6. Cấu trúc của đề tài
3.1.3.2. Ngôn ngữ đối thoại
Do đặc điểm của kết cấu truyện cười (kết cấu có dáng dấp một màn kịch), đối thoại (bao gồm cả độc thoại) đóng vai trò quan trọng trong lời văn kể chuyện. Có thể hình dung lời văn kể chuyện gồm hai phần: phần đối thoại là “tiêu điểm” của hành động và diễn hóa hành động của nhân vật, còn phần còn lại của lời văn kể chuyện là những chỉ dẫn về hoàn cảnh và diễn hóa của hoàn cảnh. Có thể nói, trong truyện cười, đối thoại lời nói của nhân vật đóng vai trò chính trong việc thể hiện tính cách của nhân vật, thúc đẩy cốt truyện phát triển. Do đó, đây cũng là chỗ kết tinh những nét đặc sắc của ngôn ngữ truyện cười: tính chất giản dị và tự nhiên, sinh động và sắc bén… trong đó, tất nhiên, nét nổi bật là tính chất hài hước, chắt lọc từ nguồn khẩu ngữ dân gian. Chẳng hạn trong truyện “Đi chợ” (Tiếng Việt 2, tập 1), ngôn ngữ đối thoại được thể hiện giữa bà và cháu. Cuộc đối thoại giữa bà và cháu hết sức tự nhiên, đó là câu chuyện giản dị trong đời sống thường ngày của những người dân.
- Bà: Cháu mua một đồng tương, một đồng mắm nhé!
- Cháu: Bà ơi, bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm?
- Bà: Bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm mà chẳng được.
- Cháu: Nhưng đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương ạ?
Thông qua cuộc đối thoại, ta thấy tính cách nhân vật được thể hiện rõ, qua những câu hỏi của cậu bé, ta thấy cậu bé thật ngây ngô, ngờ nghệch. Chính ngôn ngữ đối thoại sẽ làm tăng những yếu tố bất ngờ trong truyện cười, từ đó giá trị của tiếng cười sẽ được đẩy lên. Cứ tưởng rằng cậu bé hỏi xong câu thứ nhất “Bà ơi, bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm?” là có thể mua cho bà được rồi nhưng thật không ngờ cậu lại ba chân bốn cẳng chạy về hỏi
bà “Nhưng đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương ạ?”, Sự ngây ngô đó khiến cho người đọc cười mãi không thôi.