Những yếu tố tâm linh, kì ảo trong tiểu thuyết của Văn Lê

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 104 - 112)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Những yếu tố tâm linh, kì ảo trong tiểu thuyết của Văn Lê

Một trong số các dạng thức tiêu biểu của yếu tố kì ảo là motiff giấc mơ. Giấc mơ là vấn đề thuộc về thế giới tâm linh. Vì giấc mơ chính là những gì sâu kín nhất trong vô thức tâm hồn con người. Nó chứa đựng biết bao khao khát thầm kín, những điều bí ẩn mà con người muốn được khám phá “Giấc mơ là biểu tượng của cuộc phiêu lưu cá thể, được cất sâu trong tâm khảm… Chiêm mộng hiện ra với chúng ta như một điều bí ẩn của chính mình” [2, 17]. Những giấc mơ trong tâm thức của người lính có thể xuất hiện khi chiến tranh hay ngay cả lúc đã sống trong cảnh hòa bình. Giấc mơ phản ánh tâm trạng người lính như nỗi khát khao hạnh phúc, trạng thái bấn loạn, bất an hay những điềm báo mộng. Nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) trong chiến tranh nhiều lần mơ thấy Hà Nội và Phương, đến khi hòa bình anh lại mơ về Truông Gọi Hồn và đồi “Xáo Thịt”. Hay Tuân trong Những giấc mơ có thực (Vũ Thị Thu Hồng) thì lại mơ mơ hồ hồ không phân định được rạch ròi đâu là thực, đâu là mơ sau khi đăng mẩu tin “tìm những người bạn cũ ở Trường Sơn”. Hai cô gái Mỹ và Ngọc trong Đốm lửa(Nguyễn Thị Minh Thúy) có một giấc mơ giống nhau là chơi đùa cùng Thanh, nhưng khi tỉnh dậy họ ngỡ ngàng nhận ra Thanh đã chết, xác anh nằm ngay cạnh họ chỉ cách nhau một tấm ván…

Trong Mùa hè giá buốt, Nguyễn Sỹ Việt đã trải qua các giấc mơ khác nhau trong những giấc ngủ hiếm hoi của anh. Trước lúc hy sinh, trong cơn mê, Việt mơ thấy ngày hòa bình. Anh thấy Ngô Đợi – người chiến sỹ hòa bình đã hy sinh, rồi lại thấy cả Bích Vân. Cô ôm con và kéo anh về vì với họ có hòa bình là đủ lắm rồi. Giấc mơ ấy có thể coi là một giấc mơ đẹp nhưng lẩn khuất trong nó lại có cái gì đó thật đáng sợ. Xe Việt chạy rất chậm nhưng Ngô Đợi không theo kịp Việt. Anh chìm ngập trong một đám đông những con người dị hình, dị tướng, gào thét, thờ ơ với hòa bình. Hòa bình nhưng vẫn còn hình ảnh những chiếc xe bị bắn cháy, cảnh tanh banh, vỡ vụn của mọi vật. Đáng sợ nhất là hình ảnh chiếc xe tăng chồm lên tất cả những con người ấy, “những xác người bị cán mỏng làm thành một con đường đỏ rực nằm vắt giữa trời xanh”. Cuối cùng là hình ảnh người mẹ già “ngồi co ro một mình trước bàn thờ tổ tiên lạnh lẽo” [33; 543]. Giấc mơ ấy của Việt là vào lúc chiến dịch Mậu Thân đợt Hai chuẩn bị kết thúc. Chiến thắng và hòa bình vẫn xa vời đối với Việt. Bản thân anh lại đang bị thương nặng. Sau đó, cả Bích Vân và con anh cũng không còn. Phải chăng giấc mơ hỗn tạp kia chính là sự phản ánh hết tất cả nội tâm phức tạp, mâu thuẫn và đầy đau đớn của Việt?

Hay giấc mơ kì lạ sau chiến dịch Mậu Thân đợt Một đã cứu sống Việt. Trong giấc ngủ chập chờn, Việt mơ thấy con chó Riềng anh đã bỏ lại căn cứ, trước khi đánh vào Sài

Gòn. “Con Riềng lao xuống căn hầm như thể nó đã biết đích xác nơi anh nằm. Nó cắn vào gấu quần của anh, giật giật, mõm phát ra tiếng hít hà!” [33; 206]. Ngay lúc đó, Việt nhận ra bom khoan đang chui vào trong lòng đất và nổ ngay căn hầm của mình. Trong cơn mơ hồ, anh vẫn kịp quăng mình ra khỏi chiến hào và thoát chết trong gang tấc. Căn hầm của anh bị bom phá tung không còn chút dấu vết. Bản thân Việt cũng không hiểu vì sao khi bom nổ, anh không bò sâu vào hầm trốn mà lại quăng mình ra ngoài. “Phải chăng chính con Riềng đã cắn vào gấu quần của anh, kéo về phía ấy? Trong chuyện này, có một cái gì đó thật khó hiểu” [33; 208]. Dường như con vật trung thành mà Việt bỏ lại căn cứ đã cứu sống anh.

Lê Phú Vinh cũng có những giấc mơ khác nhau mang ý nghĩa đặc biệt. Một lần là anh mơ thấy Ngân – người yêu cũ ở quê nhà. Cô nói mình đã sinh con cho anh. Đứa con trong mơ của Vinh là một đứa trẻ “xấu xí, da dẻ nhăn nheo”. Khi anh hôn lên trán đứa bé thì nó lật qua, lật lại, từ chối. Đó phải chăng là sự bất an từ sâu trong tâm hồn Vinh? Chiến tranh, đói nghèo, những đứa trẻ thiếu ăn như anh em Vinh lúc nhỏ hay đứa con chị chủ nhà ở Quảng Bình đã trở thành những ẩn ức ám ảnh trong sâu thẳm tâm hồn anh. Điều đó khiến cho hình ảnh đứa con không phải là một đứa trẻ hồng hào, bụ bẫm thông thường. Nó lại không chịu nhận nụ hôn từ Vinh. Trong mơ, anh tin tưởng đó là con anh vì Ngân nói thế. Nhưng Vinh chưa từng làm gì xâm phạm đến Ngân. Giấc mơ ấy phần nào phản ánh nỗi lo trong vô thức về tình yêu mỏng manh của Vinh. Chiến tranh dài dằng dặc, biết đâu Ngân sẽ chẳng chờ anh. Mà thực tế, sau chín năm chiến đấu trở về, Vinh chỉ còn lẻ loi một mình. Dù đã hứa hẹn nhưng chưa đầy hai năm sau Ngân đã đi lấy chồng.

Sau chiến dịch Mậu Thân đợt Một, Phú Vinh cũng có một giấc mơ đầy ám ảnh. Trước đó, khi cho những người lính dâng lên tấn công, cả Vinh và họ đã bị địch bao vây và tiêu diệt bằng lửa Na-pan. Biết bao con người quằn quại trong biển lửa rồi ngã xuống. Cảm giác “rát bỏng trên da” cùng hình ảnh những đồng đội đã hy sinh không sao giũ bỏ được khỏi đầu Vinh. Anh bị ám ảnh đến nỗi “hầu như không có đêm nào anh không mơ thấy lửa và thấy mình bị thiêu trong lửa. Anh mơ thấy đồng đội kéo về nhìn mình với cái nhìn xót xa, oán trách” [32; 259]. Để hoàn thành nhiệm vụ, già nửa quân số tiểu đoàn đã nằm lại trong thành phố. Là người chỉ huy, Vinh đã “đưa người lính vào “tử địa” buộc họ phải quyết chiến để sống còn” [32; 260]. Và giờ đây, giấc mơ chính là sự tự giày vò lương tâm của Vinh.

Các điềm báo, dấu hiệu kì lạ cũng là những điểm được Văn Lê chú trọng miêu tả. Đó có thể là hình ảnh vầng trăng, tiếng quạ kêu, tiếng cú cười, những biểu hiện bất thường của con chó Riềng hay tiếng sếu đưa tiễn những linh hồn đã khuất...

Trong đợt tiểu đoàn bộ binh 505 (tiền thân của tiểu đoàn Bến Nghé) hành quân vào chiến trường Tây Nguyên, Văn Lê mô tả “Tiểu đoàn khởi hành vào đúng đêm trăng vàng úa như mạ úng. Chưa bao giờ Việt nhìn thấy vầng trăng héo hắt, ảm đạm và quái gở như đêm ấy. Ba hồi vàng, ba hồi đỏ. Xanh. Rồi lại trắng bợt, bủng như da người chết” [33; 30]. Văn Lê đã miêu tả một cách ấn tượng về vầng trăng đêm ấy. Cái nền kì ảo của vầng trăng “ảm đạm”, “quái gở”, “trắng bợt, bủng như da người chết” đêm ấy, chính là sự bắt đầu cho những tổn thất, mất mát đến nỗi tiểu đoàn “lột xác” mấy lần và gần như bị xóa sổ khi kết thúc chiến dịch Mậu Thân.

Rải rác trong tác phẩm là các dấu hiệu báo trước sự bất an. Việt ấn tượng nhất là tiếng cú cười. Ba tháng sau chiến dịch Mậu Thân đợt Một, đơn vị của Việt rút lui về đóng quân ở làng Phú An. Ngồi trong công sự của mình, Việt cảm nhận “Trong màn đêm hoang vắng, ngột ngạt, âm ỉ tiếng máy bay và tiếng pháo từ xa, anh mơ hồ cảm thấy ở đâu đó bật lên tiếng cú kêu … không phải là tiếng cú kêu “Héc… h…é…c…” … mà là tiếng cú cười… Cái âm thanh “Ha… ha… ha…ha…” lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho thượng úy ớn lạnh. Chưa bao giờ anh nghe thấy tiếng kêu của loài vật nào lại dị biệt, quái đản như thế”. [33; 19] Ngay sau đó, pháo địch tấn công bất ngờ. Bùi Quan Thắng – một người lính đánh Mỹ tuyệt vời của anh đã hy sinh. Việt nhắc nhở những người lính cẩn thận, đề phòng. Trong vô thức, anh buột miệng: “Hồi nãy, tôi nghe thấy có tiếng cú cười!”. Khi thấy anh lính ngỡ ngàng, Việt chữa lại là do mình cảm thấy bồn chồn không yên.

Nhiều lần, Việt bị âm thanh quái lạ, ghê rợn của tiếng cú ám ảnh. Trận đánh vào căn cứ Tống Lê Chân, Việt cũng từng cảm nhận “Vào đêm xuất phát tấn công, Việt cũng loáng thoáng nghe thấy tiếng cú kêu … Tiếng cú lặp đi lặp lại đôi ba lần rồi chết lặng, để lại trong không gian một bầu không khí đầy trắc ẩn” [33; 35].

Trong không gian yên tĩnh của đêm tối, hay sau một trận chiến khốc liệt; những âm thanh tự nhiên, hoang dã kia phát ra một cách lạc lõng, bất thường. Nó khiến cho con người không khỏi liên tưởng đến nhiều chuyện ma quái, những điềm gở đang chờ đợi họ. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, sự xuất hiện của những âm thanh tiếng cú, tiếng quạ càng làm tăng sự khủng khiếp, đáng sợ và sức ám ảnh.

Đa số những người lính sinh ra và lớn lên từ những làng quê Việt Nam. Do đó trong vô thức, họ có sự gắn bó và kết nối sâu sắc với văn hóa tâm linh đã tồn tại ngàn đời của dân tộc. Vào quân đội, họ có thể tạm quên đi những điều đó. Nhưng rồi khi có điều kiện, họ lại bị gợi nhắc nhớ lại.

Ở cuối cuốn tiểu thuyết, một âm thanh quen thuộc của làng quê đã làm dịu lại bầu không khí chiến trường căng thẳng, chết chóc, đau thương. Đó là tiếng kêu của loài sếu. Tiếng sếu mơ hồ, đầy lạc lõng trong một không gian vừa tắt tiếng súng đạn khủng khiếp của chiến dịch Mậu Thân đợt Hai. Một người lính có tâm hồn nhạy cảm như Thịnh mới để ý thấy âm thanh nhỏ bé, xa xăm ấy và nhìn lên bầu trời “Giữa những vì sao dày đặc trông giống những lỗ thủng bị đạn bắn, một bầy sếu chấp chới bay qua. Vừa bay chúng vừa cất tiếng gọi nhau. Tiếng kêu của loài sếu về đêm nghe buồn rười rượi” [563]. Sếu bay và gọi nhau trong đêm đã là chuyện lạ. Nhưng càng khó tin hơn khi trong thời buổi bom đạn này lại có những bầy sếu bay bình yên như thế. Tiểu đoàn trưởng Lương Phú Phẩm khi nghe Thịnh nói về tiếng sếu đã tỏ ý nghi ngờ. Vừa lúc ấy một bầy sếu khác lại bay lên trong sự sững sờ của mọi người. “Bầy sếu vừa bay vừa gọi nhau. Có tới mấy con cùng cất tiếng một lúc. Tiếng sếu kêu trên đồng về đêm nghe ai oán, thê thiết làm sao!” [33; 563]. Vốn gắn bó với văn hóa làng quê, Thịnh lý giải hiện tượng đó: “Mẹ em bảo sếu với người là bạn. Khi có nhiều người chết, sếu động tâm hỗn loạn mới bật lên tiếng kêu than” [33; 563]. Là chỉ huy, Phẩm bác bỏ quan niệm có phần mê tín và vô căn cứ của Thịnh. Rồi mỗi người lại chìm đắm vào tâm trạng băn khoăn, ngẫm ngợi, đau đớn dai dẳng của riêng mình. Chiến dịch Mậu Thân quá khốc liệt và bi tráng. Toàn bộ ban chỉ huy cũ của tiểu đoàn Bến Nghé đều đã hy sinh cùng hơn 400 chiến sỹ. Ai có thể lý giải nổi vì sao đêm nay sếu lại đặc biệt kêu nhiều như thế, ai oán như thế nếu không phải là đang khóc than cho những con người đã hy sinh kia?

Không chỉ âm thanh lạ, những biểu hiện bất thường của những thứ rất quen thuộc cũng là một phần tạo nên cái kì ảo. Văn Lê đã cho nhân vật Việt nhận định về điều này:

“Những hiện tượng đại loại như thế cứ mặc nhiên xảy ra, tồn tại bên ngoài ý thức của con người. Thường thì chẳng có ai bận tâm đến chuyện ấy nếu không có những tai ương xuất hiện sau đó. Đến lúc ấy, người ta mới giật mình, xâu chuỗi tất cả những hiện tượng đó lại và cả quyết rằng ông trời đã từng cảnh báo, nhưng con người mắc chứng kiêu ngạo nên đã không muốn nhận ra. Và, văn hóa tâm linh hình thành từ đó” [33; 111].

Việt có kết luận như vậy vì chính bản thân anh đã từng thấy những biểu hiện lạ của con chó Riềng trước chiến dịch Mậu Thân đợt Một, như dân gian thường hay nói“thời hư, quỷ lộng, đất động, chó tru”. Riềng xưa nay là chó chiến trường nên có thói quen “ngậm miệng”. Nhưng lần này nó bỗng “vùng dậy, chạy ra vườn, nhìn lên vầng mặt trời đỏ bầm như máu, sủa liên hồi, làm náo loạn của đơn vị” [33; 119]. Mặc Việt dỗ dành, dọa nạt, thậm chí đánh con vật nhưng nó cứ “lăn xả vào chân anh, vừa quẫy đuôi, vừa hí lên như ngựa. Tiếng hí của con vật nghe thật rùng rợn, làm cho anh lạnh buốt cả sống lưng” [33; 122]. Con vật được Văn Lê thể hiện với đầy tâm trạng, cảm xúc như con người. Rồi khi tiểu đoàn lên đường, “con Riềng không biết từ đâu chui ra, tru vống lên một cách thống thiết. Tiếng tru của loài chó nghe tức tưởi, nhức nhối một cách lạ lùng. Nó không khác gì tiếng khóc”

[33; 123]. Những biểu hiện bất thường của con Riềng như báo trước một tương lai đầy bất trắc đang chờ tiểu đoàn ở phía trước. Nó hoàn toàn đi ngược lại với tâm trạng hân hoan, vui vẻ, khẩn trương của những người lính trong tiểu đoàn. Cuối cùng, khi chiến dịch kết thúc, tiểu đoàn bị tổn thất nặng nề, tiêu vong hết một nửa quân số, phải quay trở về nơi xuất phát.

Sự xuất hiện của linh hồn là điều không hiếm trong các sáng tác sau 1975. Trong tâm thức của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung thì con người tồn tại gồm phần xác và phần hồn. Khi chết đi, phần xác mất nhưng phần hồn vẫn tồn tại trong một thế giới gọi là cõi âm. Những linh hồn này không thể siêu thoát vì còn tiếc cuộc sống cũ hay trăn trở bởi những người thân nên không nỡ ra đi. Cũng có khi họ quay về vì một tâm nguyện chưa hoàn thành hay để giúp đỡ, trả ơn người khác… Các quan niệm dân gian ấy đã dần di chuyển vào thành quan niệm văn học.

Trong chiến tranh luôn có bóng dáng những hồn ma lẩn khuất. Sự khốc liệt của chiến tranh đã cướp đi hàng ngàn, hàng vạn sinh mệnh con người. Họ ngã xuống khi tuổi còn rất trẻ, khi mà họ còn chưa được sống và cảm nhận cuộc sống bao nhiêu. Không lạ khi các nhà văn xuất thân là người lính như Văn Lê, Chu Lai thường hay dùng đi dùng lại hai chữ “tức tưởi” để diễn tả cái chết của các nhân vật. Rời bỏ cuộc sống khi còn quá trẻ như vậy, làm sao họ không khỏi tiếc nuối. Bình trong Nếu anh còn được sống hy sinh khi mới hai mươi mốt tuổi. Đến cửa âm phủ rồi mà anh vẫn không tin là mình đã chết. Còn Việt trong Mùa hè giá buốt thì bị “thần chết bức đi” dù anh còn muốn ở lại cùng đồng đội chiến đấu tới phút cuối.

Điều ấy lý giải vì sao hình ảnh của những linh hồn và yếu tố tâm linh thường xuất hiện đậm đặc trong dòng văn học viết về chiến tranh sau 1975. Nhiều nhân vật là hồn ma

như Bạch Điệp trong Bướm trắng (Thái Bá Tân), Lăng trong Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Nẫm trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng(Võ Thị Xuân Hà)…

Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) không khi nào được bình yên vì những linh hồn của đồng đội đêm đêm lại trở về thì thầm trò chuyện, khóc than“tiếng thì thào chuyển dần thành tiếng nức nở, thành tiếng nấc nghẹn y như là tiếng nước sặc lên trong cổ họng kẻ sắp sửa chết chìm” [49; 26] hay tâm sự “chẳng đêm nào mà họ không lay mình dậy để ngẫu chuyện” [49; 44]… Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai) khi đi thăm lại đồng đội ở nghĩa trang liệt sỹ đã có cảm giác âm hồn dưới những nấm mồ lạnh lẽo kia rùng rùng sống dậy “Tất cả đều còn trẻ, rất trẻ, đều mang bộ quân phục sắc xanh lá rừng, da thịt trắng như sáp, súng đạn đầy người, chìm lút trong người, tất cả đều tráng kiện, vạm vỡ, miệng cười tươi tỉnh, duy có đôi mắt chỉ là hai lỗ trũng sâu vô định” [49; 155]. Tất cả

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 104 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)