7. Cấu trúc luận văn
3.3.3. Hiệu quả tư tưởng – nghệ thuật của yếu tố tâm linh, kỳ ảo
Yếu tố tâm linh kì ảo trong tiểu thuyết của Văn Lê có tác dụng nới rộng không gian tâm tưởng. Nó mở ra một thế giới từ trần gian đến âm phủ trong Nếu anh còn được sống. Ở trong hai miền không gian ấy, người lính tiếp tục thể hiện những mong ước, những khát khao của mình. Người lính Nguyễn Quang Bình – mới hai mươi mốt tuổi, khao khát được sống, được yêu thương. Trong không gian âm phủ, anh vẫn không nguôi nhớ về cuộc sống và quá khứ.
Yếu tố tâm linh kì ảo còn giúp thể hiện nội tâm nhân vật, đi sâu vào kí ức, ước mơ, hay những vấn đề về thân phận con người. Những giấc mơ hư hư thực thực thỉnh thoảng xuất hiện trong các tiểu thuyết chính là những ẩn ức của người lính. Như giấc mơ của Phú Vinh (Cao hơn bầu trời) với hình ảnh đứa con xấu xí, nhăn nheo chính là hệ quả của chiến
tranh. Vinh mơ hồ về việc nó có thật sự là con anh. Bởi sâu thẳm trong lòng, anh biết tình yêu của mình và Ngân chưa đủ sâu đậm đã bị chiến tranh chia cắt. Cuối cùng rồi Ngân cũng không chờ anh mà đi lấy chồng.
Việt (Mùa hè giá buốt) trước lúc hy sinh đã mơ thấy hòa bình. Đó là sự phản ánh ước mơ hay là do niềm tin chiến thắng mà cấp trên gieo vào lòng những người lính. Nhưng thực tế, chiến sự đang diễn ra rất ác liệt. Nên trong mơ, ngày hòa bình ấy vẫn đầy rẫy những cảnh tượng đáng sợ. Sau đó Việt thấy Bích Vân và con. Bích Vân nói chỉ cần hòa bình thôi và kéo anh về. Đó là mong muốn của Bích Vân hay cũng chính là ước mơ của Việt. Cuối cùng là hình ảnh đầy xót xa, mẹ anh ngồi lặng lẽ trước bàn thờ tổ tiên lạnh lẽo. Nó phản ảnh một sự thật là Việt sắp từ giã cuộc sống. Và ngay sau đó, cả Bích Vân cùng giọt máu của anh cũng không còn. Hình ảnh “bàn thờ tổ tiên lạnh lẽo” chính là nỗi ám ảnh day dứt tận sâu trong tâm khảm của Việt – người con trai duy nhất trong gia đình.
Trong tác phẩm của Văn Lê, linh hồn người lính thỉnh thoảng cũng có xuất hiện. Trái với những tác phẩm có yếu tố hồn ma thông thường, hay tạo ra cảm giác sợ hãi, ma quái; các linh hồn của Văn Lê xuất hiện với một dụng ý khác. Đó là khẳng định sự cao quý của người lính trong mọi hoàn cảnh. Họ là những con người “tử nhưng bất tử”. Dù đã hy sinh, họ vẫn đau đáu nghĩ về tổ quốc, quê hương, đồng đội. Linh hồn Nguyễn Quang Bình (Nếu anh còn được sống) không muốn hóa kiếp đầu thai nếu phải quên đi tất cả gia đình, quê hương, bạn bè thân thích. Anh muốn làm linh hồn để mãi nhớ về những tình cảm tốt đẹp đã được nhận ở người đời.
Còn linh hồn những anh lính trong Mùa hè giá buốt, khi thấy máy bay địch kéo tới đã đánh thức Bích Vân dậy để ẩn nấp kịp thời. Không chỉ có những người lính đang sống như chính trị viên Nguyễn Văn Thanh mới muốn giữ lại mạng sống cho Bích Vân. Mà ngay cả những linh hồn người lính vô danh, không cùng một đội, chưa từng quen biết này; khi thấy Bích Vân nguy hiểm cũng muốn cứu cô.
Các yếu tố tâm linh kì ảo còn có tác dụng tạo được một bầu không khí huyền thoại hóa. Thông qua các chi tiết kì ảo, những quan niệm văn hóa tâm linh của người Việt được thể hiện một cách rõ ràng. Đó là niềm tin về một con sông Nhược Thủy rộng lớn chia cắt hai thế giới trần gian và âm phủ. Nơi có ông lão chèo đò Thiên Niên Kỷ đưa các linh hồn qua sông. Ông được miêu tả “vận bộ bà ba đen đã phai màu, búi tóc”. Hình ảnh của ông chẳng khác gì một người dân Nam Bộ thông thường. Và những suy nghĩ, cảm nhận của ông chẳng
phải cũng chính là suy nghĩ của nhân dân ta về chiến tranh hay sao? Văn Lê đã khéo léo tạo ra một thế giới huyền thoại nhưng thực chất nó chính là sự phản ánh của thực tế cuộc sống.
Các yếu tố tâm linh kì ảo thể hiện truyền thống tâm tưởng của người Việt Nam nói riêng cũng như của người Á Đông nói chung. Những điềm báo, những dấu hiệu bất thường vốn đã được dân gian tin tưởng ngàn đời qua. Mượn những yếu tố đó, Văn Lê muốn phản ánh sự gắn bó của người lính với văn hóa dân tộc, với cội nguồn tâm linh.
Cũng từ các yếu tố kì ảo, tác phẩm không chỉ mang một ý nghĩa đơn giản mà trở thành một tác phẩm đa nghĩa. Thông qua yếu tố tâm linh, câu chuyện của Nếu anh còn được sống không chỉ đơn thuần là thuật lại cuộc đời của một người lính, mà nó còn góp phần tố cáo mạnh mẽ chiến tranh. Những con người trẻ tuổi căng đầy sức sống phải chết đi một cách vô lý, tức tưởi. Chiến tranh gây ra sự đau thương lớn đến nỗi không chỉ ở dương gian con người mới phải chịu đựng, mà ngay cả khi đã chết đi rồi họ vẫn tiếp tục chịu sự day dứt và ám ảnh của nó.
Trong bài báo Khích lệ lớn giới văn nghệ sĩ, viết nhân sự kiện trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm (2006 – 2011), Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố, Lê Quang Trang đã nhận xét tác phẩm đạt giải Nhất của Văn Lê: “bút pháp hiện thực nghiêm nhặt pha chút hư ảo tâm linh trong Mùa hè giá buốt tạo hiệu quả sâu về sự ám ảnh nơi người đọc” [44]. Quả thật bên cạnh vốn thực tế chiến trường ngồn ngộn khiến tác phẩm trở nên chân thực, sống động về những tháng năm chiến tranh khốc liệt thì yếu tố tâm linh hư ảo cũng góp phần tạo nên những ám ảnh, những dư âm da diết cho các cuốn tiểu thuyết của Văn Lê.
TIỂU KẾT
Đổi mới và sáng tạo trong việc vận dụng các thủ pháp nghệ thuật không phải cái đích mà Văn Lê hướng đến. Vẫn là những thủ pháp quen thuộc, những tác phẩm được xây dựng theo hệ hình tiểu thuyết truyền thống. Nhưng chính trên cái nền không có gì mới ấy, Văn Lê vẫn định hình được phong cách riêng của mình. Đó là lối viết không cầu kỳ hoa mỹ nhưng lại kỹ lưỡng trong văn phong của một người lính, một nhà thơ viết tiểu thuyết.
Không quá lạm dụng các thủ pháp nghệ thuật, Văn Lê chỉ đan xen vài nghệ thuật xây dựng kết cấu truyện, xây dựng tính cách nhân vật, sử dụng ngôn từ và yếu tố kì ảo một cách
nhẹ nhàng. Nhưng chính sự tiết chế trong việc sử dụng nghệ thuật đã tạo hiệu quả cao khi dùng đúng lúc, đúng chỗ.
Văn Lê làm chủ được các nghệ thuật mà mình sử dụng vào những mục đích nhất định như để gây ấn tượng mạnh, tạo tiết tấu dồn dập hoặc kéo dãn thời gian, tăng sự ám ảnh, day dứt… Nhưng chủ yếu, các nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm vẫn là để hỗ trợ làm nổi bật giá trị nội dung.
KẾT LUẬN
Văn Lê là một cây bút tài hoa. Ông vừa làm thơ, viết văn, vừa sáng tác kịch bản film… Những đóng góp của ông đã được ghi nhận xứng đáng bằng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế trên mọi lĩnh vực.
Trong sự nghiệp sáng tác của Văn Lê, thể loại tiểu thuyết viết về chiến tranh chiếm một số lượng không nhỏ. Đặc biệt là bộ ba tiểu thuyết viết về đề tài Mậu Thân – một lát cắt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã gây được tiếng vang trong nước cũng như khu vực (được đón nhận nồng nhiệt ở Hàn Quốc).
Tìm tòi, đổi mới nội dung và nghệ thuật thể hiện không phải cái đích mà Văn Lê hướng tới. Các tác phẩm của ông vẫn đi theo lối truyền thống nhưng kết hợp với phong cách riêng, mang đậm chất nhân văn. Nhìn một cách khái quát về đặc điểm trong tiểu thuyết của Văn Lê, có thể thấy:
Về mặt nội dung, Văn Lê đã tái hiện chân thực bức tranh chiến trận và hình ảnh sinh động của người lính.
Bức tranh chiến trận được thể hiện qua cái nhìn của người lính. Văn Lê không chọn góc nhìn của người lính hậu chiến để nhận thức lại. Mà đứng ở điểm nhìn của những người lính đang trực tiếp trong cuộc chiến để nhận định, đánh giá. Đứng ở góc nhìn hậu chiến như Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) của Chu Lai, Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh sẽ thiên nhiều về cảm hứng bi thương. Vì chiến tranh gây cho người lính những ám ảnh, mất mát, đau thương. Khiến họ không thể hòa nhập được với cuộc sống sau chiến tranh. Và từ những người hùng chiến trận, họ trở thành những kẻ “ăn mày dĩ vãng” trong thời bình, không nguôi nỗi nhớ về quá khứ. Vì thế, các tác phẩm này mang sắc thái bi thương.
Trong khi đó, với góc nhìn của người lính trong cuộc, những trang viết của Văn Lê có bi thương nhưng cũng có sự hùng tráng và tự hào. Hùng tráng bởi đây là một cuộc chiến chính nghĩa nối tiếp truyền thống chống ngoại xâm bất khuất của dân tộc. Những người lính sẵn sàng hy sinh thân mình vì tổ quốc. Nhưng cũng vì sự hy sinh quá nhiều nên nó mang sắc thái bi thương. Có thể dễ dàng tìm thấy những gam màu bi thương này trong các bức tranh chiến trận khốc liệt khác của Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Chu Lai (Ăn mày dĩ vãng, Ba lần và một lần). Nhưng Văn Lê không chỉ dừng lại ở việc miêu tả những khốc liệt của cuộc chiến, ông còn thể hiện sự anh dũng, hào hùng của dân tộc, vượt qua những khốc liệt kia. Và từ đó, sắc màu trong bức tranh chiến trận của Văn Lê là sự đan quện hài hòa giữa hùng tráng và bi thương tạo nên sắc thái bi tráng đặc trưng.
Hệ thống nhân vật của Văn Lê đông đảo, đa dạng và phong phú. Mỗi người một tính cách, một đặc điểm. Nhưng giữa họ đều có chung lòng dũng cảm, tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng hy sinh quên mình, nhân hậu, vị tha… vốn là những nét đẹp của người lính trong nhiều tác phẩm như Thượng Đứccủa Nguyễn Bảo Trường Giang hay những hình mẫu người thật như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, những chiến sỹ của trung đội “Ký Con” Bình Giã…
Những người lính của Văn Lê vừa mang những phẩm chất tốt đẹp chung, điển hình của người lính, lại vừa có những tính cách rất riêng. Ngay cả khi cùng viết về đối tượng người lính có tri thức, tâm hồn nhân hậu, nhạy cảm thì mỗi người vẫn mang một nét đáng yêu khác nhau. Trong Mùa hè giá buốt, người chỉ huy tài giỏi, nhân hậu như Nguyễn Sỹ Việt có tầm nhìn của người lãnh đạo; rất khác với sự hồn nhiên của một anh lính liên lạc đơn giản, hiền lành, giàu tình cảm như Lê Đức Thịnh; hay một chiến sĩ Vũ Duy Bình sâu sắc, tinh tế, nhạy cảm. Chính vì thế, mỗi người lính mà Văn Lê xây dựng; dù đậm nét hay thoáng quá, là nhân vật chính hay phụ, là một cá nhân hay một tập thể vô danh; cũng đều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
Các nhân vật chính của Văn Lê đều là người có học thức. Nên thông qua họ, Văn Lê đã thể hiện những quan niệm mới mẻ đầy nhân văn, nhân đạo về con người trong chiến tranh và những khao khát được sống trong một thế giới hòa bình của người lính nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Chính chất nhân văn, nhân đạo thấm đẫm trong các tác phẩm đó đã gây được xúc động sâu sắc cho người đọc. Đặc biệt là tiểu thuyết Nếu anh còn được sống đã được giới văn chương và độc giả Hàn Quốc đánh giá cao về tính nhân đạo và sự chân thực.
Những người lính của Văn Lê không chỉ dũng cảm trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh thân mình nơi chiến trận nguy hiểm, yêu thương đồng đội. Họ còn là những con người giàu tình cảm với mọi người, son sắt, thủy chung. Ra đi từ những làng quê, người lính của Văn Lê có sự gắn bó đặc biệt với văn hóa dân tộc. Họ khao khát được sống và được yêu thương.
Là người có vốn sống phong phú, đi nhiều nơi, là đạo diễn nhiều film tài liệu về văn hóa các dân tộc; Văn Lê có sự am hiểu về nền văn hóa truyền thống. Chính vì thế, ông đã phần nào đưa được nét đẹp cuộc sống, văn hóa đa dạng ấy của con người Việt Nam vào trong tác phẩm của mình.
Về mặt nghệ thuật, vốn là một nhà thơ từng đạt nhiều giải thưởng. Phong cách thơ ảnh hưởng rõ rệt vào văn phong tiểu thuyết của Văn Lê. Ngay từ nhan đề các tác phẩm đã
gợi sự ấn tượng và hay như một tứ thơ Nếu anh còn được sống – Cao hơn bầu trời – Mùa hè giá buốt. Dễ dàng nhận thấy, nổi bật trong các tác phẩm của Văn Lê là giọng văn nhẹ nhàng, đằm thắm, mượt mà. Ngôn từ nghệ thuật được gọt giũa, trau chuốt kỹ lưỡng.
Một đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết của Văn Lê là có kết cấu nhanh, các sự việc liên tục tạo được độ căng như kết cấu của một truyện ngắn… Dù là thể loại tiểu thuyết nhưng ít trang diễn giải dài dòng. Các trận đánh diễn ra với tiết tấu dồn dập. Để tăng giá trị nghệ thuật, tác giả còn sử dụng thủ pháp kết cấu kép, đan xen lời kể lồng vào nhau. Từ đó, thực hiện được dụng ý của nhà văn trong việc cùng lúc kể lại tác động của chiến tranh lên nhiều đối tượng. Ông cũng vận dụng nhuần nhuyễn cả kết cấu tuyến tính và phi tuyến tính tạo nên sự hấp dẫn cho người đọc.
Về nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, Văn Lê chú trọng vào diễn biến tâm lý và sự phát triển tính cách của nhân vật một cách logic. Không như một vài nhà văn, để các tính cách nhân vật biến đổi phức tạp, khó lý giải. Văn Lê xây dựng tính cách nhân vật phát triển hợp tình, hợp lý, không có sự thay đổi quay quắt, khó hiểu. Bên cạnh đó, cũng có những nhân vật mang tính cách thuần nhất, kiên định, không thay đổi. Dù hoàn cảnh cuộc chiến có đổi thay theo chiều hướng nào, thuận lợi hay hiểm nguy đến cùng cực, thì tính cách họ vẫn nhất quán.
Cuối cùng là sự thành công trong việc pha chút yếu tố tâm linh kì ảo bên cạnh những câu chuyện đậm chất hiện thực, làm tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm. Đồng thời các yếu tố kì ảo cũng tạo nên một không gian văn hóa tâm linh, không gian tâm tưởng của những người Á Đông gắn bó với truyền thống.
Với những đặc điểm nội dung và nghệ thuật vừa nêu, có thể thấy những đóng góp nhất định của Văn Lê cho nền văn học viết về chiến tranh sau 1975. Theo Lê Quang Trang nhận xét (trên tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật) về một tác phẩm đoạt giải: “Chính sự kỹ lưỡng trong văn phong, sức tươi trẻ của chất liệu sống, sự mới mẻ và đa dạng trong ý tưởng của tác phẩm đã chiếm được cảm tình của người đọc, sự đồng thuận tuyệt đối của Hội đồng chung khảo, và cùng thời gian vẫn tiếp tục lan tỏa trong bạn đọc”. Văn Lê thực sự bị ám ảnh bởi đề tài Mậu Thân – một lát cắt của thời kỳ chống Mỹ, một sự kiện làm nhức nhối lịch sử đương đại Việt Nam, và điều đó làm nên thành công của bộ ba tiểu thuyết. Đúng như ông quan niệm: “Chiến tranh không phải một đề tài quá cũ”. Nó vẫn là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn khai thác và tỏa sáng.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tạ Duy Anh (1995), Người thắng trận – Truyện ngắn trên báo Văn nghệ (1987 – 1995), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Ngọc Anh (2008), “Một số suy nghĩ về sự linh cảm trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương”, Văn Nghệ Thái Nguyên.
3. Arnauđốp (1987), Tâm lý sáng tạo văn học, Nxb Văn học, Hà Nội.
4. M.Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (bản dịch tiếng Việt của Phạm Vĩnh Cư), Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
5. Nguyễn Thị Bình (2007), “Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 – một cái nhìn khái quát”,