Vai trò của quy phạm pháp luật

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 40 - 41)

I. Quy phạm pháp luật 1 Khái niệm, đặc điểm.

4. Vai trò của quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là yếu tố đầu tiên, cơ bản trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và xây dựng hệ thống pháp luật. Không có quy phạm pháp luật, không có thước đo, thì không thể có sự điều chỉnh pháp luật, và do đó, không có cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội. Thông qua quy phạm pháp luật nhà nước quản lý xã hội. Quản lý xã hội, theo góc độ pháp lý, là việc nhà nước dùng quy phạm pháp luật để điều chỉnh hành vi của các thành viên trong xã hội, sao cho khi họ tham gia các quan hệ xã hội phải xử sự thống nhất theo một quy tắc chung, theo ý chí của nhà nước đã được thể hiện trong quy phạm pháp luật. Hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật được coi là “tế bào” của hệ thống pháp luật, là yếu tố cơ bản để xây dựng hệ thống pháp luật của một nhà nước. Pháp luật của một nhà nước là hệ thống các quy phạm pháp luật.

Quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý đảm bảo sự hoạt động của Bộ máy nhà nước. Các cơ quan nhà nước đều phải hoạt động trong phạm vi thẩm quyền được quy định cụ thể bằng những quy phạm pháp luật. Các nhà chức trách, các nhân viên nhà nước phải dựa vào quy phạm pháp luật để thực thi công vụ của mình. Có như vậy họ mới đủ lòng tin để thực hiện đúng chức trách một cách có hiệu quả.

Quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý đối với quyền tự do, quyền dân chủ của công dân, đối với hành vi hợp pháp của con người trong xã hội. Các quy phạm pháp luật tác động lên con người trong quan hệ xã hội trên hai mặt, tác động giáo dục tư tưởng và tác động pháp lý. Tác động giáo dục tư tưởng của quy phạm pháp luật thể hiện tương tự như các biện pháp giáo dục tư tưởng khác. Khi con người biết được những quy định của pháp luật về quyền tự do, quyền dân chủ thì trình độ nhận thức, trình độ văn hóa của họ được nâng cao. Tác động pháp lý của quy phạm pháp luật tạo cho con người sự hiểu biết cần thiết về pháp luật, đồng thời khẳng định những quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ. Để tạo cho con người có kiến thức pháp luật và hiểu biết quyền và nghĩa vụ pháp lý, ngoài việc tiến hành trên ý thức, còn phải thông qua sự điều chỉnh bằng pháp luật đối với quan hệ xã hội. Dựa vào quy phạm pháp luật, nhà nước có khả năng bảo vệ các quan hệ xã hội đã có, tạo điều kiện cho các quan hệ xã hội mới phát sinh có điều kiện phát triển, góp phần thanh toán, loại bỏ các quan hệ xã hội đối lập với xã hội mới.

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 40 - 41)