7. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Sự tinh tế trong khắc họa tính cách nhân vật
Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Một tác phẩm văn xuôi không thể thiếu nhân vật. Vì thông qua nhân vật, nhà văn khai thác được tính cách, số phận con người cũng như những vấn đề phức tạp của lịch sử, của xã hội… Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Văn Lê đông đảo, đa dạng và phong phú đến từ mọi miền quê, mọi thành phần. Thế nhưng, mỗi người mỗi vẻ, không ai lẫn vào ai. Đó là nhờ tài năngxây dựng tính cách nhân vật tinh tế của tác giả.
Cách xây dựng tính cách nhân vật đặc trưng của Văn Lê là khắc họa những chi tiết thiên về nội tâm hơn là ngoại hình và thông qua các tình huống, sự việc để nêu bật lên tính cách. Khi xây dựng một nhân vật, Văn Lê thông qua nhiều chi tiết rải rác trong tác phẩm. Người đọc phải chắp ghép những chi tiết, sự việc ấy lại với nhau để có được cái nhìn tổng quát về nhân vật. Ít khi tác giả nhận định về nhân vật của mình mà để tự các chi tiết nói lên tính cách nhân vật. Không chỉ các nhân vật chính mới được chú ý, đặc tả rõ nét mà cả những nhân vật phụ cũng trở thành những nét tính cách tiêu biểu.
Theo giáo sư Trần Đình Sử, “Nhân vật dưới mọi hình thức đều thường có tính cách. Tính cách trong ý nghĩa rộng nhất, chung nhất, là sự thể hiện các phẩm chất xã hội lịch sử của con người thông qua các đặc điểm cá nhân, gắn liền với phẩm chất tâm sinh lí của họ” [49;119]. Điển hình như tính cách nhân vật Tạ Quang Ron (Nếu anh còn được sống), trung đội trưởng – cấp trên trực tiếp của Bình, là một người có cá tính rất mạnh mẽ. Anh luôn thẳng thắn nói ra những suy nghĩ của mình. Anh là một người sống rất trọng chữ “nghĩa” và xem đó là nguyên tắc sống của mình. Bình nhận xét Tư Ron “như một con ngựa bất kham. Một con ngựa chỉ biết tiến về phía trước chứ không bao giờ biết lùi” [31; 209]. Ron đặt chữ nghĩa lên hàng đầu và điều này chi phối mọi hành động của anh, trở thành tính cách nổi bật. Anh không ưa những kẻ trí trá, giả dối nên cho rằng “sự giả dối đã giết chết đạo đức con người … muốn bon chen, sớm muộn gì cũng sinh tật nói dối” [31; 144]. Vì thế, anh không cần thăng tiến mà chỉ muốn được sống thật với chính mình.
Là một người ngang ngạnh, gan góc nhưng trong tình yêu, Tư Ron lại rất giàu tình cảm. Anh sống với Thủy, vốn là người chị nuôi hơn anh sáu tuổi, đã từng cưu mang anh
thuở cơ hàn. Tình yêu này nặng về nghĩa hơn tình nhưng Ron xác định “sống với nhau vì nghĩa thì trường tồn” [31; 148].
Tư Ron rất coi trọng chim Hồng – loài chim đặc trưng của dân tộc, có đủ năm phẩm chất nhân – nghĩa – lễ – trí – tín. Chúng không bao giờ bay đổi hướng. Không bao giờ giành đường của bầy khác. Không bao giờ vượt lên đầu con khác mà bay. Thấy đồng loại bị chết, cả bầy bỏ ăn một ngày. Nếu chẳng may con trống hoặc con mái bị chết, thì con còn lại trọn đời không sánh đôi cùng con khác. Khi kể lại cho Bình nghe chuyện này, Ron khiêm nhường “Ta là người mà chỉ dám học một chữ trong ngũ thường của chim Hồng thôi” [31; 148]. Đó chính là chữ “nghĩa”. Nhưng anh có thể tự hào về chữ nghĩa ấy của mình. Bởi Ron sống tình nghĩa với bạn bè, với đồng đội và cả với Thủy – vợ anh.
Khi chính trị viên vô tâm trước những mất mát, tổn thất của đợt Một mà chỉ huyênh hoang về việc nhất định sẽ thắng địch, “chúng như một cây gỗ mục, chỉ cần chúng ta đẩy nhẹ một cái nữa là đổ” [31; 173]. Tư Ron lẳng lặng bỏ ra ngoài. Anh thấy coi thường chính trị viên vì “trong lúc đồng đội hy sinh như thế, mọi người xơ xác vì đau khổ, còn nó thì cứ dửng dưng như không” [31; 175]. Là con người trọng nghĩa khinh tài, Tư Ron không thể trọng một người cấp trên như thế.
Ngày Thủy sắp mất, dù biết có địch mai phục ở nhà nhưng “nghĩa tử là nghĩa tận”, Ron vẫn quyết định trở về. Anh khóc nấc lên và nói với Bình, có chết cũng phải về thăm vợ lần cuối. Anh đã không phải ân hận vì hành động liều lĩnh của mình. Lúc anh về, Thủy đang hấp hối. Kịp nói với nhau lời cuối rồi “chị nằm im vĩnh viễn. Chị đã yêu anh. Đã chờ đợi. Đã gặp được anh. Và, đã ra đi” [31; 189]. Anh hy sinh trong lần về nhà này nhưng cũng diệt được ba tên địch. Để giữ chữ nghĩa, Ron sẵn sàng đánh đổi bằng cả sinh mạng.
Có thể thấy một điều rất rõ ràng, “so với các thể loại văn học khác, nhân vật tiểu thuyết được miêu tả nhiều mặt, tinh tế chi tiết như con người sống” [49; 307]. Tuy không phải là nhân vật chính, xuất hiện không nhiều trong tác phẩm như Bình nhưng Tạ Quang Ron vẫn để lại ấn tượng sâu đậm cho người đọc. Anh là người bản lĩnh, trung thực hiếm thấy, có nội tâm sâu sắc, lại dũng cảm tuyệt vời. Nhân vật Bình đau xót vì khi mất, Ron mới sắp qua tuổi hai mươi sáu. Các nét tính cách của anh từ từ bộc lộ qua những câu nói, những tình huống cụ thể. Tư Ron mạnh mẽ, cá tính trong cuộc sống, trong chiến đấu nhưng lại cũng dịu dàng, giàu tình cảm với người thân. Anh có phần ngang ngạnh, nhưng là ngang theo lẽ đúng. Những nét tính cách đẹp ấy đan quện vào nhau, hình thành nên một tổng thể nhất quán, logic, hài hòa.
Tính cách nhân vật trong tiểu thuyết còn được khắc họa rõ nét qua những hoàn cảnh cụ thể của từng nhân vật. “Sự kiện đặc trưng của tiểu thuyết là sự thể nghiệm cái riêng tư của cá nhân … những cảm xúc thầm kín, những bí mật riêng tư mà cá nhân muốn che giấu, là cái làm nên chủ đề “đời tư” trong văn học. Tiểu thuyết lấy đời sống riêng tư làm đối tượng quan sát và miêu tả” [49; 294]. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng khi xây dựng nhân vật của Văn Lê. Nhân vật Quách Trung Đoan (Mùa hè giá buốt) là một ví dụ.
Đoan xuất hiện ngay từ những trận đánh đầu tiên với Mỹ trong tác phẩm (trang 66). Anh chỉ huy đồng đội chiến đấu một cách dũng cảm, khiến cho Việt phải xúc động.
Sau đó Đoan bị nhận xét là “đánh Mỹ thì khỏi chê, nhưng đụng đến quân ngụy là tinh thần giảm sút, lừng khừng” [33; 228]. Anh lại có tật xấu là ưa lật xác lính ngụy lên xem một cách lén lút. Đoan tự thừa nhận là để thu đồ. Hành động ấy bị những người lính cho là phản cảm chẳng khác gì giết người, cướp của. Nghe báo cáo, Việt thở dài thất vọng về một người lính đầy tài năng nhưng lại thiếu đạo đức.
Đến trang 415, chính mắt Việt cũng thấy Đoan lật xác lính ngụy lên xem. Ý thức quân nhân trong Việt làm anh tăng thêm mối ác cảm với Đoan. Vì trước nhân dân, những hành động như thế sẽ bôi đen hình ảnh người lính cách mạng.
Trong trận đi giải vây cho tiểu đoàn bạn, Đoan bị thương nặng. Còn chút sức lực cuối, Đoan chia sẻ với Việt bí mật của anh. Đoan theo cách mạng, nhưng còn hai em ở nhà đi học, rồi bị bắt lính. “Thế là anh em bắn nhau … Cứ mỗi lần đụng độ với lính Sài Gòn là em có cảm giác như đang giết em mình vậy … Trong lòng em không lúc nào hết dằn vặt. Em luôn nghĩ rằng thà mình chết bởi tay các em, còn giết chúng thì em không thể” [33; 433].
Hóa ra lý do Đoan lật xác lính ngụy lên sau mỗi trận đánh không phải để thu đồ, mà là để tìm xem trong những người lính Sài Gòn chết trận có em mình không. Bí mật mà Đoan kịp chia sẻ đã giải tỏa được nỗi thất vọng trước đây của Việt và người đọc. Nhưng nó lại mang đến một cảm giác xót xa, đau đớn khác. Trong cuộc chiến này, mỗi người lính có một tâm trạng, một nỗi ưu tư riêng vì những hoàn cảnh khác nhau. Trường hợp của Đoan, bi kịch và éo le ở chỗ anh em trong một gia đình, máu mủ tình thâm lại trở thành kẻ thù ở hai chiến tuyến.
Thông qua Đoan, tác giả để Việt bắt đầu nhận ra một khía cạnh phũ phàng khác của chiến tranh “Trong cuộc chiến này, người lính không chỉ có nhiệm vụ đánh thắng quân xâm lược mà còn phải đánh thắng cả đối phương có cùng huyết thống với mình. Có lẽ đây mới chính là điều khổ tâm nhất, nhức nhối nhất” [33; 434]. Bi kịch của Đoan là ở chỗ ấy, anh
vừa là một người lính trung thành với cách mạng nhưng vẫn là một người anh cả trong gia đình, làm sao có thể bỏ mặc các em mình. Bi kịch của Đoan khiến người ta day dứt mãi về cuộc chiến này.
Tâm trạng nhân vật Bích Vân cũng từng xuất hiện những mâu thuẫn như thế. Chứng kiến sự tàn ác của đế quốc Mỹ với người dân Việt Nam, Bích Vân rất tin tưởng vào tính chính đáng của cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng khi chứng kiến những người lính Sài Gòn chết vào đúng dịp tết cổ truyền, tấm lòng nhân ái của Bích Vân vẫn cảm thấy nhói đau và buồn phiền. Bởi trong hàng ngũ những người lính Sài Gòn kia “đâu phải ai cũng muốn cầm súng giết nhau? Đâu phải là kẻ thù thì không được sinh ra từ những bà mẹ? Bi kịch của chiến tranh muôn thuở là như vậy. Những đất nước hèn kém, những lớp người thấp cổ bé họng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Họ bị xô đẩy vào một cuộc chém giết mà không có cách nào cưỡng lại được” [33; 134]. Trong trường hợp của anh em Đoan, suy nghĩ của Bích Vân là hoàn toàn phù hợp. Những người lính ấy có cùng huyết thống rồi lại bị chiến tranh xé ra, ném vào cuộc chiến thành hai phe đối lập, phải bắn vào nhau trong một tâm trạng rối bời.
Thông qua, bi kịch của một nhân vật cụ thể là Quách Trung Đoan. Văn Lê đã đặt ra một vấn đề nhức nhối chung của cả dân tộc và cũng là nỗi đau của không ít những gia đình, những người lính như Đoan. Chiến tranh qua đi đã lâu đủ để chúng ta dám nhìn thẳng, nhìn thật vào nó để đánh giá cũng như nói lên suy nghĩ của mình. Sự thật đau lòng này đã được nhìn nhận và trở thành đề tài hậu chiến tranh cho các nhà văn khai thác. Tác giả Nguyễn Ngọc Tư cũng đã viết truyện ngắn Vết chim trời để nói lên tâm trạng của người mẹ trong hoàn cảnh éo le, bi kịch khi có hai người con, một tham gia cách mạng, một là lính Sài Gòn. Với bà, phe nào thắng, phe nào thua, mất đi đứa con này hay đứa con kia thì bà cũng đều là người thua cuộc, là người phải chịu nỗi đau đớn, sự mất mát lớn nhất.
Không chỉ thành công với việc xây dựng hình tượng đẹp về người lính nói chung, Văn Lê còn thể hiện tài năng khi mô tả vào tận ngóc ngách bên trong tính cách từng con người. Tác giả bỏ công chăm chút, tỉ mỉ tạo ra hình ảnh cho từng người lính. Có thể nói thế giới tính cách nhân vật của Văn Lê vô cùng đa dạng và phong phú. Các nhân vật xuất hiện có khi là nhân vật đơn hoặc đa tính cách.
Đó có thể là một hình mẫu chỉ huy lý tưởng như Nguyễn Sỹ Việt (Mùa hè giá buốt)
với tính cách nhất quán, toàn diện – nhân hậu, thông minh, sáng suốt, điềm đạm, thương yêu người lính như chính bản thân mình. Đó cũng có thể là một người lính nỏng nảy, thẳng tính,
luôn nói toạc những điều mình nghĩ, phê bình cả cấp trên không chút nể nang như Quách Cường nhưng lại là một con người trung thực, không hay để bụng, “bực đó rồi cười đó. Tức thì chửi tanh banh, xong rồi thôi” [33; 42]. Đó cũng có thể là một anh chính trị viên như Cao Đăng Tình, nói thì hay nhưng làm lại không được một phần như những gì mình nói. Hay nhân vật người lính gốc nông dân như trung đội phó Bùi Văn Cốm (Nếu anh còn được sống) có tính cách nhỏ mọn, ưa ganh tị với người khác, không thích ai hơn mình. Đầy những khuyết điểm nên trong đơn vị chẳng mấy ai ưa anh. Thế nhưng lúc đi cứu các cô thanh niên xung phong bị bom làm sập hầm, Cốm lại tỏ ra nhiệt tình, tích cực nhất. Anh không đợi phân công, nhắc nhở, hùng hục xúc đất, làm bằng hai ba người. Khi thấy các cô gái đã hy sinh, anh khóc rống lên như một đứa trẻ. Bản chất của người nông dân là tốt, nhưng đôi khi vì ít học họ còn những tính xấu, tật xấu. Hình ảnh anh lính Bùi Văn Cốm chính là một ví dụ điển hình.
Đọc tiểu thuyết của Văn Lê, những người lính đã từng tham gia vào cuộc chiến dễ dàng tìm thấy hình ảnh của mình đâu đó trong một hay nhiều các nhân vật khác nhau. Văn Lê thành công với “những mẫu người lính đa dạng qua cách nghĩ, cách sống, cách phân tích những vấn đề nhạy cảm”. Mỗi người lính của Văn Lê, dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ, dù xuất hiện dày đặc trong từng trang viết như Nguyễn Sỹ Việt hay chỉ xuất hiện thoáng qua trong vài nét bút như Ngô Đợi nhưng tất cả họ đều để lại dấu ấn sâu đậm.
Nhân vật anh lính tên Ngô Đợi chỉ xuất hiện rất thoáng qua trong tác phẩm Mùa hè giá buốt nhưng những suy nghĩ sâu sắc của anh vẫn để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Đợi là văn thư của đại đội ba. Chỉ xuất hiện đúng hai lần trong cả tiểu thuyết dày 564 trang nhưng anh đã khiến cho người đọc nhớ mãi. Và dù chỉ gặp người lính ấy có một lần thì Nguyễn Sỹ Việt vẫn phải suy nghĩ mãi về anh.
Lần duy nhất gặp Ngô Đợi là khi Việt xuống làm việc với đại đội ba. Khi ấy, dáng vẻ thư sinh cao kều, mắt đeo kính và phong thái ung dung ngồi câu cá của Ngô Đợi khiến Việt ấn tượng. Anh hỏi người lính trẻ ấy mong muốn điều gì nhất. Không cần suy nghĩ, Đợi trả lời ngay mong muốn duy nhất của mình là hòa bình. “Hòa bình! Chỉ có hòa bình thôi thủ trưởng ạ! Cứ sau mỗi trận đánh, nhìn thấy bạn bè mất dần đi là em lại mong hòa bình. Lúc nào có thể nghĩ được là em chỉ nghĩ tới hòa bình. Cứ nghĩ tới hòa bình là em ứa nước mắt. Mới đây, em vừa nghĩ đến nó! Hòa bình lúc nào cũng chảy háo hức trong máu của em” [33; 435]. Mong ước của Ngô Đợi chẳng phải chính là mong muốn của biết bao con người trẻ tuổi đang tham gia trong cuộc chiến khốc liệt này hay sao?
Không lâu sau đó, Việt nghe tin người lính ấy đã không còn. Đợi hy sinh vào đêm tiểu đoàn vượt sông Lạch Tra để đánh vào thành Gia Định đợt Hai. Điều đau đớn hơn là đồng đội không thể tìm được xác anh. Vậy là với Ngô Đợi, “cuộc chiến đã kết thúc, nhưng hòa bình thì vẫn chưa đến” [33; 435]. Lúc này cuộc chiến chỉ kết thúc với mình anh. Anh đã được rời khỏi cuộc chiến nhưng chiến tranh thì thật sự vẫn chưa kết thúc. Và khát khao cháy bỏng của anh là hòa bình cho dân tộc thì vẫn mãi mịt mờ, mông lung. Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi Văn Lê đặt cho anh lính văn thư này cái tên “Đợi”. Cả cuộc đời anh vẫn mãi mãi đợi chờ hai chữ “hòa bình”. Nhưng không bao giờ anh còn cơ hội được chạm đến cái đích ấy nữa.
Lần thứ hai Văn Lê nhắc tới Ngô Đợi là trong giấc mơ của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt khi đang bị thương nặng và hôn mê. Giấc mơ ấy, Việt thấy đất nước hòa bình và hình ảnh Ngô Đợi lại xuất hiện. Trong khi đoàn diễu hành đi qua, Ngô Đợi chạy theo xe miệng gào to: “Đất nước ơi! Hòa bình rồi! Có ai nghe thấy tôi nói không? Hòa bình rồi.