Hai nguyên tắc “độc lập” và “chỉ tuân theo pháp luật” tuy tồn tại song song nhưng có mối quan hệ hài hòa, tác động qua lại và hỗ trợ cho nhau. Nếu độc lập mà không tuân theo pháp luật là một sự độc đoán, tùy tiện, duy ý chí, ngược lại nếu không độc lập thì cũng không thể tuân theo pháp luật một cách đúng đắn được. Vì vậy, độc lập chính là điều kiện cần thiết để Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử. Tuân theo pháp luật là cơ sở không thể thiếu để Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập khi xét xử. Có thể nói độc lập là tiền đề của tuân theo pháp luật và ngược lại, thiếu một sẽ mất đi ý nghĩa, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là điều kiện cần và đủ tạo nên nội dung nguyên tắc: “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Ngoài ra giữa hai nguyên tắc còn có sự kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau. Nguyên tắc độc lập xác định trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm trong các hoạt động của mình mang tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không bị tác động can thiệp từ bên ngoài. Sự độc lập chỉ có ý nghĩa khi Thẩm phán và Hội thẩm tuân theo pháp luật, làm theo những gì pháp luật cho phép và trách nhiệm chỉ đặt ra khi làm trái với quy định của pháp luật. Độc lập mà dẫn đến xâm phạm quyền lợi của người dân và làm giảm uy tín của Nhà nước, của ngành Tòa án thì nguyên tắc độc lập của Tòa án không có ý nghĩa. Điều đó còn chứng tỏ để đảm bảo tính độc lập của Tòa án cần tăng trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm. Một khi trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm được tăng cường, các Thẩm phán và Hội thẩm phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình thì sự độc lập trong việc ra phán quyết của Hội đồng xét xử sẽ được đảm bảo hơn.
Thực tiễn xét xử cho thấy còn nhiều biểu hiện của sự vi phạm nguyên tắc này trong hoạt động xét xử, vừa có xu hướng can thiệp vào hoạt động xét xử lại vừa có xu hướng coi thường pháp luật, cho mình có quyền “độc lập” phán quyết một cách tuyệt đối mà không căn cứ vào pháp luật, không coi pháp luật là người chỉ huy cao nhất trong hoạt động xét xử. Thẩm phán và Hội thẩm phải tự ý thức được bản thân mình cần thiết phải độc lập nhưng không độc quyền, lạm dụng quyền hạn. Các Mác đã từng nói: “Đối với Thẩm phán thì không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp…Thẩm phán xem xét hành động của tôi trên cơ sở một đạo luật nhất định” có nghĩa là khi xét xử Tòa án không có cấp trên, cấp trên của hoạt động xét xử chính là pháp luật. Pháp luật quy định trách nhiệm của Thẩm phán phải độc lập trong quá trình giải quyết vụ án hình sự và chỉ tuân theo pháp luật trước hết là các quy tắc xét xử. Việc tuân thủ các
quy tắc xét xử tạo điều kiện cho chính Thẩm phán và Hội thẩm tránh được mọi áp lực từ phía các quan chức nhà nước và ngay các áp lực của Tòa án cấp trên. Đồng thời, sự ràng buộc của các quy tắc xét xử không cho phép xảy ra sự lạm dụng quyền lực của các thành viên trong Hội đồng xét xử.
Tóm lại, độc lập xét xử độc lập có mối quan hệ mật thiết với nhau, chỉ khi Tòa án xét xử độc lập thì Tòa án mới có khả năng và điều kiện tuân theo pháp luật và ngược lại, chỉ có dựa vào pháp luật thì hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm mới có khả năng độc lập. Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập cũng chính là điều kiện để thực hiện một chức năng hết sức quan trọng của quyền lực nhà nước là áp dụng pháp luật đúng đắn với mục đích khôi phục lại những quyền và lợi ích đã bị xâm hại, bảo đảm sự công bằng trong các tranh chấp và pháp lý.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ TỒN TẠI VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN ĐỂ NGUYÊN TẮC XÉT XỬ ĐỘC LẬP VÀ CHỈ TUÂN THEO PHÁP LUẬT
ĐƯỢC THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ
Nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử được ghi nhận trong Hiến pháp, các Luật và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Tòa án giữ gìn và bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Từ đó, Tòa án đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và xã hội, bảo vệ kỷ cương, trật tự xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng cho thấy còn có nhiều hạn chế, bất cập trong việc đảm bảo tính độc lập của Tòa án làm cho hoạt động xét xử của Tòa án nhiều nơi, nhiều lúc tỏ ra thiếu khách quan, bị chi phối bởi các yếu tố khác nhau. Những hạn chế, bất cập này tồn tại trong nhiều lĩnh vực. từ nhận thức đến thực tiễn, từ tổ chức đến thực hiện, từ quy định của pháp luật đến cơ chế phòng ngừa các tác động ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án. Nhận diện các yếu tố đe dọa sự độc lập hoạt động xét xử của Tòa án để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tác động của chúng là một trong những yêu cầu bức xúc hiện nay nhằm góp phần đảm bảo nguyên tắc độc lập của Tòa án trong hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.