Chân dung người lính

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 42 - 44)

7. Cấu trúc luận văn

2.2. Chân dung người lính

Văn Lê thuộc thế hệ các nhà văn chống Mỹ. Ông từng sống và chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh. Tiểu thuyết của ông không tô hồng, không ca ngợi một chiều. Ông viết về chiến tranh chân thật với tất cả sự tàn nhẫn và khốc liệt của nó, chứ không đơn thuần chỉ là viết về chiến thắng.

Trong bản in đầu tiên cuốn tiểu thuyết Mùa hè giá buốt(2008), trả lời phỏng vấn của đại tá Đỗ Viết Nghiệm – phóng viên tạp chí Văn nghệ Quân đội; Văn Lê cho biết quan niệm khi viết về nhân vật người lính: “Họ là những cán bộ chỉ huy dũng cảm, dày dạn trong chiến đấu và những người lính bộ binh trong sáng, thông minh, hài hước”.

Tác giả Hoàng Quốc Hải, khi đọc các tác phẩm viết về chiến tranh của Văn Lê đã nhận xét: “Có lẽ, không ai chịu đựng sự khốc liệt của chiến tranh bằng người lính, cũng không ai chịu sự mất mát lớn lao nhất trong chiến tranh như người lính. Với Văn Lê, sự khốc liệt và nỗi đau dường như đã ngấm tới từng tế bào máu, xương, óc não anh, nên những điều anh viết ra là chân thực” [16].

Đã từng bước ra từ cuộc chiến; sống cùng những người lính, nhìn thấy họ, lắng nghe những ước mơ nhỏ nhoi của họ cũng như phải chứng kiến cảnh biết bao đồng đội ngã xuống, Văn Lê đã phản ánh tất cả rất chân thật vào từng trang viết của mình. Với Văn Lê, viết về người lính cũng là một cách để ông tri ân sự hy sinh cao cả của đồng đội. Viết để cho thế hệ sau có thể hiểu và nhớ mãi về một thế hệ cha anh đã dũng cảm quên mình vì đất nước. Viết để hình ảnh những người lính sẽ không bao giờ mai một, phai nhòa theo thời gian.

Bên cạnh vô vàn những người lính vô danh đại diện cho cả một tập thể. Văn Lê cũng cẩn thận xây dựng rất nhiều những người lính với nhân thân rõ ràng. Họ có một cái tên, một quê quán, có hoàn cảnh sống cụ thể và có tính cách điển hình. Điều này rất khác với Chu Lai – nhà văn cùng viết tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, chỉ tập trung vào một nhóm nhân vật nhất định. Các nhân vật phụ khác thường xuất hiện rất ít, mờ nhạt, thậm chí không có một cái tên cụ thể. Tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng chủ yếu là câu chuyện chỉ xoay quanh hai nhân vật chính là Hai Hùng và Ba Sương (Tư Lan), bên cạnh đó mới điểm xuyết vài nhân vật người lính như Tám Tính, Ba Thành, Hai Hợi, Viên, Tuấn, Bảo, Khiển. Hay trong tiểu thuyết Ba lần và một lần cũng chỉ có nhóm nhân vật Sáu Nguyện, Năm Thành, Ba Đẩu và Út Thêm.

Chỉ riêng trong tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, thế giới nhân vật của Văn Lê đã rất phong phú và đa dạng. Từ các cán bộ chỉ huy như Nguyễn Sỹ Việt, Lê Quang Tạo, Vi Khánh Liêm, Nguyễn Hoàng Mẫn, Vũ Mạnh, Trần Lãm, Quách Cường, Ngô Khiêm, Trần Thanh Lâm, Nguyễn Minh Trực, Đinh Quang Toàn, Vũ Minh Thành, Nguyễn Đức Xuân, Lương Phú Phẩm, Quản Trọng Bằng, Phí Văn Sỹ, Vũ Duy Bình… Cho đến cả những người lính cấp dưới như Bùi Quan Thắng, Trần Văn Ngang, Bùi Quang Thái, Vũ Văn Bảng,

Huỳnh Thắng, Vũ Hoàng Hảo, Lê Đức Thịnh, Đào Từ, Ngô Đợi… Trong đó cả các cán bộ quân sự, lẫn cán bộ chính trị đều được khắc họa rõ nét. Mỗi người một tính cách, không ai giống ai. Cùng làm công tác chính trị, có người giáo điều, cứng nhắc như Cao Đăng Tình nhưng cũng không ít chính trị viên lại tình cảm, gần gũi để lại ấn tượng đẹp cho anh em như Lê Quang Tạo, Nguyễn Đức Xuân. Có những người lính rất sâu sắc, tâm hồn nhạy cảm như Nguyễn Sỹ Việt, Lê Đức Thịnh, Vũ Duy Bình; cũng có những anh lính lém lỉnh, hồn nhiên, giản đơn như Bùi Quan Thắng, Trần Văn Ngang, Vũ Hoàng Hảo. Tất cả họ đã tạo nên một thế giới người lính hết sức sinh động. Trong Cao hơn bầu trờiNếu anh còn được sống, do dung lượng tiểu thuyết ngắn hơn nên số lượng nhân vật cũng ít hơn. Nhưng hình ảnh từng người lính xuất hiện trong hai tiểu thuyết này như Lê Phú Vinh, Tăng Liệu, Hoàng Lương, Vũ Nguyên Toại, Nguyễn Phước Thành, Bùi Tá, Vi Văn Thành, Lê Chí Sửu, Vũ Thế Dương… (Cao hơn bầu trời) và Nguyễn Quang Bình, Phan Út, Tạ Quang Ron, Bùi Xuân Pháp… (Nếu anh còn được sống) vẫn được Văn Lê khắc họa sắc nét và để lại ấn tượng sâu đậm cho người đọc.

Những người lính trong tiểu thuyết của Văn Lê cùng có chung những phẩm chất cao đẹp. Đó là tinh thần yêu nước nồng nàn, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, yêu thương đồng đội tha thiết. Nhưng mỗi người lính lại vẫn rất ấn tượng bởi nét riêng, nét cá tính độc đáo. Tiêu biểu là hình ảnh người chỉ huy Nguyễn Sỹ Việt, thông minh tài trí, dũng cảm, nhân hậu, tinh tế, luôn suy nghĩ thấu đáo đến tận cùng mọi sự việc. Anh là điểm tựa tinh thần vững chắc cho người lính tin tưởng và chia sẻ mọi khó khăn. Hay Lê Đức Thịnh bộc trực, thẳng thắn, có sở thích ghi chép lại những gì đang diễn ra như một “thư ký trung thành của thời đại”. Một trung đội trưởng Vũ Duy Bình nhân hậu, nhạy cảm, say mê với vốn văn hóa dân tộc. Hay một Quách Cường với tính cách nóng nảy, nói năng thẳng băng, mạnh bạo, không kiêng nể cả cấp trên nhưng lại dũng cảm trong chiến đấu, đầy năng lực chỉ huy… Những người lính được Văn Lê mô tả chân thật, hồn nhiên như những con người thật từ ngoài cuộc sống bước vào trang sách. Mỗi người mỗi vẻ nên thế giới nhân vật của Văn Lê có khi đại diện cho bản thân, có khi lại là hình ảnh của một tập thể.

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)