6. Cấu trúc của đề tài
2.2.1.2. Nhân vật khởi nguyên và anh hùng văn hóa
Đây là bộ phận truyền thuyết về nguồn gốc các thị tộc, bộ lạc, gia tộc, các làng xã, các thủy tổ các nghề và làng nghề thủ công truyền thống. Có một số nhân vật đã có trong thần thoại nhưng lại được lịch sử hóa và xuất hiện lại trong truyền thuyết. Đầu tiên phải kể đến là hai nhân vật Lạc Long Quân và Âu Cơ trong truyện “Con Rồng, cháu Tiên” (Tiếng Việt 1, tập 2), truyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, ở miền đất Lạc Việt, có một vị thần tên là Lạc Long Quân sức khỏe vô địch, có nhiều phép lạ. Ở vùng núi cao có nàng Âu Cơ xinh
đẹp tuyệt trần. Hai người kết duyên với nhau, Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra trăm người con. Năm mươi người con theo Lạc Long Quân xuống biển, năm mươi người con còn lại theo Âu Cơ lên núi. Một trăm người con này sau đó trở thành tổ tiên người Việt Nam. Trong truyện giải thích nguồn gốc loài người là chủ đề thần thoại còn giải thích nguồn gốc cộng đồng dân tộc là chủ đề của truyền thuyết. Lạc Long Quân và Âu Cơ không phải chỉ có chức năng sinh sản nòi giống cao quý, họ cũng chính là những anh hùng văn hóa đầu tiên. Họ dạy dân trồng lúa, lấy vỏ cây làm áo, lấy sợi dệt vải, làm bánh trái để ăn, làm nhà ở để tránh thú giữ,…
Đặc điểm thiên nhiên Việt Nam là nắng lắm mưa nhiều, hạn hán vừa qua thì úng lụt lại tiếp liền. Đất - nước, nắng – mưa, hạn – lụt chính là những yếu tố quan trọng kết tinh truyền thống và tính cách người Việt. Người Việt chống thiên nhiên, chống hạn và chống lụt. Đặc điểm địa hình – lịch sử đó đã in dấu đậm trong truyền thuyết anh hùng. Đó là chiến công của Sơn Tinh đánh Thủy Tinh trong truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” (Tiếng Việt 2, tập 2), truyện kể về câu chuyện kén rể của vua Hùng, có hai chàng trai đến cầu hôn là Sơn Tinh và Thủy Tinh. Cả hai người đều tài giỏi nên nhà vua không biết chọn ai, đành nêu ra thử thách về lễ vật và Sơn Tinh đã chiến thắng. Thủy Tinh tức giận cho quân đuổi đánh Sơn Tinh, chính trận đánh đó đã gây ra hiện tượng lũ lụt. Trong thần thoại cuộc chiến giữa Thủy tinh và Sơn Tinh được cho là tranh dành người đẹp, nhưng truyền thuyết lại mang một màu sắc khác nổi bật, Thủy Tinh “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” đâu phải chỉ vì Mỵ Nương mà chính là những cuộc chiến thôn tính đất đai màu mỡ vùng sông nước của các bộ lạc vùng cao đã được hình tượng hóa và thơ mộng hóa. Những cuộc chiến tranh giữa các cộng đồng đã tác động rất lớn tới ý thức về quốc gia, dân tộc và về chủ quyền lãnh thổ của mọi thành viên trong cộng đồng.
Khi cộng đồng mới hình thành và phát triển thì khám phá những vùng đất rộng lớn cũng như tìm ra một loại giống cây trồng mới, tìm ra một loại thức ăn mới,… đều là những thắng lợi, những chiến công vĩ đại đưa cộng đồng tiến đến văn minh. Chính vì vậy, nhân vật An Tiêm trong truyện “Sự tích dưa hấu” (Tiếng Việt 1, tập 2) đã trở thành anh hùng lao động, anh hùng văn hóa được dân chúng suy tôn thành thần thánh. Truyện kể rằng, ngày xưa, Vua Hùng Vương thứ 18 có nuôi một đứa trẻ thông minh khôi ngô, đặt tên là Mai Yển, hiệu là An Tiêm. Sau này lớn lên nhà vua cưới vợ cho chàng. Hai
vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc và sinh được một người con trai. Tuy nhiên, An Tiêm càng ngày càng sinh ra kiêu ngạo. Câu chuyện đến tai nhà Vua, Vua giận đem bỏ gia đình Mai An Tiêm ra ngoài đảo hoang và chỉ cho lương thực đủ dùng trong bốn năm tháng, ăn hết là chết đói. Ở không được bao lâu, An Tiêm thấy con chim thả sáu bảy hạt dưa xuống trên mặt cát. An Tiêm bèn gieo hạt chẳng mấy chốc những hạt ấy đâm chồi nảy lộc kết thành những quả dưa đếm không xiết. An Tiêm bổ dưa ra ăn thì mùi vị thơm tho ngọt ngào, khi ăn vào tinh thần khỏe khoắn rồi mỗi năm trỉa thêm đem đổi lấy lúa gạo nuôi vợ con. Nhưng không biết tên dưa ấy là gì, mới nhân chim tha từ phương Tây đem qua bèn đặt tên Tây qua. Người Tàu ăn thấy ngon, khen là “hẩu”, nên về sau người ta gọi trại đi là Dưa Hấu. Một ngày kia, có một chiếc tàu bị bão dạt vào cù lao. Mọi người lên bãi cát, thấy có nhiều quả lạ, ngon. Họ đua nhau đổi thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Rồi từ đó, các tàu buôn tấp nập ghé đến đổi chác đủ thứ vật dụng và thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình An Tiêm trở nên đầy đủ. Lâu ngày nhà Vua nhớ đến An Tiêm sai người ra đảo xem còn sống hay chết, người ấy đem về mấy giỏ dưa và tâu lại mọi chuyện. Vua mới ngộ ra, bèn triệu An Tiêm về và trả lại chức quan. Hay nhân vật Trần Quốc Khái trong truyện “Ông tổ nghề thêu” (Tiếng Việt 3, tập 2).
“Hồi còn nhỏ, cậu bé Trần Quốc Khái rất ham học… Nhân dân vùng Thường Tín, quê ông, lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu” [14;tr.23].
Truyện kể rằng có một cậu bé Trần Quốc Khái rất ham học, lớn lên làm quan trong triều đình nhà Lê. Một lần, ông được cử làm sứ thần sang Trung Quốc. Vua muốn thử tài ông nên đã sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên chơi, rồi cất thang đi. Lầu chỉ có hai pho tượng, hai cái lọng và một bức trướng thêu ba chữ “Phật trong lòng” và một vò nước. Ông lẩm nhẩm ba chữ và biết được dụng ý của nhà vua, thức ăn chính là ở pho tượng. Có thức ăn, có nước uống, nhân được nhàn rỗi, ông mày mò quan sát, nhớ nhập tâm, cách thêu và làm lọng. Học được cách thêu và làm lọng, ông tìm đường xuống, rồi về nước, truyền dạy cho dân nghề thêu và nghề làm lọng. Nhân dân tôn ông là ông tổ nghề thêu.
Hình tượng Lạc Long Quân, Sơn Tinh, An Tiêm, Thánh Gióng… là những hình tượng khổng lồ đẹp đẽ, tiêu biểu cho nhân dân anh hùng trong buổi đầu dựng nước. Họ là biểu tượng của tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết,
niềm tin và mơ ước lớn của nhân dân lao động. Họ cũng khẳng định giá trị của lao động sáng tạo và giá trị của người lao động, đó là niềm tự hào và khí thế của nhân dân trong thời đại anh hùng Việt Nam. Những kì tích chinh phục tự nhiên, sáng tạo văn hóa đó cũng đồng thời là minh chứng khá rõ cuộc sống làm ăn, nếp nghĩ, nếp cảm của một dân tộc đã sớm định cư, sản xuất nông nghiệp.
Những nhân vật trong truyền thuyết tuy mang vẻ kì bí, phi thường nhưng tính cách lại hết sức gần gũi với con người, khiến cho mỗi câu chuyện kể đi vào lòng các em một cách thật dễ dàng. Các em nắm được những kiến thức về lịch sử dân tộc, cả về lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và lịch sử văn hóa. Chính các em cũng là những người tiếp nối và gìn giữ những truyền thống văn hóa ấy.
2.2.2. Cốt truyện
Nếu thần thoại, cốt truyện chỉ xoay quanh một nhân vật thì cốt truyện truyền thuyết lại xoay quanh nhiều nhân vật, thậm chí có truyện có hai hệ thống nhân vật đối lập nhau như truyện An Dương Vương: Một bên là An Dương Vương, Mỵ Châu, thần Kim Quy; một bên là Triệu Đà, Trọng Thủy, con tinh Gà Trắng. Như vậy cốt truyện của truyền thuyết phức tạp, đa dạng hơn thần thoại. Cốt truyện truyền thuyết thường theo ba đoạn đời nhân vật chính:
+ Đoạn đời thứ nhất kể về hoàn cảnh và thân thế của nhân vật chính.
- Mô típ sự thụ thai kỳ lạ của mẹ người anh hùng do quan hệ bí ẩn, bất thường với một hiện tượng, một sự vật nào đó.
- Mô típ về tướng lạ có từ khi lọt lòng như gan bàn chân có ba sợi lông trắng, có nốt ruồi đỏ trong vành tai, trên trán có ba đường chỉ ngang, tay dài quá gối,…
- Mô típ về sự biểu hiện khác thường, hơn người khi còn trẻ như: nâng cối đá lên cao, tay không giết cọp dữ, nhảy cao và xa khác thường, có phép lạ, không nói không cười, có chí lớn…
- Mô típ về hoàn cảnh xã hội: loạn lạc liên miên, giặc ngoại xâm sắp xâm lược hoặc đang thống trị hà khắc, triều đình mục nát, dân chúng lầm than…
- Mô típ xuất thân của nhân vật chính hoặc là con nhà nghèo đã qua thử thách cuộc đời hoặc là con nhà nòi có truyền thống thượng võ, yêu nước thương nòi, gia đình mang mối thù với giặc ngoại xâm…
+ Đoạn đời thứ hai là quá trình hoạt động của nhân vật chính.
Phần này kể lại hành động, chiến công, kì tích của nhân vật chính với nhiều tình huống thăng trầm, gian nguy, thất bại rồi thành công.
+ Đoạn đời thứ ba là sự kết thúc của nhân vật chính.
- Mô típ về sự hoá thân, thăng hoa của nhân vật.
- Mô típ về sự hiển linh, hiển thánh giúp con cháu làm ăn và đánh giặc. - Mô típ về sự vinh phong, gia phong tên hiệu của các triều đại sau cho người anh hùng.
- Mô típ về nghi lễ thờ cúng liên quan đến tôn vinh, nhớ ơn người anh hùng.
Ví dụ: Ta có thể phân tích cấu trúc truyện “Tre ngà” (Tiếng Việt 1, tập 1) để thấy rõ điều đó.
Đoạn đời thứ nhất
Nhân vật chính là Thánh Gióng. Gióng được sinh ra trong gia đình hai ông bà lão, hai ông bà này tuy làm việc chăm chỉ, nổi tiếng phúc đức nhưng mãi không có con. Gióng ra đời với sự thụ thai kì lạ của bà lão, bà ra đồng ướm chân vào một vết chân lạ và về nhà mang thai Gióng. Gióng khôi ngô tuấn tú, ba năm mà vẫn không biết nói, biết cười, đặt đâu nằm đấy. Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ là giặc Ân tràn vào bờ cõi nước ta.
Đoạn đời thứ hai
Khi nghe tiếng rao tìm người tài đi đánh giặc, Gióng cất tiếng nói tiếng cười, lớn nhanh như thổi. Tráng sĩ Gióng mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt rồi cầm roi sắt xông ra diệt giặc. Roi sắt gẫy, Gióng bèn nhổ cả những bụi tre bên đường để quét sạch giặc thù. Gióng đánh cho giặc tan tác.
Đoạn đời thứ ba
Giặc tan, Gióng một mình một ngựa lên đỉnh núi Sóc rồi bay thẳng về trời. Ở đó nhân dân lập đền thờ, hàng năm lại mở hội làng để tưởng nhớ.
Thêm một ví dụ nữa để thấy rõ hơn về sơ đồ cấu trúc trên qua truyện “Ông Yết Kiêu” (Truyện đọc 2).
Đoạn đời thứ nhất
Nhân vật chính là Yết Kiêu. Ông làm nghề đánh cá, là người có sức khỏe hơn người, không ai địch nổi. Ông là người có tài lội nước, ông có thể ở dưới nước luôn sáu, bảy ngày mới lên. Hoàn cảnh xã hội: giặc ngoại xâm mang một trăm thuyền lớn theo đường biển vào cướp nước ta.
Đoạn đời thứ hai
Yết Kiêu xin đi đánh giặc, ông chỉ cần một cái khoan, một cái đục và một cái búa. Ông lặn xuống đáy biển, khoan đục đáy thuyền làm thuyền giặc chìm lần lượt, khiến chúng hoảng sợ và quay về nước.
Đoạn đời thứ ba
Vua phong Yết Kiêu làm Đại Vương. Sau khi ông mất, mọi người nhớ ơn lập đền thờ ở cửa biển Vạn Ninh, nơi ông đánh giặc và ở nhiều cửa biển khác.
Trong mỗi chặng như thế, truyền thuyết lại sử dụng những mô típ khác nhau. Theo sơ đồ cấu trúc này thì các yếu tố hoang đường, kì ảo thường xuất hiện ở chặng một và chặng ba. Chặng hai cũng có yếu tố hoang đường nhưng ít hơn vì những chiến công kì tích của nhân vật phần lớn dựa vào tài năng có thật của nhân vật và nó phải phù hợp nhất định với sự thật lịch sử. Địa điểm, hành vi chính yếu và công tích quan trọng của người anh hùng bao giờ cũng được nhân dân giữ vững tính lịch sử cụ thể của nó.