II. Bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1 Khái niệm, đặc điểm
3. Các cơ quan nhà nước trong bộ máy nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
3.5.1. Tòa án nhân dân (TAND)
Điều 127 Hiến pháp năm 1992 quy định: “TAND tối cao, các TAND địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Như vậy, trong tổ chức bộ máy nhà nước chỉ TAND mới có thẩm quyền xét xử. Hoạt động xét xử của TAND có những đặc điểm:
- Chỉ có toà án mới có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật.
- Từ kết quả xét xử của TAND mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng các quyền hoặc phải thực hiện những nhiệm vụ nhất định. Bản án, quyết định của TAND mang tính bắt buộc đối với bị cáo hoặc các đương sự cho nên hoạt động xét xử của TAND phải tuân theo những thủ tục, trình tự nghiêm ngặt.
- Việc xét xử của TAND có tính quyết định cuối cùng khi giải quyết các vụ việc pháp lý. Trong nhiều trường hợp, sau khi các cơ quan, tổ chức đã giải quyết nhưng đương sự không đồng ý với cách giải quyết đó và yêu cầu TAND giải quyết, TAND có thể xem xét và quyết định. Quyết định của TAND có thể thay thế cho các quyết định trước đó và quyết định của TAND là quyết định cuối cùng.
- Hoạt động xét xử là một hoạt động sáng tạo của các thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Đây là hoạt động áp dụng pháp luật nhưng là sự áp dụng pháp luật một cách sang tạo, bởi vì khi xây dựng luật các nhà làm luật không dự liệu được hết tất cả những hành vi, tình tiết, hoàn cảnh của từng sự việc cụ thể của từng vụ án. Vì vậy, các thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải nghiên cứu kĩ, toàn diện điều kiện khách quan có liên quan đến những vụ án cụ thể, lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp và phân tích làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật đối với từng vụ án một cách hợp tình, hợp lý, áp dụng các quy phạm pháp luật đúng đắn.