CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT VỀ HÌNH ẢNH, NGÔN NGỮ VÀ THỂ THƠ TRONG THƠ HUY CẬN
3.2.4. Nghệ thuật sử dụng từ Hán Việt
Huy Cận là một nhà thơ hiện đại tuy nhiên ông vẫn luôn tiếp nối mạch thơ
truyền thống của dân tộc, đặc biệt có liên hệ sâu sắc với Đường thi. Trong đó từ
Hán Việt là yếu tố nổi bật biểu hiện sự kế thừa, ảnh hưởng bút pháp thơ ca trung đại trong thơ ông trước cách mạng tháng Tám.
Từ Hán Việt trong thơ Huy Cận giai đoạn trước năm 1945 được sử dụng với tần số cao, đem lại nhiều hiệu quả nghệ thuật độc đáo. Qua khảo sát hai tập thơ Lửa thiêng và Vũ trụ ca, có đến 298 từ Hán Việt xuất hiện. Đây là một tỉ lệ cao bởi lẽ
chữ quốc ngữ mới phổ biến mà trước đó trước đó đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu, các nhà thơđều có ý thức cao trong việc đổi mới ngôn ngữ sao cho uyển chuyển, mềm mại gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của dân tộc, hạn chế sử
dụng từ Hán Việt. Thế nhưng, một nhà Thơ mới như Huy Cận lại tìm về với lớp từ
Hán Việt trang trọng, cổ kính. Điều này cho thấy từ Hán Việt trong thơ Huy Cận có một vị trí quan trọng.
Trước năm 1945, thơ Huy Cận thiên về nội tâm, đó là tiếng thơ trầm lắng, nặng về suy tư nên từ Hán Việt có một vai trò ý nghĩa trong việc tạo nên tính hàm xúc, cô đọng cho lời thơ. Những từ Hán Việt này tạo nên nhiều sắc thái tu từ có ý nghĩa quan trọng trong việc khắc họa cái tôi hoài cổ của nhà thơ.
Trước tiên, từ Hán Việt trong thơ Huy Cận có ý nghĩa tạo nên sắc thái trang trọng cho lời thơ:
“Chiều lại xuống trên lầu cô tịch
Chờ thi nhân đã chết tự ngàn xưa” (Trò chuyện)
Những từ Hán Việt như cô tịch, thi nhân đều là những từ cũ, ít được sử dụng trong
đời sống giao tiếp hằng ngày mà thường được dùng trong các tác phẩm thơ ca. Cô
tịch là cách nói có chút văn chương bác học, nó gợi lên một sự vắng lặng, lẻ loi. Thi
nhân là danh từ để gọi chung nhà thơ một cách trang trọng. Hai từ Hán Việt này không chỉ tạo cho lời thơ thêm trang trọng, thanh nhã, mang đậm âm hưởng Đường thi mà còn có lamg cho lời thơ thêm súc tính và cô đọng. Mọi sự vật hiện tại như đứng lại để nhà thơ thả hồn mình vào những hoài niệm về quá khứ xa xưa.
Từ Hán Việt trong thơ Huy Cận còn có ý nghĩa tạo nên tính khái quát, trừu tượng cao cho sự vật, hiện tượng mà nhà thơ nhắc đến:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp Con thuyền xuôi mái nước song song”
(Tràng giang)
Tràng giang là một cách nói độc đáo và sáng tạo của Huy Cận gợi lên một nét cổ điển như trong thơ xưa. Tràng là âm đọc khác của trường, có nghĩa là dài. Giang là
chỉ dòng sông. Tràng giang có nghĩa sông dài thế nhưng nếu thay thế hai chữ tràng
giang bằng hai từ thuần Việt sông dài thì câu thơ mất đi sắc thái trừu tượng và âm hưởng cổ xưa. Hai từ Hán Việt tràng giang tạo nên một phép điệp âm “ang”, âm
tiết mở này có tác dụng gợi lên hình ảnh một con sông dài, rộng lớn và cổ kính, lâu
đời như tự ngàn xưa chảy về. Nó không phải là con sông cụ thể nào mà có thể là bất cứ con sông nào trên quê hương Việt Nam đã tồn tại qua hằng nghìn năm, gắn bó với tâm thức con người.
Với sắc thái trừu tượng cao, những từ Hán Việt là những đơn vịđo thời gian
đã nhấn mạnh hơn tính hoài niệm của Huy Cận “Người một thuở mà chàng sầu vạn kỉ Sống một đời chàng tưởng vọng muôn năm Gió trăng ơi! Chắc nới chỗ chàng nằm Chăn chiếu mục đã nở màu vĩnh viễn” (Mai sau)
Những đơn vị đo thời gian như vạn kỉ, vĩnh viễn gợi một khoảng thời gian dài nhưng không xác định được cụ thể. Những từ Hán Việt được đặt vào cuối dòng thơ
dễ gây nên một tiếng vọng trong lòng người đọc, đồng thời còn tô đậm lên sự hoài cổ của nhà thơ.
Không chỉ thế, những từ Hán Việt mang sắc thái trừu tượng, khái quát còn
được Huy Cận dùng nhiều để miêu tả thiên nhiên để gợi lên không gian bao la, mênh mông, bát ngát của vũ trụ:
“Trùng quan mây trắng thao thao
Non xanh bất diệt thương sao tấm lòng
Thái bình sông núi cảm thông
Cho người tơ tưởng miền trong cõi ngoài” (Cảm thông)
Những từ Hán Việt trùng quan, bất diệt, thái bình đều là những thực từ, có sắc thái biểu cảm cao. Những từ Hán Việt này có một ý nghĩa trừu tượng, khái quát cao
chúng làm cho câu thơ ngắn gọn nhưng tính hàm xúc và cô đọng rất cao, gợi cho lên một vũ trụ bao la, im lìm và tĩnh tại.
Bên cạnh tạo ra những sắc thái tu từ có tính hàm súc, cô đọng cao từ Hán Việt trong thơ Huy Cận còn có một tác dụng vô cùng qua trọng trong việc tô đậm phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận trước năm 1945. Huy Cận là một nhà thơ nặng về suy tư và tâm tưởng, thơ ông luôn gắn liền với ý niệm có tính hoài cổ xa xưa. Thể hiện điều này trong tác phẩm của mình, từ Hán Việt như một công cụ đắc lực, chiếm một ưu thế cao. Với những đặc trưng riêng thiên về miêu tả những cảnh tĩnh, hùng vĩ, trừu tượng có tính khái quát cao, thích hợp diễn tả thế giới tinh thần của con người, tạo nên sắc thái cổ kính, trang trọng từ Hán Việt đã góp phần tô đậm thêm tính cổđiển, hoài niệm trong phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận, tạo nên một nét riêng của Huy Cận so với những nhà Thơ mới cùng thời.
Có thể nói, từ Hán Việt trong thơ Huy Cận đã mang lại những giá trị nội dung và hiệu quả nghệ thuật cao. Chúng không chỉ tạo nên một sự cổ kính, trang trọng, làm cho lời thơ tăng thêm tính cô đọng và hàm súc mà còn là yếu tố nhấn mạnh phong cách cổđiển mang đậm bút pháp Đường thi của Huy Cận. Đồng thời, chúng cũng là một biểu hiện kế thừa tinh hoa thơ ca truyền thống trong thơ Huy Cận trước năm 1945.
Tóm lại, ngôn ngữ trong thơ Huy Cận giai đoạn trước năm 1945 vừa mang tính dân tộc đậm đà vừa mang vẻ đẹp hiện đại. Qua hệ thống ngôn ngữ trong thơ
Huy Cận, có thể nhận thấy một “Huy Cận không có sôi nổi, mãnh liệt như Xuân Diệu, cũng không có giọng thơ bay bỗng, tràn đầy nhiệt huyết như Tố Hữu, ông đến với đời bằng tiếng thơ trầm lắng, ân tình, thấm thía tình người, tình đời và tình yêu cuộc sống” [21, tr. 179]. Chính những điều ấy đã góp phần làm nên một Huy Cận rất riêng, làm cho lời thơ như có thêm ma lực kỳ diệu tác động mạnh mẽ đến bao trái tim người đọc.