Người dân trong cuộc suy ngẫm về cuộc chiến

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 72 - 76)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Người dân trong cuộc suy ngẫm về cuộc chiến

Nhận thức về chiến tranh của người dân Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình được thể hiện trong quan niệm của ông già Thiên Niên Kỷ – người chèo đò của âm phủ trong Nếu anh còn được sống. Ông cho rằng: “Chiến tranh chính là sự luẩn quẩn, phi nhân tính nhất của loài người”. Bởi “nó làm đảo lộn mọi nền tảng, kéo lùi mọi sự tiến bộ … người ta cảm thấy mãn nguyện vì đã san bằng được thành quả của người khác, phá hủy triệt để những công trình văn hóa của người khác” [31; 33]. Chiến tranh trong con mắt ông là tai họa của loài người. Nó tàn phá mọi sự sống và thành tựu của nhân loại.

Trong cùng cuốn tiểu thuyết còn có quan niệm của ông nội Bình – vốn là một người thông thái, gắn với những câu chuyện có tính mặc khải của làng, ông cho rằng: “Chiến tranh chẳng từ một ai. Nó là giống quái vật ăn tạp. Nó ngốn ngấu tất cả các loại người”

[31; 22]. Hiểu được điều đó nên dù đã cảm nhận được trước tai họa sẽ xảy đến với cháu mình, thông qua sự phán truyền của các vì sao. Nhưng ông cũng không thể ngăn cản anh vào chiến trường. Ông đau đớn nhìn người cháu thân yêu và duy nhất của mình lên đường.

Văn Lê cũng thể hiện thân phận con người trong chiến tranh thật mỏng manh và yếu ớt. Họ khao khát sống, muốn được sống hạnh phúc. Nhưng chiến tranh tàn nhẫn cướp đi sinh mạng của họ. Cô thanh niên xung phong Xuân Mai (Cao hơn bầu trời), trước lúc hy sinh, đau xót nói với người yêu: “Cuối cùng, thì em cũng phải xa anh … em không nghĩ là nó đến sớm như thế, đến đúng lúc em đang được yêu thương... Em ra đi mà không nhận được những gì mà lẽ ra cuộc sống phải dành cho em” [32; 354]. Cô gái tội nghiệp, sau bao ngày tháng mới có được tình yêu của tiểu đoàn trưởng. Nhưng rồi chiến tranh lại cướp đi cuộc sống của cô, cướp đi những gì mà lẽ ra cô xứng đáng được nhận. Văn Lê mô tả ánh mắt khi cô nhìn người yêu lần cuối “vừa buồn bã vừa như muốn níu kéo một cái gì đó thật bấp bênh, xa vời” [32; 355]. Đôi tay cô bấu víu vào mái tóc của người yêu cho đến khi nó không còn chút sức lực, nới lỏng rồi tuột khỏi anh. Tất cả đã lột tả được tâm trạng lưu luyến, tiếc nuối cuộc sống, tiếc cho tình yêu mới chớm nở của Xuân Mai. Đồng thời, nó cũng tố cáo tội ác của chiến tranh.

Linh hồn Quế Chi (Nếu anh còn được sống) sau khi chết cũng từng có khao khát mãnh liệt: “Em muốn được làm người ở chốn dương gian. Ở ngay trên quê hương của em. Mặc cho chiến tranh, chém giết, bất công, ác nghiệt”. Cuộc sống dẫu có bất công, khổ sở đến đâu, nhưng được sống – đó cũng chính là hạnh phúc. Và ước mơ nhỏ nhoi của Quế Chi là “được làm người, được bước đi dưới ánh nắng mặt trời, được đẫm mình trong những cơn mưa đồng nội, … sung sướng lắm chứ” [31; 134]. Cũng như Xuân Mai, Quế Chi khao khát được sống. Nhưng chiến tranh không tha cho họ. Nó hủy diệt sự sống, tình yêu cùng mọi thứ tốt đẹp trên đời.

Đặc biệt, Văn Lê còn chú ý đến cả những người lính ở phe địch bị ép buộc đi lính. Họ không có quyền tự chủ, bị đặt cây súng vào tay và đẩy ra chiến trường. Cũng như ta, những “kẻ thù” ấy không mong muốn có chiến tranh. Và họ mong mỏi sau cuộc chiến được sống, được trở về với gia đình. Nhân vật Bích Vân (Mùa hè giá buốt) đã không khỏi buồn phiền khi chứng kiến, những người lính Sài Gòn chết trận, ngay trong dịp tết cổ truyền. Cô đau đớn cảm nhận “đâu phải ai cũng muốn cầm súng giết nhau?... Họ bị xô đẩy vào một cuộc chém giết mà không có cách nào cưỡng lại được” [33; 134].

Không chỉ Bích Vân – cô gái có tâm hồn nhạy cảm, mới có những suy nghĩ như vậy mà vấn đề này còn được Văn Lê đặt vào suy nghĩ của nhiều nhân vật khác nhau. Cũng trong

Mùa hè giá buốt, lần bị truy đuổi, Nguyễn Minh Trực cùng đồng đội trốn nhờ trong biệt thự của phu nhân một nghị sỹ Sài Gòn. Con trai bà – một người lính Sài Gòn, mới bị Việt Cộng hạ sát. Nhưng kỳ lạ là chính bà lại dang tay, che chở cho Trực. Kể lại câu chuyện, Trực thừa nhận “bản thân anh cũng đã có lúc không tin vào sự thật, cũng như tính lôgích của sự việc”

[33; 196]. Bà không trả thù, ngược lại còn cứu những người lính. Bởi suy nghĩ, “người ta còn nhiều việc phải làm hơn là báo thù. Chiến tranh là thảm họa cho cả dân tộc. Cần phải cứu lấy mọi người” [33; 201].

Qua bà nghị sĩ phu nhân, Trực đã nhìn ra được tính phức hợp trong thực tế đời sống. Trái đất không phải chỉ có hai màu đen và trắng, bóng tối và ánh sáng, ta và địch. Hành động của bà là “một cách sống, một triết lý sống mới của một dân tộc luôn luôn phải chịu hiểm họa chiến tranh” [33; 201]. Lúc báo cáo sự việc, Trực thẳng thắn nêu vấn đề. Anh được Việt lý giải đó là do “Nho giáo và Phật giáo được nhân dân tiếp thu đã ăn sâu vào lòng người và trở thành tâm lý dân tộc” [33; 202]. Một dân tộc, với cả chiều dài lịch sử chìm trong binh lửa triền miên, phải là dân tộc khao khát hòa bình hơn ai hết.

Việt cũng từng băn khoăn trước thực tế đau lòng, với những gia đình có con – vừa tham gia cách mạng, vừa làm lính Sài Gòn; “tâm trạng của bà mẹ sẽ thế nào, bà sẽ phải đối xử với các con ra sao, thương đứa nào, bỏ đứa nào, đó là điều không đơn giản đối với một bà mẹ cũng như một dân tộc. Sớm muộn gì thì chúng ta cũng phải đối diện với thực tế này”

[33; 202].

Và Việt đã ngộ ra một điều, hành động bao dung, nhân ái của những người đàn bà chính là thiên tính của họ. Anh đã có câu trả lời cho Trực về hành động tưởng không thể là sự thật, phi logic của bà phu nhân nghị sỹ: “Người đàn bà ở nhà có nhiệm vụ quán xuyến, duy trì các giá trị đạo đức truyền thống. Người đàn bà là điểm tựa, là nguồn sữa nuôi dưỡng phúc đức cho gia đình chồng. Khi tai họa giáng xuống gia đình mà không có cách nào tránh khỏi, thì việc xây dựng phúc đức càng trở thành nhu cầu tự thân của mỗi gia đình, dòng họ. Cứu được người khác qua cơn hoạn nạn, bản thân họ cũng được an ủi và vơi đi đau khổ rất nhiều” [33; 203]. Cách ứng xử, suy ngẫm của người đàn bà là minh triết dân gian, kết tinh những giá trị truyền thống cao đẹp của cộng đồng.

Không chỉ người lính mà mọi người dân, mọi mảnh đời đều bị kéo vào cuộc chiến này. Chiến tranh cùng rất nhiều hệ quả xấu của nó khiến người ta phải nghiêm túc suy ngẫm và có những quyết định đúng đắn hơn cho tương lai.

TIỂU KẾT

Điểm nổi bật trong bức tranh chiến trận của Văn Lê là sắc màu bi tráng. Sắc thái “bi” và “tráng” đã đan quyện vào nhau và xuyên thấm từ đầu đến cuối mỗi cuốn tiểu thuyết của Văn Lê. Đây chính là nét riêng trong cái nhìn nghệ thuật của ông về chiến tranh. Nó không chỉ hoàn toàn mang sắc thái hùng tráng như những trang viết trước 1975 nhưng cũng không hoàn toàn bi thương như nhiều trang viết sau 1975. Dù trải qua mất mát, đau thương; những người lính của Văn Lê vẫn mạnh mẽ, kiên trinh tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Kết thúc cả ba cuốn tiểu thuyết đều le lói những niềm hy vọng, tuy có xót xa nhưng không hề gợn chút ân hận, hối tiếc.

Người lính của Văn Lê vẫn mang những phẩm chất tốt đẹp nói chung của hình tượng người lính cách mạng. Nhưng đồng thời, họ cũng có nét riêng biệt của những người lính đến từ các làng quê nên có sự gắn bó và hiểu biết sâu sắc về truyền thống văn hóa dân tộc. Vì

hầu hết các nhân vật chính đều là người có học thức nên họ có những suy nghĩ sâu sắc, đa diện về những vấn đề nhạy cảm.

Cuộc chiến tranh chính nghĩa trong các tác phẩm của Văn Lê đã được tô đậm bằng chất nhân văn, nhân đạo thẫm đẫm trong từng trang văn, từng chi tiết miêu tả chân thực. Bộ ba tiểu thuyết về đề tài Mậu Thân Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời Mùa hè giá buốt là những bản hùng ca về sức mạnh bất diệt của dân tộc. Các tác phẩm này đã đem đến cho người đọc những suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc và khách quan về chiến tranh chứ không đơn thuần chỉ là chiến thắng.

Chiến tranh đi qua đã hơn 40 năm, những ngày tháng chiến đấu anh dũng để tới được chiến thắng hào hùng của dân tộc sẽ còn được lưu dấu. Cùng với niềm tự hào chiến thắng, chúng ta cũng đã có đủ thời gian để nhìn lại và suy ngẫm về những mất mát, đau thương. Với độ lùi gần nửa thế kỷ, cùng ký ức bi tráng về những trận chiến khốc liệt trong hai chiến dịch Mậu thân 1968, nhà văn – chiến sỹ Văn Lê đã có những trang triết luận sâu sắc về chiến tranh trong Mùa hè giá buốt. Lịch sử có thể sẽ chẳng bao giờ thay đổi được nhưng những bài học mà lịch sử để lại rất quan trọng cho tương lai. Tin rằng, những trang viết về chiến tranh của Văn Lê vẫn cần thiết cho cuộc sống hôm nay, để dân tộc ta luôn có được những Mùa Hè Ấm Áp!

CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM VỀ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT

Một tác phẩm văn học thành công là ở sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật. Sự tham gia của các yếu tố hình thức như tổ chức kết cấu truyện, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật độc đáo và xen kẽ yếu tố tâm linh kì ảo vào hiện thực đã góp phần làm tăng thêm giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cho các tác phẩm của Văn Lê.

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)