Khái niệm hành vi pháp luật

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 51)

I. Hành vi pháp luật

1.1. Khái niệm hành vi pháp luật

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung hay còn gọi là các quy tắc hành vi, là tiêu chuẩn của hành vi con người. Pháp luật được ban hành là để điều chỉnh các quan hệ xã hội, cụ thể hơn là điều chỉnh hành vi của con người. Hành vi là những phản ứng, cách ứng xử được biểu hiện ra bên ngoài của con người trong những hoàn cảnh, điều kiện nhất định. Mỗi hành vi đều được hình thành trên cơ sở nhận thức và kiểm soát của chủ thể, nghĩa là chủ thể ý thức được và chủ động thực hiện nó. Những hoạt động của con người trong trạng thái vô thức không thể coi là hành vi. Hành vi phải được biểu đạt ra bên ngoài bằng những phương thức khác nhau (hành động hoặc không hành động), nghĩa là nó phải thể hiện trong thế giới khách quan thông qua những thao tác hành động hoặc không hành động của chủ thể và các chủ thể khác có thể nhận biết được điều đó.

Tùy theo tính chất, đặc điểm và những lĩnh vực thể hiện của hành vi con người mà xã hội đặt ra những tiêu chuẩn, những công cụ điều chỉnh chúng khác nhau. Những hành vi nào của con người được pháp luật quy định, điều chỉnh thì được xem là hành vi pháp luật.

Hành vi pháp luật luôn gắn liền với các quy định của pháp luật. Những hành vi không được pháp luật quy định, điều chỉnh thì không phải là hành vi pháp luật (hành vi liên quan đến đạo đức, tình cảm…).

Chủ thể hành vi pháp luật phải là những người có khả năng nhận thức, xác lập, kiểm soát được hoạt động của bản thân. Khả năng này do pháp luật quy định phụ thuộc vào độ tuổi và năng lực lý trí của chủ thể . Những người không có khả năng nhận thức hay điều khiển được hoạt động của bản thân thì không được coi là chủ thể hành vi pháp luật.

Hành vi pháp luật có thể thực hiện bằng hành động như thông qua cử chỉ, lời nói…hoặc không hành động nhưng phải được biểu hiện ra bên ngoài, nghĩa là có thể nhìn thấy, nghe thấy, nhận thức được hành động hay không hành động đó.

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 51)