Sự linh hoạt trong sử dụng ngôn từ

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 99 - 103)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Sự linh hoạt trong sử dụng ngôn từ

“Ngôn từ văn học là ngôn từ của văn bản văn học, trong tác phẩm văn học, dùng để sáng tạo hình tượng nghệ thuật. Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Xét về chất liệu, khi sáng tác văn học, nhà văn bắt buộc phải sử dụng ngôn từ như một chất liệu biện pháp. Nhà văn thông qua lăng kính ngôn ngữ mà cảm nhận cảm xúc của mình, thể nghiệm sức sống phong phú đa dạng của muôn loài” [49; 48]. Mỗi nhà văn sẽ chọn cho mình một cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật riêng, từ đó định hình phong cách viết riêng của cá nhân.

Trước hết, Văn Lê có cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật độc đáo, đậm chất thơ. Ngôn từ ấy mang dấu ấn đặc trưng về văn phong của tác giả. Theo Trần Đình Sử (Tác phẩm và thể loại văn học) thì “Ngôn từ văn học là một hiện tượng nghệ thuật, thẩm mỹ độc đáo, khác hẳn khoa học và lời nói đời thường. Nó chịu sự chi phối của trí tưởng tượng và đặc điểm tư duy nghệ thuật của nhà văn” [38, 53]. Với tác giả Văn Lê vốn xuất thân là một nhà thơ, ông có cách chọn lựa từ ngữ diễn đạt bay bổng, nhẹ nhàng. Ngôn từ của ông giàu sắc thái biểu cảm, mỗi ý lại đẹp như một tứ thơ.

Văn Lê có những đoạn miêu tả cảnh thiên nhiên quyến rũ, xuất hiện một cách hiếm hoi trong những ngày chiến tranh khốc liệt ở tiểu thuyết Mùa hè giá buốt:

“Buổi sáng hôm ấy đến muộn hơn thường lệ, nhưng lại là một buổi sáng đẹp nhất mà tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt được nhìn thấy trong đời.

Khi sương sớm và khói đạn còn chưa tan hết, … thì bình minh xuất hiện một cách lặng lẽ, im phăng phắc. Nhưng điều làm Việt xúc động hơn cả lại không phải là bình minh, mà là một thảm hoa lục bình tím ngăn ngắt, trải dài từ bờ bao quanh làng tới tận rặng cây mờ mịt phía đường chân trời. Sau những ngày dài chiến tranh tưởng như bất tận, vẻ đẹp lẩn trốn ở đâu đó trong trời đất, tự nhiên ùa ra, thi nhau khoe sắc. Anh nghe thấy tiếng chim kêu lích chích trong đám cỏ đếtiếng vịt trời xao xác gọi nhauở đâu đó phía đầm lầy.

Việt ngơ ngẩn thả bước về phía bờ bao. Trước vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên, anh không còn mảy may lưu giữ một chút hình ảnh nào về trận đánh mà anh vừa bận tâm trước đó. Một lần nữa, anh lại càng sửng sốt khi nhìn thấy trên những ngọn cỏ còn đọng lại những giọt sương long lanh buổi sớm. Những giọt sương ấy như là sự tích tụ hơi khí của trời đất. Nó trong trẻo, trinh nguyên, sống động đến lạ lùng” [33; 268].

Đó là lời kể thông qua cái nhìn của Việt – một người lính có học thức, tâm hồn gắn bó với làng quê. Thông qua phương tiện ngôn từ trong lời kể, những vẻ đẹp rất đỗi bình dị của thiên nhiên trở nên rực rỡ. Ngôn từ ấy đã làm nổi bật được nét tính cách lãng mạn, thi sĩ của người lính bên cạnh những phẩm chất dũng cảm, kiên cường – vốn được xem là đặc trưng của người lính.

Hay trong những đoạn nhà văn miêu tả cảnh có sử dụng ngôn từ diễn đạt độc đáo, ấn tượng như:

- Những tờ láướt đẫm sương đêm ánh lên màu bạc trắng [33; 31].

- Mùa xuân đầu tiên ở chiến trường miền Đông Nam Bộ … sự trổ mã của cây rừng. Trên những trảng khộp khô mốc … những búp non phá vỏ bật ra. Chỉ mới đó thôi mà cánh rừng đã tím ngắt một màu lá mới [33; 39].

- Đã qua năm mới nhưng cái rét của năm cũ như vẫn còn lưu luyến, chưa chịu rời bỏ cánh rừng, làm cho những người lính cảm nhậncái lạnh một cách thấm thía [33; 44].

Cũng có khi, đó là những câu miêu tả tâm trạng con người:

- Tâm trạng lo buồn trước thực tế đổi thay không thể cưỡng lại được: “Gió đã đổi chiều. Nước chảy ngược dòng. Nắng cũng đổi màu. Thời gian chạy trước cả lịch sử [33; 118].

- Tâm trạng khi Việt nghe tin vợ chết: “Đại hạn đến một cách quá bất ngờ, làm cho Việt sửng sốt, tá hỏa mặt mày, đến độ không còn biết trời trăng mây nước gì nữa. Bầu trời như tối sầm lại. Mặt đất dưới chân anh như sụt lở. Anh đứng chết trân, không nói nên lời” [33; 216].

- Miêu tả nỗi đau trong tâm của Việt khi nghe Vũ Duy Bình đào ngũ: “Kẻ đào tẩu, đã để lại trong lòng anh nỗi đau thốn đến tận xương tủy. Nó giống một mũi khoan bị gãy, nằm sâu trong ruột gananh, mà không có cách nào lấy ra được” [33; 233].

- Tâm trạng u uẩn của người lính ở cuối truyện khi được lệnh rời khỏi chiến trường sau chiến dịch Mậu Thân đợt Hai: “Đoàn quân âm thầm vượt qua nỗi đau, vượt qua nỗi thống khổ, đi về phía Bưng Còng, nơi mà sớm mai đây, mặt trời sẽ thức dậy.” [33; 564]

Thậm chí, khi miêu tả cả cái chết thì Văn Lê vẫn giữ được ngôn từ đậm chất thơ của mình: “Xuân Mai trở về với tự nhiên một cách lặng lẽ giống đám mây lìa khỏi bầu trời”

[31; 355]. Hay cái chết của Bích Vân cũng nhẹ nhàng, thầm lặng: “Cô đi một cách lặng lẽ, giống như giọt sương tan biến giữa bầu trời” [33;559]…

Một trong các đặc trưng của thể loại tiểu thuyết là “nhà tiểu thuyết muốn người đọc hình dung con người và cuộc sống như đang cảm thấy, đang diễn ra” [49; 301]. Những đoạn miêu tả cảm nhận tinh tế, độc đáo vừa nêu chính là cách Văn Lê muốn người đọc thâm nhập được vào cái nhìn nội tâm của nhân vật. Từ đó, tác giả góp phần khắc họa được sâu hơn hình ảnh người lính. Họ không phải chỉ là những con người dũng cảm, chiến đấu quên mình nơi sa trường mà còn là những con người có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Họ có thể cảm nhận được những điều rất đẹp, rất ý nghĩa từ những cái rất đỗi bình dị, thân quen như một chiếc lá, một chồi non...

Ngoài ra, Văn Lê còn sử dụng khá nhiều từ láy trong các sáng tác của mình làm tăng tính biểu cảm cho tác phẩm. Từ láy là loại từ thuần Việt đặc trưng trong tiếng Việt có khả năng gợi hình, tượng thanhgiàu sức biểu cảm. Loại từ này giàu khả năng biểu đạt vì có thể chạm đến cả những cảm xúc tinh tế, cảm giác mơ hồ khó diễn tả. Nó được Văn Lê khai thác một cách hiệu quả để miêu tả chân thực từ cảnh vật đến tâm trạng, đồng thời tạo ra tính nhạc trầm bổng cho câu văn:

- Gió sớm thổi qua cánh rừng làm lá cây xào xạc[…] Việt mơ hồ ngửi thấy mùi hoa sen phảng phất ở đâu đó. Mùi hoa tinh khiết thoang thoảng trong không gian, làm cho anh

thổn thức. Hương vị đồng quê chập chờn, ẩn hiện trong tâm thức của anh [33; 47].

- Buổi trưa hôm ấy, bỗng dưng gió chướng tràn về. Gió te táttrườn qua cánh đồng cỏ

xơ xác, xộc thẳng vào mấy khóm tầm vông khô đét cuối làng, đem theo những đám bụi hình phễu, những tàn lá khô và những nhành cỏ cháy. Gió đẩy những thân tầm vông quấn xoắn lấy nhau, làm bật ra những tiếng kêu ken két, hệt như người đang nghiến răng. Bầu trời xanh xaomột cách bệnh hoạn [33; 236].

- Đêm yên tĩnh một cách kỳ lạ. Bích Vân có thể nghe thấy ở đâu đó chung quanh cô, tiếng dế kêu lách chách và tiếng côn trùng rên rỉ. Không gian vẫn nóng hầm hập … Bất giác cô nhìn lên vòm trời thăm thẳm. Trong màn đêm tối sẫm, xuất hiện những ánh chớp

loáng nhoángở phía chân mây và tiếng sấm rền rĩtừ xa vọng lại [33; 253].

- Không khí trong tiểu đoàn bỗng chốc sôi động, rậm rịch. Tiếng vũ khí chạm vào nhau lách cách. Tiếng chân người hối hả chạy dưới chiến hào lép nhép bùn nước. Không gian trở nên chật hẹp, căng thẳng [33; 257].

- Anh rũ rượibước đi, hình bóng chập chờn giữa mịt mùkhói lửa [33;442].

- … tâm trạng hoang mang, bứt rứt. Cô nhớ đến không khí nặng nề lúc Việt lên đường. Nhớ đến sự thanh thản đến lạnh lùngcủa anh lúc ra đi. Càng nhớ, cô càng cảm thấy nỗi lo sợ xa xôi [33; 442].

- Ngày 16 tháng 6 là một ngày hẩm hiu, dài lê thê với biết bao biến cố xảy ra làm cho cô vừa buồn bãvừa đau khổ [33; 533].

Kết hợp với ngôn từ nghệ thuật làtiết tấu, nhịp điệu của câu văn. Theo giáo sư Trần Đình Sử trong Tác phẩm và thể loại văn học, “tiết tấu là quy tắc ngắt nhịp lặp đi lặp lại, làm cho câu văn nhanh hoặc chậm, nặng hoặc nhẹ, dài hoặc ngắn. Tiết tấu là yếu tố đặc biệt quan trọng trong thơ, và trong văn xuôi cũng không thể thiếu” [49; 55]. Tác giả Văn Lê thường diễn đạt tình ý bằng kiểu câu ngắn, gọn, nhịp nhàng, ý ít tình nhiều. Ông kết hợp với cách ngắt nhịp tạo nên những tiết tấu đăng đối, nhịp nhàng, dễ đọc, dễ nắm bắt. Ẩn chứa trong từng vế chỉ vài chữ là biết bao suy ngẫm, chiêm nghiệm của tác giả. Cũng theo Trần Đình Sử nhận xét: “Văn học miêu tả những đối tượng do chính nhà văn thể nghiệm, vì thế ngôn ngữ văn học buộc phải sử dụng các phương thức biến đổi và mở rộng vô hạn các giới hạn nghĩa của ngôn từ” [49; 52].

Như khi nhận xét về chiến tranh, vì cảm xúc day dứt, xót xa nên nhịp văn giãn ra, ngắt quãng, tạo độ chậm rãi: “Chiến tranh / là như vậy.

Khắc nghiệt / và / bạo tàn. Mạng người / như / cây cỏ. Cười đó / rồi / chết đó!

Vừa thấy đó / mà / bỗng hóa gió mây!” [33; 29].

Hay: “Cay đắng lắm, / phũ phàng lắm, / muốn sống lắm, / nhưng chắc gì được” [33; 29].

Hay những câu văn khi người lính tính toán cách chống lại cuộc càn Juntion City của Mỹ: “Chúng tìm diệt, / ta né tránh.

Chúng hăm hở, / ta chùng chình.

Chúng gấp rút, / ta cò cưa, giữ chúng lại” [33; 52].

Trong cách Văn Lê miêu tả cảnh những người lính nhìn đồng đội lần cuối: “Trong những cái nhìn thăm thẳm buồn bã ấy, / có một cái gì đó trộn lẫn / giữa / băn khoăn / và / hy vọng, giữa / đau đớn / và / tin yêu” [33; 151].

Lời Lụa – vợ Việt, dặn chồng: “Sau này, / nếu mình có thương ai / thì / đừng thương vào thời tao loạn. Thương nhau thời buổi như vậy, / làm chồng cũng đau, / làm vợ cũng buồn” [33; 222].

Miêu tả cảnh Thủy trước khi chết được gặp lại chồng lần cuối: “Chị đã yêu anh./ Đã chờ đợi. / Đã gặp được anh. / Và, / đã ra đi” [32; 189].

Hay cách tác giả miêu tả cảm nhận của Bích Vân về tình yêu đẹp của Chung Cầm và Đăng Khương:

“Tình yêu có thể không cần dài, / nhưng / phải đúng nghĩa.

Nó có thể không làm thay đổi được cuộc sống, / nhưng / lại giúp cho ta tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống.

Nó không làm thay đổi được hoàn cảnh, / nhưng / làm thay đổi được tâm hồn” [33; 250].

Nhìn chung, ngôn từ nghệ thật của Văn Lê thể hiện ở từ ngữ độc đáo, đậm chất thơ; các từ láy tạo nhạc điệu; kết hợp thêm với nhịp điệu. Vốn là một nhà thơ trước khi chuyển sang viết tiểu thuyết, Văn Lê càng chú trọng đến việc chọn lọc ngôn từ nghệ thuật khi sáng tác. Cách tác giả sử dụng ngôn từ trong các tác phẩm đã đạt được yêu cầu của ngôn từ văn học “là một sáng tạo thẩm mĩ, nó đòi hỏi sự hòa điệu và nhạc tính. Phương diện ngữ âm của ngôn từ văn học bao gồm âm, thanh, nhịp và điệu” [49; 53].

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 99 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)