3.2.4.1. Mục tiêu giải pháp
GDĐĐ thực chất là tạo ra các xúc cảm về những chuẩn mực xã hội để điều chỉnh các hành vi đạo đức, biến các nhu cầu về đạo đức của xã hội thành các nhu cầu và thói quen thực hiện hành vi đạo đức của mỗi người. Vì vậy, phẩm chất đạo đức ở mỗi người không thể có do nhồi nhét, ép buộc mà phải
dựa trên cơ sở sự tiếp thu chủ động, tự nguyện của mỗi cá nhân, trong một quá trình lâu dài. Việc xây dựng các tập thể tự quản chính là một trong những phương pháp giáo dục như thế. Thực chất của xây dựng lớp tự quản là quá trình từng bước chuyển hóa tâm huyết, nhiệt tình của thầy cô thành ý thức tự quản tự giác đầy trách nhiệm và thích thú của trò, tức cũng là biến lớp học của những cá nhân HV thành một tập thể biết tự quản dưới sự lãnh đạo của GV. Xây dựng một tập thể tự quản còn phù hợp với chủ trương giáo dục tích cực, xem HV là trung tâm của quá trình giáo dục nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục.
Đối với GV, các nhà QL, việc xây dựng các mô hình tập thể tự quản sẽ giúp công tác GDĐĐ tiết kiệm được thời gian, công sức bởi GV CN hoặc cán bộ QL chỉ đạo thông qua đội ngũ cán bộ lớp và chỉ cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát thay vì phải tự mình tham gia vào mọi hoạt động cụ thể của lớp. Chính vì những lí do trên nên việc xây dựng tập thể tự quản được xem như là giải pháp quan trọng, hiệu quả nhất trong việc GDĐĐ mà các trường phải chú trọng triển khai trên thực tế.
3.2.4.2. Nội dung và cách thức tiến hành giải pháp
Trước hết, cần phải khẳng định một vấn đề có tính nguyên tắc, sự “tự quản” không đồng nghĩa với việc GV hay nhà QL hoàn toàn thoát ly, “vô can” trước mọi hoạt động của tập thể. Sự chỉ đạo, dẫn dắt, kiểm tra giám sát và hỗ trợ tập thể là điều cần thiết để có thể đạt hiệu quả giáo dục cao nhất. Tuy nhiên, cốt lõi của giải pháp này chính là người GV, cán bộ QL phải có “nghệ thuật” để dẫn dắt tập thể tự tổ chức, chịu trách nhiệm trong các hoạt động của mình với một thái độ chủ động, tự nguyện, hứng thú. Vậy, để làm được điều đó, Trung tâm cần phải làm tốt một số việc sau đây:
- Để có thể xây dựng được một tập thể tự quản tốt, trước hết, GV CN hay cán bộ QL cần phải tìm hiểu thông tin về HV. Trung tâm GDTX Chu Văn An có nhiệm vụ thu nhận, giáo dục HV trên địa bàn các quận, huyện gần
Trung tâm như Quận 3, Quận 11, Quận 8, Quận 10, khu vực Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh... Thành phần HV chủ yếu của Trung tâm là HV cá biệt: xếp loại học lực Trung bình, Yếu; hạnh kiểm Khá và Trung bình chiếm số lượng lớn. Điều này gây khó khăn rất lớn cho quá trình GDĐĐ. Chính vì vậy, việc tìm hiểu thông tin về HV là rất cần thiết để có những biện pháp giáo dục đúng đắn. Cụ thể, GV CN, cán bộ QL cần tìm hiểu thông tin về gia đình, về học lực, về hạnh kiểm, về đặc điểm tâm, sinh lý, về năng lực… của HV. Quá trình này không chỉ giúp bao quát tình hình lớp mà còn giúp GV CN, cán bộ QL có căn cứ xây dựng đội ngũ cán bộ lớp có phẩm chất, năng lực tốt và giúp phân luồng HV “cá biệt” để định hướng cho tập thể tập trung quan tâm hơn tới những đối tượng này trong mọi hoạt động.
- Sau khi đã tìm hiểu thông tin của HV, GV và cán bộ QL cần định hướng cho tập thể các nhiệm vụ trung tâm của năm học và yêu cầu tập thể lớp lập kế hoạch cụ thể cho việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ấy. Việc lập kế hoạch, đề ra giải pháp, phân công công việc cụ thể cho cá nhân…chính là cơ sở để GV, cán bộ QL có thể kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của tập thể, hỗ trợ khi tập thể cần.
- Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của việc xây dựng tập thể tự quản chính là việc lựa chọn được đội ngũ cán bộ lớp có năng lực. Trên cơ sở tìm hiểu thông tin cá nhân, GV tiến hành lựa chọn lớp trưởng xứng đáng là tấm gương của lớp về mọi mặt, có phong cách chỉ huy và giao tiếp tốt cùng một ban cán bộ lớp, tổ gương mẫu, có khả năng tổ chức và có tinh thần trách nhiệm cao. GV phải thực hiện công khai hóa chức năng, nhiệm vụ và vùng QL riêng biệt cho từng cán bộ lớp. Đồng thời, cũng tiến hành thường xuyên việc xử phạt nghiêm minh những HV có thái độ coi thường quyết định của cán bộ lớp. Đối với những em chưa gương mẫu, thiếu trách nhiệm, cách xử phạt phải rất khéo léo tế nhị, tránh thô bạo, cứng nhắc, đánh đồng làm tổn thương uy tín, danh dự của các em khiến các em có thể nảy sinh những suy nghĩ và hành vi tiêu cực khó lường, rất có hại cho phong trào tự quản của lớp.
- Trung tâm cũng cần mở lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự quản cho cán bộ lớp ngay từ đầu năm học với các nội dung: Phương pháp tự theo dõi, tự đánh giá, tự phê bình góp ý cho tập thể lớp và cá nhân, tiêu chuẩn đánh giá lớp, các loại sổ sách, các loại mẫu báo cáo tuần, tháng, cách thức tổ chức cuộc họp lớp, đại hội lớp.
- GV CN cần phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động tự quản. Các hoạt động tự quản bao gồm: tự QL nề nếp học tập ở lớp; tổ chức cho tập thể lớp hưởng ứng các phong trào thi đua của Trung tâm, tham gia đội tự quản của trường; tự kiểm tra đánh giá kết quả thi đua hàng tuần; tự tổ chức các cuộc họp lớp, mở câu lạc bộ, hội thi, hội thảo, hội trại, các hoạt động vui chơi giải trí; tự tổ chức các buổi lao động vệ sinh định kỳ, lao động tình nguyện, tự đề xuất ý kiến, đề ra các biện pháp xây dựng các phong trào thi đua của lớp; tự tổ chức cho tập thể lớp tham gia các phong trào tình nguyện của Đoàn, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động từ thiện... GV CN là linh hồn của lớp, thay mặt Trung tâm hướng dẫn chỉ đạo các hoạt động tự quản của tập thể. GV CN phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động tự quản giúp tập thể HV điều chỉnh sai sót, lệch lạc.
- Bên cạnh đó, GV hay cán bộ QL cần định hướng để tập thể tổ chức có chất lượng giờ sinh hoạt hàng tuần và các buổi sinh hoạt tập thể. Với mô hình lớp tự quản, đây là những cơ hội rất có ý nghĩa để thử thách và rèn luyện ý thức, khả năng tự quản của các em. Ngoài việc động viên cả lớp tự giác, tích cực tham gia các buổi sinh hoạt của lớp, của Đoàn, của trường, GV còn chủ động tổ chức cho lớp mình những buổi tham quan dã ngoại, những lần đi thăm danh lam thắng cảnh của đất nước, những di tích lịch sử ... để góp phần hình thành phẩm chất đạo đức như tình đoàn kết, lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên.
Bên cạnh đó, dù hình thức là tập thể tự quản nhưng tập thể ấy sẽ không hoạt động tốt nếu không có sự hợp tác tích cực của các cá nhân. Trong một
tập thể tự quản, vai trò của các cá nhân gương mẫu và của những cá nhân chưa gương mẫu đều quan trọng. Cần đặc biệt tránh tình trạng phổ biến từ trước đến nay trong các tập thể tự quản là: một nhóm cá nhân gương mẫu thì liên tục cố gắng để đưa phong trào đi lên trong khi đó, một số cá nhân cá biệt thì ỉ lại hoặc chống đối. Khi đó, dù tập thể có đạt được thành tích cao thì đó chỉ là hình thức, không có tác dụng thực sự trong việc GDĐĐ cho HV. Do vậy, trên cơ sở tìm hiểu thông tin về HV, GV, cán bộ QL cần theo sát các đối tượng cá biệt, kết hợp các biện pháp răn đe lẫn khuyến khích, động viên, khuyên nhủ. Đồng thời, cần vận động tập thể tập trung giúp đỡ các cá nhân này trong rèn luyện để tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, hành động theo chiều hướng tích cực.
3.2.4.3. Điều kiện thực hiện giải pháp
HV tại các Trung tâm GDTX thường có sự phong phú, phức tạp, khó QL hơn tại các cơ sở giáo dục khác. Trong khi đó, do sự chi phối của phương châm giáo dục “thường xuyên” nên các biện pháp để GDĐĐ cho HV cũng không được tiến hành tập trung, hệ thống. Vì vậy, khi áp dụng giải pháp xây dựng các tập thể tự quản, người GV, cán bộ QL cần phải ý thức rằng đây là giải pháp hiệu quả nhằm GDĐĐ cho HV chứ không phải để giúp nhà QL nhàn rỗi hơn, thoát ly các công việc của tập thể. “Nghệ thuật” QL chính là ở sự kết hợp giữa việc định hướng, kiểm tra, giám sát với việc khuyến khích các cá nhân cùng cố gắng, cùng nỗ lực để cùng QL tập thể, QL chính mình.
Bên cạnh đó, để làm được điều này, bên cạnh nghệ thuật QL, GV CN, cán bộ QL cần phải có tâm huyết, nhiệt tình để theo sát các phong trào của tập thể, không phải với tư cách một người chỉ đạo cứng nhắc mà với tư cách một người “đồng hành” sẻ chia, hỗ trợ tập thể và từng cá nhân HV.