Các kết luận sư phạm rút ra từ LTTH

Một phần của tài liệu Vận dụng lý thuyết tình huống vào dạy học phương trình và hệ phương trình chương trình lớp 10 ở trường phổ thông luận văn thạc sỹ (Trang 39 - 41)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.11. Các kết luận sư phạm rút ra từ LTTH

Từ sự phân tích ở trên chúng ta có thể rút ra những kết luận sư phạm về việc vận dụng LTTH vào dạy học môn Toán. Những kết luận mà chúng tôi trình bày sau đây được dẫn ra từ [10] :

Kết luận 1: Thầy giáo nói chung không được dạy nguyên dạng tri thức khoa học hay tri thức chương trình mà phải chuyển hóa tri thức chương trình thành tri thức dạy học. Nắm vững tri thức khoa học là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để đảm bảo kết quả dạy học.

Kết luận 2 : Trong dạy học, vai trò của thầy giáo thể hiện ở hai khâu trái ngược nhau : ủy thác và thể chế hóa.

Muốn ủy thác, thầy giáo phải hoàn cảnh hóa lại, thời gian hóa lại và cá nhân hóa lại tri thức chương trình để chuyển tri thức chương trình thành tri thức dạy học.

Muốn thể chế hóa một kiến thức, thầy giáo phải giúp học trò phi hoàn cảnh hóa, phi thời gian hóa và phi cá nhân hóa lại kiến thức đó, chuyển hóa kiến thức đó thành một tri thức quy định trong chương trình.

Kết luận 3 : Điều cốt yếu của phương pháp dạy học theo LTTH là việc thiết lập được môi trường có dụng ý sư phạm để người học có thể học tập trong hoạt động, học tập bằng thích nghi.

Kết luận 4 : Kiến thức mới được hình thành dựa trên những kiến thức cũ và có khi chống lại những kiến thức cũ sơ khai, địa phương và bộ phận.

Kết luận 5 : Tình huống tiền sư phạm giúp nghiên cứu quá trình học sinh kiến tạo một tri thức nào đó, cho thấy sự diễn biến của quá trình nhận thức của học sinh và những mắt xích mà giáo viên cần phải tác động, từ đó có thể đưa ra các cách tác động hợp lý để hình thành nên một phương án dạy học có hiệu quả nhất.

Kết luận 6 : Trong dạy học, cùng với việc tạo những tình huống hành động, cần tổ chức cả những tình huống giao lưu để học sinh có nhu cầu trao đổi thông tin trong quá trình giải quyết vấn đề và những tình huống xác nhận để kiếm chứng lại kiến thức.

Kết luận 7 : Những tình huống sư phạm mà hạt nhân là tình huống tiền sư phạm, có dự kiến một hệ thống giúp đỡ phân bậc được thực hiện với sự kiềm chế tối đa tác động của giáo viên, là phương tiện quan trọng để tổ chức cho học sinh học tập trong hoạt động và bằng hoạt động.

Kết luận 8 : Nghĩa của một tri thức được hình thành từ những tình huống để người học hoạt động và thích nghi với môi trường, nhờ đó tri thức được kiến tạo vừa như phương tiện vừa như kết quả kết quả của hoạt động và thích nghi.

Kết luận 9 : Thầy giáo cần có ý thức về những hợp đồng sư phạm tường minh cũng như ẩn tàng để quản lý học tập và phát hiện nguyên nhân một số sai lầm của học sinh.

Kết luận 10 : Trong dạy học, thầy giáo cần tránh làm nảy sinh những chướng ngại sư phạm và cần biết dự kiến những chướng ngại không tránh được và xây dựng những tình huống xóa bỏ những chướng ngại không tránh được đó.

Các kết luận sư phạm trên đây phần nào làm rõ hơn ý nghĩa thực tiễn của LTTH, mở ra khả năng áp dụng lý thuyết này vào thực tiễn dạy học. Chúng còn cung cấp một số tư tưởng, quan điểm mới về lý luận dạy học để giáo viên thêm một cách nhìn mới vào quá trình dạy học, vào vốn tri thức lý luận dạy học đã biết.

Những kết luận trên đây cho thấy, chúng được rút ra không chỉ đơn thuần từ LTTH mà còn từ một số lý thuyết như Lý thuyết hoạt động, Lý thuyết kiến tạo,v.v...Điều này chứng tỏ khả năng kết hợp giữa các Lý thuyết dạy học này với nhau để tạo ra những phương án dạy học mang tính hiệu quả cao trong thực tế dạy học.

Một phần của tài liệu Vận dụng lý thuyết tình huống vào dạy học phương trình và hệ phương trình chương trình lớp 10 ở trường phổ thông luận văn thạc sỹ (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w