Trình độ chuyên môn, kiến thức của Thẩm phán và Hội thẩm còn non kém,

Một phần của tài liệu nguyên tắc khi xét xử thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự (Trang 66 - 67)

chưa đáp ứng được nhu cầu của công việc xét xử

Hiện nay, ở nước ta bên cạnh một số Thẩm phán có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao thực hiện được nhiệm vụ của mình thì vẫn còn rất nhiều Thẩm phán, đặc biệt là Tòa án cấp quận, huyện, Tòa án quân sự khu vực năng lực, trình độ chuyên môn còn yếu kém và chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự độc lập của họ khi xét xử. Vì năng lực, trình độ nghiệp vụ yếu nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa thật sự độc lập mà còn lệ thuộc vào kết quả điều tra, bản cáo trạng của Viện kiểm sát. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong thủ tục xét hỏi – một trong những thủ tục quan trọng của quá trình xét xử các vụ án hình sự. Chính thủ tục này đã làm cho các Tòa án có xu hướng lệ thuộc vào kết quả điều tra, bản cáo trạng của Viện kiểm sát (trong khi điều tra chỉ là một giai đoạn tố tụng được tiến hành bán công khai còn giai đoạn xét xử mới là giai đoạn công khai hóa các kết quả điều tra, kiểm tra, đánh giá các chứng cứ tài liệu có liên quan), vì vậy, khi vụ án đưa ra xét xử thì phán quyết đã được định sẵn. Thực tế xét xử đã chứng minh rằng đáng lẽ Kiểm sát viên chính là người bảo vệ bản cáo trang tại phiên tòa thì lại là người chứng kiến Hội đồng xét xử bảo vệ cáo trạng cho Viện kiểm sát. Điều này chứng tỏ chính vì trình độ chuyên môn, năng lực còn yếu kém nên Thẩm phán và Hội thẩm chưa thể độc lập và chủ động trong quá trình xét xử mà lại lệ thuộc vào kết quả điều tra của Cơ quan điều tra, cũng như bản cáo trạng của Viện kiểm sát.

Xuất phát từ nguyên nhân trên mà Thẩm phán đã thiếu tự tin, ỷ lại hoặc sợ trách nhiệm, không tự quyết định được những vấn đề đặt ra khi xét xử và họ đã đánh mất tính độc lập của mình bằng cách xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Cũng chính vì chưa đủ tự tin vào lập trường, quan điểm của mình để độc lập phán quyết mà tình trạng thỉnh thị án, duyệt án vẫn thường xuyên xảy ra, một phần là để tranh thủ kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ của các đồng nghiệp, của lãnh đạo Tòa án, bên cạnh đó thì khi xét xử đúng pháp luật thì thành tích sẽ thuộc về họ, nhưng nếu vụ án bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy hoặc sửa án thì lỗi là xử theo quan điểm tập thể.

Bên cạnh Thẩm phán thì trình độ kiến thức của Hội thẩm nhân dân cũng là vấn dề đáng quan tâm. Theo Khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002 thì một trong những tiêu chuẩn để trở thành Hội thẩm nhân dân là cần phải

có kiến thức pháp lý. Nhưng pháp luật nước ta không quy định cụ thể kiến thức pháp lý của Hội thẩm khi tham gia xét xử vụ án hình sự cần đáp ứng những yêu cầu gì, cần đạt được ở trình độ nào cho phù hợp với hoạt động xét xử của Tòa án. Trong khi kiến thức pháp lý ( pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật hình sư) là một trong những nền tảng cơ bản và vững chắc cho Hội thẩm nhân dân đưa ra ý kiến chính xác, đúng đắn về vụ án. Hội thẩm cần nắm vững kiến thức pháp lý để khi tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án để không bị bỡ ngỡ, có thể đáp ứng được yêu cầu khi xem xét vụ án, từ đó Hội thầm sẽ đưa ra những ý kiến cho riêng mình về vụ án để sau này khi tham gia xét xử tại phiên tòa có những câu hỏi cho bị cáo hay người bị hại phù hợp với vụ án. Tuy nhiên, hiện nay, tại các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, Hội thẩm nhân dân chưa thể hiện được vai trò của chính mình nhất là trong phần xét hỏi và nghị án, chưa thật sự đáp ứng được vai trò là một thành viên của Hội đồng xét xử, chủ yếu dựa vào Thẩm phán nên trở thành người thừa hành của Thẩm phán mà nguyên nhân chủ yếu là do năng lực, trình độ pháp lý, sự hiểu biết những quy định của pháp luật của Hội thẩm nhân dân còn nhiều hạn chế. Ví dụ như trong suốt quá trình xét xử, Hội thẩm không hề đưa ra ý kiến, quan điểm hay đặt câu hỏi cho người tham gia tố tụng để làm sáng tỏ tình tiết vụ án hoặc khi Hội thẩm đặt câu hỏi thì lại không biết giải thích những điều luật của bị cáo đã phạm phải để phân tích cho bị cáo hiểu rõ được hành vi sai trái của mình nên đã tự mình làm giảm đi tính độc lập trong xét xử, đặc biệt là ảnh hưởng đến tính uy nghiêm của Hội đồng xét xử.

Do không sâu sắc về khoa học pháp lý trong các ngành luật và thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án rất ít nên Hội thẩm nhân dân sẽ không thể độc lập được và ít nhiều sẽ bị chi phối bởi Thẩm phán làm ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập khi xét xử. Do đó, thực trạng về trình độ kiến thức pháp lý của Hội thẩm nhân dân hiện nay cần phải được quan tâm nhiều hơn sao cho họ vừa có thể “ngang quyền” nhưng cũng đảm bảo vừa ngang “tài” với Thẩm phán thì phán quyết mới có thể thực sự dân chủ, khách quan, công bằng được, đặc biệt là đảm bảo cho nguyên tắc xét xử độc lập được thực thi một cách có hiệu quả nhất.

Tóm lại, do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Thẩm phán và Hội thẩm còn non kém, lại không cập nhật kiến thức pháp luật thường xuyên nên họ không thể hoàn toàn độc lập và tuân theo pháp luật trong quá trình xét xử vụ án dẫn đến tình trạng kháng cáo, kháng nghị xảy ra liên tục, tỉ lệ án bị hủy, sửa càng cao, nhất là tình trạng oan sai kéo dài, gây mất long tin của nhân dân vào nền công lý nước nhà.

Một phần của tài liệu nguyên tắc khi xét xử thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự (Trang 66 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)