Công tác xây dựng pháp luật và hệ thống hoá pháp luật 1 Xây dựng pháp luật

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 79 - 81)

I. Hệ thống pháp luật

5. Công tác xây dựng pháp luật và hệ thống hoá pháp luật 1 Xây dựng pháp luật

Xây dựng pháp luật là một trong những hoạt động cơ bản nhất của nhà nước. Đó là hoạt động soạn thảo và ban hành các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nhà chức trách), các tổ chức xã hội khi được nhà nước trao quyền.

Để có được những văn bản pháp luật tốt và có chất lượng cần phải:

- Nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc các quy luật, hiện tượng xã hội, kinh tế, chính trị, tư tưởng để từ đó rút ra những giá trị chuẩn mực từ trong nhu cầu của xã hội.

- Nghiên cứu động thái các hành vi pháp luật trong đó có hành vi hợp pháp và hành vi không hợp pháp để từ đó có thể dự kiến được diễn biến của các hành vi đó trong tương lai.

- Phân tích, đánh giá đúng hiệu lực và hiệu quả của việc điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng các quy phạm và chế định hiện hành.

- Nghiên cứu kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật các quan hệ xã hội cùng loại của các nước khác trên thế giới.

Các giai đoạn trong quá trình xây dựng pháp luật:

Giai đoạn thứ nhất là đề xuất yêu cầu ban hành một văn bản pháp luật mới hoặc sửa đổi một văn bản pháp luật hiện hành.

Giai đoạn thứ hai là soạn thảo dự án văn bản pháp luật. Việc soạn thảo dự án luật bao gồm soạn thảo văn bản, thảo luận sơ bộ và lấy ý kiến các cơ quan và cá nhân cần thiết về văn bản đó. Sau đó dự án đã soạn thảo cùng những luận chứng cần thiết về nó được chính thức trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định.

Giai đoạn thứ ba là thảo luận và thông qua dự án văn bản pháp luật. Đây là giai đoạn quan trọng nhất và là giai đoạn có tính quyết định của quá trình xây dựng pháp luật.

Giai đoạn thứ tư, đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình xây dựng pháp luật là công bố văn bản pháp luật mới ban hành.

Hoạt động xây dựng pháp luật phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định, đó là: Nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; Nguyên tắc khách quan; Nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Cùng với quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, đổi mới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chúng ta thực hiện một cuộc cải cách lớn trong bộ máy nhà nước. Tình hình mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hơn nữa sự điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội.

5.2. Hệ thống hóa pháp luật

Công tác hệ thống hoá pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng cho phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có sự nhìn nhận tổng quát đối với pháp luật hiện hành, phát hiện những điểm không phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và những lỗ hổng của hệ thống pháp luật để từ đó có biện pháp khắc phục, hoàn thiện.

Hệ thống hoá pháp luật cũng phục vụ trực tiếp cho việc giáo dục nâng cao ý thức pháp luật, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của mọi chủ thể pháp luật.

Hệ thống hoá pháp luật có mục đích:

- Tạo ra một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cân đối, hoàn chỉnh, thống nhất, trong đó vai trò của các đạo luật ngày càng quan trọng đối với sự điều chỉnh các quan hệ xã hội.

- Khắc phục tình trạng lỗi thời, mâu thuẫn và những lỗ hổng của hệ thống pháp luật.

- Làm cho nội dung pháp luật phù hợp với những yêu cầu của đời sống, có hình thức rõ ràng, dễ hiểu, tiện lợi cho việc sử dụng.

Khoa học pháp lý xã hội chủ nghĩa phân biệt hai hình thức hệ thống hoá pháp luật, đó là: tập hợp hoá và pháp điển hóa.

Tập hợp hoá là sắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật, các quy phạm pháp luật riêng biệt theo một trình tự nhất định (theo cơ quan ban hành, theo thời gian ban hành, theo cấp độ hiệu lực pháp lý…). Hình thức hệ thống hoá này không làm thay đổi nội dung văn bản, không bổ sung những quy định mới mà chỉ nhằm loại bỏ những quy phạm đã hết hiệu lực hoặc mâu thuẫn với văn bản cấp trên.

Pháp điển hoá là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó không những tập hợp các văn bản đã có theo một trình tự nhất định, loại bỏ những quy phạm lỗi thời, mâu thuẫn mà còn thêm những quy phạm mới để thay thế cho các quy phạm đã bị loại bỏ và khắc phục những chỗ trống được phát hiện trong quá trình tập hợp văn bản, sửa đổi các quy phạm hiện hành, nâng cao hiệu lực pháp lý của các văn bản đó. Kết quả của công việc pháp điển là một văn bản quy phạm pháp luật mới ra đời, có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc rộng hơn, tổng quát hơn về phạm vi điều chỉnh, hoàn chỉnh hơn về kỹ thuật lập pháp.

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT (Trang 79 - 81)