phụ thuộc rất nhiều vào Thẩm phán
Việc xét xử của Tòa án có Hội thẩm nhân dân tham gia đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, đó là một trong những nguyên tắc thể hiện rõ tư tưởng “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ghi nhận vai trò của Hội thẩm trong công tác xét xử của ngành Tòa án trong những năm qua. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng một số nơi, việc tham gia xét xử của vẫn Hội thẩm mang nặng tính hình thức, còn phụ thuộc rất nhiều vào Thẩm phán, chưa thể hiện tính độc lập tuyệt đối của một thành viên trong Hội đồng xét xử. Trong khi mục đích của chế định xét xử có Hội thẩm tham gia không đơn thuần là cùng Thẩm phán xét xử cho xong vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng. Quan trọng hơn, pháp luật giao trọng trách cho Hội thẩm thay mặt nhân dân tham gia xét xử, giám sát, chế ước, hạn chế tiêu cực trong hoạt động của Tòa án, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thực tế thời gian qua cho thấy, chất lượng xét xử các loại án chưa cao, tình trạng tiêu cực của một số cán bộ Tòa án đã bị phát hiện ảnh hưởng đến uy tín của ngành Tòa án. Để xảy ra tình trạng đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân mang tính nội tại của ngành Tòa án, có một phần trách nhiệm của các Hội thẩm nhân dân. Do kiến thức pháp luật và bản lĩnh còn hạn chế nên hầu hết các Hội thẩm nhân dân chưa thực hiện tốt nguyên tắc “Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán” và nguyên tắc “độc lập và chỉ tuân theo
pháp luật”. Cụ thể như có những Hội thẩm nhân dân không tìm hiểu nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách đúng đắn để chuẩn bị kiến thức vững vàng cho việc tham gia xét xử tại phiên tòa hay trường hợp những Hội thẩm không nắm chắc thủ tục tố tụng, pháp luật về nội dung, phương pháp nghiên cứu hồ sơ, phương pháp xét hỏi tại phiên tòa đã làm cho phiên tòa diễn ra rất tẻ nhạt do Hội thẩm không thể hiện được lời nói của mình trước tòa. Mặc khác có Hội thẩm nhân dân cho rằng mình có trình độ pháp lý, trình độ năng lực hiểu biết pháp luật nhưng lại nghĩ rằng mình chỉ là người tham gia phiên tòa cho đủ thành phần trong Hội đồng xét xử nên không thể hiện hết khả năng, nhận thức của mình về vụ án. Tính hình thức của Hội thẩm nhân dân khi tham gia phiên tòa được thể hiện cụ thể trong quá trình xét hỏi bị cáo, trong phần thủ tục này đa phần là do Thẩm phán xét hỏi còn Hội thẩm chỉ dừng lại ở mức “phụ họa”, trong khi mục đích chính của Hội thẩm là bảo vệ quyền lợi của bị cáo, người bị hại trước tòa nhưng khi chúng ta tham gia phiên tòa thì thấy những Hội thẩm không nói được lời nào, khi Thẩm phán hỏi Hội thẩm có ý kiến gì để hỏi những người tham gia tố tụng hay không thì chỉ nhận được câu trả lời của Hội thẩm bằng cái lắc đầu rất nhẹ nhàng. Có những Hội thẩm có tham gia xét hỏi nhưng lại không chuẩn bị nghiên cứu kỹ lưỡng tình tiết của vụ án, vì vậy, những câu hỏi mà họ đặt ra không sát với thực tế, không đúng trọng tâm của vụ án, đúng tâm trạng của bị cáo, mà quan trọng nhất là chưa khẳng định được sự độc lập của mình so với Thẩm phán. Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều vị Hội thẩm chỉ hỏi những tình tiết quá đơn giản hoặc những câu hỏi mang tính chất hỏi đáp câu trả lời hàm ý trong câu hỏi, không giúp nhiều cho việc làm sáng tỏ tính chất, mức độ nguy hiểm của vụ án, hoặc có những vị Hội thẩm chỉ hỏi những câu hỏi mang tính chất nhắc lại, khẳng định của những người tiến hành tố tụng đã hỏi trước đó, thậm chí khi đặt câu hỏi rồi Hội thẩm không biết giải thích những điều luật của bị cáo đã phạm phải để phân tích cho bị cáo hiểu rõ được hành vi sai trái của mình nên đã tự mình làm giảm đi tính độc lập trong xét xử, đặc biệt là ảnh hưởng đến tính uy nghiêm của Hội đồng xét xử. Hay trong quá trình nghị án thì tính “hình thức” của Hội thẩm còn được thể hiện rõ nét hơn. Thông thường, trình tự ở phần nghị án thì Hội thẩm là người đưa lên ý kiến, quan điểm của mình về vụ án trước còn Thẩm phán là người đưa ra ý kiến và biểu quyết sau cùng. Nhưng trên thực tế có những Hội thẩm khi vào phòng nghị án chẳng nêu lên ý kiến gì, chỉ chờ đã viết sẵn rồi ký vào là xong. Trong khi Điều 17 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Thẩm phán và Hội thẩm xét xử tập thể và quyết định theo đa số”. Như vậy, tuy quyền hạn của Hội thẩm nhân dân trong giai đoạn nghị án được pháp luật quy định là rất cao, cụ thể là Hội thẩm được quyền nêu lên ý kiến, quan điểm riêng, nếu không được chấp thuận thì được quyền bảo lưu và ghi rõ trong biên bản nghị án nhưng dường như chẳng Hội thẩm nào chịu nêu lên quan điểm riêng của
mình mà chỉ ký vào bản án cho đúng thủ tục. Bên cạnh đó, khi tranh luận để nghị án, Hội thẩm nhân dân thường là người yếu thế hơn Thẩm phán trong việc xác định pháp luật áp dụng nên họ sẽ để các Thẩm phán tự dẫn chiếu quy phạm và luật để áp dụng chứ chẳng dại gì tham gia vào đó. Điều này đã làm ảnh hưởng đến nguyên tắc xét xử độc lập giữa các thành viên trong Hội đồng xét xử. Thực tế nhiều Hội thẩm chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm mà pháp luật quy định, cũng như sự kỳ vọng của nhân dân.
Tóm lại, chính vì sự tham gia của Hội thẩm nhân dân còn mang nặng tính hình thức, phụ thuộc quá nhiều vào Thẩm phán khi tham gia xét xử nên họ không thể phát huy hết được vai trò và trách nhiệm của mình, Thẩm phán quyết định như thế nào thì làm như thế đó. Điều này đã làm giảm tính độc lập xét xử giữa các thành viên trong Hội đồng xét xử, trong khi một trong những nội dung quan trọng của nguyên tắc xét xử độc lập theo quy định của pháp luật là các thành viên trong Hội đồng xét xử phải độc lập với nhau trong mọi khâu của quá trình xét xử từ đó góp phần làm sáng tỏ vụ án. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng trên một phần là do kiến thức pháp lý của Hội thẩm nhân dân còn hạn chế một phần do họ không dám thể hiện bản lĩnh của mình dẫn đến phán quyết của Tòa án chưa thật sự dân chủ, khách quan. Vì vậy, cần có những biện pháp hữu hiệu nâng cao kiến thức pháp lý và tinh thần trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân để họ có ý thức và nhiệt tình hơn trong việc tham gia xét xử bảo đảm nguyên tắc “Hội thẩm xét xử độc lập và ngang quyền với Thẩm phán”