Phát triển thị trường trái phiếu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Những nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu vốn và ứng dụng lí thuyết vào thực tế việt nam (Trang 80 - 81)

2. Các chính sách của chính phủ

2.2.Phát triển thị trường trái phiếu tại Việt Nam

Thị trường trái phiếu Việt Nam những năm gần đây tuy có chuyển biến tích cực, song quy mô thị trường vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ trái phiếu chính phủ chiếm ưu thế rõ ràng so với trái phiếu doanh nghiệp phát hành và lưu thông trên thị trường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém phát triển của thị trường trái phiếu đến từ nhiều phía, trong đó có thể kể đến như:

- Nguồn cung nghèo nàn, tập trung vào 2 loại hình chính là trái phiếu thông thường và trái phiếu chuyển đổi (với công ty cổ phần)

- Cầu đầu tư hạn chế

- Thiếu tổ chức trung gian tài chính đánh giá mức tín nhiệm

- Khung pháp lý chưa hoàn thiện, chưa tạo điều kiện thông thoáng cho thị trường phát triển.

Căn cứ thực trạng như vậy, đầu năm 2013 Bộ tài chính đã ban hành quyết định 261/QĐ-BTC phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến 2020, đưa ra 6 nhóm giải pháp phát triển toàn diện thị trường. Nhằm đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển dư nợ trái phiếu doanh nghiệp từ 1,90% GDP năm 2012 lên đến ngang tầm các nước trong khu vực, như Malaysia (42% GDP) hay Hàn Quốc (75% GDP), Nhà nước cần đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình đã đặt ra, đồng thời kết hợp một số giải pháp như sau:

Đầu tiên là phải tăng cường minh bạch hóa trái phiếu doanh nghiệp, gồm các thông tin về tổ chức phát hành, đợt phát hành, phương án sử dụng vốn huy động. Để làm được điều này cần có những quy định chặt chẽ và giám sát thi hành của Nhà nước.

75

Sự có mặt của công ty định mức tín nhiệm tại thị trường trong nước là vô cùng quan trọng trong việc định giá. Tuy nhiên công ty định mức tín nhiệm trong nước thường sử dụng các phương pháp đánh giá trong nước, chưa theo chuẩn được mô hình của các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế, dẫn đến sự khác biệt và thiếu độ tin cậy, hiệu quả của thông tin. Vì vậy, các cơ quan chức năng có thể đưa ra những chuẩn mực chung về phương pháp đánh giá cho tổ chức định mức tín nhiệm, giúp người sử dụng kết quả đánh giá có thể so sánh được với mức độ tín nhiệm của các quốc gia khác. Khi đó, không những thị trường trái phiếu doanh nghiệp mang tính chuẩn hóa cao mà còn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn cung sản phầm trái phiếu doanh nghiệp cần được đa dạng hóa hơn nữa: trái phiếu trả lãi định kỳ, trái phiếu chuyển đổi, các loại trái phiếu có đảm bảo bằng tài sản và bất động sản, kỳ phiếu trung hạn, và các sản phẩm phái sinh.

Về tăng cường cầu đầu tư cũng như đa dạng hóa các nhà đầu tư, bảo hiểm được xem là nhà đầu tư tiềm năng trên thị trường trái phiếu, cho nên phát triển thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ là giải pháp quan trọng. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng là nguồn đầu tư tiềm năng, trong khi nhóm này tham gia thị trường còn hạn chế. Để thu hút nhóm đầu tư này, Nhà nước có thể cung cấp một số ưu đãi về thuế, có biện pháp giảm thiểu rủi ro tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Cuối cùng, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý làm cơ sở cho các thành viên tham gia thị trường là yêu cầu không thể thiếu cho một thị trường phát triển hiệu quả, bền vững.

Một phần của tài liệu Những nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu vốn và ứng dụng lí thuyết vào thực tế việt nam (Trang 80 - 81)