Thực hiện pháp luật

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 52 - 57)

I. Hành vi pháp luật

2. Thực hiện pháp luật

2.1. Khái niệm

Pháp lụât là một công cụ quản lý xã hội sắc bén, song pháp luật chỉ có thể phát huy được vai trò và những giá trị của mình trong việc duy trì trật tự và tạo điều kiện cho xã hội phát triển khi nó được tôn trọng và thực hiện trong cuộc sống. Vì vậy, thực hiện pháp luật là hoạt động không thể thiếu kể từ khi pháp luật xuất hiện.

Thực hiện pháp luật trước hết là một trong những hình thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Tất cả các nhà nước để có thể tổ chức, quản lý được xã hội đều bắt buộc phải tiến hành xây dựng (ban hành) pháp luật. Ban hành quy phạm pháp luật nhà nước mong muốn sử dụng chúng để điều chỉnh các quan hệ xã hội phục vụ lợi ích và mục đích của nhà nước và xã hội.

Thực hiện pháp luật là hành vi hợp pháp của các chủ thể pháp luật. Pháp luật được đặt ra là để điều chỉnh hành vi của con người, nên việc thực hiện

pháp luật phải thể hiện ở hành vi pháp luật của con người. Bên cạnh đó, việc thực hiện pháp luật là giai đoạn không thể thiếu và vô cùng quan trọng của cơ chế điều chỉnh pháp luật. Thực hiện pháp luật do nhiều chủ thể khác nhau tiến hành với nhiều cách thức khác nhau. Từ đó chúng ta có nêu lên khái niệm về thực hiện pháp luật.

Thực hiện pháp luật là hoạt động có mục đích nhằm hiện thực hoá các quy định của pháp luật, làm cho chúng đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật.

2.2. Các hình thức thực hiện pháp luật

Các quy phạm pháp lụât rất phong phú cho nên cách thức thực hiện chúng cũng rất phong phú và khác nhau, cách thức thực hiện pháp luật của mỗi loại chủ thể pháp luật khác nhau thì khác nhau. Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện pháp luật có thể xác định những hình thức thực hiện pháp luật sau:

- Tuân thủ (tuân theo) pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể kiềm chế, không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm. Các quy phạm pháp luật cấm đoán được thực hiện ở hình thức này.

Ví dụ: Không buôn bán phụ nữ, trẻ em; không vận chuyển, tàng trữ, sử dụng hay mua bán trái phép các chất ma túy; không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác....

- Thi hành (chấp hành) pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Những quy phạm pháp luật bắt buộc được thực hiện ở hình thức này.

Ví dụ: Công dân X phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước; hay hành vi tố giác tội phạm khi biết rõ hành vi phạm tội của một cá nhân nào đó.

- Sử dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền, tự do pháp lý của mình (những hành vi mà pháp luật cho phép chủ thể thực hiện). Những quy phạm pháp luật quy định về các quyền và tự do pháp lý của các tổ chức, cá nhân được thực hiện ở hình thức này. Các quyền và tự do pháp lý là những hành vi mà pháp luật cho phép chủ thể thực hiện nên chủ thể pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện các quyền, tự do đó tùy theo ý chí của mình, chứ không bắt buộc phải thực hiện.

Quyền khiếu nại, tố cáo; Quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm là những ví dụ về sử dụng pháp luật.

- Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể.

Ví dụ: Bản án xét xử của Tòa án về hành vi phạm tội của một cá nhân; Quyết định xử phạt hành chính về hành vi điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ.

Ở hình thức này các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định của pháp luật luôn có sự can thiệp của cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền. Trong một số trường hợp đặc biệt, theo quy định của pháp luật, một số tổ chức xã hội cũng có thể được thực hiện hoạt động này

Nếu như tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật và sử dụng pháp luật là những hình thức mà mọi chủ thể pháp luật đều có thể thực hiện thì áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật chỉ dành cho các cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền. Áp dụng pháp luật được xem là hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, nó vừa là một hình thức thực hiện pháp luật, vừa là một giai đoạn mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tổ chức cho các chủ thể pháp luật khác thực hiện các quy định pháp luật.

2.3. Áp dụng pháp luật

2.3.1. Những trường hợp cần áp dụng pháp luật

Pháp luật tác động vào các quan hệ xã hội, vào cuộc sống đạt hiệu quả cao nhất chỉ khi tất cả những quy định của nó đều được thực hiện chính xác, triệt để. Nhưng nếu chỉ thông qua các hình thức tuân theo pháp luật, thi hành pháp luật và sử dụng pháp luật thì sẽ có rất nhiều quy phạm pháp luật không được thực hiện. Bởi sẽ có những chủ thể không thực hiện hoặc không đủ khả năng tự thực hiện nếu thiếu sự tham gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, hoạt động áp dụng pháp luật cần phải được tiến hành trong các trường hợp sau:

1. Khi cần truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với những chủ thể vi phạm pháp luật hoặc cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với tổ chức hay cá nhân nào đó.

Ví dụ: Công dân A có hành vi phạm tội. Thì cần có hoạt động của Tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác nhằm điều tra, đối chiếu với pháp luật để xét xử, ra bản án trong đó ấn định trách nhiệm hình sự đối với A và buộc A phải chấp hành hình phạt đó.

2. Khi những quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể không mặc nhiên phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt nếu thiếu sự can thiệp của nhà nước.

Ví dụ: Theo quy định của pháp luật thì nam công dân từ 18 đến 25 phải có nghĩa vụ tham gia nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên để phát sinh quan hệ pháp luật giữa nhà nước với công dân X nào đó thì phải có quyết định của cơ nhà nước có thẩm quyền.

3. Khi xảy ra tranh chấp về quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật mà các bên không tự giải quyết được.

Chẳng hạn, tranh chấp giữa các bên tham gia một hợp đồng dân sự về quyền sở hữu nhà ở, quyền thừa kế…

4. Đối với một số quan hệ pháp luật quan trọng mà nhà nước thấy cần thiết phải tham gia để kiểm tra, giám sát hoạt động của các bên tham gia vào

quan hệ đó, hoặc nhà nước xác nhận sự tồn tại của một số sự việc, sự kiện thực tế nào đó.

Chẳng hạn, nhà nước xác nhận di chúc hợp pháp, chứng sinh hay chứng tử cho một người nào đó.

2.3.2 Đặc điểm áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật có một số đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất,áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước.

- Hoạt động áp dụng pháp luật chỉ do những cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền tiến hành. Pháp luật là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng pháp luật thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, khi được nhà nước uỷ quyền một số tổ chức xã hội cũng có thể tiến hành áp dụng pháp luật

- Pháp luật luôn thể hiện ý chí của nhà nước và áp dụng pháp luật cũng vậy. Do đó, ở một chừng mực nhất định áp dụng pháp luật còn mang tính chính trị, phục vụ những mục đích chính trị nhất định.

- Hoạt động áp dụng pháp luật được tiến hành chủ yếu theo ý chí đơn phương của các cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền, không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể bị áp dụng pháp luật. Đồng thời, có tính chất bắt buộc đối với chủ thể bị áp dụng và các chủ thể có liên quan.

Thứ hai, áp dụng pháp luật là hoạt động phải tuân theo những hình thức và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.

Do tính chất quan trọng và phức tạp của áp dụng pháp luật, chủ thể bị áp dụng pháp luật có thể được hưởng những lợi ích nhưng cũng có thể phải chịu những hậu quả bất lợi nghiêm trọng nên trong pháp luật luôn có sự xác định rõ ràng cơ sở, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình áp dụng pháp luật.

Chẳng hạn, để điều tra, truy tố và xét xử một vụ án hành sự thì hoạt động này cần phải tiến hành theo các thủ tục bắt buộc được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.

Thứ ba, áp dụng pháp luật là hoạt động điều chỉnh có tính cá biệt, cụ thể đối với quan hệ xã hội xác định. Đối tượng của áp dụng pháp luật là những quan hệ xã hội cần đến sự điều chỉnh cá biệt, bổ sung trên cơ sở những mệnh lệnh chung trong quy phạm pháp luật. Nói cách khác, quy tắc xử sự có tính chất chung trong quy phạm pháp luật thông qua hoạt động áp dụng pháp luật sẽ được cá biệt hóa một cách chính xác thành mệnh lệnh cụ thể cho mỗi trường hợp cụ thể đối với những chủ thể cụ thể.

Thứ tư, áp dụng pháp luật đòi hỏi tính sáng tạo (sự sáng tạo trong phạm vi quy định của nhà nước). Khi áp dụng pháp luật, các cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền phải nghiên cứu kỹ lưỡng vụ việc, làm sáng tỏ cấu thành pháp lý của nó để từ đó lựa chọn quy phạm, ra quyết định, văn bản áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành. Trong trường hợp pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ thì phải vận dụng một cách sang tạo bằng cách áp dụng tập quán hoặc áp dụng pháp luật tương tự để giải quyết vụ việc.

2.3.3. Văn bản áp dụng pháp luật.

Hình thức thể hiện chính thức chủ yếu của hoạt động áp dụng pháp luật là văn bản áp dụng pháp luật. Với tính cách là một mắt xích của cơ chế điều chỉnh pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật có một số đặc điểm sau đây:

1. Văn bản áp dụng pháp luật do những cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền hoặc tổ chức xã hội được uỷ quyền áp dụng pháp luật ban hành và bảo đảm thực hiện.

2. Văn bản áp dụng pháp luật có tính chất cá biệt, một lần đối với cá nhân, tổ chức cụ thể trong những trường hợp cụ thể.

3. Văn bản áp dụng pháp luật phải hợp pháp (có căn cứ pháp lý) và phù hợp với thực tế. Nó phải được ban hành trên cơ sở các quy định pháp luật cụ thể. Nếu ban hành không phù hợp với các quy định pháp luật thì văn bản áp dụng pháp luật sẽ bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ. Nếu nội dung văn bản không phù hợp với điều kiện thực tế thì nó sẽ khó được thi hành hoặc được thi hành nhưng hiệu quả không cao.

4. Văn bản áp dụng pháp luật phải được thể hiện trong những hình thức pháp lý nhất định như: bản án, quyết định, lệnh…

5. Văn bản áp dụng pháp luật là một yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật, thiếu nó, nhiều quy phạm pháp luật cụ thể không thể thực hiện được.

Căn cứ vào nội dung và nhiệm vụ của văn bản áp dụng pháp luật, có thể chia chúng thành hai loại: văn bản xác định quyền và nghĩa vụ pháp lý theo hướng tích cực và văn bản bảo vệ pháp luật.

Như vậy, văn bản áp dụng pháp luật là văn bản pháp lý cá biệt, mang tính quyền lực do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách hoặc các tổ chức xã hội được nhà nước uỷ quyền ban hành trên cơ sở những quy phạm pháp luật, nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể cụ thể hoặc xác định những biện pháp trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm pháp luật.

2.3.4. Các giai đoạn của quá trình áp dụng pháp luật.

Áp dụng pháp luật là một quá trình phức tạp với sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, để có thể áp dụng một cách chính xác và đạt hiệu quả cao cần tiến hành theo các giai đoạn sau đây:

- Phân tích đánh giá đúng, chính xác các tình tiết, hoàn cảnh, điều kiện của sự việc thực tế đã xảy ra.

Khi có sự đề xuất của các tổ chức, cá nhân hay tự mình nhận thấy sự việc nào đó cần phải áp dụng pháp luật thì các cơ quan hay nhà chức trách có thẩm quyền áp dụng pháp luật phải nghiên cứu, xác định xem sự việc đó có ý nghĩa pháp lý hay không. Nếu thấy cần áp dụng pháp luật thì tiến hành xem xét, phân tích, đánh giá đúng, chính xác tất cả các tình tiết của sự việc, làm sáng tỏ những hoàn cảnh, điều kiện và những sự kiện có liên quan.

Giai đoạn đầu của quá trình áp dụng pháp luật cần phải: + Xác định đặc trưng pháp lý của sự việc.

+ Xác định chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật đối với trường hợp đó. + Nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ những tình tiết, hoàn cảnh, điều kiện của sự việc.

+ Tuân thủ tất cả các quy định mang tính thủ tục gắn với mỗi loại vụ việc.

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(111 trang)
w