Bộ ba tiểu thuyết của Văn Lê về Mậu Thân

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 27 - 32)

7. Cấu trúc luận văn

1.3.2. Bộ ba tiểu thuyết của Văn Lê về Mậu Thân

Không chỉ viết về chiến tranh nói chung, Văn Lê còn đặc biệt bị ám ảnh bởi một chiến dịch cụ thể. Tác giả từng bộc bạch: “với tôi, chiến dịch Mậu Thân để lại những ấn tượng, đúng ra là những ám ảnh, không thể phai mờ” [33; 6]. Để thực hiện được chiến dịch Mậu Thân vĩ đại – chiến dịch làm thay đổi cục diện cuộc chiến, rất nhiều người lính đã phải đánh đổi bằng sinh mạng của mình. Vì thế, khi nhận xét về Mậu Thân, Văn Lê cho rằng: “Mậu Thân là một chiến dịch vĩ đại, vĩ đại đến mức bi tráng!” [33; 7]. Chính những ám ảnh ấy đã thôi thúc ông viết bộ ba tiểu thuyết xoay quanh đề tài này.

Nếu anh còn được sống(NXB Phụ nữ, 1994; tái bản NXB Văn nghệ, 2001; dịch và xuất bản tại Hàn Quốc – NXB Văn học thực tiễn, 2001) là câu chuyện kể lại, từ cái nhìn của hai linh hồn ở cõi âm. Thượng sỹ Nguyễn Quang Bình và Quế Chi – nữ thanh niên xung phong. Hai linh hồn cô đơn, lang thang ngoài cửa âm phủ. Tình cờ gặp gỡ rồi gắn bó, nương tựa, an ủi nhau. Quế Chi kính trọng, quý mến Bình vì anh quá chân thực. Họ cùng băn khoăn, ưu tư về những giá trị tinh thần đang bị dần quên đi. Vì thế, họ từ chối ăn món cháo lú khiến người ta quên hết kỉ niệm về quê hương, gia đình, bạn bè. Và những ngày tháng đã sống, đã chiến đấu đẹp đẽ, hào hùng.

Tác phẩm dày 239 trang, chia làm 7 phần và hai phần có tên là “Minh họa của cuốn sách” và “Minh họa cuối cùng của cuốn sách”.

Cao hơn bầu trời (NXB Trẻ, 2004) viết về chiến trường B2 trước và trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Nhân vật chính, Lê Phú Vinh – một sỹ quan có năng lực, học viên khóa đào tạo đặc biệt của trường Sỹ quan lục quân, được tín nhiệm lựa chọn điều động về trung đoàn bộ binh số 32. Trước lúc đi B, anh được về phép, tình cờ gặp gỡ và tỏ tình với một nữ cán bộ đoàn tên Ngân. Thời gian gấp gáp, ngắn ngủi, chưa kịp làm lễ ăn hỏi, anh phải chia tay vào chiến trường. Hành quân ròng rã gần sáu tháng trời, Vinh cùng đồng đội nếm trải bao thử thách, vất vả. Anh đã tham gia chiến đấu cũng như tham mưu chỉ huy một số trận đánh vô cùng khốc liệt nhưng đều giành thắng lợi như trận Bàu Cỏ, trận ở trảng Bà Lác, trận ở trảng A Màn… Anh chứng kiến biết bao người lính anh dũng chiến đấu và sự ra đi của họ. Sau đó, Lê Phú Vinh được điều đi cùng tiểu đoàn 1 đánh vào đô thị Sài Gòn. Cuộc tấn công không được nghiên cứu kỹ càng, cẩn thận, gần hết quân số trong tiểu đoàn bị thương vong,

đánh vào Sài Gòn đợt 2. Khu vực phòng thủ của tiểu đoàn bị bom địch san bằng. Vinh bị bom vùi, may được Xuân Mai – trung đội trưởng trung đội một, thuộc đại đội chín thanh niên xung phong là đơn vị phối thuộc của tiểu đoàn, cứu sống. Giữa anh và Xuân Mai nảy nở mối tình chiến trận đẹp đẽ, trong sáng. Xuân Mai chữa chạy vết thương cho Vinh, đồng thời cố liên lạc tìm đơn vị. Vinh bình phục, họ quyết định trở về. Gặp địch, Mai bị thương rồi hy sinh. Sau chiến thắng, Lê Phú Vinh trở về quê hương trong cô độc, ngậm ngùi vì mẹ và ông đã mất. Em gái lấy chồng xa. Ngân – người yêu cũ, đã lập gia đình. Vinh quyết định trở lại phương Nam để xây mộ cho Xuân Mai.

Tác phẩm dày 359 trang, được chia thành 14 chương và một đoạn kết.

Mùa hè giá buốt (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008; tái bản NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2012) viết về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Câu chuyện xoay quanh tiểu đoàn bộ binh độc lập 505, từ mặt trận Tây Nguyên được điều vào B2, vào cuối năm 1966. Tiểu đoàn do thượng úy Nguyễn Sỹ Việt chỉ huy. Vào chiến trường mới, đơn vị đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại miền Đông Nam Bộ, nhất là trong chiến dịch chống càn Junction City. Cuối năm 1967, tiểu đoàn được điều về Phân Khu Một với tên gọi mới là tiểu đoàn Bến Nghé. Trong đợt Một chiến dịch Mậu Thân 1968, tiểu đoàn đánh chiếm căn cứ pháo binh Cổ Loa, Trại thiết giáp Phù Đổng và xưởng quân cụ. Tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ và được lệnh rút ra khỏi thành phố để củng cố, do bị thương vong lớn. Vào thời điểm ấy, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt gặp Lê Thị Bích Vân – người dẫn đường cho Trung đoàn bộ binh số Một đánh vào trường huấn luyện quân sự Quang Trung. Cô được đơn vị mở đường máu cho rút ra ngoài. Họ gặp nhau và tình yêu nảy nở. Họ yêu nhau đằm thắm trong gần một trăm ngày chiến đấu ác liệt tại vùng ven. Cho đến ngày họ cùng hy sinh khi đánh vào thành Gia Định. Ngoài ra truyện còn có nhiều nhân vật khác với nhiều cuộc đời, hoàn cảnh và thân phận khác nhau. Họ là những cán bộ chỉ huy dũng cảm, dày dạn trong chiến đấu và những người lính bộ binh trong sáng, thông minh, hài hước. Vào cuối chiến dịch, cả Việt và Bích Vân đều hy sinh cùng với hơn bốn trăm đồng chí của họ.

Tác phẩm dày 564 trang gồm 2 phần:

Phần I (6 chương) viết về đợt 1 của chiến dịch Mậu Thân. Phần II (5 chương) viết về đợt 2 của chiến dịch Mậu Thân.

Văn Lê tâm niệm khi viết về bộ ba tiểu thuyết này: “Tôi viết về Mậu Thân 1968 để mọi người chiêm nghiệm, suy ngẫm về thành bại đó”. Những điều ông phản ánh trong ba

tác phẩm vì vậy mà chân thật và phản ánh đúng lịch sử dân tộc. Cả ba tiểu thuyết đều được người trong giới đánh giá cao và gây được tiếng vang vượt ra khỏi phạm vi Việt Nam.

Những nhận xét về Nếu anh còn được sống:

- Nhà báo Choi Jea Bong: “Cuộc chiến tranh đó hoàn toàn khác với những gì mà tiểu thuyết Việt Nam đã khắc họa trong lòng độc giả Hàn Quốc bấy lâu nay. Cuốn tiểu thuyết này khác với các tiểu thuyết phản động hoặc các tiểu thuyết mang chủ nghĩa nhân đạo mơ hồ, khi nói lên quan điểm của người dân Việt Nam với khát vọng được độc lập”.

- Giáo sư Bea Yang Soo – trường Đại học ngoại ngữ Busan: “Tác phẩm Nếu anh còn được sống được dịch lần này là một trong số các tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài chiến tranh Việt Nam … Rất nhiều tiểu thuyết được xây dựng trên sự hoang phế và vết thương còn lại của chiến tranh. Nhưng không có tác giả nào làm được như Văn Lê … Không có gì lại vĩ đại như văn học, để có thể tìm hiểu về con người và xã hội của một đất nước. Tiểu thuyết lần này của Văn Lê sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về lịch sử và con người Việt Nam”.

- Nhà báo Sim Jea Oek: “Tác giả không cố gắng tạo sự quan tâm của độc giả giống như những bộ film của Holywood, khi biến chiến tranh thành sân chơi. Đây là lý do tác phẩm được đánh giá là chân thực và nghiêm túc … Lý do Nếu anh còn được sống không bị coi như bản chép sử mà tạo nên sự hấp dẫn văn học, là vì tác giả luôn trung thực và khách quan. Ông không giấu hay bóp méo bản chất chiến tranh, sự sống – cái chết, hay sức mạnh của nhân dân Việt Nam đã chiến thắng đế quốc Mỹ”.

Những nhận xét về Cao hơn bầu trời:

- Nhà báo Lê Phú Khải: “Cao hơn bầu trời là tác phẩm văn học đầu tiên miêu tả một cách chân thực và hùng hồn về sự kiện làm nhức nhối lịch sử đương đại Việt Nam, sự kiện Tết Mậu Thân. Hùng hồn vì ở đó người đọc lĩnh hội được sự hy sinh cao cả, vô biên của cả một thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, mà nếu không có những trang viết như thế, các thế hệ sau không thể hình dung nổi vì sao một dân tộc nhỏ bé, một đất nước nghèo nàn như Việt Nam lại có thể đánh bại một siêu cường quân sự chưa hề biết chiến bại là gì như quân đội Mỹ”.

Những nhận xét về Mùa hè giá buốt:

- Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh – Lê Quang Trang:

“Ở phía sau hay cùng song hành với thực tế ấy, là những tiêu cực nảy sinh, những hy sinh mất mát đầy xót xa, những ấu trĩ không đáng có, tất cả làm cho bức tranh đời sống

ấy thực hơn và giá trị hơn. Điều đó càng tôn vinh thêm tinh thần quả cảm, phẩm chất anh hùng, sức mạnh tình yêu trong môi trường thời kháng chiến gian khổ”.

“Chính sự kỹ lưỡng trong văn phong, sức tươi trẻ của chất liệu sống, sự mới mẻ và đa dạng trong ý tưởng của tác phẩm đã chiếm được cảm tình của người đọc, sự đồng thuận tuyệt đối của Hội đồng chung khảo, và cùng thời gian vẫn tiếp tục lan tỏa trong bạn đọc”.

- Nhà văn Ngô Thảo: “Tính về tiểu thuyết viết về chiến tranh dữ dội, ác liệt, miêu tả trực diện, thẳng băng những mất mát hy sinh, trung thành và phản bội, dũng cảm và hèn nhát, sự sống và cái chết của từng cá nhân, từng tập thể nhỏ cho chiến thắng của đại cục…, có lẽ xưa nay, văn học nước ta chưa một tác phẩm nào sánh bằng”.

TIỂU KẾT

Có thể thấy, suốt từ năm 1945 đến nay, mảng đề tài chiến tranh trong văn học đã trải qua nhiều chặng đường phát triển khác nhau. Sau khi đất nước hòa bình, đề tài này lại càng phong phú hơn với nhiều cây bút từng khoác áo lính và cả những cây bút trẻ. Đến nay, đề tài này – với độ lùi thời gian cần thiết để chúng ta có thể đánh giá một cách khách quan, công bằng; đã trở thành vỉa quặng giá trị cho các nhà văn khai thác.

Văn Lê thuộc thế hệ nhà văn chống Mỹ, đến nay vẫn còn sáng tác miệt mài, bền bỉ. Hầu như năm nào ông cũng cho ra đầu sách mới. Lặng thầm và khiêm nhường nhưng Văn Lê đang dần tỏa sáng và khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn. Tác phẩm của ông không chỉ được giới chuyên môn trong nước đánh giá cao, mà còn được giới chuyên môn và độc giả Hàn Quốc trân trọng, đón nhận nồng nhiệt. Theo giáo sư Bea Yang Soo, việc đọc tác phẩm của Văn Lê giúp độc giả Hàn Quốc có “cái nhìn đúng đắn về lịch sử và con người Việt Nam”.

Cuốn sách Nếu anh còn được sống của Văn Lê đã tạo thêm được một nhịp cầu văn hóa giữa hai nước Việt – Hàn. Không chỉ Hội Nhà văn Trẻ Hàn Quốc muốn tìm hiểu Việt Nam, nhiều đoàn độc giả Hàn Quốc đã tìm đến Việt Nam để được trao đổi với tác giả. Cũng thông qua cuốn sách, nhân dân Hàn Quốc đã có cái nhìn đúng đắn hơn về con người và cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Họ thể hiện sự yêu quý và ngưỡng mộ với thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà văn Văn Lê đã thực hiện được tâm niệm của mình: “Nếu con người biết tôn trọng những bài học của lịch sử, thì hãy tìm đến với nhau, không phải bằng cây súng, mà là bằng quyển sách trong tay”.

CHƯƠNG 2: BỨC TRANH CHIẾN TRẬN VÀ CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH

Xuyên suốt trong các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, Văn Lê đã tái hiện rất thành công hai nét nội dung chính là bức tranh chiến trận và hình tượng người lính. Đây cũng là hai nội dung thường thấy ở bất cứ một tác phẩm về đề tài chiến tranh nào. Nhưng Văn Lê, với cách thể hiện của riêng mình, đã tạo được những nét mới mẻ trong những nội dung vốn rất quen thuộc ấy.

2.1. Bức tranh chiến trận hào hùng, bi tráng

Cùng một bức tranh chiến trận, nhưng mỗi tác giả có một phong cách vẽ riêng. Ở ba tác phẩm đề tài Mậu Thân của Văn Lê, nổi bật và chủ đạo là sắc màu bi tráng. Đó chính là đặc điểm riêng trong tiểu thuyết viết về chiến tranh của Văn Lê. Làm nên sắc màu bi tráng là ở sự khẳng định sức mạnh chính nghĩa của cuộc chiến đấu, đồng thời tái hiện được sự dữ dội, khốc liệt, sự đau thương, mất mát. Văn Lê đã tạo được màu sắc khác biệt trong bức tranh chiến trận của mình.

Tác giả Lê Phú Khải đã nhận xét trên diễn đàn Văn chương Việt: “Không có vốn sống, không người họa sĩ nào dám vẽ bức tranh hoành tráng có không gian từ làng quê Bắc Bộ, đến rặng dừa trời Nam, có những trận chiến khốc liệt trên hè phố Sài Gòn Mậu Thân 68, có tình yêu, có nước mắt, có máu, có tình bạn, tình đồng chí, tình quân dân và những hy sinh còn “cao hơn bầu trời” ... Văn Lê dám làm điều đó và thành công vì anh là người trong cuộc viết bằng máu thịt, viết bằng bàn tay đã đào đất chôn cất đồng đội mình sau đó mới cầm bút”.

Với bộ ba tác phẩm viết về chiến dịch Mậu Thân, Văn Lê đã khẳng định được cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta là một cuộc chiến vệ quốc chính nghĩa. Cuộc chiến này là sự tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc. Chính tính chất chính nghĩa của cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đã khơi dậy tinh thần đấu tranh của toàn dân hai miền Nam Bắc. Nó đã tạo nên tinh thần quyết chiến quyết thắng cho cả dân tộc như lời kêu gọi của Bác: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Trong bức tranh chiến trận của Văn Lê, có sắc màu bi tráng và chất chứa những điều suy tư, triết lý về cuộc chiến của ông.

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)