Kết cấu tuyến tính và phi tuyến tính

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 76 - 80)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Kết cấu tuyến tính và phi tuyến tính

Kết cấu tuyến tính là kiểu kết cấu thường thấy trong hầu hết các tác phẩm tự sự truyền thống. Tác phẩm đi theo kết cấu tuyến tính sẽ có các sự kiện được sắp xếp theo trình tự thời gian, đi từ tình thái đầu đến tình thái cuối của câu chuyện. Còn kết cấu phi tuyến tính là kiểu kết cấu mà việc trần thuật không tuân theo trình từ thời gian thông thường.

Ở các tiểu thuyết của Văn Lê xuất hiện cả hai kiểu kết cấu này. Tuy nhiên, chủ yếu trong tổng thể tác phẩm vẫn là kết cấu tuyến tính. Còn kết cấu phi tuyến tính chỉ xuất hiện điểm xuyết, rải rác trong tác phẩm ở một vài chương nhằm làm tăng sự hấp dẫn, thu hút cho người đọc.

Kết cấu truyến tính thể hiện ở sự trùng khít giữa thời gian trần thuật (thời gian biểu hiện trong tác phẩm) và thời gian được trần thuật (thời gian tự nhiên ngoài hiện thực). Chủ yếu ba tác phẩm của Văn Lê đều đi theo kết cấu này với các sự việc, trận đánh diễn ra theo đúng trật tự thời gian.

Tiểu thuyết Nếu anh còn được sống gồm 7 phần chính và 7 chương, cùng 2 phần không đánh số, đặt tên là “Minh họa của cuốn sách”. Kết cấu chủ yếu theo tuyến tính, từ thời gian đầu đến thời gian cuối. Từ lúc hạ sỹ Nguyễn Quang Bình ở quê nhà chuẩn bị vào chiến trường, cho tới khi chiến dịch Mậu Thân đợt Một kết thúc. Lúc này anh lên thượng sỹ và hy sinh.

Chương I, II: Hạ sỹ Nguyễn Quang Bình chuẩn bị lên đường. Chương III, IV: Những ngày ở chiến trường của hạ sỹ.

Chương V, VI, VII: Nguyễn Quang Bình lên thượng sỹ và tham gia chiến dịch Mậu Thân đợt Một. Trong thời gian này Bình gặp Kim Khánh, che chở cho cô. Rồi cả hai cùng hy sinh.

Tiểu thuyết Cao hơn bầu trời gồm 14 chương và 1 đoạn kết. Hầu hết các chương trong Cao hơn bầu trời đều đi theo trình tự thời gian từ lúc Lê Phú Vinh chỉ là chuẩn úy ở trường Sỹ quan lục quân cho đến ngày anh trở về quê cũ và lúc này là trung tá, tham mưu trưởng sư đoàn bộ binh.

Chương I: Chuẩn úy Lê Phú Vinh là học viên trường Sỹ quan lục quân và được chọn về làm trợ lý tác chiến cho trung đoàn bộ binh 32 sắp đi chiến đấu.

Chương II và III: Trước ngày vào chiến trường, Phú Vinh được về thăm nhà rồi gặp và yêu Ngân.

Chương IV: Hết phép, Vinh trở về đơn vị, chuẩn bị lên đường.

Chương V: Cuộc hành quân của trung đoàn bộ binh 32 vào tới chiến trường Nam Bộ kéo dài hơn năm tháng. Họ bắt đầu nếm mùi khốc liệt của chiến tranh.

Chương VI đến chương X: Trung đoàn của Phú Vinh tham gia cuộc chống càn Junction City và có những trận thắng ở Suối Mây, Bàu Năn, Bàu Cỏ, Trảng A Màn… Sau đó, họ nhận được lệnh chuẩn bị “Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa”.

Chương XI: Bắt đầu nổ súng tấn công trên toàn mặt trận Sài Gòn. Trung úy Phú Vinh xuống chiến đấu cùng tiểu đoàn một. Địch dùng bom Napan tấn công. Tiểu đoàn phải rút lui trong sự tổn thất nặng nề.

Chương XII đến chương XIV: Trung úy Lê Phú Vinh được đề bạt lên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn một và tham gia chiến dịch Mậu Thân đợt Hai. Trong thời gian này anh gặp và yêu Xuân Mai. Rồi Mai hy sinh.

Đoạn kết: Chỉ còn Phú Vinh cô đơn, lẻ loi trở về quê cũ sau chiến tranh.

Còn trong Mùa hè giá buốt, kết cấu tác phẩm gồm hai phần. Phần thứ nhất (6 chương) kể lại các trận đánh từ trước chiến dịch Mậu Thân hai năm cho đến kết thúc chiến dịch đợt Một. Phần thứ hai (5 chương) kể lại trận đánh vào Sài Gòn trong chiến dịch đợt Hai.

Chương I – Phần thứ nhất: Cuối năm 1966, tiểu đoàn 505 được điều vào B2. Họ tham gia chiến dịch chống càn Junction City. Cuối năm 1967, tiểu đoàn được điều về Phân Khu Một đổi tên thành tiểu đoàn Bến Nghé.

Từ chương II đến chương VI: Tiểu đoàn lên đường tấn công vào Sài Gòn. Mục tiêu là căn cứ pháo binh Cổ Loa, Trại thiết giáp Phù Đổng và xưởng quân cụ. Tiểu đoàn hoàn thành nhiệm vụ và rút lui để củng cố do bị thương vong lớn.

Chương VII đến chương XI – Phần thứ hai: Tiểu đoàn Bến Nghé rút về làng Phú An và chuẩn bị chiến dịch đợt Hai. Những người lính chiến đấu quyết liệt gần một trăm ngày tại vùng ven. Cuối cùng, cả tiểu đoàn hy sinh gần hết khi tấn công vào Sài Gòn.

Kết cấu chủ yếu mà Văn lê sử dụng là kết cấu tuyến tính. Tác giả thuật lại thời gian các trận đánh trùng khít với thời gian thực tế. Như trong tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, các trận đánh diễn ra liên tục: Năm 1966 đánh chiếm căn cứ biệt kích Tống Lê Chân. Năm 1967 chống hai cuộc càn của Mỹ (lần thứ nhất là trận Sóc Ky, lần thứ hai là trận Sóc Con Trăn). Năm 1968, tiểu đoàn tham gia hai đợt chiến dịch Mậu Thân. Có thể thấy Văn Lê khá tôn trọng trật tự các sự kiện. Và với cách kết cấu này, dù có rất nhiều các trận đánh nhưng người đọc vẫn dễ dàng nắm bắt được.

Kết cấu phi tuyến tính thể hiện ở sự không trùng khít giữa thời gian trần thuật (thời gian biểu hiện trong tác phẩm) và thời gian được trần thuật (thời gian tự nhiên ngoài hiện thực). Trong các tác phẩm của Văn Lê, kết cấu này được sử dụng khá ít, chỉ tập trung ở đầu tác phẩm hay rải rác trong một vài chương.

Tiểu thuyết Nếu anh còn được sốngkể lại câu chuyện về Nguyễn Quang Bình từ khi mới nhập ngũ, đến ngày anh hy sinh vào cuối cuốn tiểu thuyết. Nhưng ngay từ những trang đầu tác phẩm, Văn Lê đã đưa cái chết của Bình lên để kể trước. Như vậy, thời gian kể đã bị đảo lộn. Thời gian bắt đầu cũng chính là thời gian kết thúc truyện. Sau phần đầu, cuộc đời Bình mới từ từ hé lộ.

Chương I: Linh hồn của thượng sỹ Nguyễn Quang Bình lang thang nơi âm phủ. Anh nhớ mình đã điên cuồng trút đạn vào lính Mỹ để trả thù cho người yêu. Sau đó, bị một tên Mỹ khác bắn lén. Bình không tin được là mình đã chết.

Từ chương II đến chương VI: Bình cố gắng nhớ lại những hồi ức về ngày mình còn sống. Lần hồi quay ngược thời gian, cuộc đời Bình được thuật lại.

Chương VII: Bình nhớ ra mình và Kim Khánh đã hy sinh như thế nào.

Trong Cao hơn bầu trời, hầu như cả tác phẩm đều đi theo trật tự tuyến tính riêng chương XIII có sự đảo lộn trật tự thời gian. Đây là chương kể riêng về nhân vật tiểu đoàn trưởng Phú Vinh khi anh lạc mất đồng đội sau chiến dịch Mậu Thân đợt Hai. Thời gian mở đầu chương là khi trận chiến đã kết thúc, Phú Vinh được Xuân Mai cứu. Rồi từ từ quay ngược thời gian, cuộc chiến khốc liệt mới được kể lại. Cho đến cuối chương, Mai dìu Vinh rời khỏi chiến trường. Chương XIII gồm 5 mục:

Mục 1: Phú Vinh một mình tỉnh lại. Anh thấy mình bị thương, cạn kiệt sinh lực và bị chôn sống dưới đám dừa nước. May được Xuân Mai tới cứu.

Mục 2, 3, 4: Những ngày tiểu đoàn của Vinh liên tục vừa rút lui vừa phải chật vật chống trả sự tấn công của quân địch.

Mục 5: Tình thế trở nên khốn quẫn. Tiểu đoàn hy sinh gần hết. Phú Vinh cũng bị thương ngã xuống. Những cành lá dừa bị pháo địch phạt gãy chôn vùi anh.

Với cách kết cấu phi tuyến tính hiếm hoi trong tác phẩm này, Văn Lê đã làm nổi bật lên được tình yêu đẹp đẽ, trong sáng của Phú Vinh và Xuân Mai. Nhờ có tình yêu của Xuân Mai mà Vinh mới thoát khỏi cái chết. Trong các tác phẩm của mình, Văn Lê luôn đề cao sức mạnh tình yêu. Nó là một trong số các yếu tố giúp người lính vượt qua được sự khốc liệt của chiến tranh. Thông qua cách kết cấu này, tác giả đã nhấn mạnh được quan niệm đó.

Không sử dụng kết cấu phi tuyến tính ôm trùm lên toàn tác phẩm như Nếu anh còn được sống, tiểu thuyết Mùa hè giá buốt chỉ sử dụng kết cấu ấy trong một phạm vi nhất định là phần thứ nhất. Tác phẩm mở đầu vào thời điểm chiến dịch Mậu Thân đợt Một đã kết thúc. Như vậy thời gian mở đầu tiểu thuyết trùng với thời gian mở đầu của phần thứ hai.

Phần thứ I : Tiểu đoàn Bến Nghé rút lui về đến làng Phú An.

Từ chương I đến hết chương VI – Phần thứ nhất: Thuật lại những trận đánh trước chiến dịch Mậu Thân (từ năm 1966) đến khi kết thúc chiến dịch đợt Một. Tiểu đoàn phải rút lui.

Chương VII – Phần thứ hai: Tiểu đoàn hành quân về đến Phú An.

Như vậy, trên tổng thể tác phẩm chỉ có phần thứ nhất là có sự đảo lộn trật tự thời gian. Còn phần thứ hai vẫn theo tuyến tính. Ngoài ra, để tăng tính hấp dẫn cho lời kể, bản thân trong từng phần nhỏ của cuốn tiểu thuyết cũng có những “tiểu kết cấu” theo dạng phi tuyến tính như thế. Văn Lê dành riêng chương III để thuật lại sự xuất hiện của nhân vật chính Lê Thị Bích Vân – người dẫn đường cho Trung đoàn bộ binh số Một. Tác giả xây dựng chương này gồm ba mục.

Mục 1: Bích Vân gọi hôm ấy là “một ngày đầy tràn nước mắt”. Cuộc chiến giữa trung đoàn bộ binh số Một với quân đội Sài Gòn đã bắt đầu diễn ra ở quân trường Quang Trung. Quân địch tấn công bằng chất độc hóa học. Bích Vân ngất đi.

Mục 2: Bích Vân vốn là sinh viên miền Nam. Thấy tội ác của Mỹ với nhân dân Việt Nam, cô quyết định tham gia cách mạng.

Mục 3: Bích Vân tỉnh lại sau khi được một người lính cứu sống. Lúc này, nhiều người đã hy sinh, trong đó có cả Phó chính ủy trung đoàn.

Đến đây, người đọc có thể hiểu rõ vì sao ở mục 1, Bích Vân gọi hôm ấy là “một ngày đầy tràn nước mắt”. Ngay trong nhiệm vụ đầu tiên, cô đã phải chứng kiến và khóc cho quá nhiều người chết chỉ trong một trận đánh.

Như vậy, có thể thấy kết cấu phi tuyến tính không phải là kiểu kết cấu chính được sử dụng trong tiểu thuyết của Văn Lê. Nó chỉ xuất hiện xen kẽ với các sự việc, các trận đánh đã được sắp xếp theo trật tự tuyến tính. Và rõ ràng Văn Lê có dụng ý riêng khi đan xen hai kiểu kết cấu này. Các trận đánh, sự kiện mang tính lịch sử được tác giả tôn trọng thuật lại theo đúng trật tự thời gian. Vì thế, kết cấu tuyến tính là chủ đạo trong các tác phẩm. Còn số ít các phần có kết cấu phi tuyến tính là nhằm mục đích làm nổi bật lên một suy nghĩ, một cảm nhận hay một tình cảnh cụ thể.

Như sự khao khát được sống của người lính trẻ Nguyễn Quang Bình (Nếu anh còn được sống) được nhấn mạnh bằng mở đầu phi tuyến tính đầy ấn tượng. Linh hồn Bình đến âm phủ rồi, mà vẫn không tin nổi là mình đã chết. Từ đó, tác giả dễ dàng đưa mạch câu chuyện vào sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc chiến ấy đã cướp đi sinh mạng của biết bao con người trẻ tuổi như Bình.

Tương tự, trong Mùa hè giá buốt, các nhân vật Nguyễn Sỹ Việt, Bích Vân cũng có những suy ngẫm, nhận định sâu sắc. Bởi Việt vừa trải qua sự khốc liệt, bạo tàn của hàng loạt các trận đánh. Nên khi còn sống để rút lui về làng Phú An, anh đã có những chiêm nghiệm về sự sống và cái chết trong chiến tranh. Hay Bích Vân, ngay từ lúc mới xuất hiện đã nói lên cảm nhận đầy ấn tượng của mình về ngày đầu tiên của chiến dịch Mậu Thân là “một ngày đầy tràn nước mắt”. Những suy nghĩ, nhận định của các nhân vật như một định hướng giúp độc giả có thể cảm nhận trước các sự việc, các biến cố. Và trong quá trình đọc, họ từ từ chiêm nghiệm lại lời nhân vật là đúng hay sai.

Việc đan xen kiểu kết cấu phi tuyến tính vào một mạch kể tuyến tính sẽ tạo ra ấn tượng mạnh cho người đọc về điều tác giả sắp viết. Ngoài ra, kiểu kết cấu này buộc người đọc phải tập trung, chú ý vào các chi tiết, sự kiện và tự mình chắp nối, sắp xếp trật tự để nắm được, hiểu được vấn đề. Kết cấu phi tuyến tính tuy không xuôi theo chiều thuận, không dễ nắm bắt nội dung như kết cấu tuyến tính, nhưng lại tạo được sự thu hút, hấp dẫn người đọc.

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)