Chủ thể của thủ tục hành chính gồm: chủ thể thực hiện thủ tục hành chính và chủ thể tham gia thủ tục hành chính.
Chủ thể thực hiện thủ tục hành chính là chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước tiến hành các thủ tục hành chính, bao gồm các cơ quan, cán bộ công chức nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân được nhà nước trao quyền quản lý trong trường hợp cụ thể do pháp luật quy định.
Cơ quan hành chính nhà nước là cơ quan có chức năng quản lý hành chính nhà nước nên trong hầu hết các hoạt động của mình cơ quan hành chính nhà nước nhân danh quyền lực nhà nước thực hiện hoạt động quản lí. Những hoạt động này thực hiện theo thủ tục hành chính. Khi đó cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể thực hiện thủ tục hành chính. Các chủ thể này thực hiện nhiều thủ tục hành chính khác nhau.
Trong nhiều trường hợp, những thủ tục hành chính này được các cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp thực hiện. Các cán bộ, công chức khi đó là chủ thể thực hiện thủ tục hành chính.
Khả năng trở thành chủ thể thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan, cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước phụ thuộc vào thẩm quyền do pháp luật quy định.
Cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức của cơ quan hành chính nhà nước cũng là chủ thể tham gia thủ tục hành chính. Chẳng hạn, là chủ thể tham gia thủ tục thanh tra, kiểm tra khi là đối tượng thanh tra, kiểm tra; là chủ thể tham gia thủ tục khiếu nại khi hành vi hành chính, quyết định hành chính của họ bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại lên cấp trên.
Ngoài ra, các cơ quan đó còn có quyền quản lý hành chính nhà nước trong trường hợp cụ thể do pháp luật quy định và khi đó đương nhiên là chủ thể thực hiện thủ tục hành chính.
Ví dụ: Thẩm phán chủ toạ phiên tòa là chủ thể thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính khi xử phạt người có hành vi cản trở, gây rối trật tự tại phiên toà.
Tổ chức, tổ chức kinh tế vốn không được sử dụng quyền lực nhà nước nên trong hầu hết các thủ tục hành chính họ chỉ là chủ thể tham gia. Ví dụ, tham gia thủ tục xin phép thành lập, xin phép tiến hành một số hoạt động như hoạt động xuất nhập khẩu hay khi bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cá nhân, bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, cũng như các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, thường là các chủ thể tham gia thủ tục hành chính. Khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, cá nhân tham gia những thủ tục hành chính như thủ tục khiếu nại, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính…Trong trường hợp cụ thể do pháp luật quy định, cá nhân là chủ thể thực hiện thủ tục.
III. Trách nhiệm hành chính
1. Khái niệm
Khi một tổ chức hay cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, về nguyên tắc nhà nước sẽ buộc họ phải gánh chịu những hậu quả bất lợi nhất định. Việc làm này nhằm mục đích khôi phục lại trật tự pháp luật đã bị xâm phạm, đồng thời giáo dục tổ chức, cá nhân vi phạm cũng như toàn thể cộng đồng ý thức tuân thủ pháp luật. Hậu quả pháp lý bất lợi mà tổ chức, cá nhân vi phạm phải gánh chịu thể hiện ở việc họ bị buộc phải thực hiện các biện pháp chế tài đã được quy định trong pháp luật.
Tương ứng với mỗi loại vi phạm pháp luật là một hình thức trách nhiệm pháp lý nhất định. Trách nhiệm hành chính được đặt ra đối với tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm hành chính.
Vì vậy, trách nhiệm hành chính là một loại trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà nhà nước buộc các tổ chức, cá nhân gánh chịu khi họ thực hiện vi phạm hành chính.
2. Trách nhiệm hành chính có các đặc điểm sau đây:
- Trách nhiệm hành chính của cá nhân, pháp nhân không phụ thuộc vào việc đã gây thiệt hại hoặc chưa gây thiệt hại.
- Chủ thể chịu trách nhiệm hành chính có thể là cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật.