ý thức của sự bị đọa đày.

Một loạt những tác phẩm Tuổi Sài Gòn, Vòng tay học trò, Ngày qua

bóng tối (Nguyễn Thị Hoàng), Trà thất (Minh đức, Hoài Trinh), Căn nhà có

cửa khóa trái, Ngày rất thong thả (Trần Thị Ng.H), Hết một tuần trăng, Căn

nhà vùng nước mặn (Mai Thảo), Trường hợp của Mảnh (Thụy Vũ), Tóc mai

ngàn năm (Túy Hồng), Thành Cát Tư Hãn (Vũ Khắc Khoan), Con yêu con

ghét ( Nguyễn Mạnh Côn), Tư, Phục Sinh, Mù khơi, Cát lầy, Bếp lửa (Thanh

Tâm Tuyền), Mưa không ướt đất (Trùng Dương), Sa mạc tuổi trẻ (Duyên Anh), Bóng đêm (Ngô Thế Vinh) đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh. Sau chiến tranh, văn học đi vào đời sống cá nhân, vào thân phận con người. Văn học có điều kiện viết về chiến tranh một cách toàn diện hơn và thường có xu hướng viết về sự quỵ ngã của con người trong chiến tranh. Các nhà văn đã thấy được thân phận nhỏ bé của con người trước nền văn minh kỹ thuật của thế giới hiện đại. Mà đề tài về thân phận con người vốn là đối tượng của chủ nghĩa hiện sinh. Chính vì vậy, chủ nghĩa hiện sinh đã len lỏi vào trong đời sống văn học hiện nay. Trong mấy năm qua, chủ nghĩa hiện sinh lại tái hiện trong sáng tác của một số nhà văn của chúng ta, đặc biệt là ở thể loại tiểu thuyết.

Các tác phẩm của nhà văn này ít nhiều chịu ảnh hưởng hoặc có sự gặp gỡ với chủ nghĩa hiện sinh, với nhà hiện sinh.

Phạm Thị Hoài cho nhân vật của mình trong Thiên sứ suy nghĩ rằng, người ta không ai quyết định thay ai, nếu có lựa chọn thì cũng không hề lựa chọn, lựa chọn chỉ là ngụy tạo bởi vì quyết định táo bạo nhất cũng chỉ nảy sinh từ ngẫu nhiên, từ xô đẩy của các dữ kiện. Các người hiện sinh nhìn cuộc đời như một thảm kịch, theo cách nói của Phạm Thị Hoài, như một định mệnh, như một nghiệp chướng. Họ không thừa nhận uy quyền của lý trí, của ý niệm trừu tượng. Họ là người phi lý, nhìn thực tại ở tính phi lý. Từ góc độ nhìn ấy, người hiện sinh không tránh khỏi sự cảm tính sầu muộn đến đau khổ.

Chủ nghĩa hiện sinh chỉ chú ý đến thân phận của con người mà cốt lõi là thân phận của cái tôi. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng hiện sinh duy lý đã làm cho con người bị tha hóa, vì vậy muốn khẳng định cái ngã phải trở về với ngọn nguồn là cuộc sống tâm linh, phải trở về với thân xác của mình bởi vì con người trước hết là thân xác. Về thân xác đó, Phạm Thị Hoài đã nhìn thấy ở bé Hon: Đó là “thiên sứ vụt đến, vụt đi ban phát trao tặng không hỏi vì sao, bí ẩn và mong manh”, “mơ mộng là một thành phần của thân xác nó đã có nguồn từ lòng mẹ tự do phát triển theo quy luật không thể nắm bắt được đã bị thế giới xâm nhập như một ngoại tố, vừa phá hủy vừa định hướng lại là sai lầm” [28, tr.37].

Do chịu ảnh hưởng của hiện tượng học nên một số nhà văn cho rằng hình tượng của văn học không quan trọng bằng ý nghĩa mà nhà văn khoác vào cho nó, hiện tượng được nhìn thấy không có giá trị bằng hiện tượng được nghiệm sinh. Các nhà hiện sinh một khi đã cho con người tự quyết về mình, khẳng định tính thứ nhất của đời sống tâm linh thì họ đồng thời cũng phủ định mọi biểu hiện của chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa hiện sinh cũng phủ nhận triết học truyền thống, phủ nhận chân lý phổ quát (sản phẩm của chủ nghĩa duy lý) mà chỉ coi trọng

chân lý của cuộc đời. Chủ nghĩa hiện sinh bao giờ cũng coi trái tim hơn khối óc, xem trái tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không bao giờ đạt được, nên trí nhớ của cái sau phải đặt dưới trí nhớ của cái trước.

Chủ nghĩa hiện sinh còn chối bỏ chức năng nhận thức, phản ánh hiện thực của văn học truyền thống mà đề cao tâm linh ở bên ngoài sự chỉ đường của trí tuệ. Văn học hiện sinh lấy chủ nghĩa bi quan đối lập với chủ nghĩa lạc quan của chủ nghĩa duy lý. Theo họ, chỉ sự bi thảm mới đưa lại một tâm hồn phong phú, còn chủ nghĩa hiện thực lạc quan vừa thụ động vừa nghèo nàn.

Những ý tưởng của chủ nghĩa hiện sinh mà chúng ta bắt gặp trong các nhà văn nước ta đã cho thấy có một sự du nhập, chịu sự tác động của nhiều nhà triết học hiện sinh trên thế giới nhưng rõ nét nhất là sự giao kiến với Nietzsche, ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh. Ngay từ những năm 1942, trong cuốn Triết học

Nietzsche Nguyễn Đình Thi đã cho rằng “tư tưởng của Nietzsche sẽ ăn sâu vào

văn chương Việt Nam đến đâu chưa biết rõ được nhưng ta có thể chắc là sẽ còn làm nảy nở trong nước ta nhiều tác phẩm nữa”. Các nhà văn đều nói tới Nietzsche như những người đối thoại những người theo văn học vương đạo mà nội dung văn chương của họ ít nhiều gần gũi với tư tưởng của Nietzsche của chủ nghĩa duy lý: chống lại lý trí, chống lại đạo đức duy lý hóa, chống lại chủ nghĩa lạc quan về sức mạnh vạn năng của lý trí đè bẹp con người.

Nhìn chung, các nhà văn của chúng ta chỉ mới dừng lại ở mức độ đưa vào tác phẩm một số ý tưởng, một số yếu tố nào đó của chủ nghĩa hiện sinh chứ họ chưa thực sự có được một hệ thống tư tưởng mang tính đồng kết, họ chưa phải là những nhà tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh. Các nhà văn hiện sinh cho rằng văn học chỉ là sản phẩm của tâm linh, ở ngoài sự chỉ đường của lý trí. Nó đi vào thân phận của những cá nhân với tư cách là nhân vị, sản phẩm của sự không nhất thiết, của ngẫu nhiên cho nên nó từ chối đi vào điển hình, dù là tính cách hay

hoàn cảnh điển hình mà chỉ bằng lòng dừng lại ở cái bản chất cụ thể. Do chủ nghĩa hiện sinh muốn khẳng định cuộc sống, tức tâm linh, nhân vị tự do của con người mà họ có lúc đã phủ định quá mức đối với triết học, khoa học, đạo đức, nghệ thuật và cả chính trị.

Kết luận chương 1:

Như vậy, vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn sau 1986 là một trong những đặc điểm đáng chú ý của nền văn học Việt Nam. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ cuả ý thức cá nhân, sự nỗ lực tìm tòi đổi mới của các nhà văn trong quan niệm nghệ thuật về con người đã làm thay đổi đề tài, chủ đề của văn học cũng như các biện pháp nghệ thuật. Từ con người sử thi chuyển sang con người thế sự và đời tư. Sự xuất hiện của vấn đề ý thức cá nhân trong văn học làm cho văn học thời kỳ này mang hơi thở cuộc sống đời thường hết sức chân thực và sinh động. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức cá nhân trong văn học Việt Nam là một tất yếu của lịch sử-xã hội, văn hóa, văn học nghệ thuật.

CHƯƠNG 2: SỰ THỂ HIỆN Ý THỨC CÁ NHÂN QUA NỘI DUNG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1986

Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 được biểu hiện rất phong phú và đa dạng trên nhiều phương diện nội dung khác nhau. Nhưng trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi chỉ giới hạn sự phân tích trên hai vấn đề chính là: ý thức cá nhân về con người và ý thức cá nhân về những vấn đề liên quan đến con người. Trong phần ý thức cá nhân về con người, chúng tôi sẽ nói về vấn đề số phận con người, nhân cách con người, đời sống tinh thần của con người. Trong phần ý thức cá nhân về những vần đề liên quan đến con người, chúng tôi sẽ nói về vấn đề đời sống xã hội, việc nhìn lại cuộc chiến tranh đã qua.

Một phần của tài liệu vấn đề ý thức cá nhân trong tiểu thuyết việt nam từ sau 1986 (Trang 40 - 46)