Thẩm phán và Hội thẩm chỉ làm theo pháp luật và phải tuân theo pháp luật được thể hiện rõ nét trong việc Hội đồng xét xử công bố bản án, chuyển tải toàn văn và các quyết định và bản án của Tòa án tới công chúng một cách công khai. Mục đích của việc công bố phán quyết của Tòa án là nhằm cho công chúng thấy rõ quan điểm của Tòa án trong việc áp dụng pháp luật và giám sát chất lượng của Hội đồng xét xử khi tuyên bản án đó. Việc công bố bản án là hình thức công khai, minh bạch hóa chính sách và pháp luật, việc làm này được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để xây dựng nền tư pháp, dân chủ, công bằng, đáp ứng đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế, trong đó người dân được biết, được bàn, được kiểm tra việc thực thi pháp luật của cơ quan tư pháp, của Tòa án. Chính vì vậy, khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm phải có đầy đủ bản lĩnh độc lập tuyệt đối không được bóp méo pháp luật, để làm được điều đó đòi hỏi Thẩm phán và Hội thẩm phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn để làm sao tuyên bản án được chính xác, đúng đường lối, chính sách, đúng pháp luật, được xã hội thừa nhận.
2.2.2 Nguyên tắc tuân theo pháp luật là một bảo đảm quan trọng của tính công bằng bằng
Trong nhà nước pháp quyền, Tòa án có vai trò quan trọng, là nơi biểu hiện tập trung của quyền lực tư pháp đồng thời là nơi thể hiện nền công lý, sự đối xử bình đẳng, công bằng trong tất cả các mối quan hệ và cũng là nơi thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống tư pháp. Được Đảng và Nhà nước trao quyền “nhân danh Nhà nước” để ra những quyết định, để tuyên những bản án thì sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử phải gắn liền với việc tuân thủ pháp luật. Tuyệt đối nghiêm cấm việc ra bản án tùy tiện, cảm tính, quyết định sai lệch, xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân, danh dự và uy tín của ngành, nền pháp chế xã hội
chủ nghĩa. Thẩm phán và Hội thẩm tuân theo pháp luật không chỉ bảo đảm tính pháp chế mà còn bảo đảm tính công bằng khi ra bản án, quyết định có ảnh hưởng đến tín mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người. Điều này được thể hiện cụ thể trong việc Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong việc đánh giá chứng cứ. Để đánh giá chứng cứ chính xác, Hội đồng xét xử phải nghiên cứu một cách tổng hợp tất cả các chứng cứ có trong vụ án, xem xét chứng cứ một cách khách quan, không định kiến một cách chủ quan là bị cáo phạm tội hay không phạm tội, nghiên cứu toàn diện những vấn đề phải chứng minh và những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, phải xem xét đầy đủ các chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội (quy định tại khoản 2 Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự). Hoạt động đánh giá chứng cứ phải dựa trên cơ sở những quy định của pháp luật và ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa, không ai được can thiệp cũng như xác định trước giá trị chứng minh của bất cứ chứng cứ nào khi Thẩm phán và Hội thẩm thực hiện việc đánh giá chứng cứ và có kết luận về vụ án.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 19 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về
nguyên tắc quyền bình đẳng trước Tòa án15, theo đó muốn cho vụ án được giải quyết
một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ thì bên buộc tội và bên gỡ tội và những người khác có quyền và lợi ích hợp pháp đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án. Hội đồng xét xử phải có thái độ tôn trọng, không phân biệt người đưa ra chứng cứ, yêu cầu đó là ai, Kiểm sát viên hay người bào chữa, của bị cáo hay người bị hại, tất cả các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội phải được xem xét một cách độc lập, khách quan, không định kiến chủ quan là bị cáo phạm tội hay không phạm tội, hoạt động đánh giá chứng cứ phải tuyệt đối dựa trên những quy định của pháp luật. Thực tiễn xét xử cho thấy Thẩm phán và Hội thẩm không thấy được tầm quan trọng của những chứng cứ, yêu cầu do bị cáo hoặc người bào chữa đưa ra dẫn đến việc không kiểm tra, xem xét sự thật khách quan của những chứng cứ quan trọng mà thường là vội vàng bác bỏ khi thấy không phù hợp với hướng điều tra của Cơ quan điều tra và bản cáo trạng của Viện kiểm sát. Vì thế, Hội đồng xét xử phải thật sự độc lập và tuân theo những quy định trong việc đánh giá chứng cứ, tài liệu thì phán quyết sẽ bảo đảm được tính công bằng, khách quan và có sức thuyết phục hơn.
Hay trong quá trình xét hỏi Hội đồng xét xử thường bị chi phối thiên về hướng buộc tội, định kiến sẳn cho bị cáo là có tội nên sẽ là khó thuyết phục về độ tin cậy của các tài liệu, đồ vật do phía người bào chữa hay bị cáo đưa ra. Biểu hiện của vấn đề này
15
là khi Hội đồng xét xử đặt câu hỏi ở dạng có không và yêu cầu bị cáo trả lời hoặc cắt ngang ý kiến của bị cáo khi bị cáo trình bày khác với những tình tiết theo hướng đã được điều tra của Cơ quan điều tra và những luận điểm mà Kiểm sát viên trình bày trong bản cáo trạng. Trong khi đó khi xét xử một vụ án hình sự không phải lúc nào tất cả các bị cáo ra tòa đều có tội hay tất cả những lời buộc tội của Viện kiểm sát đều là căn cứ để kết tội bị cáo hoặc những lời bào chữa của người bào chữa sẽ giúp bị cáo thoát tội, dẫn đến thiệt hại cho người bị hại. Vì vậy, trong quá trình xét hỏi, Thẩm phán và Hội thẩm phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thì sẽ đảm bảo được tính công bằng, khách quan trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia tố tụng.
Mặc khác, tính công bằng còn được thể hiện thông qua các quy định về hình phạt cho từng tội danh cụ thể, xét xử độc lập và tuân theo pháp luật thì Hội đồng xét xử sẽ không thiên lệch hay nhân nhượng về bên nào, tất cả các bị cáo hay đương sự không phân biệt thành phần xuất thân, địa vị xã hội, thành phần kinh tế, ngôn ngữ đều phải được bình đẳng như nhau trước pháp luật, các hành vi, quyền và lợi ích hợp pháp của họ đều được Hội đồng xét xử nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan giữa hành vi phạm tội và trách nhiệm trước pháp luật của tội phạm. Điều này đã được Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chỉ rõ: “Đảng không cho phép bất cứ ai dựa vào quyền thế để làm trái pháp luật, mọi vi phạm đều đưa ra xử lý theo pháp luật, không được giữ lại để xử lý nội bộ, không làm theo kiểu phong kiến: dân thì phải chịu hình phạt, quan thì phải xử theo lễ. Phải nghiêm trị tất cả những kẻ phạm tội bất kỳ ở cương vị nào và phải bảo đảm công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân”. Bởi lẽ, xác định tội danh đúng là tiền đề quan trọng để việc lượng hình đảm bảo tính khách quan, chính xác, đảm bảo sự công bằng. Quy định hình phạt công bằng có nghĩa là hình phạt được tuyên đối với bị cáo phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị cáo thực hiện. Sự tương xứng đó cũng khắc phục được những mặc cảm, định kiến, khuynh hướng cực đoan dễ nảy sinh trong tâm lý của người xét xử. Công bằng đòi hỏi các quyền của bị cáo, đương sự, người bị hại phải được bảo vệ bằng pháp luật.
Như vậy, nguyên tắc tuân theo pháp luật là một nguyên tắc bảo đảm tính công bằng. Theo đó, bất cứ ai vi phạm pháp luật không phân biệt người đó là ai, giữ cương vị gì, chức vụ như thế nào làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và của công dân đều bị xử lý nghiêm minh tùy theo tính chất, mức độ phạm tội. Mặc khác tính công bằng còn được thể hiện trong quá trình xét hỏi, đánh giá chứng cứ,… chỉ khi nào Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thì tính công bằng trong bản án sẽ được đảm bảo, bản án sẽ khách quan và dân chủ hơn.
Tóm lại, khi xét xử, các Hội đồng xét xử hoàn toàn độc lập trên cơ sở pháp luật và ý thức pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Điều này có nghĩa là trong quá trình xét xử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình. Do đó, pháp luật càng hoàn chỉnh, càng ổn định và cụ thể thì đó là cơ sở để Hội đồng xét xử thực hiện quyền độc lập xét xử . Việc tuân thủ các quy định của pháp luật là một yêu cầu vừa có tính Hiến định vừa thể hiện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Vì vậy, yêu cầu Hội đồng xét xử phải có trình độ pháp lý nghiệp vụ vững vàng, phải chí công vô tư, liêm khiết và có ý thức kiên quyết bảo vệ pháp luật.
2.3 Mối quan hệ giữa xét xử độc lập và tuân theo pháp luật
Hoạt động của Tòa án là hoạt động xét xử, tức là xem xét, giải quyết các tranh chấp giữa các bên có lợi ích đối lập nhau bằng phán quyết về tính hợp pháp, tính đúng đắn của quyết định thông qua một thủ tục công khai và minh bạch. Hoạt động này đòi hỏi Tòa án phải luôn là người khách quan, vô tư, hoạt động độc lập, không bị phụ thuộc hoặc bị tác động bởi bất cứ tác động nào từ bất cứ chủ thể nào. Đòi hỏi này trở thành nguyên tắc quan trọng nhất chi phối mọi hoạt động của Tòa án: “nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nguyên tắc này là sự thể hiện những giá trị phổ biến được thừa nhận chung qua quá trình phát triển lâu dài của việc tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước và đã trở thành nguyên tắc Hiến định được ghi nhận ngay từ Hiến pháp 1946. Cho đến nay, nguyên tắc đó vẫn ngày càng khẳng định được ý nghĩa nền tảng của mình đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Nguyên tắc độc lập xét xử bao hàm hai nội dung: nguyên tắc xét xử độc lập và nguyên tắc tuân theo pháp luật. Đây là hai nguyên tắc cơ bản tạo nên nội dung của nguyên tắc xét xử độc lập mà khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm phải tuyệt đối căn cứ vào nó để đưa ra những phán quyết của mình.
2.3.1 “Độc lập” và “chỉ tuân theo pháp luật” là hai nguyên tắc tồn tại song song
“Độc lập” và “tuân theo pháp luật” là hai nguyên tắc tồn tại riêng biệt vì mỗi nguyên tắc có nhiệm vụ riêng, thể hiện ra thành những quy định tố tụng hình sự cụ thể khác nhau, kết quả hướng tới khác nhau và hiệu quả đạt được khác nhau.
Nguyên tắc xét xử độc lập quy định khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không bị ràng buộc, không bị chi phối bởi bất kỳ ý kiến của ai. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp hoặc tác động vào các thành viên của Hội đồng xét xử để ép họ phải xét xử vụ án theo ý chủ quan của mình. Mọi hành động can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào đều làm ảnh hưởng tới tính khách quan của vụ án và đều bị coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên trong hoạt động xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có
thể tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, của bất kỳ ai và phải nắm bắt dư luận xã hội, nhưng khi quyết định, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp của mình, xem xét mọi vấn đề một cách độc lập, không được để cho ý kiến bên ngoài làm ảnh hưởng tới tính khách quan của vụ án.
Mục tiêu của độc lập xét xử là bảo vệ một cách đầy đủ, hiệu quả nhất quyền, tự do, dân chủ của nhân dân. Bởi lẽ, việc đảm bảo tính độc lập trong hoạt động xét xử cũng là việc đảm bảo các bản án được tuyên tại tòa là công khai, minh bạch, xử lý đúng người, đúng tội nhưng cũng không để oan sai người vô tội. Đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập còn đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết vụ án, hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, các quyết định bị hủy, sửa do lỗi của Hội đồng xét xử.
Bên cạnh đó, nguyên tắc tuân theo pháp luật bắt buộc Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử phải tuân thủ, phải dựa trên cơ sở pháp luật để giải quyết vụ án chứ không được tùy tiện, chủ quan trong việc áp dụng pháp luật. Pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng là chuẩn mực để các thành viên Hội đồng xét xử xem xét đối chiếu với sự việc xảy ra, với hành vi được mang ra xét xử. Trên cơ sở tuân theo quy định pháp luật, Hội đồng xét xử sẽ đưa ra các phán quyết của mình về hành vi phạm tội của bị cáo một cách chính xác, công bằng phù hợp với diễn biến thực tế của vụ án đã xảy ra. Việc tuân thủ các quy tắc xét xử tạo điều kiện cho Thẩm phán và Hội thẩm sẽ không phải chịu áp lực từ phía các quan chức nhà nước và ngay các áp lực của Tòa án cấp trên. Đồng thời, sự ràng buộc của các quy tắc xét xử không cho phép xảy ra sự lạm dụng quyền lực của các thành viên trong Hội đồng xét xử.
Mặc khác, tuân theo pháp luật cũng chính là tuân theo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, mọi biểu hiện của việc can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án ngoài những quy định của Hiến pháp và pháp luật là trái với đường lối, chính sách của Đảng. Bởi lẽ, pháp luật là sự thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật (Điều 4 Hiến pháp 1992, sửa đổi bổ sung 2001). Khi thực hiện hoạt động xét xử, hoạt động này phải gắn liền với việc củng cố pháp chế và trật tự pháp luật.. Từ đó, Thẩm phán và Hội thẩm sẽ đưa ra các phán quyết của mình một cách chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, tuân theo pháp luật thì Thẩm phán và Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi quyết định của mình đặc biệt là đối với các quyết định cụ thể của từng vụ án.
Như vậy, “độc lập” và “chỉ tuân theo pháp luật” là hai nguyên tắc tồn tại song song bên cạnh nhau. Khi nói đến “độc lập khi xét xử” thì vế thứ hai không thể thiếu đó là “chỉ tuân theo pháp luật”. Điều đó có nghĩa là khi xét xử, Tòa án không thể xét xử
tùy tiện mà phải dựa trên pháp luật, chính pháp luật là mệnh lệnh tối cáo đối với người xét xử.