7. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Yếu tố tâm linh, kỳ ảo trong văn học
Trong tiếng Việt, “kì ảo” là một từ Hán Việt. Trong đó yếu tố “kì” có nghĩa là lạ lùng, yếu tố “ảo” là không có thực. Kì ảo có nghĩa là chuyện lạ lùng, không có thực, chuyện không thể xảy ra trong đời thực. Các yếu tố kì ảo thường xuất hiện nhiều nhất trong các truyện cổ dân gian, truyện trung đại (Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ). Đến nền văn học thế kỉ XX, các tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Tuân (Xác ngọc lam, Khoathi cuối cùng…), Thế Lữ (Trại Bồ Tùng Linh), Nhất Linh (Bóng người trong sương mù), Vũ Bằng (Bóng ma nhà Mệ Hoát, Đám cưới hai u hồn ở chùa Dâu…), Ngô Tất Tố (Suối hoa đào)… đã tiếp tục đưa các yếu tố kì ảo vào văn học hiện đại.
Đến sau 1975, các tác phẩm – đặc biệt là tác phẩm viết về chiến tranh, đã có sự thay đổi mạnh mẽ, đi vào khám phá hình tượng người lính dưới góc độ cá nhân, đời tư. Yếu tố kì ảo trở thành một thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu giúp nhà văn khám phá thế giới tâm hồn con người. Theo tác giả Phùng Hữu Hải thì những diễn biến tâm linh rất khó nắm bắt, và đó là lý do khiến các nhà văn đến với địa hạt của yếu tố kì ảo bởi “yếu tố kì ảo là một hình thức đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần hết sức trừu tượng khó nắm bắt của con người, để từ đó “thấu” con người ở phần nhân tính, mơ hồ và huyền diệu ấy” [15].
Còn tâm linh là một khái niệm thuộc lĩnh vực tinh thần. Con người luôn tin rằng có những sức mạnh siêu nhiên huyền bí tồn tại xung quanh mình, có một thế giới khác tồn tại song song với thế giới con người. Đó là thế giới của những người đã khuất. Con người dù có chết đi, linh hồn vẫn còn tồn tại và lẩn khuất đâu đó bên cạnh người sống.
Trong đời sống của người Việt, yếu tố tâm linh đã trở nên quen thuộc. Người ta tin rằng con người sau khi chết đi linh hồn sẽ thoát khỏi xác trở về nơi cực lạc, thiên đường, âm phủ… hoặc vẫn còn quanh quẩn bên cạnh người còn sống.
Chúng ta dễ dàng tìm thấy những biểu hiện tâm linh trong các tác phẩm đề tài chiến tranh sau 1975, thông qua những yếu tố kì ảo. Không khó để bắt gặp những chi tiết như: sự giao tiếp giữa người sống với người đã khuất hay sự trợ giúp của linh hồn cho người sống thoát khỏi hiểm nguy… Hàng loạt các tiểu thuyết và truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh có sự xuất hiện của yếu yếu tố này như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng
(Chu Lai), Tàn đèn đốm đỏ (Phạm Ngọc Tiến), Bến không chồng(Dương Hướng); Bến trần gian(Lưu Sơn Minh), Bướm trắng (Thái Bá Tân), Những giấc mơ có thực(Vũ Thị Hồng)…