Khái niệm hệ thống pháp luật

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 68 - 70)

I. Hệ thống pháp luật

1. Khái niệm hệ thống pháp luật

Do nhu cầu quản lý xã hội, nhà nước ngày càng ban hành một khối lượng rất lớn các văn bản pháp luật. Các văn bản pháp luật đó chứa đựng các quy quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung để điều chỉnh quan hệ xã hội cụ thể nhưng chúng không tồn tại một cách rời rạc mà có mối liên hệ hữu cơ với nhau, hợp thành một chỉnh thể thống nhất - một hệ thống pháp luật.

Để làm cơ sở cho việc nhận thức đúng đắn hệ thống pháp luật, trước hết cần phải hiểu “hệ thống” là gì?

Hệ thống được hiểu là một chỉnh thể bao gồm những bộ phận, yếu tố có liên quan mật thiết với nhau được sắp xếp theo một trật tự khách quan và khoa học. Khi xem xét một hệ thống nào đó, một mặt phải xét đến nội dung cấu trúc bên trong của hệ thống đó, để xác định các bộ phận, các yếu tố và những mối liên hệ có tính chất quyết định sự tồn tại và phát triển của nó. Mặt khác, cũng phải đề cập đến hình thức biểu hiện bên ngoài, coi đó là hai mặt của một thể thống nhất, dù có khác biệt nhưng không thể tách rời nhau. Đây là cơ sở cho việc tìm hiểu hệ thống pháp luật.

Theo cách hiểu này, thì hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản do nhà nước ban hành theo những trình tự, thủ tục và hình thức nhất định.

Hệ thống pháp luật là một khái niệm chung bao gồm hai mặt trong một chỉnh thể thống nhất là hệ thống cấu trúc (bên trong) của pháp luật và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

1.1. Hệ thống cấu trúc của pháp luật

Hệ thống cấu trúc của pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại và thống nhất với nhau, được phân thành các chế định pháp luật và các ngành luật.

Hệ thống cấu trúc có ba thành tố cơ bản ở ba cấp độ khác nhau là quy phạm pháp luật, chế định pháp luật và ngành luật.

Quy phạm pháp luật là tế bào, bộ phận cấu thành nhỏ nhất của hệ thống pháp luật. Tất cả các bộ phận cấu thành khác của hệ thống pháp luật đều được hình thành do sự kết hợp của những quy phạm pháp luật. Mỗi quy phạm pháp pháp luật thực hiện vai trò điều chỉnh đối với một quan hệ xã hội nhất định. Sự khác nhau của các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ sự khác nhau của những quan hệ xã hội mà chúng điều chỉnh. Quy phạm pháp luật vừa mang tính khái quát vừa mang tính cụ thể. Tính khái quát của nó thể hiện ở chỗ quy phạm pháp luật là các quy tắc xử sự chung, dùng để áp dụng trên một phạm vi rộng lớn trong một thời gian dài. Tính cụ thể thể hiện ở chỗ đó là các mô hình hành vi đã được chuẩn mực hoá để điều chỉnh các quan hệ xã hội cụ thể.

1.1.2. Chế định pháp luật

Chế định pháp luật là bộ phận ở cấp độ thứ hai của hệ thống pháp luật, bao gồm một nhóm các quy phạm pháp luật có những đặc điểm chung giống nhau điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội cùng loại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Ví dụ, trong pháp luật dân sự, chế định sở hữu bao gồm một nhóm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan chặt chẽ với nhau: quan hệ chiếm hữu, quan hệ sử dụng, quan hệ định đoạt..

1.1.3. Ngành luật

Ngành luật bao gồm hệ thống quy phạm pháp luật có đặc tính chung để điều chỉnh các quan hệ cùng loại trong một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội. Nói chung, để xác định được tính chất, nội dung và phạm vi của mỗi ngành luật phải dựa trên hai căn cứ là đối tượng điều chỉnh (những quan hệ xã hội có đặc điểm cùng loại cần điều chỉnh) và phương pháp điều chỉnh (cách thức tác động vào các quan hệ đó).

1.2. Những căn cứ để xác định ngành luật

Mỗi quốc gia có thể chia hệ thống pháp luật một cách khác nhau. Nhưng nhìn chung, căn cứ để phân chia ngành luật vẫn là sự khác biệt của các lĩnh vực quan hệ xã hội mà tổng thể quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Khoa học pháp lý XHCN dựa trên hai căn cứ khác để phân chia các quy phạm pháp luật thành các ngành luật khác nhau, đó là đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh.

- Đối tượng điều chỉnh của pháp luật là những quan hệ xã hội mà pháp luật hướng tới, tác động tới. Tính chất, nội dung, ý nghĩa của các quan hệ xã hội mà các quy phạm pháp luật điều chỉnh (đối tượng điều chỉnh) là căn cứ có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc phân chia các quy phạm đó thành các hệ thống nhỏ hơn có tên gọi là ngành luật. Trên thực tế, chúng ta thấy mỗi ngành

luật chỉ điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ nhất định. Các quan hệ xã hội được được pháp luật điều chỉnh trong từng lĩnh vực có những đặc thù riêng của mình.

Ví dụ, những quan hệ phát sinh trong lĩnh vực đời sống dân cư khác với những quan hệ trong lĩnh vực hình sự. Những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực dân sự hợp thành ngành luật hôn nhân và gia đình, còn những quy phạm điều chỉnh những quan hệ giữa nhà nước và người phạm tội hợp thành luật hình sự.

Tuy nhiên, trên thực tế có những quan hệ xã hội không phải là đối tượng điều chỉnh của một ngành luật, mà là đối tượng điều chỉnh của hai hoặc nhiều ngành luật. Trong những trường hợp đó nếu chỉ căn cứ vào đối tượng điều chỉnh thì rất khó xác định những quy phạm pháp luật là của ngành luật này hay ngành luật khác. Trong những trường hợp như vậy, người ta dựa vào căn cứ thứ hai để phân định các ngành luật, đó là phương pháp điều chỉnh.

- Phương pháp điều chỉnh là cách thức mà nhà nước sử dụng trong pháp luật để tác động đến cách xử sự của những người tham gia các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, khác với đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh nếu đứng độc lập không thể trở thành căn cứ xác định ngành luật, bởi vì có nhiều ngành luật đều sử dụng một phương pháp chung nhất định. Do vậy, phương pháp điều chỉnh là căn cứ mang tính bổ trợ cho căn cứ đối tượng điều chỉnh để phân định các ngành luật.

Khi điều chỉnh các quan hệ xã hội, mỗi ngành luật có phương pháp điều chỉnh không giống nhau. Chẳng hạn, cùng điều chỉnh các quan hệ về quyền sở hữu, nhưng luật hành chính điều chỉnh bằng phương pháp quyền lực, phục tùng, còn luật dân sự sử dụng phương pháp bình đẳng, tự do thoả thuận, tự nguyện định đoạt.

Như vậy, để phân định các ngành luật, người ta căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh. Trong đó, đối tượng điều chỉnh là căn cứ cơ bản, phương pháp điều chỉnh là căn cứ có tính chất bổ trợ.

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 68 - 70)