7. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Những trận chiến hào hùng
Vì thấy được tính chất chính nghĩa của cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc, Bích Vân trong Mùa hè giá buốt đã tự giác đến với cách mạng. Lúc còn là học sinh trung học, Bích Vân được tham gia hướng đạo ở làng Vĩnh An và trở nên yêu thích, gắn bó với ngôi làng này. Khi người Mỹ sang Việt Nam, ngôi làng đã bị san bằng. Chúng giải thích hành động thẳng tay đàn áp người dân nơi đây là vì khó chịu với cái nhìn của họ. Bích Vân hiểu ra rằng sinh mệnh của mỗi con người Việt Nam thật nhỏ nhoi. Chỉ cần làm lính Mỹ không hài lòng, người ta có thể bị giết ngay. Và từ đó, “ý thức chống Mỹ hình thành một cách rõ nét trong lòng Bích Vân” [33; 140]. Ý thức ấy đã chuyển thành hành động cụ thể, Bích Vân cùng các bạn rủ nhau lên đường tham gia kháng chiến. Cô trở thành người dẫn đường cho Trung đoàn bộ binh số Một đánh vào quân trường Quang Trung.
Ngay trong nhiệm vụ đầu tiên của mình, Bích Vân đã phải đối mặt với một trận chiến vô vàn khó khăn. Không có lực lượng nội ứng, Trung đoàn bắt đầu chiến đấu một cách không cân sức với địch. Trước tình thế căng thẳng, Phó chính ủy đưa cho Bích Vân một khẩu súng vì theo ông: “Đã là người cách mạng thì không nên để kẻ thù bắt sống” [33; 149]. Trận đánh càng lúc càng trở nên khốc liệt, hai phần ba quân số của đơn vị đã hy sinh. Phó chính ủy Trung đoàn cũng bị thương nặng, rồi trút hơi thở cuối cùng. Lần đầu tiên tham gia một trận chiến dữ dội, Bích Vân không kìm được tiếng khóc than khi chứng kiến quá nhiều người chết. Chưa kịp bình tâm, cô lại thấy hình ảnh những người lính bị địch dồn đuổi vào một căn nhà. Họ chiến đấu anh dũng cho đến khi hết sạch đạn. Một tiếng nổ lớn vang lên, cả căn nhà sụp đổ. Họ đã chôn vùi được những người lính đối phương chết chung với mình. Sự dũng cảm trở thành sức mạnh vô hình, nó âm thầm được truyền từ người này sang người khác. Nó khiến cô sinh viên mới vào chiến trường đã có những suy nghĩ như một chiến sỹ cách mạng thực thụ: “cô cảm thấy dửng dưng, sẵn sàng đón nhận cái chết mà không hề tỏ ra băn khoăn, nuối tiếc điều gì” [33; 151]. Trận đánh đã gieo vào lòng cô những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc và toàn diện hơn về cuộc cách mạng của nhân dân ta.
“Những ngày tháng gian khổ đã giúp cho cô hiểu được tình cảm của con người sao mà bao la, nặng lòng đến nhường vậy? Càng nghĩ, cô càng thấy yêu thương đến thắt ruột đất nước mình. Cô cũng đã hiểu được vì sao, vì lẽ gì, mà người ta sẵn sàng chết” [33; 153]. Bởi đó là những cái chết thiêng liêng, chết để đất nước được trường tồn.
Những hình ảnh hào hùng ấy xuất hiện trở đi trở lại trong nhiều trang viết của Văn Lê. Những người lính chiến đấu vì chính nghĩa, vì tổ quốc nên họ sẵn sàng hy sinh thân mình. Hình ảnh chiến đấu của họ trở nên đẹp đẽ như một bản anh hùng ca. Cũng trong Mùa
hè giá buốt, ở trận đánh vào Sóc Ky, khi bộ đội tràn lên tấn công, trong những chớp lửa, Việt nhìn thấy rất rõ hình ảnh của anh lính Quách Trung Đoan. Đoan ôm B41, vừa chỉ huy vừa dẫn đầu đội hình xông lên. Anh bắn cháy một xe tăng rồi lại hạ thêm một xe bọc thép. Dưới sự dẫn dắt của Đoan, trung đội phối hợp một cách linh hoạt, uyển chuyển. Việt cảm nhận “trong khói lửa, bóng dáng của Đoan và đồng đội như được viền ánh sáng chói lòa”
[33; 67]. Hình ảnh những người lính dũng cảm ấy trở nên sinh động và rực rỡ, đẹp chưa từng thấy trong mắt Việt.
Đó cũng có thể là hình ảnh của một tập thể những người lính. Không một người nào được gọi tên cụ thể. Nhưng trên chiến trường, họ luôn dũng cảm, sẵn sàng xả thân, không sợ hiểm nguy, không sợ hy sinh, chết chóc. Trong trận đánh vào căn cứ Tống Lê Chân, “Nhiều trái đạn rơi trúng đội hình xung kích … những trái đạn xóa đi từng mảng người trên mặt đất” [33; 35]. Thế nhưng, sự dữ dội của đạn pháo cũng không cầm chân được người lính. Hình ảnh họ hào hùng xông lên trong tiếng kèn hùng tráng, thôi thúc “Những người lính đánh bộc phá cảm tử bắt đầu sôi máu. Người này ngã, người sau lại vọt lên thay chỗ. Hàng chục người lính bị đốn ngã ở ngay hàng rào, nhưng những người sống vẫn như mạch nước ngầm trào lên chỗ cửa mở” [33; 35].
Cũng trong trận đánh ấy, hình ảnh ngọn cờ cách mạng được truyền từ người này sang người khác như một biểu tượng hào hùng của ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc. “Người lính cầm cờ chạy lên phía trước và bị trúng đạn. Một người lính khác nhào tới đỡ lấy ngọn cờ, cũng lại bị bắn gục. Vậy nhưng ngọn cờ vẫn được truyền từ tay người chết sang tay người sống, tiến về phía trước” [33; 36].
Nhiều trận đánh khốc liệt mà người lính biết chắc khi xông lên tấn công họ sẽ phải hy sinh. Nhưng với lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước ngút trời, họ vẫn cứ tiến lên. Văn Lê miêu tả “họ chiến đấu một cách vô cùng linh hoạt. Họ luồn lách, nằm, bò, chạy, nhảy, vừa bắn, vừa tống lựu đạn, thủ pháo xuống những căn hầm, những ổ đề kháng kiên cố […] Có lúc, đạn cối đã cuốn phăng một lúc ba bốn chiến sỹ, nhưng vẫn không thể cản được tinh thần quyết chiến của họ” [33; 37].
Trong Cao hơn bầu trời, sự hùng tráng được Văn Lê miêu tả đậm nét ở cảnh người lính xung trận. Vượt qua hiểm nguy, bom đan, họ sẵn sàng hy sinh thân mình, dũng mãnh tiến công “Các chiến sĩ tung hầm, lao về phía quân thù. Tiếng hô “xung phong, xung phong” như những đợt sóng, trùm trong khói đạn, át cả tiếng súng và tiếng hỏa tiễn nổ gần” [32; 128]. Không một người lính nào chùn bước trước cái chết, “dường như họ coi
việc hy sinh cho độc lập dân tộc là một cái gì đó thuộc về lẽ tự nhiên mà không cần phải bàn cãi gì nữa” [32; 232].
Văn Lê chia sẻ cảm xúc khi viết những trang chiến trận hào hùng: “Tôi vẫn còn nhớ như in tiếng thốt lên đầy vẻ căng thẳng, buông xuôi và cũng đầy quyết tâm của người lính:
“Thà chết một đống còn hơn sống một người”… Tôi cứ luôn có cảm giác như mình bị nổ tung cùng với tiếng bộc phá của những người chiến sỹ hết đạn tìm đến cái chết giữa vòng vây của địch” [33; 7]. Tác giả đã truyền tải một cách chân thực tất cả những gì mình đã chứng kiến, đã trải qua, đã cảm nhận vào từng trang viết, từng nhân vật. Ông nhận xét: “Mậu Thân là một chiến dịch vĩ đại, vĩ đại đến mức bi tráng! Ở đó, người lính đã chứng tỏ được đỉnh cao của nhân cách, sự dũng cảm và sự “quyết tử để chiến thắng”, hiểu theo đúng nghĩa của cụm từ này” [33; 7]. Chính vì thế, những trang văn trong bộ ba tiểu thuyết về đề tài Mậu Thân, đẹp hùng tráng nhưng cũng đầy bi thương.