Người lính nghĩ về chiến tranh

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 69 - 72)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.1. Người lính nghĩ về chiến tranh

Đối với người lính, chiến tranh là chết chóc. Bởi ngày nào còn chiến tranh, ngày đó cái chết vẫn còn lẩn khuất đâu đây và có thể, bất ngờ ập đến với bất cứ ai. Trong lời tâm sự với linh hồn Quế Chi, trước khi cả hai được về thăm quê hương, linh hồn thượng sỹ Nguyễn Quang Bình cho rằng: “Anh, em và Kim Khánh không phải những người tốt đầu tiên và càng không phải là những người tốt cuối cùng bị chết bởi chiến tranh” [31; 226]. Vì “Ngọn lửa chiến tranh sẽ không bao giờ ngừng cháy được đâu! … Chiến tranh bị dập tắt ở chỗ này, sẽ lại bùng lên ở chỗ khác … Chiến tranh là thứ con người căm ghét, nhưng chính họ lại khơi lên ngọn lửa ấy”.

Thật mâu thuẫn, khi con người biết chiến tranh là tàn khốc, là dã man. Họ căm ghét chiến tranh, nhưng lại nhân danh đủ thứ lý do để khơi dậy chiến tranh. “Hôm nay, chiến tranh mang màu sắc giai cấp, ngày mai, chiến tranh sẽ mang màu sắc dân tộc. Ngày kia, biết đâu chiến tranh lại chẳng mang màu sắc tôn giáo” [31; 226]. Và sau mỗi cuộc chiến, biết bao sinh mạng lại bị tước đi. Dù là bên chiến thắng hay bên chiến bại, tổn thất về nhân mạng vẫn là điều không thể tránh khỏi. Lúc ấy, có lẽ đúng như Bình nói: “Nếu như các linh hồn tụ họp được với nhau, kéo đi biểu tình đòi quyền sống khắp thế giới, thì trái đất sẽ không thể chịu đựng nổi. Nó sẽ bị tan rã, nổ tung bởi tiếng thét của các linh hồn” [31; 226]. Đó chính là tiếng thét đòi quyền sống, đòi chấm dứt chiến tranh, chấm dứt việc chết chóc vô lý.

Chiêm nghiệm về chiến tranh, còn là việc người chỉ huy, người lính rút ra cái nhìn đúng đắn hơn, sâu sắc hơn sau mỗi trận đánh. Trong tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, các tình tiết được Văn Lê miêu tả dồn dập trong từng trận đánh khốc liệt. Người lính ít có những khoảng thời gian lắng đọng để chiêm nghiệm và nói lên suy nghĩ của mình. Nhưng trong những cuộc trao đổi hiếm hoi giữa họ, thì mọi vấn đề vẫn đều xoay quanh cuộc chiến. Có thể thấy người lính luôn không ngừng suy ngẫm về thành bại, về tương lai của cuộc chiến mà mình đang tham gia.

Sau cuộc “tổng công kích”, “tổng khởi nghĩa” đợt Một, ta tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm. Việt gặp Vương An và được biết nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại to lớn ấy là

“sự thiếu hiểu biết về tình hình, sự chủ quan trong nhận thức và sự đánh giá quá cao về khả năng của ta!” [33; 316].

Vương An cho Việt xem bức điện của Bộ Tư lệnh Miền. Với nội dung đầy sự bất cập

“rõ ràng chủ trương đánh lâu dài, đánh liên tục vào nội đô là yêu cầu số một”. Nhưng quân số thiếu hụt nghiêm trọng, lương thực – đạn dược không bảo đảm, “làm sao có thể đánh

được liên tục ba, bốn tháng giữa đô thị được, làm sao có thể giữ cho lực lượng luôn sung sức?” [33; 317]. Khi nghiên cứu bức điện, phó tư lệnh cũng nhận ra tính bất khả thi. Ông đã gạch dưới những đoạn cần thiết và “đánh dấu chấm hỏi rất to” vào các yêu cầu.

Lạ là, Chính ủy phân khu vẫn đưa ra nhận định lạc quan: “Chưa bao giờ chúng ta nắm trong tay những nhân tố thắng lợi và đầy đủ như hiện nay”. Và quyết định của cấp trên là tiến hành chiến dịch đợt Hai. Một quyết định thật chủ quan, duy ý chí.

Tâm trạng của Việt đầy bất an “kể từ lúc nghe tin chuẩn bị tấn công vào Sài Gòn lần thứ hai, mình luôn cảm thấy tâm trạng lo lắng không rõ ràng về một điều gì đó. Thực lòng mình không ngại chết, nhưng chỉ ngại là anh em phải chết vì những sự sai lầm” [33; 338]. Đúng như dự cảm lo lắng của Việt. Trước sự phòng bị và phản công quyết liệt của địch, quân ta tổn thất nặng nề. Việt cùng các đồng đội của anh và Bích Vân đều hy sinh trước khi cuốn tiểu thuyết kết thúc.

Trong bài Âm hưởng bi tráng trong tiểu thuyết Mùa hè giá buốt đăng trên website của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Sáng đã nhận định: “Trong hơn một trăm ngày tham chiến của tiểu đoàn Bến Nghé vào đợt Hai chiến dịch Mậu Thân, với những trận công kiên tơi tả “mười người vào chỉ một người ra”.Bài học lịch sử âm thầm được đúc rút trên những tổn thất, hy sinh là: chiến thắng không nên và không thể được làm ra bởi những quyết định duy ý chí”. Quả đúng như vậy! Không thể nhìn vào chiến tranh bằng con mắt chủ quan, duy ý chí của cá nhân mà cần một cái nhìn khoa học, tổng thể, thực tế.

Trong chiến tranh, rất nhiều những con người trẻ tuổi – những anh lính, nhưng cô thanh niên xung phong; căng đầy nhựa sống, đã ngã xuống. Tuy sẵn sàng hy sinh thân mình vì tổ quốc nhưng họ lại là những người hiểu được giá trị của cuộc sống và khát khao được sống nhất. Chiến tranh, vốn là điều không bao giờ nên xảy ra. Với tấm lòng nhân hậu, Văn Lê ao ước: “Nếu như con người biết tôn trọng những bài học của lịch sử, thì hãy tìm mọi cách đến với nhau, không phải bằng cây súng, mà là bằng quyển sách trong tay và những câu chuyện cổ tích” [31; 34].

Văn Lê không cho rằng mọi cuộc chiến đều là phi nghĩa. Vì tác giả khẳng định “có gây chiến thì có chống lại. Dân tộc nào không dám chống lại ách đô hộ của kẻ khác, dân tộc đó xứng đáng làm nô lệ” [31; 33]. Tác giả phân biệt rất rõ giữa phải và trái, giữa chiến tranh xâm lược phi nghĩa với chiến tranh vệ quốc chính nghĩa. Nhưng điều đáng buồn từ thực tế là cuộc chiến tranh nào chẳng thảm khốc. Chẳng gây ra mất mát, tổn thất cho cả hai phe chiến thắng và chiến bại. Chiến tranh mang tính phi nghĩa và không nên có là vì thế.

Văn Lê là một người lính bước ra từ cuộc chiến. Ông cũng đã từng cùng các cựu quân nhân Mỹ ngồi lại, mượn những trang văn, những bài thơ để kể về chặng đường mình đã đi qua. Sau những mất mát, đau thương; họ đều gặp nhau ở mong muốn, con người nên đến với nhau không phải bằng cây súng.

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết viết về chiến tranh của văn lê (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)