Đặc điểm của quan hệ pháp luật

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 41 - 43)

II. Quan hệ pháp luật 1 Khái niệm, đặc điểm

1.2. Đặc điểm của quan hệ pháp luật

Quan hệ pháp luật có những đặc điểm cơ bản sau đây:

- Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội có ý chí: Quan hệ pháp luật xuất hiện do ý chí của con người. Các quan hệ này không ngẫu nhiên hình thành mà phải qua hành vi có ý chí của một hoặc nhiều chủ thể.

Có những quan hệ pháp luật mà sự hình thành đòi hỏi thể hiện ý chí của hai bên tham gia. Chẳng hạn, hợp đồng lao động (quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động); hợp đồng mua bán tài sản (quan hệ giữa người bán tài sản và người mua tài sản).

Cũng có những loại quan hệ pháp luật mà sự hình thành trên cơ sở ý chí của nhà nước. Chẳng hạn, quan hệ pháp luật hình sự hình thành không phải xuất phát từ ý chí của người phạm tội, mà xuất phát từ ý chí của nhà nước.

- Quan hệ pháp luật xuất hiện trên cơ sở các quy phạm pháp luật: Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, các quan hệ sản xuất bằng việc tác động trực tiếp vào quan hệ ý chí, biến các quan hệ ý chí đó thành các quan hệ pháp luật, buộc các bên trong quan hệ ý chí đó có cách xử sự phù hợp với ý chí của của giai cấp thống trị thể hiện trong pháp luật. Do đó, việc lựa chọn quan hệ xã hội nào để điều chỉnh bằng pháp luật phụ thuộc vào ý chí nhà nước.

Ví dụ: Hành vi tạo ra, lan truyền và phát tán các chương trình virus tin học nhưng nếu như hành vi đó được thực hiện trước khi Bộ luật hình sự 1999 có hiệu lực (trước 1/7/2000) thì không bị coi là tội phạm. Nhưng cũng chính hành vi đó mà thực hiện sau ngày Bộ luật hình sự 1999 có hiệu lực (từ 1/7/2000) thì hành vi đó bị xem là phạm vào tội "tạo ra, lan truyền và phát tán các chương trình virus tin học " được quy định tại Điều 224 Bộ luật hình sự 1999. Do đó, hành vi đó bị xem là tội phạm khi nó được điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật như đã nêu.

Một ví dụ khác, ở nước ta hoạt động mại dâm bị pháp luật nghiêm cấm, mọi hành vi vi phạm đều bị nghiêm trị. Tuy nhiên, ở một số nước tư bản (Thái Lan, Hà Lan…) hoạt động này được xem như một nghề được pháp luật công nhận và bảo vệ. Hay quan hệ giữa hai người đàn ông cùng chung sống với nhau, cùng sinh hoạt bằng những thu nhập có được là một dạng quan hệ bạn bè, thuộc phạm trù đạo đức. Nhưng ở một số nước tư bản, khi pháp luật cho phép có hôn nhân giữa người cùng giới tính thì quan hệ như vậy lại trở thành quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình.

- Nội dung của quan hệ pháp luật luôn được cấu thành bởi các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia quan hệ pháp luật. Các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia quan hệ pháp luật có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Thông thường, quyền của bên này lại là nghĩa vụ của mỗi bên khác và ngược lại. Vì vậy, việc thực hiện nghĩa vụ của một bên là sự đảm bảo cho việc thực hiện quyền của một bên khác.

Ví dụ: Trong quan hệ hợp đồng mua – bán tài sản bên bán có nghĩa vụ chuyển giao tài sản và có quyền nhận một khoản tiền theo sự thoả thuận, còn bên mua có nghĩa vụ chuyển giao khoản tiền nói trên và có quyền được nhận

tài sản. Trong mối quan hệ này, chúng ta thấy việc thực hiện nghĩa vụ của một bên là việc thực hiện quyền của bên khác và ngược lại.

- Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia quan hệ pháp luật được đảm bảo bằng sự cưỡng chế nhà nước. Đặc điểm này thể hiện ở chỗ nếu các bên tham gia quan hệ pháp luật không tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình Nhà nước có thể dùng biện pháp cưỡng chế thực hiện. Các cá nhân hay tổ chức vi phạm pháp luật thì phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lý thể hiện trong các chế tài pháp luật.

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 41 - 43)