Hộ nông dân

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÁC HÌNH THỨC LIÊN KẾT VỚI HỘ NÔNG DÂN TRỒNG RAU NGUYÊN LIỆU CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHẾ BIẾN THỰC PHẨM XUẤT KHẨU G.O.C LẠNG GIANG BẮC GIANG (Trang 27 - 28)

Chủ thể chính trong sản xuất nông nghiệp nước ta chính là kinh tế hộ nông dân. Nghiên cứu về sự phát triển của kinh tế hộ nông dân trong sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp trong những năm vừa qua ở nước ta có thể rút ra một số nét cơ bản về loại chủ thể này như sau:

Thứ nhất, các loại tư liệu sản xuất cơ bản từ đất đai đến các loại máy móc, sức kéo súc vật...được sử dụng hợp lý và được chăm sóc tốt hơn trên cơ sở hộ có quyền tự chủ trong sở hữu và quyền sở hữu.

Thứ hai, tính tự chủ của kinh tế hộ trong sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp đã thúc đẩy khả năng tự đầu tư, kể cả đầu tư tiền vốn và lao động vào sản xuất, quản lý chặt chẽ sản phẩm làm ra và tính toán kỹ hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, phát triển kinh tế hộ đã phát huy được động lực của nguyên tắc phân phối theo lao động. Ai làm nhiều, làm tốt thì được hưởng nhiều.

Thứ tư, phát triển kinh tế hộ đã giải quyết được một bước cơ bản về việc làm, nâng cao thu nhập ở các vùng nông thôn trong cả nước.

Bên cạnh những tác động tích cực kể trên, bản thân sự phát triển kinh tế hộ nông dân ở nước ta thời gian qua cũng bộc lộ một số nhược điểm sau:

Một là, quy mô kinh tế của mỗi hộ rất nhỏ, do bị kìm hãm bởi bình quân diện tích đất canh tác thấp, thêm vào đó phần lớn kinh tế hộ là thuần nông và độc canh sản xuất lúa nên giá trị sản xuất thấp, dẫn đến tổng thu nhập thấp, khả năng tiết kiệm để tái sản xuất mở rộng rất hạn hẹp.

Hai là, khả năng sản xuất hàng hoá của kinh tế hộ không đồng đều, do đó có sự khác biệt rất xa về trình độ sản xuất và hiểu biết về kinh doanh giữa

các hộ. Điều đó dẫn đến sản phẩm hàng hoá của các hộ làm ra vừa thấp vừa không đồng đều về cả chất lượng, mẫu mã và chủng loại. Kết quả là rất khó chiếm lĩnh thị trường và nếu có bán thì giá tiêu thụ thấp và không thể xuất khẩu, từ đó làm cho sản xuất chịu nhiều thiệt thòi.

Ba là, kinh tế hộ không thể hoặc rất khó khăn trong việc tổ chức toàn bộ quá trình sản xuất từ sản xuất hàng hóa đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, sản xuất hàng hoá càng phát triển thì nhu cầu gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ càng tăng và càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nếu kinh tế hộ cố gắng tự tổ chức toàn bộ quá trình này quy mô cũng rất nhỏ bé, hiệu quả thấp. Đối với các hộ thiếu vốn, thiếu hiểu biết thì càng không có khả năng tự làm tất cả các khâu này.

Về các mặt mạnh và yếu của kinh tế hộ, có thể kết luận rằng: kinh tế hộ là một thực thể tổ chức kinh tế khách quan, tồn tại lâu dài trong sản xuất nông nghiệp và trong các hoạt động kinh tế khác ở nông thôn, nhưng không thể phát triển đơn độc, giữ nguyên quy mô nhỏ mà đòi hỏi ngày càng tăng về quy mô chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Để hộ nông dân tự chủ sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì:

- Kinh tế hộ nông dân cần có sự hỗ trợ của nhà nước.

- Kinh tế hộ nông dân tất yếu cần phải có sự liên kết hợp tác giữa các hộ với nhau, cũng như các thành phần kinh tế khác đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến nông sản.

- Các hộ nông dân phải biết sử dụng hiệu quả những điều kiện thuận lợi do các chính sách vĩ mô của nhà nước đem lại để phát triển kinh tế.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÁC HÌNH THỨC LIÊN KẾT VỚI HỘ NÔNG DÂN TRỒNG RAU NGUYÊN LIỆU CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHẾ BIẾN THỰC PHẨM XUẤT KHẨU G.O.C LẠNG GIANG BẮC GIANG (Trang 27 - 28)